www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Câu đối xưa trên mộ cụ Huỳnh

Vào những ngày cuối tháng Ba, đầu tháng Tư năm 1975, trong hành trình “Chim Sơn Ca” theo chân những đoàn quân giải phóng, nhóm phóng viên chiến trường chúng tôi có dịp dừng chân ở Quảng Ngãi, khi tỉnh này vừa được giải phóng. Những anh chị cán bộ vừa ở chiến khu về, dẫn chúng tôi đi thăm một vài địa điểm xung quanh thị xã, mà theo các anh chị thì đó là những nơi hội tụ những dấu tích non sông, là người dân Quảng Ngãi, ai cũng thấy tự hào.

Nơi chúng tôi đến thăm đầu tiên là núi Thiên Ấn, nơi được coi là “đệ nhất danh thắng” của miền núi Ấn sông Trà. Anh Hoàng Trương ở Tuyên giáo nói vui: “Đến Quảng Ngãi là phải lên Thiên Ấn. Đó là nơi ấn tín nhà Trời niêm xuống dòng sông!”. Lên đến đỉnh núi, tuy không thấy ấn tín nhà Trời đâu cả, nhưng quả thật thì nơi đây là một thắng cảnh hiếm có. Trong nắng ấm tháng Tư, cả bốn phía chân trời bao la hiện ra với những cảnh sắc thắm tươi, vời vợi. Sông Trà Khúc ở phía Nam đang rì rào chảy xuôi về biển ở hướng đông, những làn nước óng ánh phơi mình trong nắng ấm cuối xuân, in hình những guồng xe nước chậm rãi quay bình bên những cánh đồng xanh. Nơi kia, phía Tây là dải Trường Sơn sừng sững, một màu xanh đậm kéo dài hút mắt. Thị xã nho nhỏ, xinh xinh với nhấp nhô những dãy phố nhỏ, hòa vào khung cảnh mênh mang những bãi mía, nương dâu, ruộng lúa. Và, xa hơn một chút là núi Bút, vẫn xanh xanh những vòm cây yên lành.

Chúng tôi đang lặng ngắm bốn phía chân trời, thì anh Hoàng Trương lên tiếng: “Bây giờ xin mời các anh đến viếng thăm một nhà chí sĩ yêu nước đang yên nghỉ nghìn thu trên đỉnh núi thiêng này!”. Chúng tôi, ai cũng hết sức xúc động vì lần đầu tiên lên thăm núi Thiên Ấn, lại được đến kính viếng một nhà chí sĩ yêu nước từ lâu đã nghe danh tiếng, nhưng chưa biết rằng ngôi mộ của cụ lại đang ở chính nơi danh thắng đệ nhất này. Đó là cụ Huỳnh Thúc Kháng, một chí sĩ yêu nước nổi tiếng, mà ai đã học qua lịch sử nước nhà thời cận hiện đại đều không thể nào quên. Lúc đó, có một cán bộ lão thành cùng đi, được anh Hoàng Trương giới thiệu là bác Đỗ Minh Toại - người biết rõ về lai lịch của ngôi mộ cụ Huỳnh. Khi chúng tôi đã quay tụ lại phía trước ngôi mộ ở ngay phía Tây Nam của đỉnh núi, bác Toại chỉ lên hai hàng câu đối ở phần quách xây vòng ngôi mộ, và đọc to: Làm nghị sĩ không vinh, tù Côn Lôn không nhục, Khí tiết cõi tùng trơ một gốcLãnh bộ trưởng tròn tài, quyền Chủ tịch trọn đức, Minh tinh sao Vĩ chiếu ngàn thu.

Rồi bác Toại cho biết: “Danh tiếng cụ Huỳnh Thúc Kháng thì đồng bào ta ai cũng đã biết. Nhưng việc ngôi mộ cụ ở trên núi Thiên Ấn này, thì có lẽ nhiều người còn chưa hiểu rõ. Nguyên là vào năm 1947, khi nước ta mới bước vào những tháng đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp trở lại xâm lược, với tư cách là Hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam, đồng thời là Đặc phái viên của Chính phủ tại miền Nam Trung bộ, cụ Huỳnh đã đi kinh lý các tỉnh miền Trung, để giải thích đường lối kháng chiến và động viên, kêu gọi toàn dân ủng hộ Chính phủ, kêu gọi các đảng phái “thực hiện ngay đại đoàn kết chung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Trong khi đó, giặc Pháp đã đánh chiếm Đà Nẵng và tiến vào phía bắc sông Thu Bồn, phía nam thì chúng đã gây hấn ở Nam Bộ, đánh ra chiếm Quy Nhơn, tiến lên Tây nguyên chiếm Pleiku, Kon Tum. Vùng tự do của ta ở miền Trung chỉ còn một khu vực từ nam sông Thu Bồn đến phía bắc Bình Định. Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Trung bộ lui về đóng ở chợ Cùa, huyện Nghĩa Hành. Cụ Huỳnh cũng về đây cùng ở trong khu tự do, ở trong nhà dân như các vị lãnh đạo của Trung ương về công tác và các thành viên của Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Trung bộ.

Theo các cụ lão thành cách mạng như cụ Nguyễn Công Phương, cụ Lê Hồng Long… là những người chăm sóc những ngày cuối cùng cho cụ Huỳnh kể lại, thì cụ Huỳnh vào công tác ở Quảng Ngãi hơn 4 tháng, dù tuổi cao sức yếu, đời sống kháng chiến gian khổ, nhưng cụ luôn hăng say đến với mọi tầng lớp nhân dân, đi thăm dân công đắp đê, đi dự Đại hội thân hào liên tỉnh Bình Định - Quảng Ngãi, ở huyện Tư Nghĩa vào ngày 25-2-1947. Cụ Huỳnh đã chào mừng đại hội với bài thơ “Thanh xuân bất tái”, nhằm nhắn nhủ già trẻ gái trai đồng lòng chung sức phục vụ kháng chiến, không thể chần chừ, vì tuổi xuân một đi không trở lại.

Giữa tháng 3-1947, căn bệnh dạ dày kinh niên của cụ Huỳnh tái phát. Các vị đại diện lãnh đạo lúc bấy giờ ở vùng kháng chiến Nam Trung bộ như ông Phạm Văn Đồng, các bác sĩ có mặt như Lê Đình Thám, Trương Gia Thọ đều đến thăm và chỉ đạo việc điều trị chăm sóc cho cụ Huỳnh. Nhưng điều kiện thuốc men thời đó thiếu thốn, sức khỏe của cụ Huỳnh suy giảm, điều trị tận tình mà bệnh tình không thuyên giảm. Biết bệnh tình khó lòng qua khỏi, ngày 14-4-1947, cụ Huỳnh gửi điện cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, rồi ngày 19-4-1947, cụ lại gửi điện cho anh em binh sĩ, cho các đảng phái, tôn giáo. Trong thư riêng được đọc cho thư ký chép gửi đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh viết với những lời đầy xúc động: “Tôi bệnh nặng chắc không qua khỏi. Bốn mươi năm ôm ấp độc lập và dân chủ, nay nước ta đã độc lập, chế độ dân chủ đã thực hiện, thế là tôi chết hả. Chỉ tiếc không được gặp Cụ lần cuối cùng. Chúc Cụ sống lâu để dìu dắt quốc dân trên đường vinh quang hạnh phúc. Chào vĩnh quyết”. Và trong giây phút lâm chung, các vị đại diện Việt Minh, Liên Việt và thân hào đang chăm sóc cho Cụ có hỏi về nguyện vọng được mai táng nơi đâu, cụ Huỳnh đã bày tỏ ý muốn được nằm lại nơi đây trên đất Quảng Ngãi, nếu được thì mai táng ngay trên núi Thiên Ấn, bên cạnh dòng sông Trà.

Ngày 21-7-1947, cụ Huỳnh Thúc Kháng trút hơi thở cuối cùng trong niềm tiếc thương vô hạn của đông đảo đồng bào, cán bộ, chiến sĩ vùng kháng chiến Nam Trung bộ, trên đất Quảng Ngãi mến yêu. Thay mặt cho đồng bào, chiến sĩ cả nước, lúc 8 giờ sáng ngày 24-4-1947, cán bộ, quân, dân, chính đảng và đông đảo nhân dân Quảng Ngãi đã tổ chức trọng thể lễ tang tiễn đưa cụ Huỳnh. Lúc 13 giờ chiều cùng ngày, linh cữu của Cụ đã được đưa lên mai táng trên núi Thiên Ấn, theo đúng ý nguyện của Cụ. Trong điếu văn mà đại diện Ủy ban Kháng chiến Hành chánh tỉnh Quảng Ngãi đọc trong lễ tang, phần kết thúc có đôi câu đối như trình bày ở trên, mà chúng ta được đọc hôm nay ngay tại chính ngôi mộ của cụ.

Gần 20 năm sau, tôi lại có dịp đi cùng đồng chí Đỗ Minh Toại, lên thăm mộ cụ Huỳnh trên núi Thiên Ấn. Lúc này, cuối tháng 10-1994, đồng chí Đỗ Minh Toại đã là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Mộ cụ Huỳnh lần này đã được tôn tạo lại khang trang hơn. Tấm bia mới xây trước mộ phần của cụ, ghi rõ: “Mộ Cụ Huỳnh Thúc Kháng - Chí sĩ Cách mạng, Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Liên Việt). Sinh năm Bính Tí, 1876, tại huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, mất ngày 21-4-1947 tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi”. Và dưới đó là một phần trang trọng ghi lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cụ Huỳnh là người học hành rất rộng, chí khí rấ bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước, mà trước đây cụ bị bọn thực dân làm tội, đày ra Côn Đảo. Mười mấy năm trường, gian nan cực khổ. Nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ Huỳnh, chẳng những không sơn lại thêm kiên quyết. Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng,nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”.

Đọc xong những giòng chữ trang trọng ấy, chúng tôi dâng hương lên mộ cụ Huỳnh, và nhìn ra không gian bao la của vùng đất núi Ấn sông Trà. Lòng tôi cảm khái nhớ về câu đối xưa. Nhưng chính lúc đó, từ pháp đình Thiên Ấn vang lên hồi chuông ban trưa, lan trong không gian, từng nhịp từng nhịp dội vào cõi lòng từng con người. Đồng chí Đỗ Minh Toại quay sang phía tôi và như hiểu niềm day dứt trong tôi, ông chỉ cho tôi đôi câu đối mới được tô lại trên hai trụ biểu của ngôi chùa. Tôi ngoảnh đọc, và bỗng ngộ ra điều mà ông muốn nói. Đôi câu đối trước cổng chùa Thiên Ấn như sau: “Thiên Ấn kỳ gian hề,  hoa điểu thụ lâm hàm tuyên diệu pháp/ Tổ đình chi ngoại giả, sơn hà đại địa toàn lộ pháp thân”. Ý nghĩa của câu đối như sau này đồng chí Đỗ Minh Toại cho tôi biết, được một nhà thức giả dịch như sau: “Trong Thiên Ấn, mọi cỏ cây hoa lá, thảy thấm nhuần huyền vi diệu pháp/ Ngoài Tổ Đình, mỗi ngọn núi giòng sông, đều đẫm sương Cam Lộ vô thường!”.

Mãi gần đây, tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ Hán Nôm, khi được nghe về câu đối ấy, cụ Nguyễn Đình Ngật, Chủ nhiệm Câu lạc bộ đã dịch lại như sau: “Thiên Ấn đứng nơi này, hoa cười chim hót rừng xanh ghi sâu Diệu PhápTổ đình ở ngoài ấy, núi cao sông dài đất rộng tỏ bày Pháp Thân”. Những buổi sinh hoạt Câu lạc bộ như thế, chúng tôi vẫn thường ôn lại những trang sử và sự nghiệp của các danh nhân, chí sĩ xứ Quảng, thường hòa chung niềm vui khi một thành viên nào đó dịch đạt được một đoạn văn, một bài thơ hoặc một câu đối của các bậc tiền nhân, ví như câu đối trên chùa Thiên Ấn, nơi cụ Huỳnh đã nằm lại ngàn thu giữa một danh thắng của vùng núi Ấn sông Trà.

                                                            Nguyễn Trương Đàn - Đặc San NCLSXQ