www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Chuyện ít biết về nơi an nghỉ của Phan Châu Trinh

Cụ Phan Châu Trinh là một nhà chí sỹ yêu nước nổi tiếng từng có nhiều hoạt động giành độc lập cho đất nước không chỉ ở trong nước mà cả trên đất Pháp. Với phương châm "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh", cụ đã cùng với các đồng chí của mình tạo nên một phong trào yêu nước sâu rộng và sôi động khiến thực dân Pháp lo sợ. Tuy nhiên, nơi an nghỉ cuối cùng của cụ Phan Châu Trinh còn nhiều điều ít người biết đến.

“Chớ đem thành bại luận anh hùng”

Một ngày giữa tháng 11, tôi ghé nơi an nghỉ cuối cùng của một nhà Cách mạng, nhà chí sỹ và nhà tư tưởng lớn của Việt Nam. Khi tôi đến nơi an nghỉ này, may mắn thay đã gặp được cháu dâu của cụ Phan, là bà Lê Thị Sáu và ông Nguyễn Đông Hồ (em trai của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, cháu ngoại của cụ Phan Châu Trinh). Bà Sáu là vợ ông Nguyễn Đông Hà - một nhà Cách mạng đã mất sau giải phóng, anh ruột ông Hồ. Mẹ ông Hồ là cụ Phan Thị Châu Lan, con gái út của cụ Phan Châu Trinh.

Khu di tích nằm lặng lẽ bên công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình, TP.HCM) với những con đường sôi động của TP.HCM.  Bức tượng Phan Châu Trinh bán thân làm bằng đá trắng do UBND tỉnh Quảng Nam, quê hương cụ Phan gửi tặng, như nghiêm nghị suy tư trong nắng sớm bên những hàng cây và hoa sứ rơi chậm rãi.

Chuyện ít biết về nơi an nghỉ của Phan Châu Trinh - Ảnh 1

      Cụ Phan và con trai Phan Châu Dật. 

     Vào một buổi sáng như thế, nhìn thấy cảnh đó, hay vì không khí trang nghiêm ở đây, hoặc vì anh linh của người chí sỹ lan tỏa mà khiến lòng tôi lắng lại, bình yên. Bỗng dưng thấy mình xúc động và rưng rưng hoài niệm. Lại nhớ câu cổ nhân nói: "Chớ đem thành bại luận anh hùng". Nhớ về cụ Phan là nhớ về một thời quá khứ đầy hào hùng, chí khí quật cường của bao anh hùng, bao con dân người Việt nung nấu khát vọng độc lập cho dân tộc, cho đất nước đã hàng chục năm đắm chìm trong cảnh nô lệ tối tăm.

       Trong bối cảnh đó, việc tìm ra con đường cứu nước thật không hề dễ dàng, nên việc nhiều nhà chí sỹ yêu nước nhưng mang những tư tưởng để giải phóng dân tộc khác nhau cũng là điều dễ hiểu. Từ bối cảnh đó mà tư tưởng "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" của cụ Phan ra đời và đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Từ sự khởi xướng của cụ Phan đã dấy lên phong trào Duy Tân, mở trường học, làm kinh tế. Cụ Phan và các đồng chí đã mở được 40 trường học, mở xưởng nước mắm Liên Thành ở Phan Thiết để làm kinh tế. Ở Phan Thiết có ngôi trường Dục Thanh nổi tiếng, nơi người thầy giáo Nguyễn Tất Thành  giảng dạy truyền bá lòng yêu nước, rồi từ giã để vào Sài Gòn xuống Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Ngôi trường này cũng do cụ Phan và các đồng chí  của cụ lập ra.

       Khi phong trào này lớn mạnh đưa đến cuộc đấu tranh chống thuế ở Trung kỳ khiến thực dân Pháp lo sợ. Chúng bắt và xử tử  hình những lãnh tụ của phong trào, trong đó có Trần Quý Cáp (xử tử hình), Huỳnh Thúc Kháng và Phan Châu Trinh bị bắt. Lúc đầu chúng tuyên án tử hình, sau giảm án và đày ra Côn Đảo.

       Bôn ba cứu quốc

       Ở nhà lưu niệm cụ Phan có hơn 100 tài liệu nói về cụ. Theo các tài liệu đó, cụ Phan Châu Trinh sinh năm 1872 tại làng Tây Lộc, thuộc tổng Vinh Quý, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam (nay là thôn 5, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam). Ông nội cụ Phan là cố Phan Văn Điểu làm bá hộ, cha là Phan Văn Bình, làm một Quản cơ sơn phòng, một chức võ quan nhỏ, về sau gia nhập Bộ chỉ huy Nghĩa hội Cần vương của địa phương. Lúc Phan Châu Trinh 15 tuổi, mẹ mất, được cha đưa vào chiến khu học tập và rèn luyện võ thuật.

       Ít lâu sau, cha cũng mất, nghĩa hội tan rã, Châu Trinh về nhà chuyên tâm học văn để đi thi. Năm Phan Châu Trinh 26 tuổi ông kết giao với Trần Quý Cáp. Hai năm sau, Châu Trinh đậu cử nhân thứ ba cùng khoa với Huỳnh Thúc Kháng và Phan Bội Châu. Năm 29 tuổi, Phan Châu Trinh đậu Phó bảng cùng khoa với Ngô Đức Kế, Nguyễn Sinh Huy (tức Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ Hồ Chủ Tịch).

       Năm 24 tuổi, Phan Châu Trinh thành hôn với Lê Thị Tỵ quê làng An Sơn huyện Tiên Phước, sinh hạ được ba người con là Phan Châu Dật, Phan Thị Châu Liên và Phan Thị Châu Lan. Phan Châu Dật thuở thiếu thời thông minh, học giỏi, rất có hiếu với cha, theo cụ Phan sang Pháp vừa học, vừa làm nuôi cha bị bệnh. Thời gian sau, Dật cũng bị bệnh lao phải về nước rồi mất (ông Dật sinh năm 1897 - mất ngày 2/2/1921).

Chuyện ít biết về nơi an nghỉ của Phan Châu Trinh - Ảnh 2

Ông Nguyễn Đông Hồ bên lăng ông ngoại, nhà chí sỹ Phan Châu Trinh.

       Cụ Phan Châu Trinh bôn ba nhiều nơi: Ra Bắc, vào Nam, sang Nhật, sang Pháp. Đi đến đâu cụ cũng tìm người cùng chí hướng kết giao như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu, Ngô Đức Kế, Trần Quý Cáp, Phan Thúc Duyện, Nguyễn Quyền, Phan Văn Trường... để bàn tính việc cứu nước. Phan Châu Trinh không chủ trương dựa vào Nhật hay ngoại quốc để làm bạo động cứu nước mà cụ đề xướng phong trào Duy Tân tức là "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh". Đây là phong trào nâng cao trình độ nhân dân mọi mặt, xây dựng nội lực quốc dân, buộc địch phải nới rộng chính sách cai trị.

      Trong 14 năm hoạt động cứu nước ở Pháp, cụ Phan đã cùng đồng chí của mình, như cụ Phan Văn Trường, cụ Khánh Ký... làm nhiều việc để giành lại độc lập cho Tổ quốc. Họ vận động giới chóp bu của Bộ thuộc địa trao trả tự do cho nước ta nhưng không có kết quả, vận động Liên minh nhân quyền Pháp giúp vận động giải thoát bạn tù, liên hệ và đưa Nguyễn Tất Thành từ Anh qua Pháp hoạt động...

       Sau những năm tháng miệt mài hoạt động cứu nước ở Pháp, cụ Phan lâm trọng bệnh. Ngày 26/6/1925, cụ Phan về nước. "Tại Sài Gòn, cụ tổ chức diễn thuyết kêu gọi lòng yêu ước của nhân dân. Cụ đọc hai bài diễn văn rất nổi tiếng là "Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa" và bài "Đạo đức luân lý Đông Tây". Những buổi diễn thuyết của cụ Phan có hàng ngàn người tham dự. Khi cụ Phan mất, ngày 24/3/1926, 18 vạn người ở Sài Gòn đưa tiễn cụ", bà Lê Thị Sáu kể.

        Đoạn kết

       Ông Nguyễn Đông Hồ đưa tôi ra ngôi mộ của cụ Phan trong khu vườn, phía sau ngôi mộ là bài điếu văn của cụ Huỳnh Thúc Kháng, bạn đồng chí thân thiết của cụ Phan, chấp bút để viếng cụ. Bài điếu được khắc trên một tấm bia bằng đá rất lớn, kế bên mộ cụ Phan Châu Trinh là một ngôi mộ khá to, có cả nhà mồ xây bao lên khá đẹp. Tôi thắc mắc, ông Hồ giải thích: "Cả đời cụ Phan hoạt động cứu nước nên không có nhà cửa. Khi về nước cụ ở nhờ trong nhà bạn bè, hoặc những bà con có cảm tình với cách mạng. Ngày cụ Phan mất, không có chỗ để an táng cụ. May nhờ bà Phạm Thị Quí, là một người giàu có, rất có cảm tình với những người cách mạng như cụ Phan, bà có nghĩa trang Gò Công nên đã cho cụ an táng trong nghĩa trang đó. Sau này bà mất, cũng an táng gần mộ cụ Phan. Hiện nay con cháu cụ Quí đang sống ở nước ngoài".

         Rời nơi an nghỉ của nhà chí sỹ, tôi chợt nhớ đến câu thơ của ông đồ Vũ Đình Liên "Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ". Có lẽ anh linh của cụ vẫn còn lẩn khuất đâu đây. Cầu mong cho anh linh cụ Phan phù hộ cho dân tộc, đất nước này được luôn thái bình, cường thịnh, như tâm huyết và khát khao mà cả đời cụ Phan đã sống và chết vì nó. Đó là những điều tôi chợt nghĩ và ghi lại trong cuốn sổ lưu niệm mà bà Sáu đưa cho tôi.   

Những di vật vô giá

Ông Hồ dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng giới thiệu về những hình ảnh, tư liệu cá nhân và những di vật liên quan đến cụ Phan. Nơi đây còn lưu giữ những hình ảnh, tài liệu quý giá, có ý nghĩa không chỉ với gia tộc cụ Phan mà với lịch sử nước nhà. Đó là những tác phẩm của cụ Phan viết trong thời kỳ hoạt động cứu nước bị tù đày hoặc ở Pháp. Những bức ảnh nhân dân đi dự đám tang cụ Phan, câu điếu của đại diện các giới Quảng Nam, Đà Nẵng viếng cụ,... Đặc biệt có hai bản sao bức thư của Nguyễn Tất Thành gửi cho cụ Phan Châu Trinh lúc cả hai còn hoạt động cứu nước ở Pháp. "Lúc cụ Phan được thả tự do từ nhà tù Côn Đảo, cụ về Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) ẩn thân thì cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ Nguyễn Tất Thành - PV) có đưa Nguyễn Tất Thành đến gặp cụ và gửi gắm Tất Thành cho cụ khi qua Pháp nhờ cụ giúp đỡ. Do đó, khi Nguyễn Tất Thành qua Pháp hoạt động thì cụ Phan cùng một số nhân sỹ, kiều bào người Việt ở Pháp đã tận tình giúp đỡ”, ông Hồ cho biết.

                                                    Nguyễn Thịnh - Báo Người Đưa Tin

Nhìn nhận lại môn lịch sử - Dạy gì về Phân Châu Trinh ?

Bài diễn văn về đạo đức của Phan Châu Trinh 

Nhớ cụ Phan Châu Trinh và 10 điều bi ai của dân tộc Việt Nam

"Chi bằng học" tư tưởng chủ đạo của Phan Châu Trinh trong sự nghiệp Duy Tân

Phan Châu Trinh và sự thức tỉnh dân tộc thế kỷ XX

BBT donghuongtienphuoc.com viếng mộ cụ Phan đầu xuân

Video: phóng sự người cháu gái cụ Phan

Chuyện người vợ và con của cụ Phan Châu Trinh

 Chuyện con gái cụ Phan Châu Trinh