Đề án phát triển KTV gắn với du lịch: Chờ một sự đổi thay
Người dân đang mong chờ một sự đổi thay khi Đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại (KTV-KTTT) gắn với du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng của huyện Tiên Phước được triển khai. Cốt lõi của đề án là huy động nguồn lực đầu tư ở nhân dân và doanh nghiệp, Nhà nước chỉ vào cuộc hỗ trợ nên rất cần tinh thần cộng đồng trách nhiệm.
Cần tổ chức quy củ
Sở hữu ngôi nhà cổ trên 150 năm tuổi, ông Đồng Viết Mão (làng cổ Lộc Yên, xã Tiên Cảnh, Tiên Phước) thường xuyên đón khách tới thăm. “Đó là niềm vinh hạnh khi ngôi nhà của tôi được nhiều người biết đến, nhưng lâu dần lại thấy hơi phiền. Nghĩ mà xem, khách đến tôi phải tiếp đón, rồi họ hỏi đủ thứ về nhà cổ tôi phải trả lời. Chẳng lẽ khách đến đóng cửa đi thì đâu phải đạo. Mãi như thế nhưng không mang lại lợi ích gì tôi cũng mệt. Làm du lịch, chúng tôi rất đồng tình ủng hộ. Nhưng làm sao cho bài bản, có người đứng ra tổ chức, thuyết minh, có đoàn có tour. Rồi người dân tại chỗ phục vụ du lịch cũng phải có lợi ích, chứ họ không thể bỏ công bỏ việc phục vụ rồi lấy chi lo cho gia đình. Tôi cũng được tham quan một số nơi làm du lịch, mình phải làm được như họ rứa”.
Với người dân của làng cổ Lộc Yên, hai chữ “du lịch” đã được nhắc đến, nghe đến nhiều. Viễn cảnh làng cổ Lộc Yên thành làng du lịch, nhà nhà làm du lịch, sản phẩm nhà vườn phục vụ du lịch… đang được người dân trông chờ. Bởi vườn cây, ao cá, ngõ đá, nhà cổ… đã hình thành tự đời cha ông, mang của nhà ra phục vụ du lịch, người dân đã có sẵn. Họ chỉ còn trông chờ ở sự đầu tư của Nhà nước. Đầu tư ở đây là hỗ trợ để người dân chỉnh trang vườn nhà, lối đi, phục dựng làng nghề, trùng tu nhà cổ cho xứng tầm. Và quan trọng hơn, đó là kêu gọi, tổ chức được các tour du lịch cho ra hồn, gắn với lợi ích kinh tế tại chỗ của người dân.
Các yếu tố thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, con người, kiến trúc khiến Tiên Phước mang nét đặc trưng của vùng trung du xứ Quảng. |
Sở hữu ngôi nhà cổ ẩn mình giữa bốn bề cây trái, nhà ông Lê Thuận (thôn 6, Tiên Cảnh, Tiên Phước) đã đón tiếp hơn chục đoàn du khách tới thăm, trong đó có một nửa chọn cách ở lại qua đêm để trải nghiệm không khí yên bình của làng quê trung du xứ Quảng. Con trai ông Thuận - anh Lê Bình Ninh là người trẻ, đi ra nhiều nên thích ứng nhanh. Anh Ninh đã bàn với cha tìm mua và dựng thêm những gian nhà gỗ 8 cột cổ xưa còn lại làm nơi nghỉ chân cho khách. Trong nhà còn xây thêm 6 căn phòng đầy đủ tiện nghi, du khách có thể nghỉ ngơi qua đêm.
Anh Ninh kể: “Có những đoàn khách đến đây, thấy không gian yên tĩnh thích quá, nên quyết ở lại qua đêm dù không tính trước. Rồi nhà tôi phục vụ ăn uống tại chỗ, mít, rau, chuối có sẵn trong vườn nên đem chế biến thành các món ăn dân dã. Thường là các món chuối chần chua, mỳ gà, ốc nấu rau ranh, ốc nấu mít, cháo ốc, rau trộn, mít trộn, uống nước dừa… Dân dã, ít tốn kém mà lại sạch, an toàn. Các đoàn khách chủ yếu do người quen giới thiệu đến, có cả khách trong và ngoài nước. Mình làm du lịch tại chỗ vậy thôi, chưa chuyên nghiệp được nên ít khách. Nếu người dân sống với du lịch phải một tháng có trên chục đoàn, có tổ chức đàng hoàng. Bây giờ chẳng qua khách thấy đẹp, đến thì mình phục vụ, họ tùy tâm mà trả tiền cho chủ nhà chứ chưa tính chi được”. Anh Ninh cho biết người dân ở đây rất ủng hộ đề án phát triển du lịch và sẵn sàng vào cuộc, cộng đồng trách nhiệm để có thể mang lại hiệu quả kinh tế.
Cốt lõi ở nhân dân
Theo nhận định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, rằng “hiếm có nơi đâu như Tiên Phước, hội đủ yếu tố thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, con người, kiến trúc vô cùng quý giá. Nếu làm đúng thì đến một ngày không xa, Tiên Phước sẽ là địa điểm thu hút du lịch mạnh mẽ. Cần mạnh dạn đầu tư cho Tiên Phước làm du lịch vì vùng lõi đã có sẵn, đó là nền tảng KTV-KTTT đã được nhân dân xây dựng. Bây giờ, Nhà nước hỗ trợ để phát triển lên một tầm cao mới, phục vụ cho du lịch và phát triển du lịch sinh thái là xu hướng hoàn toàn phù hợp”. Điểm nhấn đặc biệt của không gian văn hóa làng là ở những ngôi nhà cổ ẩn mình trong vườn cây trái. Trước khi vào nhà cổ, du khách sẽ được bước đi trên những bậc đá rêu phong cổ kính. Ra sau vườn, từng bờ ngăn giữ đất trong vườn cũng được xếp bằng đá núi rất công phu. Trong vườn, các loại cây trái được trồng theo kiểu đa cây, đa tầng tạo nên nét riêng có của vườn nhà Tiên Phước...
Những ngôi nhà cổ ẩn mình trong vườn cây trái sum sê cùng những ngõ đá rêu phong là điểm nhấn cho du lịch Tiên Phước. |
Tiên Phước xây dựng Đề án phát triển KTV-KTTT gắn với du lịch trên nền tảng những gì có trong dân, đó là nhà cổ, con người, di tích lịch sử, danh thắng và nhà vườn, tạo nên không gian đặc trưng vùng trung du xứ Quảng. Ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết: “Đề án xây dựng dựa trên nền tảng thực tiễn có sẵn của dân nên cốt lõi là quay trở lại phục vụ nhân dân. Nguồn lực thực hiện đề án cũng từ nhân dân và doanh nghiệp, Nhà nước chỉ tham gia hỗ trợ, kêu gọi đầu tư và định hướng lối đi riêng. Lối đi đó phù hợp với huyện vì nền KTV-KTTT đã là mũi nhọn được xây dựng lâu nay. Khi lập đề án, huyện đã mạnh dạn đầu tư cho nhân dân phát triển KTV-KTTT từ Nghị quyết 18, 19 của HĐND huyện ở nhiệm kỳ 2011 - 2015. Bây giờ trên cơ sở đó, sẽ phát triển mạnh để phục vụ cho du lịch sinh thái trong giai đoạn mới”.
Theo ông Minh, có một cá nhân là con em Tiên Phước sẽ chịu trách nhiệm mời một đoàn chuyên gia từ Nhật Bản sang để quy hoạch tổng thể làng cổ Lộc Yên phục vụ du lịch. Từ quy hoạch đó sẽ có chuyên gia tính toán, thiết kế xây dựng cho phù hợp. Hiện tại Tiên Phước đã mời gọi được một số doanh nghiệp đến Tiên Phước để đầu tư từ cơ sở hạ tầng như nhà nghỉ, khách sạn, siêu thị, khu nghỉ dưỡng tại các danh thắng, cả một khu du lịch tâm linh với chùa, tượng Phật kết nối với du lịch sinh thái. Đồng thời những dự án phát triển KTV-KTTT với quy mô từ 3ha trở lên của một số doanh nghiệp, hợp tác xã đã được gửi đến UBND huyện Tiên Phước xem xét.
Trong đó, đáng chú ý trong các dự án là trồng rau sạch, cây ăn trái đặc trưng của Tiên Phước, nuôi gà thả vườn, nuôi bò, heo, cá với tiêu chuẩn sạch, an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường nhằm phục vụ du lịch và xuất bán ra bên ngoài. Các loại cây dược liệu sẽ được trồng với quy mô cả trăm héc ta, hứa hẹn đưa Tiên Phước thành vùng dược liệu trọng điểm. Mô hình du lịch cộng đồng, nhân dân tham gia phục vụ, cung ứng tại chỗ sẽ được ưu tiên thực hiện. Những làng nghề truyền thống sẽ được phục dựng nhằm tạo nên sản phẩm du lịch đa dạng, mang đậm nét quê riêng có của Tiên Phước.
Theo đề án, Tiên Phước phát triển KTV-KTTT nhằm mục tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, đến năm 2020 đưa thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5%. Đến năm 2025 có hơn 1.000 mô hình vườn đạt tiêu chí xanh, sạch, đẹp có hiệu quả kinh tế cao, phát triển hơn 200 trang trại, gia trại và 20 trang trại chuyên canh cây tiêu, lòn bon, thanh trà, măng cụt, sầu riêng… Song song với đó, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư kết nối với các nhà vườn, khu du lịch sinh thái trong vùng Tiên Cảnh - Tiên Châu - Nam Tiên Kỳ. Thực hiện liên kết chỉnh trang vườn nhà, hình thành các làng vườn sinh thái liên hoàn, phục vụ cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Tập trung tăng diện tích vườn và trang trại từ 5.600ha (năm 2016) lên 15.600ha (năm 2025); tăng giá trị hàng hóa kinh tế vườn từ 70 triệu đồng/ha/năm (năm 2016) lên 100 triệu đồng/ha/năm (năm 2025), tăng tỷ trọng KTV-KTTT từ 45% (năm 2016) lên hơn 70% (năm 2025). Sáu nhiệm vụ cụ thể thực hiện đề án gồm bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa làng truyền thống; bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa đá, văn hóa nhà - vườn; xây dựng mô hình KTV-KTTT bền vững quy mô lớn; bảo tồn, phát huy giá trị các làng nghề truyền thống và giá trị các di tích, danh thắng; xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển KTV-KTTT và du lịch sinh thái làng quê; xây dựng hệ thống dịch vụ, giới thiệu quảng báo các giá trị kinh tế, văn hóa, sinh thái làng mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng. Tổng nguồn vốn thực hiện 6 nhiệm vụ của đề án trong giai đoạn 2017 - 2025 hơn 646 tỷ đồng, trong đó huyện 11%, đề nghị tỉnh hỗ trợ 20%, vốn trong dân, doanh nghiệp 69%. |
Lê Diễm - Báo Quảng Nam