www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Cuốn “sử tù” của cụ Huỳnh Thúc Kháng

Nhân kỷ niệm 64 năm Ngày mất của cụ Huỳnh Thúc Kháng (21-4-1947 – 21-4-2011), đọc lại “Thi tù tùng thoại” để thấy khó có thể nêu hết giá trị lịch sử thông qua cuốn “sử tù” này. 

Ngày 15-8-1911, gần 100 năm trước, tại nhà ngục Côn Đảo của thực dân Pháp đã xảy ra một sự kiện hiếm có: Tù quốc sự là các nhà khoa bảng đã tổ chức một cuộc vịnh thơ lấy đề là “Tích niên kim nhật đáo Côn Lôn” (Ngày này năm trước đến Côn Lôn) để kỷ niệm tròn ba năm ngày bị đày với án “lưu biệt xứ; ngộ xá bất nguyên” (lưu đày vĩnh viễn khỏi xứ; gặp dịp ân xá cũng không được tha). Chuyện làm thơ hy hữu ấy cùng nhiều chuyện khác trong tù đã được cụ Huỳnh Thúc Kháng ghi lại trong tác phẩm “Thi tù tùng thoại”. 

 

 Cụ Huỳnh đề tựa cho cuốn “sử tù” của mình như sau: “Bản này là ký giả chép góp thi (thơ) và chuyện của một ít bạn chính trị phạm đồng tội trong thời gian 13 năm bị đày ở Côn Đảo (Poulo Condore) mà ký giả là một người trong đồng bọn ấy, tai nghe mắt thấy toàn là chuyện thật khởi đầu năm 1908 đến năm 1921”. (Mính Viên, Thi tù tùng thoại, NXB Nam Cường, Sài Gòn, tháng 10-1951, tr.7) 

Cuốn sử ấy bắt đầu bằng bài thơ của cụ Phan Châu Trinh ứng khẩu trên đường bị giải ra đảo: “Luy luy già tỏa xuất đô môn/ Khẳng khái bi ca thiệt thượng tồn/ Quốc thổ trầm luân dân tộc tụy/ Nam nhi hà sự phạ Côn Lôn”. Cụ Huỳnh dịch: “Xiềng gông cà kệ biệt Đô môn/ Khẳng khái ngâm nga lưỡi vẫn còn/ Đất nước đắm chìm nòi giống mỏn/Thân trai nào sợ cái Côn Lôn” ( Sđd, tr.12; từ đây trở đi, chỉ ghi các câu thơ dịch của cụ Huỳnh – NV).
Huỳnh Thúc Kháng - Ngô Đức Kế
Nhưng, theo cụ Huỳnh thì cụ Ngô Đức Kế mới là người làm thơ tù đầu tiên. Năm 1907, một năm trước ngày bị giải ra Côn Lôn, tại nhà ngục Hà Tĩnh, cụ nghè Ngô đã viết “Ham học văn minh đà mấy lúc/ Mão tù đâu khéo cấp cho ông?” (sđd tr.13). 
 
Người thứ ba được nhắc đến là cụ nghè Trần Quý Cáp. Nghe tin cụ Trần bị xử chém ở Khánh Hòa, nhớ lại lúc chia tay ở Tourane, cụ Huỳnh khóc mấy vần thảm thiết “Bồng đảo gió chưa đưa giấc mộng/ Nha Trang cỏ đã khóc hồn thiêng/ Chia tay chén rượu còn đương nóng/ Đà Nẵng đưa nhau lúc xuống thuyền” (tr.17).
 
Nhờ cuốn sử tù của cụ Huỳnh Thúc Kháng, người đời sau biết được diễn tiến cái chết bi tráng ngoài đảo của cụ Tiểu La Nguyễn Thành, của ông tú tài làng Chiên Đàn (Tam Kỳ) là Dương Thạc, của ông hương chức làng Hà Lam (Thăng Bình) là N8uyễn Quần cùng nhiều vị khác.
 
Bị đày ra Côn Lôn cùng cụ Huỳnh chuyến ấy, ngoài các đồng hương như các cụ Phan Thúc Duyện, Lê Bá Trinh, Lê Bá Huy, Nguyễn Cảnh, còn có các văn thân, sĩ dân Nghệ Tĩnh, Bình Định, Quảng Ngãi: “Kể cả thân sĩ cùng dân mấy tỉnh cùng đày đi chuyến tàu ấy là 27 người. Mà văn hào chiếm gần 20 người. Cái họa khoa giáp cùng mạt kiếp Hán học rõ là một đoạn thảm kịch trên sử Hồng Bàng xưa nay chưa từng có!”(tr.33).

Các người tù có chữ nghĩa đó, cùng với các văn thân bị đày ra các năm sau, được bọn cai ngục gọi chung là “tù quan to” và bị đối xử một cách “đặc biệt”. Cụ Huỳnh kể một câu chuyện cười ra nước mắt: “Một ngày nọ, có một chú ma tà nhỏ tuổi coi xâu đập đá thấy “tụi quan to” đập đá ươn quá, tay cầm cây roi mây đi tự đầu này đến đầu kia hỏi từng người: Mày cái gì? – Bẩm cử nhân. Chú cho một roi”. Rồi cụ cho biết lúc chú lính gặp một người mà “khi bẩm có bộ cười, chú ta cũng cho một roi khá đau và bảo: “Mày ăn nói vô lễ, cho một roi từ này về sau biết tay tao!” Rồi ấm sanh, tú tài đều được ngọn roi ấy, duy có người xưng chánh tổng được khỏi roi” (tr.48).

Cụ Huỳnh còn ghi lại nhiều chuyện rất sinh động như cuộc đối đáp giữa cụ Phan Châu Trinh và viên thống soái Sài Gòn đại diện phái bộ Pháp ra Côn Lôn điều tra về hành tung của cụ Phan trong quá khứ (tr.104-107); hoặc như chuyện vượt ngục Côn Lôn bằng bè về đất liền rồi bị bắt trở lại của các ông Cửu Cai, Hy Cao và Kim Đài (tr.213-222). Câu chuyện vượt ngục ly kỳ của các ông này cùng rất nhiều chuyện về sinh hoạt của người tù trong nhà ngục Côn Lôn thời Pháp thuộc có thể giúp cho các nhà làm phim thời nay tái hiện một cách sinh động bộ mặt của chốn “địa ngục trần gian” giữa biển khơi vào đầu thế kỷ XX này.

Cụ Huỳnh ghi lại “Thi tù tùng thoại” bằng trí nhớ; bởi trong tù, bọn thực dân cấm viết chữ Tây, chữ quốc ngữ mà chỉ cho viết bằng chữ Hán; đến khi ra tù thì mọi tài liệu chữ Hán – kể cả bản gốc “Thi tù tùng thoại” – chúng đều tịch thu. Vì thế, theo cụ, tất cả trứ tác của tù nhân đã đều “mất tích đáng tiếc” (tr.271). Bản “thi tù” hiện lưu hành là bản được cụ Huỳnh nhớ lại và dịch ra quốc ngữ.

Khó có thể nêu hết giá trị lịch sử thông qua các câu chuyện về “người thật, việc thật, thơ thật” mà cụ Huỳnh Thúc Kháng đã ghi trong cuốn “sử tù” này cho dù trong phần “Bổ lục” cụ chỉ khiêm tốn ghi: “Vì vậy, nhân chuyện thi văn mà gửi một ít sử liệu ở trong. Giấy vụn, bìa tan, biết đâu sau này không trở nên món tài liệu chân xác cho nhà làm sử” (tr.272).
 

Theo Báo Đà Nẵng