www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Chuyện vợ con và đời tư Huỳnh Thúc Kháng

 Huỳnh Thúc Kháng lập gia đình rất sớm (năm 20 tuổi-1895). Vợ ông là bà Nguyễn Thị Sắt, con gái út một nhà vọng tộc thuộc làng Đại Đồng nơi ông trọ học lúc nhỏ. ( Bà Sắt là em vợ Phan Văn Cừ, ông Cừ là anh ruột Phan Châu Trinh).

 

           Bà Sắt sinh năm 1881, quê làng Đại Đồng, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Bà về làm vợ Huỳnh Thúc Kháng năm 1895. Đến năm 1903, ông bà sinh con gái đầu lòng đặt tên là Huỳnh Thị Xuân Lan (tức cô Yển), năm 1908 ông bà sinh người con thứ hai tên là Huỳnh Thị Thu Cúc ( tức cô Kình ).

           Bà Xuân Lan sau lập gia đình với một người con trai cùng huyện tên là Lê Bá Khải, sinh được một con trai tên là Lê Thứu. Năm 1954 ông Thứu tập kết ra Bắc ( hiện là cán bộ Sở Ngoại Thương đã nghỉ hưu, thành phố Hải Phòng). Bà Xuân Lan mất tháng 12 năm 1930.

           Bà Thu Cúc sinh năm 1908, năm 18 tuổi ông Huỳnh Thúc Kháng “gả” cho ông Lê Nhiếp ( người làng Võ Xá huyện Quế Sơn), nhưng đến năm 19 tuổi bà Thu Cúc qua đời nhằm tháng 08 năm 1927. Ông Lê Nhiếp sau này có vợ ( rể Phó bảng Nguyễn Đình Hiến bạn ông Huỳnh) nhưng vẫn được Huỳnh Thúc Kháng xem như con rể, ông Nhiếp là nhân viên báo Tiếng Dân (1927-1943) và sống kề cận Huỳnh Thúc Kháng mãi tới năm 1947. ( Ông Lê Nhiếp có giữ một số di cảo của Huỳnh Thúc Kháng như: Thi tù tùng thoại, Mính viên cận tác…hiện ông Lê Nhiếp đã tặng lại cho một cơ quan văn hóa tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng hồi đầu năm 1980. Ông mất tại Sài Gòn sau năm 1986).

          Năm 1924, Huỳnh Thúc Kháng cưới thêm một bà vợ nữa, nhưng bà này sống chung với ông vẫn không có con. Cho nên, trước sau ông vẫn chỉ có hai người con gái trên. Sau khi hai người con qua đời, cuộc sống gia đình ông rất hiu quạnh, đời sống tình cảm khá u buồn. Do đó có lần ông tâm sự ”(tôi) không còn ngăn được dòng nước mắt vì hai trẻ đều bỏ già đi sang thế giới khác”.

          Sau này, khi ở Côn Đảo (1909) và Huế (1939) hồi tưởng lại đời sống với vợ con, ông đã bồi hồi xúc động viết về người vợ yêu quí của mình:

“ Vô duyên giá tác cuồng sanh phụ

Tân khổ lao lao độc tự liên.

Trung quị tân phiền cung khách soạn

Lãng du phí tận điển y tiền

Phong hầu tái ngoại ứng hư thoại,

Hóa thạch sơn đầu bất ký niên.

Cương bả nhàn sầu vấn minh nguyệt

Vân tăng vũ đổ kỷ hồi viên.

Dịch thơ :

Rủi ro khéo gặp chồng khùng

Nhọc nhằn nhiều nỗi, cam lòng đắng cay

Trong nhà khách khứa liền ngày

Bao nhiêu tiền bạc một tay tiêu xài

Phong hầu ra việc nói chơi

Đã trông chồng nọ, một đời đã cam

Sầu riêng thử hỏi trăn rằm

Mây mưa ghen ghét mấy năm lại tròn.

 

Hoặc, viết thơ thăm hai con :

Thê tuyệt thông thông biệt nhỉ tình

Nhứt tài lục tuế nhứt sơ sinh

Hài đề chi tánh tri tư phụ

Giáo dục tiền đồ nhứt ủy khanh.

Nữ học tân triều thông quốc ngữ

Tiêu Đồng cựu khúc thiệu gia thanh.

Ủy tình khởi tất chân nam tử

Quân kháng Trung gia tỉ muội hàng

Dịch thơ:

Vội vàng rẽ bước ra đi.

Đứa vừa sáu tuổi, đứa thì mới sanh.

Nhớ cha trông ngất trời sanh

Dạy nuôi nhờ có mẹ lành gắng công.

Bằng nay Quốc ngữ học thông

Tiếng nhà may nối Tiêu Đồng khúc xưa

Chưa trai thì gái cũng vừa

Chị em Trưng nữ tiếng giờ còn thơm !

        Nỗi niềm chua xót về gia đình, con cái, khi cảm hoài hai bài thơ trên, ông đau buồn viết:

       “ Đứa con gái đầu mới mười sáu tuổi, đứa sau tôi bị bắt tháng hai , mà nó tháng 7 mới sinh ( 1908) kế tháng 8 thì tôi bị đày ra Côn Lôn. Nay (1939) đọc bài thơ này không còn ngăn được dòng nước mắt, vì hai trẻ đều bỏ già sang thế giới khác cả ! Đứa lớn được một trai, cháu hiện ở với tôi, cho đi học” ( tức ông Lê Thứu vừa nói ở trên).

 

Mộ cụ bà thân sinh (trái) và mộ vợ cụ Huỳnh ở Tiên Cảnh

 

              Sau khi ở Côn Lôn về (1921 -1926), ông vẫn sống tại Thạnh Bình, ông bà vốn có hai người con gái và không có thêm người con nào nữa. Nên bà Huỳnh Thúc Kháng mới “cưới” cho ông thêm một bà nữa để “có con nối dõi” như vừa nói ở trên. Việc ấy xảy ra năm 1924. Trong Niên Phổ ( Tự truyện) ông ghi rõ: “Năm này (1924) nội tử cưới thứ thất cho tôi”  ( Hồ Thị Chưởng, người trong làng).

              Từ năm 1926, Huỳnh Thúc Kháng ra sống ở Huế, làm nghị viên và chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Tiếng Dân…cả hai đều ở Tiên Phước thỉnh thoảng mới ra Huế. Năm 1933, bà Hồ Thị Chưởng ra Huế thăm ông, nhằm lúc ông vào Đà Nẵng, bà bị bịnh tả và mất ở Huế vào khoảng tháng 10 cùng năm, phần mộ bà nằm tại Ngự Bình ( Huế), nhưng nay đã thất lạc vì chiến tranh. Bà Chưởng không có với ông người con nào cả.

              Từ đó bà Huỳnh Thúc Kháng thỉnh thoảng ra Huế, nhưng vẫn sống và làm nông tại Tiên Phước đến khi qua đời.

               Năm 1947, bà Huỳnh Thúc Kháng được cử làm Hội trưởng Hội mẹ chiến sĩ tỉnh Quảng Nam, cơ quan đóng tại Tiên Phước. Đến ngày 7 tháng 6 năm 1953 ( nhằm ngày 26 tháng 6 âm lịch) bà qua đời, hưởng thọ 72 tuổi. Trong tang lễ bà, nhân danh Hội mẹ chiến sĩ tỉnh Quảng Nam, lúc ấy có câu đối điếu bà:

        “ Ngoài bảy mươi tuổi nối gót theo ông, phú nhà cửa cho họ đương, khuất bóng hơi hương còn phảng phất.

         Trong một tỉnh mất bà chị cả, hội chị em hàng binh sĩ, chia buồn giọt lệ những tuôn rơi”

           Bà Huỳnh Thúc Kháng là một tấm gương kiên trinh, chịu khó, chịu thương của người đàn bà Việt Nam muôn thưở, mãi mãi là một hình ảnh đẹp đối với dân tộc. Bà đã làm tròn thiên chức cao cả của một người mẹ hiền, một người vợ đảm. Đó là một bài học muôn đời đối với phụ nữ nước ta và cũng là một nhân tố cao cả giúp Huỳnh Thúc Kháng sống và làm việc trọn đời một người chiến sĩ cách mạng tuyệt vời của tranh đấu sử nước nhà.

            Nguyễn Q.Thắng