Đường về nẻo thiện
Nhằm giúp người sau cai nghiện và đang cai nghiện tại cộng đồng tái hòa nhập tốt hơn, huyện Tiên Phước đang vào cuộc hỗ trợ một số thanh niên có quyết tâm quay về với cuộc sống.
1. Cơn lốc mang tên “vàng” đã cuốn bao lớp trai tráng ở vùng trung du Tiên Phước đi tìm vận may với ước mơ đổi đời. Những năm dầm mình nơi bãi vàng, chẳng thấy vàng đâu, chỉ thấy vàng mắt vàng da vì sốt rét rừng khiến họ sức tàn lực kiệt. Trong vòng xoáy tiền vàng, cờ bạc, rượu và ma túy ở những bãi vàng, hiếm có ai đến đó mà không bị cám dỗ.
Giờ đây Trịnh Minh Hiển đang chú tâm làm ăn vì con cái. |
Nhớ lại, Trịnh Minh Hiển ở xã Tiên Phong, rùng mình: “Hồi đó gia cảnh quá khó khăn, hết lớp 7, tôi đã nghỉ học đi làm thuê đủ thứ nghề, rồi theo chân những người đi trước lên bãi vàng ở Phước Sơn. Khi đi chỉ có ước mơ được đổi đời nhờ vàng. Đi làm, cả ngày phải dầm mình trong hầm để đào, xúc đất, rồi xay, đãi. Đất, nước, hóa chất ngày mô cũng phải đụng vào. Rồi sốt rét nữa. Mấy người rủ rê, nói dùng thuốc phiện sẽ khỏe hơn để đi làm. Ban đầu thì họ cho tôi thử trước, cứ thế, hết lần này đến lần khác, rồi tôi thành con nghiện”.
Nguyễn Hữu Tuân (phải) đang rất quyết tâm để tránh xa ma túy, trở về với cuộc sống gia đình. Ảnh: D.L |
Hơn 5 năm làm vàng, đời Hiển rẽ theo hướng khác, bệ rạc như một bóng ma nơi bãi vàng. Rồi Hiển cũng gặp được một người lớn tuổi tốt bụng, khuyên nên về quê để cai nghiện. Hiển nghe lời, trở về nhà với cha mẹ già. Chứng kiến cảnh người mẹ khóc đến kiệt sức vì con, Hiển quyết tâm đoạn tuyệt với “nàng tiên trắng”. Hiển chọn con đường tự cai nghiện tại gia. Hiển tâm sự: “Tôi tự cai nghiện, chẳng có thuốc thang chi hết, lúc lên cơn tôi cắn răng chịu đựng, nóng toát mồ hôi thì tôi xông vô phòng tắm mà tắm, lạnh quá thì leo lên giường quấn mền. Cứ vậy rồi cũng hết. Năm 2012 tôi không còn dính đến ma túy nữa, dù một số kẻ vẫn rủ rê”.
Hiển làm vườn, trồng tiêu, trồng nghệ. Rồi anh lập gia đình, nhưng cuộc sống quá nghèo khó khiến vợ anh không chịu nổi nên bỏ đi, để lại cho Hiển 2 đứa con thơ dại. Giờ đây, vì con, vì cha mẹ, Hiển cố gắng sống tốt hơn bằng chính đôi tay của mình. Một căn nhà do Hội Chữ thập đỏ huyện và xã Tiên Phong hỗ trợ vừa được xây xong trước đợt mưa này. Hiển vay thêm 20 triệu đồng, làm căn nhà gần 100 triệu đồng để ba cha con có chỗ trú mưa gió. Huyện Tiên Phước đã đưa Hiển vào danh sách cho vay 50 triệu đồng trong năm 2019 để Hiển chăn nuôi, làm vườn, Hội Chữ thập đỏ huyện sẽ nhận đỡ đầu 2 đứa con của Hiển, giúp anh có thêm động lực và điều kiện nuôi con, làm ăn.
2. Nghị lực của mỗi thanh niên cùng với sự trợ sức từ gia đình, xã hội đã trở thành động lực cho những người nghiện từ cõi chết quay về với cuộc sống đời thường. Nhìn cuộc sống hạnh phúc của anh Nguyễn Hữu Tuân (ở thị trấn Tiên Kỳ) cùng vợ và hai đứa con nhỏ, ai cũng mừng và mong Tuân sẽ đoạn tuyệt được với ma túy. Năm năm rồi, sáng sớm nào Tuân cũng đi uống methadone, rồi đi làm. Tuân có nghề thợ xây, cơ khí nên Hội Chữ thập đỏ huyện Tiên Phước đã đứng ra nhận nhà, nhận lại các phần việc nhỏ trong các công trình để Tuân thi công. Tuân dẫn theo một thanh niên khác cũng đang uống methadone cùng làm nghề thợ xây.
Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã cho Tuân vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của tỉnh và vốn ủy thác của huyện Tiên Phước. Từ nguồn vốn này, Tuân trồng sầu riêng, măng cụt, cau trong vườn nhà và trồng keo trên rẫy. Từ một người dặt dẹo bởi ma túy trở về từ bãi vàng, nay Tuân đã trở lại là chàng trai khỏe mạnh như ngày nào. Tuân nói: “Giờ tôi chỉ biết cố gắng làm ăn, để vợ con, cha mẹ không phải khổ. Ai trở về từ con đường ma túy cũng sẽ bị rủ rê, lôi kéo khủng khiếp lắm. Nhưng bản thân phải quyết tâm, nghĩ cho gia đình, nghĩ đến những đứa con thơ dại, tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa. Cũng nhờ có các anh chị ở huyện, thị trấn động viên, hỗ trợ nên tôi mới được như bây giờ”.
Ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết: “Những năm gần đây ma túy trở thành vấn nạn nên huyện có nhiều giải pháp để ngăn chặn. Huyện hỗ trợ cho thanh niên đang cai và sau cai nghiện có quyết tâm, có ý chí được vay vốn làm ăn, để họ trở về với gia đình, cộng đồng sống tốt hơn.
Năm 2018 có 4 trường hợp đang vay số tiền 200 triệu đồng từ nguồn vốn của tỉnh và huyện ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Họ sử dụng nguồn vốn tốt, trả lãi đúng quy định, các mô hình đều đang phát triển tốt. Hội Chữ thập đỏ huyện là đơn vị được giao nhiệm vụ theo dõi trực tiếp, thường xuyên đến thăm hỏi, động viên các trường hợp trên, giúp họ có thêm động lực tái hoài nhập cộng đồng, phát triển kinh tế gia đình. Và quan trọng là giúp họ không quay lại con đường cũ”.
Diễm Lệ - Báo Quảng Nam