www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Được giá chuối nai, thoải mái sắm tết

 Những ngày cận Tết Giáp Ngọ- 2014, mặt hàng nông sản chuối nai liên tục tăng giá khiến nhiều hộ dân ở xã Tiên Ngọc (Tiên Phước) kiếm được bạc triệu để mua sắm tết.

       Tiên Ngọc là một xã nằm về phía tây nam huyện Tiên Phước, có 6 thôn với gần 500 hộ, trong đó có hơn 200 hộ thuộc diện nghèo. Vài năm gần đây, người dân Tiên Ngọc trồng chuối nai, ít tốn công chăm sóc, nhưng lại có thu nhập cao.

     Ông Bùi Tấn Dũng, một người dân trồng chuối nai lâu năm ở thôn 3 cho biết: “Lúc đầu, bà con ở đây chỉ trồng chuối nai xen kẽ với các loại cây khác để có thêm nguồn thu nhập nhưng thấy trồng chuối nai khá đơn giản, lại mau có “tiền tươi” nên nhiều người đã mạnh dạn đầu tư phát triển loại cây này. Chuối nai trồng trên đất vườn đồi ở Tiên Ngọc đều phát triển tốt, trung bình mỗi buồng cho từ 7 - 8 nải. Tháng chạp này, chuối nai bán rất được giá, gia đình tôi chỉ bán mươi buồng chuối nai cũng có thể mua sắm được bánh, kẹo, hạt dưa và áo quần cho bọn trẻ mặc tết”.

Cây chuối nai đã giúp nhiều hộ nông dân xã Tiên Ngọc thoát nghèo.Ảnh: N.H
Cây chuối nai đã giúp nhiều hộ nông dân xã Tiên Ngọc thoát nghèo.

 

        Theo người dân Tiên Ngọc, một cây chuối con trồng đầu năm thì cuối năm đã cho thu hoạch; một bụi chuối được chăm sóc tốt có thể thu hoạch từ 3 - 5 năm. Chuối nai thu hoạch vào hạ tuần tháng chạp có bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu vì mọi người mua để chưng mâm ngũ quả cúng gia tiên trong ba ngày tết. Một buồng chuối nai 7 - 10 nải bán được 200 - 300 nghìn đồng và thương lái đến tận nhà mua, không cần phải chở ra chợ bán. Trồng chuối nai, ngoài việc bán chuối buồng, các hộ dân còn bán bắp chuối với giá từ 12 - 15 nghìn đồng/bắp chuối. Vì vậy, mấy năm nay, người dân thôn 1 và thôn 2 đã mở rộng diện tích trồng chuối nai và “có của ăn của để” là nhờ cây chuối nai đem lại. Điển hình là hộ các ông Đỗ Kim Tâm, Nguyễn Văn Phần, Nguyễn Thân… Mỗi năm các hộ này thu nhập gần 50 triệu đồng/hộ, đó là số tiền không nhỏ đối với những người nông dân quanh năm chân lấm, tay bùn ở một xã xa xôi cách trở như Tiên Ngọc.

Đảng ủy xã Tiên Ngọc có Nghị quyết chuyên đề về phát triển diện tích  chuối nai trên địa bàn giai đoạn 2012 - 2015. Theo đó, hộ dân nào trồng trên 1ha chuối nai sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng; thời gian tới xã sẽ nghiên cứu hỗ trợ phân bón cho những hộ trồng trên 100 bụi chuối nai.

       Càng cận Tết Giáp Ngọ 2014, chuối nai càng có giá. Nhiều dân buôn ở thị trấn Tiên Kỳ đến tận vườn đặt tiền cọc trước để gom hàng chờ cận tết thuê xe tải chuyển về Tam Kỳ, Hội An, Đà Nẵng... để bán. Ông Đỗ Kim Tâm ở thôn 1 cho biết: “Hiện tại, gia đình tôi trồng khoảng hơn 3.000 gốc chuối nai, trong đó có khoảng 400 cây đang cho thu hoạch. Trung bình mỗi tháng bán chuối thu được khoảng 4 - 5 triệu đồng. Nhờ cây chuối nai mà gia đình tôi có điều kiện lo cho 4 đứa con ăn học và có nguồn chi phí để sinh hoạt hàng ngày”. Để giúp nhau phát triển loại cây trồng này, một số hộ dân thôn 1 đã thành lập tổ hợp tác trồng chuối nai. Theo đó, các thành viên trong tổ giúp nhau về ngày công lao động, kỹ thuật, cây giống và bước đầu đã mang lại hiệu quả. Theo số liệu thống kê, năm 2013 người dân xã Tiên Ngọc đã trồng mới gần 10 nghìn bụi chuối nai.

      Nhờ phát triển cây chuối nai và một số loại cây trồng khác nên nhiều hộ dân Tiên Ngọc đã thoát nghèo vươn lên khá giả, xây dựng nhà cửa khang trang, sắm các vật dụng sinh hoạt gia đình và phương tiện đi lại... Ông Đoàn Kim Trung - Chủ tịch UBND xã Tiên Ngọc cho biết: “Trước đây, chúng tôi luôn loay hoay với việc trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp với điều kiện đất đai thổ nhưỡng của địa phương. Bây giờ, qua thực tiễn, chúng tôi đã tìm được hướng đi. Đó là trồng cây keo và cây chuối nai...”.

                                                                                   Nguyễn Hưng - Báo Quảng Nam