www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Cậu học trò xứ Tiên đam mê sáng tạo

Tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học toàn quốc năm học 2015 - 2016, đoàn Quảng Nam đoạt 2/16 giải nhất, 1 giải nhì, 3 giải khuyến khích lĩnh vực; 1 giải nhì và 1 giải ba toàn cuộc. Trong số 2 "gương mặt vàng" của Quảng Nam, cậu học trò Đoàn Lê Công Khang đến từ Trường THPT Phan Châu Trinh (H. Tiên Phước) gây ấn tượng mạnh bởi sự đam mê sáng tạo và nỗ lực vượt khó.

Đến nhà riêng của Khang tại thôn 3, xã Tiên Hiệp, H.Tiên Phước, Quảng Nam, chúng tôi thật sự ấn tượng về chàng học trò có dáng người gầy, vẻ mặt lanh lợi này. Nhà Khang treo đầy những tấm bằng khen, chứng nhận vinh danh quá trình đam mê sáng tạo. Hỏi về cậu con trai út, bà Lê Thị Huệ (mẹ ruột  Khang) cho biết: "Từ nhỏ Khang rất thích mày mò, nghiên cứu và chế tạo các vật dụng. Nó tự mày mò chế tạo ra những chiếc xe đồ chơi bằng gỗ. Làm hết chiếc này đến chiếc khác, nhiều đến nỗi tôi phải mang đi cho bớt bọn trẻ trong xóm để nó phải chuyên tâm hơn vào chuyện học. Ngoài mặt thì vâng lời mẹ nhưng nó vẫn đeo đuổi đam mê sáng tạo, nghĩ ra những điều khác biệt so với lứa tuổi".

Năm học lớp 6, Khang thường đến tiệm sửa chữa điện tử của anh rể mở tại xã Tiên Hiệp chơi. Tại đây, lần đầu tiên tiếp xúc với các linh kiện điện tử, Khang như bị thôi miên bởi chức năng đặc biệt của nó. Thế là cu cậu lao vào nghiên cứu, tận dụng những linh kiện cũ lắp ráp, chế tạo những vật dụng theo ý thích của mình. Sản phẩm đầu tay của Khang là thiết bị khuếch đại âm thanh sử dụng trong âm-ly được khách hàng của anh rể thừa nhận là có chất lượng tốt.

Từ những sáng tạo này, năm 2012, khi đang học lớp 8 tại Trường THCS Quang Trung (xã Tiên Hiệp), Khang nghiên cứu, chế tạo cho ra thiết bị "Robot cứu hỏa kết hợp nâng vận chuyển hàng hóa" để tham dự cuộc thi "Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Quảng Nam lần thứ 5". Thật bất ngờ, đề tài của Khang đoạt giải đặc biệt của cuộc thi và được BTC tài trợ sang Malaysia tham quan cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật trong vòng 10 ngày. Kể về quá trình chế tạo sản phẩm dự thi đầu tay của mình, Khang nói đó là những ngày tháng hết sức gian truân. "Sau khi hình thành ý tưởng, em mày mò sưu tầm các vật dụng phế thải để chế tạo robot. Là robot vận hành tự động nên em phải sử dụng thiết bị điện tử, bánh di chuyển được làm bằng gỗ sơn đen, thân xe ban đầu làm bằng sắt, sau đổi sang nhôm. Robot được vận hành bằng sên máy của xe mô-tô, còn hệ thống phun nước làm bằng vỏ chai nước ngọt. Mất nhiều tháng trời mày mò, nghiên cứu quên ăn quên ngủ, sản phẩm dần hình thành. Thấy em quá chú tâm vào sáng tạo, mẹ không hài lòng. Có lúc quá bực, mẹ ném cả sản phẩm ra khỏi nhà và bắt em để tâm hơn vào chuyện học. Sau cuộc thi, em mới được gia đình, bạn bè và người thân thừa nhận, ủng hộ hết mình để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê", Khang chia sẻ.

Đề tài nghiên cứu năm lớp 8 của Khang đoạt giải đặc biệt.

Thừa thắng xông lên, các nghiên cứu, sáng tạo của Khang sau này đều đạt giải cao cấp tỉnh và quốc gia. Năm lớp 9, cũng tại cuộc thi trên, Khang đoạt giải nhất đề tài "Hệ thống khóa chống trộm" và giải nhì đề tài "Robot phá bom điện tử"; lớp 10 đoạt giải nhì đề tài "Robot quân sự", năm lớp 11 đoạt giải nhì đề tài "Xe đạp điện thông minh".  Năm lớp 12, Khang tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học với đề tài "Máy khắc laser tích hợp chức năng vẽ sử dụng công nghệ CNC" và đoạt giải nhất cấp tỉnh. Tại cấp quốc gia, đề tài này được BTC trao giải nhất lĩnh vực kỹ thuật cơ khí  và giải ba toàn cuộc.

Nói về ý tưởng hình thành đề tài này, Khang cho biết: "Em nhận thấy công việc ở các khu vực phát triển du lịch dịch vụ, quà lưu niệm có liên quan đến máy khắc laser hầu hết đều thực hiện thủ công nên năng suất thấp, giá thành cao, mẫu mã không đẹp, không đa dạng nên khó cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài. Bên cạnh đó, do chi phí cao và vận hành phức tạp nên việc trang bị hệ thống máy móc hiện đại không phù hợp với quy mô sản xuất nhỏ, hộ gia đình. Vì thế em nghiên cứu máy khắc laser tích hợp chức năng vẽ sử dụng công nghệ CNC (computer numerical control) là giải pháp hữu hiệu trong việc tìm kiếm một thiết bị vừa nhỏ gọn vừa vận hành linh hoạt, dễ bảo quản, dễ sử dụng. Điều đặc biệt là từ hình chụp đưa vào, máy có thể khắc được trên nhiều bề mặt như đá, giấy, gỗ, mica... cho chất lượng gần như tuyệt đối. Ngoài ra, máy có thể vẽ các bản vẽ kỹ thuật, đánh dấu, khoan biển quảng cáo LED, phay mạch in… Em đã thử nghiệm và máy cho năng suất cao, có thể thay thế cho 5 lao động/ngày".

Mặc  dù được BTC đánh giá cao tính ứng dụng thực tế, song do hạn chế về khả năng tiếng Anh nên Khang không thể chiến thắng ở vòng thi toàn cuộc lựa chọn đề tài đi thi cấp quốc tế.  Có một chút tiếc nuối nhưng với Khang đoạt ngôi quán quân cấp quốc gia cũng là kết quả ngoài mong đợi. Hỏi về dự tính cho tương lai, Khang nói: "Do dành quá nhiều thời gian cho nghiên cứu, sáng tạo nên thành tích học tập của em không cao. Bây giờ điều em mong muốn nhất là vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT và đăng ký vào Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM để tiếp tục theo đuổi đam mê sáng tạo của mình".

                                                  Nguyên Thảo - Báo CA Đà Nẵng