Đề án Phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí: Hiệu quả điều trị tại cộng đồng
Sau hơn một năm triển khai thí điểm, Đề án Phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí được thực hiện tại huyện Tiên Phước đã mang lại những hiệu quả đáng mừng, người bị bệnh tâm thần và thân nhân của họ đã được hỗ trợ tích cực.
Hiệu quả từ thí điểm
Có mặt tại buổi sơ kết thực hiện thí điểm đề án, ông Trần Thế Chinh - anh trai của bệnh nhân Trần Năng (thôn An Tây, thị trấn Tiên Kỳ) không ngần ngại chia sẻ trường hợp của em trai mình. Ông Chinh cho biết, em trai ông bị bệnh tâm thần đã 20 năm, không biết bao lần huyện Tiên Phước hỗ trợ cho gia đình đưa ông Năng đi điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh, rồi Bệnh viện Tâm thần Hòa Khánh (Đà Nẵng). Hết ở bệnh viện thì em ông được đưa về điều trị tại nhà, uống thuốc cầm chừng nhưng bệnh không thuyên giảm.
“Khi được đề án chọn hỗ trợ, cho tập huấn, tôi mới hiểu được kỹ năng chăm sóc người tâm thần như thế nào. Uống thuốc chỉ là một phần thôi, điều quan trọng là biết cách giúp người bệnh hòa nhập cộng đồng, phải biết tác động về tình cảm, tâm lý thì mới hiệu quả được. Như em tôi, trước kia lúc lên cơn thì đập phá, đánh người, đi lang thang; sau nhờ có sự hỗ trợ của đề án, đến nay theo tôi bệnh đã giảm đến 80% rồi. Em tôi giờ đã biết giúp mẹ nấu ăn, biết nấu nước tắm, giặt đồ cho mẹ, không còn như trước nữa” - ông Chinh nói.
Người bị bệnh tâm thần ở Tiên Phước được Đề án Phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí trợ giúp điều trị. Ảnh: D.L |
Về cách làm theo nội dung đề án, ông Chinh chia sẻ rằng, tưởng khó mà thật ra không khó. Ông Chinh ví dụ, trước đây khi nhà có đám giỗ, thường tách em trai ra, không dám cho ngồi chung vì sợ quậy phá. Khi tham gia đề án, được tập huấn, hiểu được yếu tố quan trọng trong ứng xử với người tâm thần, ông đã giải thích để mọi người xung quanh không phân biệt kỳ thị, gần gũi nói chuyện, ngồi chung bàn ăn... dần tạo điều kiện để em trai ông hòa nhập cộng đồng tốt hơn.
Ông Nguyễn Xuân Hậu - Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Quảng Nam cho biết, ngoài cán bộ, y bác sĩ của trung tâm, đội ngũ cán bộ y tế, cộng tác viên xã hội ở các xã, thị trấn đã giúp đỡ đắc lực cho đơn vị trong quá trình thực hiện đề án. Trung tâm đã mời giảng viên có kinh nghiệm trong tư vấn chăm sóc sức khỏe tâm trí truyền đạt, tư vấn cho cán bộ, cộng tác viên, thân nhân người bệnh nâng cao kiến thức, kỹ năng để phát hiện, can thiệp kịp thời, phòng ngừa sớm cho người bị rối nhiễu tâm trí có nguy cơ bị tâm thần, kiến thức về chăm sóc và phục hồi chức năng cho người bị bệnh tâm thần đúng. Những thắc mắc của gia đình về cách chăm sóc, quản lý, điều trị bệnh cho người tâm thần tại cộng đồng được cán bộ, y bác sĩ của trung tâm giải đáp, tư vấn rất kỹ.
Còn nhiều khó khăn
Đề án Phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí được thực hiện thí điểm tại huyện Tiên Phước, theo Quyết định số 2338 ngày 3.8.2018 của UBND tỉnh, giao Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Quảng Nam thực hiện. Đề án nhằm hỗ trợ gia đình có người bị bệnh tâm thần, rối nhiễu tâm trí tại cộng đồng được tư vấn điều trị, cấp thuốc điều trị, với các nội dung: bồi dưỡng kiến thức chăm sóc người bị bệnh tâm thần cho người thân trong gia đình; can thiệp trị liệu tâm lý, hỗ trợ phục hồi chức năng cho người tâm thần tại cộng đồng; tư vấn, kết nối và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người rối nhiễu tâm trí và gia đình có người tâm thần, rối nhiễu tâm trí... |
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thí điểm tại Tiên Phước, việc triển khai đề án bộc lộ một số khó khăn vướng mắc cần xử lý trước khi triển khai đại trà.
Trong đó, nội dung đề án có nhiều điểm mới nên cán bộ, y bác sĩ của Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Quảng Nam gặp không ít khó khăn về cách thức, phương pháp tổ chức và thực hành chuyên môn. Nguồn lực thực hiện thí điểm còn hạn chế, nên thời gian từ tháng 9.2018 đến tháng 11.2019 đề án chỉ hỗ trợ khám, tư vấn trị liệu tâm lý, hỗ trợ thuốc cho 50 người bị bệnh tâm thần của thị trấn Tiên Kỳ và các xã Tiên Châu, Tiên Cảnh; ngoài ra, khi thu thập thông tin và lập hồ sơ quản lý đối tượng tâm thần, trung tâm can thiệp trị liệu, hỗ trợ thuốc miễn phí thêm cho 18 người tâm thần nặng và 2 trẻ em bị bệnh động kinh. Trong khi đó, ngoài 21 trường hợp đang được điều trị tại trung tâm, trên địa bàn huyện Tiên Phước có đến 471 người bị bệnh tâm thần đang ở trong cộng đồng. Ông Nguyễn Xuân Hậu nhìn nhận, vì nguồn kinh phí hạn hẹp nên Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Quảng Nam chưa giúp được nhiều hơn các trường hợp bị bệnh tâm thần, rối nhiễu tâm trí của Tiên Phước.
Bà Lưu Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, hiện nay toàn tỉnh có 8.628 người bị bệnh tâm thần các thể, trong đó có 592 người bị bệnh tâm thần đặc biệt nặng. Tỉnh đã phê duyệt đề án mở rộng Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Quảng Nam nhưng cũng chỉ có thể tiếp nhận số ít so với nhóm đối tượng bị bệnh nặng và đặc biệt nặng đến 7.433 người. Về hướng lâu dài, các trung tâm công tác xã hội của tỉnh có đủ điều kiện cũng sẽ thực hiện chức năng trị liệu cho người tâm thần thể nhẹ, để ngăn ngừa, phòng những người tâm thần thể nhẹ chuyển sang thể nặng hay đặc biệt nặng.
“Đề án Phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí triển khai thí điểm tại Tiên Phước đã phát huy hiệu quả, Sở LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục có đề án tổng thể trong toàn tỉnh để trình UBND tỉnh xem xét. Nếu đề án thực hiện trị liệu tại cộng đồng hiệu quả thì tác dụng sẽ tốt hơn vì có gia đình, người thân ở bên động viên, giúp đỡ họ hòa nhập cộng đồng” - bà Ngọc nói.
Diễm Lệ - Báo Quảng Nam