www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Còn sức lực còn cống hiến

Không sinh ra và lớn lên trên đất Quảng Nam nhưng ông lại gắn bó với mảnh đất kiên trung suốt cả cuộc đời. Cơ duyên đã khiến ông “sống chết” và cống hiến cả cuộc đời cho mảnh đất “chưa đi đã nhớ” này.

               Từ thời chiến...

         Ông Phạm Đăng Ninh (thôn 6, xã Tiên Sơn, Tiên Phước) quê ở tận Nam Định, nhưng ông đã “nhập khẩu” Quảng Nam từ năm 1966 khi cùng đơn vị - Đoàn 572 từ ngoài Bắc hành quân vào Nam. Sau khi Đoàn 572 đến Quảng Nam - Đà Nẵng, ông được chuyển về Tiểu đoàn 561 (Quân khu 5) với nhiệm vụ chính là pha chế thuốc phục vụ cho các bệnh viện, trạm xá. Ông Ninh cho biết: “Hồi ấy, thuốc ở ngoài Bắc vận chuyển vào rất khó, chỉ có thể chuyển hóa chất vào, rồi dược sĩ đi hái thuốc nam trên rừng về pha chế thành thuốc cứu chữa cho bộ đội. Người pha chế phải hết sức cẩn thận vì liên quan đến tính mạng của con người. Trong suốt quãng thời gian làm công việc này, rất may là tôi chưa để xảy ra một sơ suất nào”.

          Đến năm 1974, ông Ninh được điều chuyển về Binh trạm 238 đóng ở ngã ba làng Hồi, tiếp nhận hàng quân y để phân phối cho các cánh của Quân khu 5. Tại đây, ông gặp và kết duyên cùng người con gái quê Tiên Sơn (Tiên Phước). Đến năm 1975, ông được giải quyết chế độ mất sức cho về quê nhưng cái duyên với Quảng Nam đã khiến ông không giữ chân ở đất Bắc được lâu. Ông lại dắt vợ con về Quảng Nam - quê vợ để sinh sống.

 

                                                    Ông Ninh chăm sóc đàn gà

 

            Đến thời bình

        Sau giải phóng, làng quê Tiên Sơn nghèo đến nỗi chiếc xe đạp ông mang từ Bắc vào không thể đi được vì không có đường. Mỗi lần xuống huyện, ông phải dậy từ 3 giờ sáng, đốt đuốc hoặc đèn dầu đi bộ. Không chịu cảnh nghèo, ông quyết tâm khai hoang, vỡ đất để làm ruộng, làm rẫy. Khi đã tạm ổn cái ăn chỗ ở, ông lại tiếp tục cống hiến sức lực cho dân cho nước. Năm 1982, ông tích cực tham gia công tác địa phương, quyết cùng chính quyền cách mạng còn non trẻ chống giặc đói, giặc dốt vừa đối phó với những phần tử của chế độ cũ vẫn ngấm ngầm hoạt động chống phá. Ông Ninh kể: “Mới đầu, tôi làm chi ủy viên của Chi bộ Tiên Sơn, sau đó đảm nhận vai trò người đứng đầu, làm chủ tịch rồi qua bí thư. Là người đứng đầu địa phương, tôi xác định công tác vận động tư tưởng là quan trọng nhất trong thời điểm đó”. Ngày ấy, ông thường xuyên đến thăm hỏi, động viên những gia đình trước đây theo chế độ cũ. Ngày đầu tới họ không tiếp, họ chửi ông thì ngày thứ hai ông lại đến. Nếu không được thì ngày thứ ba, thứ tư, đến khi nào họ chịu nói chuyện. Nói một lần không được thì ông nói nhiều lần. Nhờ vậy mà có nhiều người được cảm hóa, dần dần có sự tin tưởng vào chính quyền cách mạng.

Ngày mai 7.7, ông Phạm Đăng Ninh là một trong 7 người có công tiêu biểu của tỉnh vinh dự tham dự Hội nghị Biểu dương người có công cách mạng tiêu biểu toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Đà Nẵng.

          Ông Ninh nói rằng điều ông tự hào nhất trong quãng đời làm Bí thư Đảng ủy xã là Tiên Sơn liên tục đạt danh hiệu chi bộ trong sạch vững mạnh (từ lúc có chủ trương vào năm 1993 đến khi ông về hưu năm 2004). Sau này các thế hệ kế cận tiếp tục phát huy truyền thống, xây dựng Đảng bộ Tiên Sơn trong sạch vững mạnh.

        Bây giờ, ông Ninh ở nhà chăm non đàn heo 20 con, đàn bò 8 con, đàn gà 200 con và thử nghiệm nuôi thêm nhím, chồn hương. Mới đây, ông đã chấp nhận đảm nhiệm chức vụ mới ở Ban Nạn nhân chất độc da cam của xã vì chức này... không có lương. Ông bảo không muốn làm chức vụ có lương, không phải vì sợ trách nhiệm mà vì chỉ muốn làm với tấm lòng của mình, để tuổi già thêm vui vẻ vì thấy mình vẫn còn có ích. 

                                                                              Diễm Lệ - Báo Quảng Nam