www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Cam giấy sấy dẻo Tiên Hà: Từ sản phẩm khởi nghiệp đến OCOP 4 sao

Hợp tác xã Nông nghiệp (HTX NN) Phước Hà (xã Tiên Hà, Tiên Phước) từng bước nâng tầm để quả cam giấy Tiên Hà - một sản phẩm khởi nghiệp, trở thành sản phẩm cam giấy Tiên Hà sấy dẻo đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh.

 

Sản xuất cam giấy Tiên Hà sấy dẻo. Ảnh: C.N
Sản xuất cam giấy Tiên Hà sấy dẻo. Ảnh: C.N 

Nâng tầm sản phẩm bản địa

Cam giấy bản địa của quê hương Tiên Hà có những đặc trưng ưu trội như lớp vỏ mỏng, vỏ nhiều tinh dầu, vị thanh, nhiều nước, ngọt nhẹ, thơm dịu. Tuy nhiên nhược điểm là cam giấy Tiên Hà vốn không để được lâu và khó khăn trong vận chuyển, tiêu thụ, bảo quản. 

Để cải thiện hạn chế này và nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm bản địa, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan (thành viên HTX NN Phước Hà, thành viên Hội Khởi nghiệp sáng tạo Tiên Phước) đã dày công nghiên cứu và sản xuất thành công sản phẩm cam giấy sấy dẻo Tiên Hà, đưa sản phẩm này trở thành sản phẩm 4 sao OCOP cấp tỉnh năm 2020.

Dự án cây giống và sản phẩm cam giấy Tiên Hà của bà Lan cũng được công nhận ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh năm 2020 (trước đó, năm 2019, quả cam giấy Tiên Hà của HTX NN Phước Hà được công nhận 3 sao OCOP cấp tỉnh).

Liên kết sản xuất

Những năm qua HTX NN Phước Hà đã thực hiện chuỗi liên kết giá trị sản phẩm, bắt đầu bằng việc xây dựng vườn F0 đầu dòng, sử dụng hom giống ghép cho ra đời hàng vạn cây cam giấy. 

Giữa tháng 10 vừa qua, HTX tập huấn cho 44 hộ dân tham gia dự án liên kết sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ cam giấy ở 3 xã Tiên Hà, Tiên Châu, Tiên Cẩm trên diện tích 12ha. Toàn bộ sản phẩm cam giấy trong vùng dự án sẽ được đăng ký chứng nhận VietGAP.

Ông Đoàn Thanh Lân - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX NN Phước Hà cho biết, HTX đã xây dựng hệ thống vườn ươm các loại cây giống có múi rộng 3.000m2 cùng 5ha trồng cam giấy và 7,5ha liên kết với các nông hộ trồng cam Tiên Hà đang cho thu hoạch ổn định. Dự kiến từ năm 2024, diện tích 12ha cam giấy trong vùng dự án bắt đầu vào giai đoạn thu hoạch, cho sản lượng khoảng 6 tấn quả/ha.

Để cho ra sản phẩm cam giấy sấy dẻo, cam giấy nguyên liệu của HTX NN Phước Hà được sục ozon để tiệt trùng, sau đó xắt lát rồi ngâm với mật ong và sấy khô bằng phương pháp sấy lạnh để giữ được nước và có độ dẻo, giữ được vị ngọt, chua, the vốn có. 

Quy trình sản xuất cam giấy sấy dẻo tưởng chừng đơn giản, nhưng để có được sản phẩm ưng ý, được gắn 4 sao OCOP và đưa sản phẩm ra thị trường cả nước, HTX NN Phước Hà phải trải qua quá trình sản xuất thử nghiệm hàng tháng trời với khoảng 1 tấn cam tươi, cùng với đó là đầu tư hơn 300 triệu đồng mua các loại máy móc, trang thiết bị và đang tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.

“Đa số khách hàng Quảng Nam thích vị nhẫn, the, ngọt nhẹ đặc trưng vị quê của cam giấy Tiên Hà sấy dẻo. Trong khi đó, khách hàng một số nơi thích vị ngọt đậm đà, ít đắng hơn một chút. Bởi vậy, để vươn ra thị trường rộng hơn, thích nghi với hầu hết khách hàng trên cả nước, sắp tới HTX ứng dụng chuyển giao công nghệ của Công ty VN Organic để khử vị đắng” - bà Lan cho biết. 

Như vậy sắp tới HTX NN Phước Hà sản xuất song song 2 loại sản phẩm để phục vụ thị hiếu đa dạng của khách hàng. Ngoài ra, HTX còn sản xuất trà cam sấy theo đơn đặt hàng. Trà cam sấy cũng có thành phần là cam và mật ong nhưng để nguyên vỏ cam.

Hành trình giữ vị quê

Bà Lan nhớ lại những ngày đầu sản xuất thử nghiệm: phải rất kỳ công, tỉ mỉ, từ chọn nguyên liệu, rửa sạch, gọt vỏ, nhặt sạch hạt đến xắt lát vừa phải, sấy ở nhiệt độ phù hợp… mới có được một mẻ cam giấy sấy dẻo ra lò. Vậy mà khi nhờ bạn bè… nếm thử, nhiều người không hài lòng. Những lời nhận xét thường là quá đắng hoặc quá ngọt; lát cam quá ướt hoặc quá khô… 

Buồn nhưng không nản, bà Lan tiếp tục thử nghiệm, chú trọng nhiều hơn đến kỹ thuật, gia giảm nhiệt độ, thời gian sấy, thêm bớt mật ong, để có được sản phẩm ưng ý. Sản phẩm đưa ra thị trường trong và ngoài tỉnh, được khách hàng đón nhận.

Bà Lan tâm sự, sản xuất thành công mình mới hiểu vì sao Việt Nam có nhiều vùng trồng cam có tiếng mà không làm được cam sấy dẻo, bởi rất khó làm, cần sự chịu khó, chỉn chu, kiên trì, tỉ mỉ… 

Chẳng hạn, chỉ mỗi công đoạn làm sạch hạt cam đã rất tốn công và làm thật khéo léo. Đặc biệt, cam giấy sấy dẻo của HTX NN Phước Hà sản xuất hoàn toàn bằng phương pháp tự nhiên, không dùng bất kỳ phụ gia hay chất ổn định nào (mặc dù vẫn được phép dùng trong thực phẩm theo tỷ lệ nhất định).

Năm 2020, HTX đưa ra thị trường 400kg cam giấy sấy dẻo (giá bán 40 nghìn/100g), tương đương 3,2 tấn cam tươi (để làm được 1kg cam sấy dẻo cần 8kg cam tươi). Cũng trong năm đầu tiên sản xuất (năm 2020), sản phẩm cam giấy Tiên Hà sấy dẻo được công nhận 4 sao OCOP cấp tỉnh. 

Theo bà Lan, việc chế biến thành sản phẩm cam giấy sấy dẻo giải quyết được rủi ro khi sản lượng thu hoạch lớn trong thời gian ngắn, đa dạng hóa sản phẩm từ quả cam giấy, thuận tiện tham gia các hội chợ, hội thi… Cam giấy sấy dẻo và trà cam sấy có hạn dùng 3 tháng. 

Bà Lan cũng cho biết, HTX đang trồng thử nghiệm 1ha cam giấy trái vụ để đảm bảo cung ứng sản phẩm quanh năm cho thị trường, đồng thời tận dụng nhà xưởng, máy móc để làm chuối tiêu sấy, mít sấy và những sản phẩm địa phương.

Châu Nữ - Báo Quảng Nam