Công điện khẩn của Chủ tịch huyện về cơn bão số 3
Hôm nay 14.9, Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước có Công điện khẩn số 01/CĐ-UBND về công tác phòng, chống cơn bão số 3.
Theo bản tin dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh; hồi 04 giờ ngày 14/9, vị trí tâm bão số 03 ở vào khoảng 15,7 độ vĩ Bắc, 110,6 độ kinh Đông, trên vùng biển Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi khoảng 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 60km đến 75km một giờ), giật cấp 9-10. Trong khoảng 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 16 giờ chiều nay (14/09), vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc, 108,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển ven bờ Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 60 đến 75km một giờ), giật cấp 9-10.
Để chủ động đối phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão, lũ gây ra trên địa bàn huyện, Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước điện các cơ quan, ban ngành, địa phương, đơn vị, trường học khẩn trương thực hiện những nội dung sau:
1. Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành, hội, đoàn thể, trường học đóng trên địa bàn huyện, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn quán triệt thực hiện nghiêm túc phương châm “phòng tránh, ứng phó là chính”, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp đối phó với bão và lũ lụt sau bão. Rà soát các phương án, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống thiên tai nguy hiểm, khẩn cấp cũng như tham gia cứu hộ, cứu nạn theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện. Chuẩn bị máy nổ dự phòng. Tổ chức chèn chống trụ sở cơ quan, trường học, có biện pháp bảo vệ trang thiết bị làm việc. Trưởng Phòng GD-ĐT và Hiệu trưởng các trường THPT chủ động cho học sinh nghỉ học nếu mưa bão diễn biến phức tạp. Bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm; cương quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực nguy hiểm, nơi dễ sạt lở đất. Thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện công tác chỉ đạo phòng chống, khắc phục thiệt hại bão về Chủ tịch UBND huyện, Thường trực BCH PCTT&TKCN và Văn phòng HĐND-UBND huyện. Chủ tịch UBND xã và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện về công tác phòng tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả bão, lũ trên địa bàn xã và ngành, lĩnh vực phụ trách.
2. UBND các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và thông tin, cảnh báo kịp thời đến từng hộ gia đình để chủ động phòng tránh trước khi bão đổ bộ vào đất liền. Phân công cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tổ chức các Tổ công tác đến từng thôn, tổ đoàn kết thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phòng tránh bão, lũ, nhất là chèn chống, gia cố nhà ở, công trình trụ sở, cơ quan, trường học, chợ, trạm xá, nhà thôn, chặt tỉa cây chung quanh nhà, hạn chế cây ngã đổ lên nhà làm thương vong, chết người; khẩn trương thu hoạch lúa vụ Hè Thu. Khuyến cáo người dân hạn chế đi lại trong thời gian bão và cẩn trọng trong quá trình chèn chống, sửa chữa nhà ở, công trình. Duy trì lực lượng xung kích ở địa phương và đảm bảo các điều kiện vật tư, phương tiện, dụng cụ cần thiết sẵn sàng tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ. Các xã, thị trấn kiểm tra, rà soát các vùng trũng thấp có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; chủ động triển khai các phương án ứng phó để đảm bảo an toàn về người và tài sản.
3. Đài TT-TH huyện, Trung tâm VH-TT huyện, Thường trực BCH PCTT&TKCN huyện phối hợp tập trung huy động các phương tiện, hình thức tuyên truyền, tăng thời lượng và tần suất tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền lưu động nhằm chuyển tải kịp thời thông tin về diễn biến của bão cũng như công tác chỉ đạo phòng tránh, đối phó và khắc phục hậu quả bão đến nhân dân.
4. Trưởng BCH PCTT&TKCN huyện, Trưởng Công an huyện, Chỉ huy trưởng Quân sự huyện, Đội trưởng Đội Xung kích huyện, Đội trưởng Đội TKCN huyện, Trưởng Phòng KT-HT chuẩn bị tốt nhất phương án huy động, tổ chức lực lượng và đảm bảo điều kiện vật tư, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng tham gia ứng phó, di dời, cứu hộ cứu nạn khi xảy ra các tình huống thiên tai khẩn cấp.
5. Các thành viên BCH PCTT&TKCN huyện được phân công phụ trách xã và phụ trách ngành, lĩnh vực trực tiếp đi cơ sở, phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn, động viên cán bộ và nhân dân triển khai thực hiện có hiệu quả phương án phòng tránh đối phó và khắc phục hậu quả bão, kiểm tra khắc phục kịp thời sự cố đảm bảo an toàn các công trình hồ đập, giao thông, điện. Đồng thời giữ liên lạc 24/24 giờ theo dõi nắm chắc tình hình ở các xã và các đơn vị phụ trách để phối hợp chỉ huy công tác phòng tránh, khắc phục hậu quả bão, kịp thời báo cáo về Thường trực BCH PCTT&TKCN huyện và Chủ tịch UBND huyện.
Kính đề nghị Ban TVHU chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng lãnh đạo, kiểm tra việc tổ chức thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống và khắc phục hậu quả bão gây ra.
6. Bưu điện huyện và Điện lực Tiên Phước tăng cường tối đa lực lượng công nhân, vật tư, phương tiện, kịp thời xử lý, khắc phục các sự cố thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an toàn về điện và thông tin liên lạc trước, trong, sau bão để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống và khắc phục hậu quả do bão gây ra. Các chủ đầu tư kiểm tra các công trình XDCB có Phương án phòng chống bão lũ bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.
7. Thường trực BCH PCTT&TKCN huyện, các cơ quan, ban ngành, hội, đoàn thể, đơn vị trường học, các xã, thị trấn tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để kịp thời chỉ đạo công tác phòng chống và khắc phục hậu quả.
Chủ tịch UBND huyện yêu cầu BCH PCTT&TKCN huyện, Đội trưởng Đội Xung kích huyện, Đội trưởng Đội TKCN huyện, Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, trường học trên địa bàn huyện, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn và toàn thể cán bộ, nhân dân trong huyện chủ động tổ chức thực hiện khẩn trương, đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng tránh, đối phó với bão, lũ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo VP.UBND Tiên Phước