www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Chạm vào giấc mơ đồ họa sắp đặt…

Tìm ra một ngôn ngữ để thể hiện những cảm xúc, cảm nhận về cuộc đời của mình không phải chuyện dễ. Nhưng Trầm Thị Trạch Oanh – cô gái lớn lên từ vùng quê Tiên Phước, đã tìm kiếm và đang từng bước định vị mình trên con đường nghệ thuật đầy cam go.

Cuốn sách nghệ thuật…

Trạch Oanh trẻ - sinh năm 1992. Cô mang cả sức trẻ của mình vào trong nghệ thuật bằng những cách thể hiện ấn tượng, táo bạo. Mới đây, trong Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam Trung Bộ lần thứ 20, “Âm vang của biển” của Oanh lọt vào mắt nhìn của những nhà phê bình khó tính nhất. Nhiều thiện cảm của giới mỹ thuật dành cho cô gái trẻ xứ Quảng thông qua tác phẩm này. Và đây cũng chính là tác phẩm ghi dấu ấn cái tên Trầm Thị Trạch Oanh với bộ môn đồ họa kết hợp nghệ thuật sắp đặt. “Âm vang sóng biển” được chọn là một trong những tác phẩm tham dự Liên hoan của Hội liên hiệp VHNT toàn quốc.

Oanh nói: “Trước sự mênh mông của biển, những con sóng vỗ bờ mạnh mẽ, tiếng gió ào ạt thổi qua, cộng với hương vị biển đã tạo cho tôi cảm giác thật khó tả. Ở đây, có những sinh vật nhỏ bé hằng ngày phải đương đầu với sóng gió, sự khắc nghiệt của thời tiết để sống và sinh tồn. Mỗi ngày trôi qua là một quá trình hình thành sự sống. Khi ánh mặt trời dần tắt cũng là lúc sinh vật biển lặng mình hòa vào lòng biển cả. Tôi muốn tái hiện khoảnh khắc đó qua tác phẩm “Âm vang sóng biển” như một cuốn sách nghệ thuật ghi lại giai điệu của biển cả hòa với thiên nhiên lúc hoàng hôn”. Chọn một thể loại khá mới mẻ với nghệ thuật đương đại, “bookart printmaking” – một cuốn sách nghệ thuật với chỉ 2 gam màu đen tím, cùng những con sóng cuộn tròn, khiến tác phẩm của Oanh trở nên thú vị.

Trầm Thị Trạch Oanh với tác phẩm “Âm vang sóng biển” tại Triển lãm Khu vực Nam miền Trung – Tây Nguyên” lần thứ XX.
Trầm Thị Trạch Oanh với tác phẩm “Âm vang sóng biển” tại Triển lãm Khu vực Nam miền Trung – Tây Nguyên” lần thứ XX.

Giản dị với con đường đi của mình, khá lặng lẽ với những cuộc giao tiếp, nhưng trên hành trình nghệ thuật khi bước vào, Oanh lại mang một hơi thở khác hẳn với những bậc anh chị đi trước. Cảm tình với cô gái trẻ bởi gương mặt xinh xắn là một, nhưng nhìn cái cách Oanh thể hiện tài tình và khéo léo khả năng của mình lại khiến người đối diện thương quý hơn.  PGS-TS. Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng trường Đại học Nghệ thuật Huế, chia sẻ cảm xúc về “cuốn sách nghệ thuật” của Oanh, “giữa không gian trưng bày với rất nhiều tác phẩm, ai cũng nhìn vào “Âm vang sóng biển” vì nó rất lạ. Ngay cả chúng tôi là nghệ sĩ chuyên nghiệp mà nhìn tác phẩm ấy cũng tò mò muốn chạm vào, mở ra xem ngay”.

Trong khi đó, tại cuộc Triển lãm mỹ thuật khu vực tổ chức tại Quảng Nam hồi tháng 8.2015, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, đánh giá rất cao tính sáng tạo trong tác phẩm của Oanh. “Bằng cách biến tác phẩm đồ họa thành sách ảnh, có thể mở ra, gấp lại, Oanh đã tạo được tính tương tác trực tiếp với người xem và kích thích thị giác của họ” - họa sĩ Đoàn cho biết.

Giải thưởng “Nghệ sĩ trẻ” của Thái Lan

Tháng 2.2016, Trạch Oanh được mời sang Thái Lan. Vinh dự được trường Đại học Hoàng gia Mahasarakham trao giải “Nghệ sĩ trẻ”, cô gái này không giấu được niềm tự hào. “Tiêu chí của giải thưởng không chỉ gói trong một vài tác phẩm mà người ta nhìn vào cả quá trình hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Trường Đại học Hoàng gia Thái Lan cử cả người sang thẩm định quá trình học tập, sáng tác của Oanh” - Oanh nói.  Và những thành tích hoạt động suốt 4 năm của cô gái ở trường Đại học Nghệ thuật Huế xứng đáng để cô nhận được giải thưởng danh giá như vậy. Oanh nói, quãng thời gian ở giảng đường, em nỗ lực không ngừng từ hoạt động đoàn hội đến việc tham gia thử sức ở các cuộc thi nghệ thuật. Chọn ngành đồ họa cũng là một thử thách mà cô gái vừa rời khỏi phổ thông khi ấy muốn dấn thân vào. “Nhưng Oanh chọn đồ họa như cái kiểu muốn mình sau này sẽ làm nghệ thuật hiện đại. Đồ họa tạo hình là ngành đào tạo họa sĩ đồ họa, ngành này khá hiếm người theo học” - Oanh chia sẻ. Tác phẩm của Oanh hướng nhiều đến cảnh sắc làng quê, với những ký ức ấu thơ, dung dị nhưng không kém phần thu hút, ám ảnh.

Tiếp nối “Âm vang sóng biển”, Oanh dành trọn 4 tháng để hoàn thiện tác phẩm Hoa của đất – cũng là tác phẩm được đánh giá xuất sắc, giúp Oanh dành được vị trí tốt nghiệp thủ khoa của trường Đại học Nghệ thuật Huế. Chắt lọc về hình ảnh, và dường như cũng đã ý thức về chất liệu, “đóa hoa ngũ sắc” của Oanh là những tấm hình của các liệt sĩ. Và không hề bị ràng buộc bởi sự lựa chọn cách thể hiện, Oanh dùng những cái rế tre - vốn là vật dụng quen thuộc trong gian bếp ngày xưa kết những cụm hoa nhỏ thành cụm hoa lớn. “Đó là hình ảnh của người mẹ với những đứa con. Những mô hình đóa hoa, cái nôi, vầng trăng là những sự dịch chuyển về ý nghĩa: người mẹ là đóa hoa, là chiếc nôi, là vầng trăng soi sáng cho con” - Oanh nói. Nét hoài niệm bởi chất liệu, sự trầm mặc của những hình ảnh lịch sử, ánh sáng… tổng hòa thành tác phẩm trang nghiêm, tôn kính nhưng lại không xa cách với người xem. Chỉ cần “điểm mặt” hai tác phẩm – hai sự sáng tạo xuất phát từ tài năng và rèn luyện, đủ để Oanh vinh dự đại diện cho gương mặt trẻ của Việt Nam nhận giải thưởng từ Đại học Hoàng gia Thái Lan.

Từ năm này, Trầm Thị Trạch Oanh trở thành giảng viên trẻ của trường Đại học Nghệ thuật Huế. Có lẽ môi trường này, nghề nghiệp này, là điều kiện để Oanh đi những bước dài hơi trong hành trình nghệ thuật của mình để hiện thực hóa giấc mơ đồ họa sắp đặt…

                                                           Song Anh - Báo Quảng Nam