Để giá trị văn hóa ở Tiên Phước không mai một
Đợt sưu tầm những hiện vật văn hóa dân gian, lịch sử cách mạng do Phòng VH-TT huyện Tiên Phước thực hiện mới đây đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng, hiến tặng của đông đảo nhân dân.
Trong thời gian 15 ngày, chị Nguyễn Thị Kim Thiện (cán bộ Phòng VH-TT huyện Tiên Phước) cùng một cán bộ làm công tác bảo tàng bảo tồn của tỉnh đã đi đến 6 xã của huyện để sưu tầm những hiện vật văn hóa dân gian, lịch sử cách mạng. Chị cho biết: “Thời gian đi không dài, địa bàn cũng còn hẹp nhưng hiện vật chúng tôi sưu tầm được đã lên con số 100. Điều này chứng tỏ hiện vật trong dân vẫn còn rất nhiều; nếu có thời gian và kinh phí, thêm nhiều chuyến đi như thế này sẽ giúp rất nhiều cho việc nghiên cứu nền văn hóa dân gian cũng như những giá trị lịch sử cách mạng thông qua những hiện vật và câu chuyện được người dân lưu giữ”.
Mỗi lần sưu tầm được một hiện vật quý, chị Thiện nâng niu, giữ gìn cẩn thận để mang về một cách nguyên vẹn. Những nơi được chị chọn đến là những gia đình có truyền thống cách mạng, gia đình xưa là địa chủ, những gia đình sống lâu năm tại địa phương không thay đổi chỗ ở. Sự tận tình của người dân ở những nơi chị đến đã giúp rất nhiều cho công việc sưu tầm hiện vật. Hầu hết những hiện vật được người dân lưu giữ là những vật dụng dùng trong quá trình lao động sản xuất, phục vụ cho đời sống, phục vụ cho cách mạng hoặc những vật dụng dùng trong cưới hỏi...
Chị Thiện giới thiệu những tài liệu và vật cổ đã được đoàn sưu tầm được.
Gia đình ông Nguyễn Lợi (thôn 10, xã Tiên Thọ, Tiên Phước) đã lưu giữ một mâm gỗ được chạm khắc bởi những người thợ mộc Văn Hà. Mâm gỗ này ông đã dùng để dọn cơm cho những cán bộ cách mạng và bộ đội Sư 2 dùng trong những ngày ông nuôi giấu cách mạng. Bây giờ, ông Lợi không dùng cái mâm gỗ ấy nhưng vẫn giữ nó như một vật quý của gia đình, và giao lại cho Phòng VH-TT huyện phục vụ công việc nghiên cứu văn hóa. Ông Đoàn Thanh (thôn 2, xã Tiên Phong, Tiên Phước) từng tham gia dân công, còn lưu giữ nhiều hiện vật do ông tự chế trong quá trình tham gia cách mạng. Khi chị Thiện đến nói là đi sưu tầm hiện vật, ông kiên quyết không cho bất cứ thứ gì. Nhưng sau khi nghe ý nghĩa của việc sưu tầm này, vật dụng nào còn lưu giữ trong nhà ông đem ra tặng hết.
Khi đến lò chén Phú Lâm xưa (thôn 4, xã Tiên Sơn, Tiên Phước), đoàn đã sưu tầm được khá nhiều chén, đĩa, tô bằng sành sứ của lò chén còn được các gia đình cất giữ; qua nhiều năm rồi nhưng nước men vẫn còn sáng bóng. Ông Mai Văn Sơ (thôn 4, xã Tiên Lộc, Tiên Phước) đã tặng cho đoàn hai hiện vật quý là đỉnh xông trầm và cuốn sách nghiên cứu thiên văn cổ. Hai hiện vật này đã có người đến hỏi mua nhưng ông Sơ không bán. Nay biết được ý nghĩa của việc sưu tầm, ông không ngần ngại tặng cho địa phương. “Còn rất nhiều tấm lòng của những người dân mà tôi không thể kể hết ra đây, nếu không có sự đồng tình của họ thì chúng tôi khó hoàn thành nhiệm vụ” - chị Thiện nói.
Những hiện vật được mang về Phòng VH-TT huyện, nhưng vẫn còn ở trong kho, đợi kinh phí để xử lý, thẩm định lý lịch và chờ một không gian trưng bày. Chị Thiện cho biết, dự kiến trong tháng 7, Phòng VH-TT Tiên Phước sẽ tổ chức một đợt điều tra, sưu tầm những hiện vật dân tộc học và văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Đặng Công Dung, Trưởng phòng VH-TT huyện Tiên Phước cho biết: “Là những người làm công tác văn hóa, chúng tôi rất tâm huyết với việc sưu tầm và lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể cũng như phi vật thể đang còn tồn tại trong dân gian.
Nếu không có việc sưu tầm, gìn giữ và phổ biến thì những giá trị đó sẽ bị mai một, mất đi. Tôi nghĩ ngành văn hóa nên có kế hoạch đầu tư kinh phí hằng năm để các huyện có điều kiện sưu tầm hiện vật, giá trị văn hóa. Đồng thời, huyện nên sớm có không gian trưng bày để giới thiệu, giáo dục truyền thống của địa phương thông qua những hiện vật. Đặc biệt là thanh niên, học sinh, giới trẻ cần được biết và hiểu về những giá trị văn hóa, cách mạng của thế hệ trước”.
Diễm Lệ - Báo Quảng Nam