Cãi lại lệnh vua
Theo sách “Quảng Nam đất nước và nhân vật” của tác giả Nguyễn Quang Thắng, do NXB Văn hóa, Hà Nội, phát hành năm 1996, thì Lê Vĩnh Khanh sinh năm 1819 và mất năm 1884. Ông có tên chữ là Tử Minh, quê làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang thượng, huyện Hà Đông, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). Năm Quý Mão 1843, ông đỗ Giải nguyên và năm sau ông đỗ Phó bảng.
Sau khi thi đỗ Phó bảng, ông được bổ làm Tri huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Cũng theo sách đã dẫn, Lê Vĩnh Khanh làm quan rất thanh liêm nên bị đồng liêu ghen ghét. Tuần vũ Bình Định lúc đó tuy mới đỗ cử nhân nhưng nhờ thế lực và lo lót mà tót lên chức Tuần vũ nên rất cay cú với ông. Bởi ông chỉ là Tri huyện nhưng đỗ đến Phó bảng. Tương truyền, lúc đó huyện Phù Cát bị mất mùa, nhân dân đói kém, khắp nơi trộm cướp nổi lên. Đang lúc rối rắm, ông lại nhận lệnh triều đình phải theo sứ bộ cùng Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ sang Pháp chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ (1863). Ông từ chối không đi thì viên Tuần vũ vốn sẵn có tư hiềm với ông, liền lén tâu về triều cho rằng ông bất tuân lệnh vua.
Căn cứ vào lời tâu của Tuần vũ Bình Định, triều đình vua Tự Đức ban lệnh triệu ông về kinh thành Huế và buộc ông phải giải trình về 4 tội: Để cho dân trong huyện bị đói; trộm cướp sinh nhiều; thuế khóa bị chậm trễ; từ chối việc đi sứ sang phương Tây. Được lệnh, ông không về Huế ngay, mà thảo một tờ sớ gửi đi theo đúng thủ tục hành chính. Có điều, khác với lệ thường, trong văn bản, ông chỉ xưng danh mà không xưng “thần” như quy định, nội dung của tờ sớ viết như sau: Sở dĩ dân đói là do mất mùa, mà mất mùa là do thiên tai. Mất mùa, dân thiếu ăn mà triều đình không cho chẩn cấp, nên sinh ra trộm cướp. Dân đang đói thì làm sao có tiền để nộp thuế cho đúng kỳ hạn. Còn việc đi sứ sang Tây, thì điều trước hết phải biết tiếng Tây. Qua xứ người mà không biết tiếng nước người thì chẳng giải quyết được việc gì và có khác nào là chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Và có điều đặc biệt trong tờ sớ của ông là, theo một số nhà nghiên cứu thì sau mỗi câu trả lời, ông đều ghi 4 chữ “Khanh hà tội yên”, nghĩa là “Khanh này có tội gì chứ”.
Bia mộ cụ Lê Vĩnh Khanh do con cháu phụng lập
Ngày mồng 2 tháng giêng năm Giáp Thân - 1884, ông bị bệnh và mất tại nhiệm sở, an táng tại huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, sau đó gia đình di dời về cải táng tại chân đồi Rừng Lớn thuộc thôn 2, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Con cháu ông sau này phần lớn đều tham gia phong trào Duy Tân, Quang Phục hội ở Quảng Nam. Các con ông là Lê Vĩnh Huy, Lê Quý Liên đều tích cực tham gia phong trào Đông du. Đặc biệt là Lê Vĩnh Huy, một nhà nho có cái nhìn sâu rộng và bao quát về thời cuộc, ông đã tích cực tham gia các phong trào yêu nước, khởi nghĩa chống Pháp vào những năm đầu thế kỷ XX và đã hy sinh trong cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân năm 1916.
Các cháu nội của ông là Lê Triêm, Lê Duyện... được sang Nhật du học 2 năm, gặp lúc Pháp cấu kết với Chính phủ Nhật trục xuất du học sinh Việt Nam ra khỏi Nhật nên họ phải về nước. Năm 1916, Lê Triêm khởi nghĩa tại Tiên Phước, cùng với Trần Huỳnh đem quân tiến đánh đồn Trà My rồi kéo xuống Tam Kỳ bắt tri phủ Tạ Thúc Xuyên. Khởi nghĩa thất bại, cả gia đình Lê Vĩnh Huy bị bắt và lưu đày.
Ngày nay, người dân vùng Tiên Phước vẫn còn truyền tụng tinh thần yêu nước của gia đình danh nhân Lê Vĩnh Khanh như sau: Lê Vĩnh Khanh là tấm gương sáng về tinh thần hiếu học, ham hiểu biết của người dân xứ Quảng nói chung, người dân Tiên Phước nói riêng. Ông là bậc đại khoa không màng công danh, một mực yêu nước thương dân, chỉ mưu cầu độc lập, dân quyền. Tuy làm quan hưởng bổng lộc của triều đình nhưng trong ông muốn thoát khỏi sự ràng buộc khắt khe của luật lệ phong kiến, muốn cho nhân dân no ấm, thoát khỏi sưu cao, thuế nặng của chế độ phong kiến đương thời.
Lời bàn:
Theo các sử liệu còn lưu truyền đến ngày nay, Lê Vĩnh Khanh là vị quan thanh liêm và công chính nên được dân chúng đương thời kính trọng và hậu thế tôn vinh. Cuộc đời, sự nghiệp của ông là tấm gương sáng về tinh thần hiếu học, ham hiểu biết của người dân xứ Quảng nói riêng, người dân Việt Nam nói chung. Ông là bậc đại khoa không màng công danh, một mực yêu nước thương dân, chỉ mưu cầu độc lập, dân quyền. Tuy làm quan hưởng bổng lộc của triều đình nhưng trong ông muốn thoát khỏi sự ràng buộc khắt khe của luật lệ phong kiến, muốn cho nhân dân no ấm, thoát khỏi sưu cao, thuế nặng của chế độ phong kiến đương thời.
Dưới thời phong kiến, một viên tri phủ mà dám cãi lại lệnh vua như Lê Vĩnh Khanh quả là hiếm. Song, nếu không có tinh thần yêu nước, thương dân thì chắc chắn ông cũng không dại gì mà làm việc ấy. Và tinh thần yêu nước của ông cũng như các chí sĩ thời đó là sự nối tiếp truyền thống yêu nước, bất khuất của dân tộc ta được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử. Nhưng đứng trước kẻ thù mới là đế quốc và phong kiến cấu kết với nhau, lại có sức mạnh cả về quân sự và kinh tế, trong khi đó các chí sĩ chỉ có tấm lòng mà không có đường lối đúng đắn, lại thiếu tổ chức nên chìm trong bế tắc. Chính trong sự bế tắc ấy của tiền nhân mà nhân dân ta đã tìm ra được chân lý: Muốn làm cách mạng thành công phải có đảng cách mạng chân chính lãnh đạo. Đảng phải có hệ tiên tiến, cách mạng và khoa học dẫn đường.
N.Đ - Báo Bình Phước