Cô gái ‘xứ tiên’ và duyên nợ với chuối sấy quê hương
Ở vùng Tiên Phước, Quảng Nam, có một món ăn khá độc đáo chế biến từ chuối là chuối ép sấy khô. Và nơi đây cũng có một “nàng tiên” ôm ấp giấc mơ đưa nông sản quê nhà xuất ngoại.
Trò chuyện cùng chị Lương Thị Mỹ Trinh, sinh năm 1983, trú tại xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước, Quảng Nam vào một trưa giữa tháng 11 mới hay, vùng đất nơi chị sống từ xa xưa người dân đã nghĩ ra cách sấy khô, phơi nắng các loại trái cây nhằm bảo quản lâu hơn cũng như tạo ra hương vị mới lạ hơn.
Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, chị đã mạnh dạn bàn bac cùng gia đình để đầu tư dây chuyền sản xuất chuối sấy dẻo và bánh snack chuối Bana để nâng tầm sản vật quê nhà.
Theo chị Trinh, sở dĩ chị chọn chuối để làm là bởi ở huyện có trồng khá nhiều cây chuối mốc (hay còn gọi là chuối nai). Đặc điểm của giống chuối này là khi chín cho vị ngọt thơm đặc trưng, rồi khi chín đến độ nhất định sẽ có nhiều mật ngọt. Thế nên, nếu đem ép chuối, sấy khô thì cần chọn chuối càng già càng tốt vì dễ cho nhiều mật.
Dù dựa trên cách chế biến truyền thống của người xưa nhưng điều đặc biệt ở món chuối của chị là những miếng chuối ép sấy dẻo vàng ươm màu của mật chuối; thơm mùi mè rang rắc vào cùng gừng ấm bụng.
Chị cho hay, vừa qua, chị thành lập HTX Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Đất Quảng do mình làm giám đốc để liên kết sản xuất cùng các hộ dân đủ điều kiện tham gia với tổng diện tích là 10ha. Ngoài ra, chị còn thu mua thêm chuối xanh đạt chất lượng từ các huyện lân cận để bảo đảm đủ nguyên liệu sản xuất. Qua đó, hợp tác xã giải quyết công việc cho 10 lao động địa phương với mức thu nhập từ 4,5 – 6,5 triệu đồng/tháng.
Quy trình sản xuất chuối sấy dẻo gồm một số công đoạn như nhập nguyên liệu, phân loại chuối, tách vỏ chuối, rửa sạch bằng nước; sấy lần 1; ép lát; sấy lần 2; kiểm tra chất lượng lần 1; phân loại; cho vào túi hút chân không, kiểm tra chất lượng lần 2, đóng nhãn rồi xếp vào hộp. Hiện sản phẩm cung cấp cho các đại lý, siêu thị thực phẩm sạch, đại lý du lịch trên toàn quốc và sân bay Quốc tế Đà Nẵng.
“Nguồn nguyên liệu đầu vào được chọn lựa khắt khe, chuối được thu hái tự nhiên hoặc trồng theo hướng hữu cơ, người nông dân hợp tác cam kết không sử dụng phân bón hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật. Quy trình sản xuất đảm bảo nghiêm ngặt an toàn vệ sinh thực phẩm. Điểm nổi bật của chuối sấy là không dùng chất phụ gia, không phẩm màu, không chất bảo quản, không đường hóa học, thuận tự nhiên để mang đến trải nghiệm ngon và lành cho thực khách”, chị nhấn mạnh.
Qua tìm hiểu, HTX Nông nghiệp xanh Đất Quảng có hệ thống nhà xưởng, máy móc hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến nên đã mang lại những sản phẩm tốt nhằm hướng đến một nền nông nghiệp xanh, sạch trên chính quê hương Tiên Phước.
Trong đợt công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao năm 2022, huyện Tiên Phước là địa phương có đến 3/5 sản phẩm đạt chất lượng OCOP 4 sao, và bánh snack chuối Bana của hợp tác xã chị là một trong những sản phẩm đó.
Hiện ngoài tiêu thụ trong nước, chị còn cùng các cộng sự suy nghĩ thêm phương thức để chuối sấy dẻo xuất ngoại. Còn trước mắt, chuối sấy của HTX Nông nghiệp xanh Đất Quảng như là một món quà không thể thiếu khi du khách đến thăm xứ Quảng.
Hoà Vang - Báo SG Tiếp Thị