www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Cách xuất khẩu làm giàu trên quê hương

Nhiều bạn trẻ ở quê vì hoàn cảnh gia đình không đi học đến nơi đến chốn được muốn ở nhà lập nghiệp cho nó tiện, một số bạn khác may mắn hơn thì được đi học đại học, duyên đưa đẩy về quê để làm việc cống hiến, đồng thời cho “gần cha gần mẹ”, khi “ổn định” xong bạn nào cũng muốn khởi nghiệp cái gì đó cho "thỏa chí tang bồng" mà chưa biết bắt đầu từ đâu ?. Một số bạn biết là “phi thương bất phú” nên có bạn mở cái này, bạn kinh doanh thêm cái kia, tất cả cùng nỗ lực tìm cách vươn lên phía trước vì cuộc sống hạnh phúc ấm no. Nhưng để làm sao “đột phá” kinh doanh cái gì đó “để đời” thì các bạn vẫn còn chưa tìm ra câu trả lời vì nghĩ ở quê cơ hội ít quá. Thật ra cơ hội ở quê không phải ít, có rất nhiều và lớn mà do mình chưa "khám phá" thôi.

     Thật sự, để làm giàu bền vững và thay đổi số phận, theo tôi các bạn nên hướng tới xuất khẩu "export". Vì xuất khẩu nó rất thử thách nhưng hấp dẫn, lợi nhuận cao, hợp với người trẻ, nghe cũng “sang chảnh”, vừa được đem chuông đi đánh xứ người, vừa đem ngoại tệ về cho đất nước, vừa được thành công dân toàn cầu, ôi “rũ bùn đen đứng dậy sáng lòa”…Bạn cứ thử tưởng tượng một vùng quê nghèo trên núi, tự nhiên Tây tàu về nườm nượp, xe hơi chạy đầy đường, mua mua bán bán, xe container rầm rập…Hạnh phúc nào bằng !

      Nhưng xuất khẩu cái gì? Khách hàng ở đâu, ai mua? Tiền đâu làm xuất khẩu ?

     Thật ra xuất khẩu không khó. Đầu tiên phải định hình sản phẩm "product” trước. Theo tôi, thời nay bất cứ sản phẩm gì ở quê xuất khẩu cũng được từ: tiêu, quế, nghệ, gừng, sắn, khoai, đậu phộng, đậu xanh, ớt, cau, trái chuối, lá chuối, lá tía tô, cây keo, cây tre, cây mây, trầm hương mỹ nghệ, tinh dầu các kiểu, rau sạch, chậu bông, cây kiểng, đồ hand made, hàng quà tặng… thậm chí mấy bạn học mỹ thuật về quê vẽ tranh sơn dầu về đề tài miền quê cũng xuất khẩu được luôn, vì thực ra nhu cầu trên thế giới rất lớn chẳng qua mình không biết khai thác mà thôi. Mình có thể xuất khẩu qua Mỹ, Châu Âu, Trung Đông, Nhật Bản, Úc…Nếu bạn thấy nhiều mặt hàng khó quá, tạm thời mình tập trung vào các thế mạnh nông sản và thủ công mỹ nghệ có sẵn ở quê trước.

 

 

     Vì sao tôi khẳng định cái gì ở quê xuất khẩu cũng được. Tôi kể cho các bạn nghe câu chuyện này.

      Năm 2003, thấy ở quê hương Tiên Phước mình có trồng nhiều củ nghệ, tên tiếng Anh là “Turmeric”, mà tôi thấy người dân ở quê chỉ bán nghệ vào những ngày Tết, làm gia vị dùng trong nhà thôi, chưa bán đâu xa, lớn. Tôi nghĩ hay là mình tìm cách xuất khẩu nghệ thử, vừa thử vừa giúp nông dân ở quê vì lúc đó tôi có lợi thế làm ở một công ty xuất nhập khẩu lớn. Thế là tôi bắt đầu tiến hành chào hàng, tìm khách quốc tế. Tôi tìm được một thương gia Ấn Độ mua nghệ của công ty mình. Các bạn biết không, đợt đó tôi về mua và xuất khẩu được 11 container củ nghệ đi Ấn Độ, mà “khủng” là Ấn Độ là “thánh địa” của nghệ vì họ là đất nước của curry, chuyên trồng nghệ. Mình vẫn cạnh tranh được, không gì là không thể “nothing is impossible”. Cách làm nghệ để xuất khẩu lúc đó đơn giản lắm, tôi hướng dẫn mấy người nông dân mua mấy cái thùng phuy mà công ty xây dựng làm đường đổ nhựa xong bỏ lại, đổ nước vào nấu sôi lên, lấy bao bố bỏ củ nghệ vào luộc, khoảng 30 phút lấy nghệ ra phơi, khô, vô bao PP 50kg, bỏ vào container xuất thôi.

       Lúc đó có nhiều người giàu lên nhờ bán nghệ, bây giờ về lại cái xã chuyên trồng nghệ ở quê có người vẫn còn nhớ tôi và vẫn còn cảm ơn tôi. Sau mùa vụ đó tôi không xuất khẩu được nữa vì lúc đó thị trường bắt đầu “loạn” lên, nghệ quê tôi tự nhiên có giá, có thương hiệu vì xuất khẩu quốc tế mà, thương lái Sài Gòn về tận nơi tìm mua nghệ quê tôi. Nhưng thật sự lúc đó sản lượng nghệ ở quê tôi cũng hết rồi vì người dân trồng cho vui, chứ đâu có chuyên canh đâu. Nên mua một đợt là hết luôn. Không biết hiện nay ra sao? Nếu trồng chuyên canh trên diện tích lớn, một năm được 2 mùa, tôi nghĩ tiềm năng xuất khẩu nghệ quê tôi rất cao. Vậy đó, các bạn trẻ bây giờ thừa sức để xuất khẩu làm giàu vì 16 năm trước tôi đã từng làm được dù thời đó khó khăn hơn nhiều, lúc đó tôi còn trẻ như các bạn.

 

 

      Để xuất khẩu và tìm nhà nhập khẩu “importer” sản phẩm của mình, theo tôi các bạn có một số cách làm hiệu quả như sau.

       Tham gia các hội chợ thương mại lớn trên thế giới hay còn gọi là “Fair”, bạn mới bắt đầu kinh doanh thì nên tham gia 3 Hội chợ sau: Hội chợ Ambiente Frankfurt - Đức, Hội chợ Hongkong Houseware Fair – Hongkong, Hội chợ Canton Fair – Trung Quốc. Đây là 3 Hội chợ trưng bày và giới thiệu hàng thương mại và tiêu dùng lớn thế giới. Đăng ký gian hàng “booth” của mình tại đó, chuẩn bị hàng mẫu “sample”, ghi nhãn hiệu tiếng Anh, họ gọi mình là “Exhibitor”. Các nhà nhập khẩu lớn trên thế giới hàng năm đều tham gia các hội chợ này để tìm kiếm “sourcing” nguồn hàng mới. Các chuỗi siêu thị lớn trên thế giới như Walmart, Costco, Carrefour, Home Depot, Tesco, Target, Ikea… hoặc các nhà nhập khẩu bán lẻ cá nhân gọi là “Retail Store” đều cử các trưởng bộ phận mua hàng “Purchasing Director” hoặc “Sourcing Manager” tham dự các Fair này để tìm hàng nhập khẩu. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu sản phẩm của bạn lọt vào “mắt xanh” các ông lớn này ?

       Nhưng có một điều quan trọng là mình đã nghèo lại hai lúa nữa thì tiền và ngoại ngữ đâu mà tham gia gian hàng Hội chợ nước ngoài ?

        Đừng lo, theo kinh nghiệm cá nhân đã từng dự Hội chợ quốc tế của tôi, thường thì hội chợ diễn ra khoảng 5 ngày đến 1 tuần. Những ngày đầu, nhà tổ chức “organizer” bên nước ngoài rất nghiêm khắc không cho bán lẻ “retail”, nhưng 2 ngày cuối vì là Hội chợ thương mại tiêu dùng nên họ thường mở cửa cho phép bán lẻ cho người dân bản địa vào mua. Nên lúc này, mình bán hết các sản phẩm mình có tại gian hàng với giá cao theo đôla thì mình đủ sức lấy lại toàn bộ chi phí tham gia hội chợ quốc tế này. Cho nên khi đem hàng mẫu qua dự, nên “ship” sang trước số lượng “quantity” nhiều tý để “thu hồi vốn” chứ đừng chơi “xách tay” đem ít mẫu qua cho có lệ thì “khóc ra tiếng Đức” luôn vì lỗ, “đồng tiền đi liền khúc ruột” mà. Như vậy, mỗi năm mình đều đi dự 3 hội chợ quốc tế, vừa tìm được khách hàng lớn, vừa “mở được cái đầu” mà hầu như được “miễn phí trọn gói” luôn. Ôi…”cuộc đời vẫn đẹp sao”,… “cuộc sống có bao lâu mà hững hờ”…”anh hứa rằng anh sẽ đưa em đi suốt cuộc đời”…

      Còn ngoại ngữ thì mình chỉ cần thuê một bạn trẻ nào đó giỏi tiếng Anh về lo liên lạc đăng ký gian hàng, lo thủ tục “ship” hàng mẫu, đứng nói tiếng Anh giới thiệu cho khách, mình chỉ đứng trong, mặc đồ vest hoặc áo dài, cười cười, hello, đưa card visit, lấy card visit…vậy là OK rồi. Nhưng nhớ là khi về lại Việt Nam xong hội chợ, nhớ bảo em nó “follow up” bằng một cái email cảm ơn “thank you letter” cho khách liền để họ còn nhớ mình, và họ có hỏi gì về sản phẩm của mình thì mình trao đổi. Đó là thủ thuật marketing trong “ngoại giao” buôn bán “quốc tế”, lịch sự, chứ đừng hưng phấn quá vì bán lẻ được hàng mẫu rồi, có tiền đi shopping mua đồ “ngoại” về làm quà tặng mà quên luôn các “thượng đế” là “nồi cơm” sau này của mình thì không được… vui thôi đừng vui quá.

 

 

       Còn bạn nào thấy mạo hiểm quá, “sợ” nếu đi Hội chợ vậy “rủi” không bán lẻ được thì sao? Làm sao lấy “vốn” lại vì sổ đỏ của ba mẹ và mấy sào ruộng đã “cắm”, chứ đâu phải mình kinh doanh bằng “vốn tự có”. Ok, đừng lo ! Nếu “sợ” không đi Hội chợ được thì mình sẽ tìm khách hàng quốc tế bằng cách này “đỡ lo” hơn. Mình ngồi ở nhà, mở máy tính có nối mạng Internet, vào mấy trang thương mại điện tử quốc tế B2B kết nối các nhà nhập khẩu “importer” và xuất khẩu “exporter” toàn cầu như : Alibaba, Globaltrade, EC21, Tradekey… đăng ký thành viên, mở gian hàng miễn phí trên đó, tìm các nhà nhập khẩu quốc tế, chào bán sản phẩm của mình, xuất khẩu trực tuyến luôn. Alibaba thì phổ biến nhất và dễ thành công hơn nhưng có điều nên lưu ý là ở cái “chợ trời” Alibaba thì lừa đảo “fraud” cũng rất nhiều vì Alibaba là …“40 tên cướp” mà. Mình nên đăng ký thành viên vàng “Gold Supplier” trả phí cho Alibaba thì sẽ hạn chế gặp lừa lọc “scam exist” và tiếp cận nhiều nhà nhập khẩu nghiêm túc hơn. Rất nhiều người thành công nhờ bán hàng trên Alibaba.

       Nếu một số bạn vẫn còn băn khoăn, vẫn còn “lo” vì thấy bán trên Alibaba vẫn “sợ gặp cướp”, khó quá thì cũng… đừng lo. Vẫn có một cách xuất khẩu thời thượng hiện nay nữa là ngồi ở quê, nhấp chuột bán hàng toàn cầu là bán hàng qua Amazon, siêu thị online bán hàng số 1 thế giới của Mỹ, với lượt traffic khủng hơn 3 tỷ lượt truy cập 1 tháng của tỷ phú giàu nhất thế giới Jeff Bezos. Hiện nay Amazon đang có một dịch vụ rất tuyệt vời là hoàn thiện đơn hàng FBA “Fulfillment By Amazon”, có nghĩa là bạn bán hàng trên Amazon sử dụng dịch vụ lưu kho FBA được cung cấp bởi Amazon. Nhiệm vụ bạn chỉ là đăng ký 1 gian hàng “store” trên Amazon, list hàng lên store và bán hàng mà thôi. Amazon FBA sẽ lo tất tần tật các công việc hậu cần cho bạn như kho hàng, đóng gói, ship hàng cho khách. Khách hàng click chuột mua xong, Amazon thu tiền hộ cho bạn, sau đó Amazon sẽ gửi tiền thanh toán vào tài khoản ngân hàng của bạn theo định kỳ, sẽ thông báo cho bạn biết khi khoản thanh toán đã gửi. Thật chuyên nghiệp và hiện đại phải không ?

        Amazon chỉ có 1 điểm “gợn” nhỏ là nó có hệ thống thu nhập dữ liệu “Big Data” rất tinh vi, dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo “AI” để nhận dạng, phân tích hành vi người tiêu dùng nên nếu sản phẩm của mình bán rất chạy, dữ liệu nó thấy được, thấy hay, nó bắt chước cũng sản xuất một mặt hàng y như mình, lấy thương hiệu Amazon của nó, bán giá rẻ hơn vì nó không tốn chi phí nhiều như mình. Nhưng thật ra việc này cũng không sao vì nếu hàng của mình bán chạy đến nổi ông lớn “tầm cỡ” như Amazon phải đi “mượn” ý tưởng sản phẩm thì lúc đó mình cũng giàu rồi. Triển khai các kênh “sales channel” bán hàng khác, không sao. Thôi kệ “cho đi là nhận lại” mà…

        Theo tôi các bạn trẻ nên bán hàng bằng phương thức FBA này trên Amazon, bán hàng gì cũng được, chẳng hạn thích hợp như hàng quà tặng, thủ công mỹ nghệ. Vì nó vừa uy tín, vừa hiện đại, vừa tạo dựng được thương hiệu sản phẩm toàn cầu bản sắc của riêng mình, một loại tài sản tích lũy trong tương lai vì khi bạn đã có đơn hàng “order” rồi, nếu sản phẩm tốt bạn sẽ có đơn hàng lặp lại “repeat order”, mình sẽ nhận tiền hoài từ khách hàng khắp nơi trên thế giới. Lúc đó “khi đi ngủ mình cũng kiếm được tiền”, vì có cổ máy kiếm tiền thay mình. Đây là tư duy đầu tư kiếm tiền hiện đại các bạn nên áp dụng.

 

 

      Tất nhiên để xuất khẩu được một lô hàng cũng không phải dễ vì bạn không biết gì về ngoại thương, nhưng các bạn cũng đừng lo, bây giờ có các công ty giao nhận và vận chuyển hàng hải gọi là “Forwarder” sẽ tư vấn và lo hết tất cả các thủ tục giấy tờ xuất khẩu cho bạn nếu bạn không biết, bạn chỉ lo nghĩ ra sản phẩm gì và bán hàng mà thôi. Về phương thức thanh toán xuất khẩu thì có hai loại thông dụng là T/T “Telegraphic Transfer” tức là chuyển tiền mặt trả trước hoặc sau và thanh toán bằng thư tín dụng L/C “Letter of Credit”. Bạn là nông dân không biết gì thì thanh toán TT trả trước là được rồi, chỉ cần thấy tin nhắn “ten ten” trên điện thoại, tài khoản có số dư USD tăng lên là biết tiền đến rồi, lo chuẩn bị xuất hàng thôi, khỏi cần biết L/C là gì cũng được, biết sau… Còn về chứng từ để xuất khẩu bạn chỉ hiểu nôm na thế này, để xuất lô hàng đi mình cần hoàn thiện các chứng từ xuất khẩu cơ bản như sau: Invoice, Packing list, B/L, C/O, Fumigation certificate, Phytosanitary certificate, …Thôi việc đó để “Forwarder” lo giúp, càng biết nhiều càng khổ, càng nghèo.

         Để thành công các bạn cần phải tạo ra một sản phẩm tốt, chất lượng, bao bì nhãn mác đẹp. Sản phẩm thô “raw material” nếu khó xuất khẩu được thì mình chế biến ra thành phẩm, ứng dụng thực tế trong cuộc sống để bán. Ví dụ: gừng chế ra thành trà, nghệ chế thành mỹ phẩm, tiêu thành gia vị, quế làm thuốc, tinh dầu, trầm hương làm mỹ nghệ, tre thì đan giỏ, mây đan làm quà tặng…Hàng mình là hàng “cây nhà lá vườn” nên phải giữ cho được cái nét organic hoặc authentic, nhấn mạnh vào “nét riêng” này để chinh phục khách hàng Tây.

      Bạn cũng nên lưu ý rằng hình ảnh để chào hàng cũng không cần “photoshop” để “lung linh” quá. Vì Tây cái “gu” nó khác người Việt Nam chúng ta, họ thích sự trải nghiệm, tinh tế, đơn giản nhưng “thật”. Họ không thích “ảo tung chảo”, cho nên chớ có dùng các app chụp hình “ảo” như Snow, B612, Ulike, Camera 360…để chụp hình chào hàng xuất khẩu, thất bại đó, tuyệt đối không chơi kiểu “ở xa thì tưởng Thúy Kiều,  lại gần thì thấy người yêu Chí Phèo”, “gậy ông đập lưng ông” ngay.

 

 

        “Vạn sự khởi đầu nan” nhưng “gian nan” đừng nản nhé. Ai giai đoạn đầu cũng gặp khó khăn cả, không có con đường nào trải hoa hồng, có khi trả giá bằng mồ hôi, nước mắt, máu và tiền. Khi mình xuất khẩu được mặc nhiên coi như hàng mình đã đạt tiêu chuẩn quốc tế “international standard”. Mà đạt tiêu chuẩn quốc tế rồi, sau bán ngược lại thị trường trong nước kiếm tiền lần nữa, khỏi cần marketing luôn, khỏi cần livestream FB quảng cáo hàng ngày luôn vì có khách nước ngoài đã kiểm định chất lượng rồi, “nhất cử lưỡng tiện”, lấy tiền đôla xong quay lại lấy tiếp tiền Việt, “đã giàu rồi mà còn giàu thêm”, đúng là bất công “kẻ ăn không hết người làm không ra”… Lúc này mình mới bắt đầu nói đến chuyện làm thương hiệu “Branding” lớn. Cái gì cũng từng bước “step by step”, “dục tốc bất đạt”...

        Bạn trẻ nào xuất thân nông dân nghèo như tôi, không có vốn, “trên răng dưới…bình xăng”, nhưng học giỏi, biết tiếng Anh, nay đang ở phố thị hay đang ở quê nhà, muốn lập nghiệp xuất khẩu. Ngay lúc này đây, các bạn hãy rủ nhau Teamwork lại một nhóm khoảng 3-4 người, về quê khởi nghiệp, dùng ngay căn nhà của ba mẹ mình ở, mở một đại lý tư vấn marketing kỹ thuật số và xuất khẩu, đại khái gọi là “Export and Digital Marketing Agency”. Các bạn không có vốn nhưng các bạn có kiến thức và chất xám. Những bạn nông dân không có kiến thức như bạn nhưng có sản phẩm, một ít tiền, cả hai sẽ gặp nhau cộng hưởng để tạo nên giàu có thời công nghệ kỹ thuật số này. Các bạn sẽ giúp các “nhà xuất khẩu” liên lạc khách hàng nước ngoài, đi tham gia Hội chợ quốc tế, giao dịch, làm thủ tục xuất khẩu, quảng cáo, chăm sóc khách hàng…

       Các bạn sẽ lấy phí “Fee” bằng cách tính hoa hồng “commission” trên từng đơn hàng, từng sản phẩm hoặc lấy chi phí trọn gói 1 lần. Cách nào cũng được, chỉ cần ở quê có khoảng 50 người xuất khẩu là các bạn cũng thành triệu phú rồi, triệu phú đôla đấy nhé. Cái này trong hợp tác kinh doanh gọi là win-win “đôi bên cùng có lợi”, bạn không những giúp bạn giàu mà bạn còn giúp cho cả miền quê của mình giàu lên, làm sao “nhà nhà xuất khẩu”, “người người xuất khẩu” là thành công. Nhưng nhớ là “xuất khẩu sản phẩm” chứ không phải nhà nhà “xuất khẩu lao động” đâu nhé…

 

 

       Ai cũng chỉ sống một lần trong đời, hãy làm những gì mình có thể, đừng “sợ” nữa, bớt “lo” lại, có đi mới đến… Cuộc đời như một tiếng thở dài, quan trọng là mình làm được gì khi tiếng thở dài kết thúc…

        Thành bại ở đời đều do chính mình quyết định. Mình không có quyền chọn nơi mình sinh ra, nhưng mình có quyền chọn tương lai cho mình. Hãy đứng lên, dũng cảm xé cái áo tư duy chật chội mình đang mặc, dấn thân khởi nghiệp, làm giàu, còn nếu “giàu có số” mà mình “không có số” thì lấy giấy cắt số dán lên áo “tạo số”, làm giàu cho bằng được. Đừng vì “lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp” mà để “ước mơ cha…đè nát cuộc đời con”. Thay vì là những nông dân “chân lấm tay bùn”, “ngửa mặt cho đất bán lưng cho trời”, hãy biến mình thành những ông bà chủ, những doanh nhân toàn cầu, làng quê lao động nghèo thành làng xuất khẩu toàn cầu giàu… Nghèo không phải cái tội, nhưng nghèo bền vững thì lỗi ở bạn đó. To be or not to be, that is the question !

                                                      Theo Người Con Tiên Phước 

Làm du lịch sinh thái ở quê tôi

Phận hai lúa làm sao khởi nghiệp