www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Cô Ba Sừng xã Tiên Lãnh

 Về bên sông Tiên tôi nhớ ngày nào/Đêm không trăng sao đưa tôi qua sông - Một người con gái/Lặng im cỏ cây, lặng im bờ núi, tôi theo bước em đồn giặc kề bên/Qua bao thời gian tôi vẫn còn đêm, đêm qua sông Tiên lòng tôi ở lại/Giờ em ở đâu, em ở đâu hỡi người con gái.

 Lời thơ trong ca khúc “Đêm bên sông Tiên” của Phan Ngọc - Ngân Vịnh cũng như cái tên “Cô Ba Sừng” khiến chúng tôi tò mò. Vượt hơn 50km từ thành phố Tam Kỳ chúng tôi tìm đến vùng núi non trùng điệp của thôn 7, xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam để tìm gặp, nghe cô Ba Sừng kể chuyện ngày xưa.

“Sừng” là sừng sững, dũng mãnh

Trước mắt chúng tôi là căn nhà nhỏ, nằm ở lưng chừng dốc núi, trong nhà chỉ có bàn, ghế, chiếc giường đơn sơ và bàn thờ gia tiên có cả ảnh Bác Hồ bên lá cờ Tổ quốc. Trên liếp nhà làm bằng gỗ có treo nhiều huân, huy chương, giấy khen và những bức ảnh, kỷ vật thời kháng chiến.

Cô Ba đã ở tuổi thất thập, nhưng vẫn còn khỏe và rất vui vẻ. “Sao mọi người gọi là “cô Ba Sừng” vậy cô ?”, tôi hỏi. Cô mỉm cười hiền từ, rồi câu chuyện của cô đưa chúng tôi trở về với miền ký ức không thể nào quên: “Cô là con thứ 3, mẹ sinh đôi cùng cô em gái, cha mẹ thường gọi là Ba Sừng và Bốn Sắt. Cha cô nói “Sừng” là sừng sững, dũng mãnh”.

            

          Cô Ba Sừng (nữ đứng trước) cùng đồng đội tại bênh viện C17 (cũ) ngày 30/04/1975

Tên thật của cô là Trịnh Thị Kim Lan, người mang trong mình hai dòng máu Việt - Lào. Cha cô tên Việt Nam thường gọi là Trịnh Thò (Trịnh Văn Phòng), quê ở tỉnh Pắc-xế, nước bạn Lào. Ông sang Quảng Nam hồi kháng chiến chống Pháp. Mẹ cô là Tạ Thị Út, người con gái Phước Lãnh, từng rất nhiệt tình trong công tác chăm sóc bộ đội Việt và Lào. Sinh thời mẹ cô thường nhắc nhở các con: “Người cách mạng của Cụ Hồ và người kháng chiến của Hoàng thân Xu-pha-nu-vông đều chiến đấu cho nền độc lập của hai Tổ quốc Việt - Lào. Ta phải có bổn phận giúp đỡ cho anh em mau khỏe để họ trở lại chiến đấu”(1). Cái thuở đi chăn trâu, cô thường cùng lũ trẻ trong thôn bơi lội trên sông Tranh nên cô bơi rất giỏi. “Đúng là dũng mãnh thật! Ngày ấy nước sông Tranh còn lớn và chảy xiết lắm, nhưng cô có thể bơi qua lại 3 vòng, những lần vận chuyển lương thực cho cách mạng cô vẫn tay bơi, tay giữ thúng lúa đội trên đầu”, cô tâm sự.

Chèo đò đưa bộ đội vượt sông Tranh

Những năm 1959-1960, cách mạng miền Nam chuyển sang giai đoạn mới. Các lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Nam trưởng thành, đã có khả năng mở chiến dịch độc lập. Với tài năng bơi lội và lòng dũng cảm, cô được tổ chức giao nhiệm vụ chèo đò đưa Tiểu đoàn 70 vượt sông Tranh, giải phóng Phước Lãnh, Phước Ngọc (huyện Tiên Phước).

Được tổ chức tin tưởng, cô Ba mừng lắm! Cô chọn những gia đình có cảm tình với cách mạng, để vận động họ giúp đỡ bộ đội. Sau thời gian ngắn, cô đã tập hợp được 4 gia đình là các ông: Lơm, Du, Minh, Hùng. Đội đò 5 chiếc được hình thành do cô Ba Sừng chỉ huy.

                  

                        Lá thư của chồng cô Ba Sừng đề ngày 30/09/1965

Những cơn mưa chiều làm cho sông Tranh no nước, chảy xiết. Chập choạng tối 27-10-1961, hai Trung đội 39 và 17 đã sẵn sàng hỏa lực chi viện cho Trung đội 45 sang sông. 5 chiếc đò đã hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, nằm im, đợi lệnh. Giọng cô Ba cất lên: “Sang sông!”. Đội đò nhanh chóng hướng đồn địch, rẽ nước lao đi. Nước chảy xiết, 4 chiếc đò trước đều cần hai tay chèo, riêng cô Ba chỉ chèo một mình. Sải tay thoăn thoát của cô gái tuổi 19 đẩy đò về trước, rẽ phăng con nước xiết, đưa bộ đội cập bến. Toàn bộ đơn vị lần lượt sang sông, bố trí lại lực lượng, tiến công đánh tan hội đồng tề các thôn và phá banh các ấp chiến lược, giải phóng hoàn toàn hai xã. Đây là khu giải phóng quan trọng, tạo bàn đạp để lực lượng tiếp tục vượt sông Tiên, giải phóng Sơn - Cẩm - Hà, án ngự địa bàn có lợi cho phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh trong suốt chiều dài cuộc kháng chiến. 

Những lá thư tình nghĩa

Giải phóng xong Phước Lãnh, Phước Ngọc, Tiểu đoàn 70 bám trụ địa bàn, phòng địch phản kích và tuyên truyền, vận động, giúp đỡ nhân dân củng cố chính quyền, xây dựng đời sống mới. Duyên đâu trời định, Tống Thới Trác (Nghĩa Hiệp, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) - anh bộ đội trên chuyến đò hôm nào cùng 4 đồng chí khác được phân về ở trong nhà cô Ba. Cha mẹ lần lượt qua đời, để lại mấy chị em, đứa út mới 1 tháng 8 ngày tuổi. Gánh nặng càng đè lên đôi vai của người chị lớn. Cảm thương gia cảnh cô nghèo, chàng trai 20 tuổi ấy đem lòng yêu thương, cô cũng thấy anh bộ đội hiền lành, mà chịu thương, chịu khó nên cũng xuôi lòng lúc nào mà không hay biết. Rồi một ngày, anh có lệnh trên điều đi nhận công tác mới. Công tác gì? Ở đâu? Cô Ba không biết, chỉ biết rằng cô và các em chờ một ngày, hai ngày, rồi nhiều ngày sau… đều không thấy hồi âm.

Tháng 2-1964, cô Ba là xã đội phó, trong trận đánh tại hố Ông Quất, cô bị thương, đồng đội đưa về cơ quan hậu cần của tỉnh để điều trị. Phần anh Trác sau khi hoàn thành khóa học tại Gia Lai được điều về lại Quảng Nam nhận công tác. Như ai đã sắp đặt trước, anh và cô gặp lại nhau. Giây phút gặp gỡ thật khó tả, vừa e ngại, vừa hạnh phúc đến nhường nào: “Anh đi đâu, đi miết rứa anh Trác”- cô thốt lên trong niềm xúc động.

Ngày 14-4-1965, một đám cưới giản đơn được Chi bộ xã Phước Lãnh tổ chức. 3 ngày bên nhau trôi qua thật nhanh, anh và cô phải trở về với công tác, hai người thầm hứa với nhau phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hòa bình lập lại rồi sẽ sinh con.

                   

           Cô Ba Sừng cùng đồng chí Quách Tự Hấp, nguyên Tỉnh đội trưởng tỉnh đội Quảng Nam

Tiễn anh đến Dốc Lung (Thăng Bình), giây phút xa nhau thật quyến luyến, nghẹn ngào. Cuối cùng đôi vợ chồng trẻ dựa lưng vào nhau, anh đếm “một”…“hai” rồi “ba”… hai người cùng chạy thật nhanh về hai nửa tiền tuyến và hậu phương... Thời gian xa cách, những lá thư qua giao bưu là sợi tơ kết nối, động viên cả hai cùng nỗ lực công tác. Lá thư nào của anh cũng thể hiện tình nghĩa yêu thương, nhớ nhung tha thiết, tinh thần lạc quan tin ngày đoàn tụ. Thư đề ngày 30-9-1965, anh viết: “Hiền thê Lan em ơi! Anh càng nghĩ anh càng thương em, càng yêu em, anh thương em nhiều, vì em khổ lắm mà anh không thể giúp sức cùng em được, anh còn làm khổ cho em, làm cho em phải thương, phải nhớ”. Rất nhiều những lá thư, nay mực đã nhòa đi, nhưng cô Ba vẫn giữ gìn cẩn thận, cô chia sẻ: “Đó là kỷ vật duy nhất của anh để lại”.

Sau ngày anh hy sinh, cô làm việc thật nhiều để khỏa lấp đi nỗi nhớ nhung, trống trải. Năm 1970, cô xung phong vào bộ đội, chiến đấu đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Năm 1976, trở về quê hương, cô được phân công làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phước Lãnh (sau này là Tiên Lãnh) đến năm 1992.

Về với cuộc sống đời thường, khi nhiều đồng chí, đồng đội và cả người chồng yêu dấu vẫn đang nằm lại nơi chiến trường, cô Ba không cho phép mình được nghỉ ngơi. Cô tham gia đi tìm kiếm mộ liệt sĩ, đến nay đã nắm và cung cấp thông tin cho thân nhân của nhiều liệt sĩ. Cô vẫn luôn hy vọng ngày nào đó sẽ tìm thấy phần mộ của anh.

Trần Giáp - Văn Lương, Báo QĐND