Chí sĩ yêu nước cương trực
Năm 1908, cụ Huỳnh Thúc Kháng bị thực dân Pháp bắt về tội “Mưu loạn vị hành” (mưu làm giặc nhưng chưa thành) và xướng thuyết dân quyền. Đến tháng 8.1908, cụ Huỳnh bị đày ra Côn Đảo, phải 13 năm sau (1921) mới được trả tự do, nhưng bị quản thúc tại gia ở làng Thạnh Bình (nay là xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước).
Chí khí khẳng khái
Năm 1923, Khải Định dùng lá bài “khai phục hàm tiến sĩ”, mời cụ Huỳnh ra Huế làm việc để soạn thảo bộ Hán Việt tự điển, nhưng cụ đã từ chối: “Việc làm quan chẳng phải là điều mong muốn”. Sau đó, chính viên Khâm sứ Pasquier trực tiếp mang chức quan ra mua chuộc và cụ Huỳnh chỉ “cười một cái” rồi cáo biệt. Những năm tháng ở tại quê nhà, cụ Huỳnh làm thầy thuốc bắc giúp cho dân làng, cụ cũng rất nổi tiếng trong nghề này.
Năm 1926, cụ Huỳnh đắc cử dân biểu rồi được cử làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ. Hoài vọng của cụ Huỳnh là sử dụng Viện Dân biểu như một diễn đàn đấu tranh công khai đòi thực dân Pháp phải cải cách dân chủ, bảo vệ quyền lợi dân tộc, mở rộng chính sách cai trị. Nhưng Viện Dân biểu này do thực dân Pháp nặn ra với ý đồ chỉ là một tổ chức bù nhìn, một chiêu bài phục vụ cho chúng, nên khi cụ Huỳnh làm Viện trưởng, những xung đột giữa cụ và các nhà cầm quyền thực dân diễn ra gay gắt. Đến năm 1928, xét thấy không thể tiếp tục đấu tranh với thực dân trên nghị trường, cụ Huỳnh khẳng khái từ chức.
Thời gian làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ tại Huế, cụ Huỳnh đã gặp lại một số bạn Duy tân cũ từ Côn Đảo, Lao Bảo về và các nhà hoạt động trẻ tuổi khác. Sau nhiều lần gặp gỡ, họ quyết định thành lập một chính đảng và một cơ quan ngôn luận ở miền Trung. Năm 1927, Đảng Tân Việt (lúc đầu là Đảng Phục Việt) ra đời với đảng trưởng là Lâm Ngu Lê Văn Huân, là bạn tù thân thiết của cụ Huỳnh ở Côn Đảo. Đảng này áp dụng tư tưởng dân chủ, dân quyền, chống thực dân, nhằm cao vọng giành lại chủ quyền quốc gia, độc lập cho dân tộc.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng và cộng sự trước Tòa soạn Báo Tiếng Dân tại Huế. |
Nói lên “Tiếng Dân”
Song song với việc Đảng Tân Việt ra đời, để thể hiện tư tưởng đổi mới của mình một cách công khai, năm 1927 cụ Huỳnh đứng ra tổ chức tờ báo Tiếng Dân - cơ quan ngôn luận đầu tiên ở Trung kỳ - do cụ Huỳnh làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Trụ sở Báo Tiếng Dân được đặt tại Huế, ra số đầu tiên vào ngày 10.8.1927. Từ khi ra đời đến ngày bị đóng cửa (28.4.1943), trong gần 16 năm, báo Tiếng Dân đã ra 1.766 số. Báo Tiếng Dân với nhà báo Huỳnh Thúc Kháng đã góp một phần không nhỏ vào việc giáo dục quần chúng đấu tranh công khai tố cáo chính sách thống trị của chính phủ Pháp, vạch mặt bọn Việt gian cùng những thủ đoạn mị dân của chúng; đòi hỏi dân chủ, dân sinh. Với cách đưa tin “rất Huỳnh Thúc Kháng”, cụ Huỳnh đã bất chấp sự kiểm duyệt của mật thám Pháp và “bất tuân thượng lệnh” của chúng.
Bởi với cụ, cái quyền của người làm báo, nhất là chủ nhiệm báo là “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mình muốn nói, thì ít ra cũng giữ cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”.
Gần 16 năm, Huỳnh Thúc Kháng nói lên “Tiếng Dân” giữa kinh thành Huế đã khiến cho chính quyền thực dân phải e dè, kiêng nể, không dám ngang nhiên tác oai, tác quái, ức hiếp dân lành như trước. Và hơn nữa, qua báo Tiếng Dân, nhiều chiến sĩ cách mạng như Võ Nguyên Giáp, Hải Triều, Nguyễn Chí Diểu... đã tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân đồng tâm hiệp lực theo con đường mà Đảng Cộng sản Đông Dương và Nguyễn Ái Quốc đã chọn. Chính vì vậy, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp lần thứ hai, tại chiến khu Việt Bắc, Chính phủ ta đã mở trường dạy viết báo mang tên Huỳnh Thúc Kháng.
Hiện thân của khát vọng
Lịch sử báo chí yêu nước và cách mạng Việt Nam trước 1945 ghi nhận một dấu son chói lọi, với sự hiện diện của báo Tiếng Dân. Từ số đầu tiên cho đến khi đình bản, báo Tiếng Dân do cụ Huỳnh sáng lập đã thực hiện đúng tôn chỉ của mình: “Mục đích của bản báo là theo tâm lý chân chánh của quốc dân mà phô bày trên tờ giấy, cốt gìn giữ cái nền đạo đức sẵn có của ông bà, mà dung hợp với học thuật tư tưởng mới, để mở mang đường trí thức, đường kinh tế trong nước, công lý là hướng đường đi, công lợi là nơi quy túc... Đối với đồng bào xin làm vị thuốc đắng..., đối với chánh phủ xin làm người bạn ngay...” (lời phi lộ - Báo Tiếng Dân ra đời).
Trong 16 năm trụ vững với 1.766 số báo, Tiếng Dân là hiện thân của khát vọng về dân sinh, dân chủ, về tương lai tươi sáng của đất nước, về tự do, hạnh phúc cho những người dân bần cùng tại một nước thuộc địa - phong kiến. Khát vọng đó, mãi cho đến cuối đời vẫn hằn sâu nơi tâm khảm của một “ông cha già chí thân, tượng trưng cho một dân tộc”, như Điếu văn của đồng chí Phạm Văn Đồng đọc tại Lễ tang cụ Huỳnh.
Với nhiều bút hiệu khác nhau (Sử Bình Tử, Tha Sơn Thạch, Khí Ưu Sinh, Xà Túc Tử, Thức Tự Dân, Ưu Thời Khách, Hải Âu, Ngu Sơn...), cụ Huỳnh đã đảm nhiệm nhiều cột, mục trên báo. Và, cũng qua cách đặt bút hiệu, người đời cũng nhận ra tấm lòng của cụ đối với đất nước, nhân dân. Có thể nói, báo Tiếng Dân phản ánh trung thành con người cụ Huỳnh, đó là con người khắc khổ, ưu thời mẫn thế, đầy nhiệt thành và phẩm hạnh. Qua quãng đời làm báo, cụ Huỳnh hiểu thấu hơn dân tộc và nhân dân của mình, để sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, cụ là người cộng tác đắc lực với Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, người được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao gửi quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hội Liên Việt.
Cuộc đời và sự nghiệp làm báo của cụ Huỳnh là tấm gương phản chiếu đầy đủ và quyết liệt về khát khao độc lập, dân chủ, tiến bộ của nhân dân và dân tộc Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - khi chưa có độc lập.
Phan Thanh Hậu - Báo Quảng Nam