Dùng kìm bấm bỏ phần đuôi ốc. Chặt đuôi ốc cũng phải chú ý “kỹ thuật”, nếu chặt cạn quá khi ăn sẽ không còn “dễ như hút ốc”, còn chặt sâu quá ốc tuột cả ruột mất nước. Trong khi làm ốc, tiện tay bắt nhúm gạo nấu cháo. Ốc làm sạch ướp với gia vị: muối, bột nêm, nước mắm… trong khoảng nửa giờ cho thấm.
Ở xứ Quảng, dường như chỉ có người Tiên Phước thường nấu cháo ốc với nước dừa tươi và cơm dừa. Cháo ốc, vốn đã béo ngọt, nấu bằng nước dừa càng dậy mùi hơn. Những người sợ vị ngậy của dừa và ốc, có thể nấu cháo trắng bình thường, chỉ cần chọn gạo dẻo thơm, nấu hơi đặc.
Khi cháo nhuyễn, khử dầu với nén um ốc, đảo qua lại cỡ năm - bảy phút đến khi ốc chín rồi đổ ốc vào nồi cháo, trộn đều, nấu thêm chút nữa cho thấm rồi nêm nếm tùy khẩu vị. Múc cháo ốc ra tô, rắc thêm ít tiêu, rau thơm, vừa ăn cháo, vừa hút ốc.
Cháo ốc dân dã, cách nấu đơn giản. Nhà tôi thường chia ốc làm 2 phần rồi ướp và um riêng: phần không có gia vị cay (tiêu, ớt...) dành cho trẻ con; phần còn lại cho người lớn. Cháo ốc phải ăn nóng mới hợp, ăn xong ai nấy đều toát mồ hôi. Nghe nói món này rất mát, nên thường được ăn vào mùa hè để giải nhiệt.
Ăn cháo ốc xứ núi, cảm cái tình, cái công bạn bắt, gửi xe về xuôi, nghe ngậm ngùi và không dưng cả một trời tuổi thơ ùa về. Nhớ thỉnh thoảng mẹ mang về đùm ốc bắt ở ven bàu sau bữa làm đồng. Con nào con nấy lấm lem bùn đất. Phải rửa nhiều lần, ngâm thật lâu mới sạch, đến hôm sau mẹ mới chế biến.
Mẹ “biến tấu” nhiều món: ốc nấu canh, ốc xào sả ớt, ốc um nước dừa, cháo ốc... để con cái khỏi ngán vì cứ vài ba ngày lại có một “điệp khúc” ốc. Giờ cái bàu ở quê đã bị lấp để trồng hoa màu. Mà nếu không lấp, chắc cũng không còn ốc để bắt. Giờ thì ốc trở thành đặc sản “ốc bảy món” trong quán xá, nhà hàng cả rồi.
Châu Nữ - Báo Quảng Nam