www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Con đường 'khủng khiếp' đi bộ nhanh hơn xe máy

Con đường ''đèn pin'', ''cõng con đi học'' đường ‘té sấp mặt’… là những tên gọi người dân thôn 4 (xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) đặt cho con đường ngập ngụa bùn đất mà hàng ngày họ đi qua.

Từ TP Quảng Nam vào xã Tiên Mỹ chỉ 30km nhưng phải mất hơn 1,5 tiếng vì đường.


 

Video: Con đường lầy lội

 

Vào đến trung tâm xã Tiên Mỹ, phải qua hơn 3km đường đất đỏ với đủ loại đá lôm nhôm, sình lầy, cơ man ổ voi ổ gà mới đến được thôn 4 - nơi người dân chục năm nay phải đối mặt với con đường ''khủng khiếp'' này.

đường xuống cấp, đường hỏng,Quảng Nam
Con đường nhầy nhụa qua thôn 4 (xã Tiên Mỹ)

Thấy chúng tôi bước thấp bước cao - một người đàn ông tên Nam nhận chở giúp. Hỏi vì sao đặt tên đường như trên, ông nói: “Người dân nghèo chúng tôi không có tiền làm đường bê tông, nên chỉ góp tiền san phẳng con đường để đi lại những ngày nắng.

Còn nhưng lúc mưa xuống đường đầy sình lầy, ổ voi rất nguy hiểm...nên chúng tôi đặt tên như vậy chục năm nay rồi”.

Rồi ông kể, trẻ mầm non ở thôn muốn đến trường an toàn nhiều gia đình chọn giải pháp cõng, chứ đi xe rất nguy hiểm.

“May cho chú, đường hôm nay thế này còn đi được, nhiều ngày mưa đường lầy lội phải cho cháu nghỉ ở nhà, chứ cõng đi vấp ngã hay mắc sình lầy lúc đó cả bà lẫn cháu đều té như chơi'' - lời ông Nam. 

đường xuống cấp, đường hỏng,Quảng Nam
Một chiếc xe máy bị mắc lầy hơn nửa bánh xe, phải nhờ người giúp

Trẻ đến trường phải cõng

Bà Nhung (ở thôn 4) - người cõng con đi học nhiều năm nay cho biết: Ở đây ai có con trong độ tuổi mẫu giáo cũng phải cõng như tôi.

"Tội nhất là mấy đứa nhỏ học cấp tiểu học, THCS, đi học phải chạy ra tận trung tâm xã, nhiều ngày người bọn nhỏ áo trắng thành áo nâu do té ngã, thấy mà thương” - bà Nhung thở dài.

Vẫn theo bà Nhung, học sinh THPT ở đây đi học phải đem theo đèn pin. Đèn pin dùng để dò đường lúc trời tối khi tan học về, nếu không sẽ bị té ngã thường xuyên. Cũng vì thế, còn đường này còn có tên là đường “đèn pin”.

“Chúng em không ai không té ngã khi đi học về. Những hôm trời mưa trong cặp chúng em luôn mang thêm áo quần phòng té ngã còn có đồ thay để lên lớp” - một học sinh cho biết.

đường xuống cấp, đường hỏng,Quảng Nam
2 km đường nhưng mất đến hàng tiếng đồng hồ để đi qua

Anh Phạm Minh Hà, người dân thôn 4 cho biết, con đường thôn 4 dài tầm 2km nhưng muốn đi hết thôn phải mất 1 tiếng. Bởi đường toàn ổ voi, ổ gà...

Hàng chục năm nay, cuộc sống của người dân khổ theo con đường, những ngày nắng đường bụi bay mù mịt, những hộ sống ngay đường không dám mở cửa nhà ra do các xe tải chở keo chạy ầm ầm.

Trong khi những ngày mưa, đường lầy lội, cộng thêm các xe tải cày xới, con đường nát như tương, người dân chỉ biết kêu trời.

''Cuộc sống của 100 hộ dân nơi đây khó khăn chồng chất khó khăn, khi không thể làm gì để phát triển kinh tế, chỉ phụ thuộc những cây keo'' - anh Hà nói.

đường xuống cấp, đường hỏng,Quảng Nam
 

Xã đã nhiều lần kiến nghị

“Chúng tôi đã kiến nghị lên trên nhưng chỉ thấy chờ, nghe nói có đường bê tông nhưng 1 năm chỉ làm 1km, không biết lúc nào mới về đến thôn chúng tôi. Cầu sao có được con đường bê tông nhỏ cho lũ trẻ nó đi học là chúng tôi mừng lắm rồi”, anh Hà bộc bạch.

Qua tìm hiểu, con đường có chiều dài 2,7km. Trong năm 2017, UBND huyện Tiên Phước đã dùng nguồn kinh phí cứng hóa mặt đường ĐH để bê tông hóa 1km tuyến ĐH 11, tại thôn 3 của xã Tiên Mỹ hơn 2,9 tỷ đồng. Riêng đoạn đường qua thôn 4 có chiều dài 1,7km vẫn chưa được bê tông hóa.

đường xuống cấp, đường hỏng,Quảng Nam
 

Ông Võ Văn Chung, Chủ tịch xã Tiên Mỹ nói, địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên huyện. Trong kỳ họp HĐND vừa qua, huyện Tiên Phước đã phân bổ nguồn kinh phí đầu tư 1,4km qua thôn 4, còn 300m còn lại xã đang kiến nghị để xin thêm kinh phí.

“Xã đã nhiều lần kiến nghị lên UBND huyện nhưng nguồn kinh phí có hạn nên năm 2018 mới đầu tư được tuyến đường này, riêng 300m còn lại qua thôn 4, xã đang xin kinh phí...'', ông Chung cho hay.

                                                                      Lê Bằng - Báo Vietnamnet