www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Cụ Huỳnh và báo Tiếng Dân qua báo cáo mật thám Pháp

Huỳnh Thúc Kháng - một nhà nho ái quốc, một lòng đau đáu với vận mệnh dân tộc, lúc thuyết trình cũng như khi viết báo cụ đều đề cao tinh thần dân tộc, chống bất công, áp bức, cường quyền. “Nhà cách mạng công khai” mang đậm phong cách Quảng đó làm thế nào để tồn tại giữa xã hội thuộc địa nửa phong kiến thời bấy giờ? Chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết của tác giả Lưu Anh Rô với nhiều thông tin còn ít người biết (do chính kẻ thù của cụ ghi lại) để thêm đôi nét phác họa về cụ Huỳnh và báo Tiếng Dân.

 

   PHẦN 1: TỪ TỬ TÙ TRỞ THÀNH VIỆN TRƯỞNG DÂN BIỂU

Vào năm 63 tuổi, trong một bài báo trên báo Tiếng Dân cụ Huỳnh đã cho rằng cái số của mình là “thường hay bị chấm đầu sổ”, trong đó cụ liệt kê ra những cái “đầu sổ’ của mình và không quên nhắc “đứng đầu sổ tù chung thân Côn Đảo” rồi “Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ” và “cái Chủ nhiệm và chủ bút báo Tiếng Dân”. Song có lẽ có một cái đầu sổ khác mà cụ không biết hoặc có biết nhưng phớt lờ: cụ luôn bị xem “là một trong những phần tử nguy hiểm, cần theo dõi đặc biệt” trong sổ đen của mật thám Pháp.

Từ một tù nhân chính trị “làm tổn hại đến nhà nước bảo hộ qua các cuộc dấy loạn”, lúc ở Côn Đảo về ít lâu lại đắc cử vào Viện Dân biểu Trung kỳ, cụ Huỳnh đã làm cho chính quyền thực dân và phong kiến Nam triều đặc biệt quan ngại, do uy tín của cụ rất lớn trong các tầng lớp nhân dân Trung kỳ, nhất là Quảng Nam nơi quê hương của cụ. Trong một báo cáo của Công sứ Quảng Nam ngay khi cụ đắc cử, cho thấy: “Không nói ngoa khi nhận xét rằng: kết quả của những cuộc bầu cử đã đưa lại quyền lực cho đa số áp đảo những ứng cử viên phe đối lập, trong đó có người tù chính trị trước đây là Huỳnh Thúc Kháng được bầu với 624 phiếu trong 644 người bầu cử... Có thể thấy đó là khả năng khởi đầu một hành động độc lập, công khai và rõ ràng của những phần tử tên tuổi có tư tưởng tiến bộ và đấu tranh, mà một số tấn công vừa qua đã là biểu hiện rõ rệt. Giả thuyết ấy không phải không có cơ sở nhưng đó là một giả thuyết dựa vào: trước hết là tín nhiệm của dân chúng tỉnh Quảng Nam đối với nhà nho Huỳnh Thúc Kháng và các nghị viên khác. Tất cả trong phe đối lập cũng được sự tín nhiệm ấy nhưng nhân cách của họ kém hơn”.

Khi trở thành Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ, ông nghị Huỳnh Thúc Kháng đã tạo ra hàng loạt những “tiếng sét giữa trời quang”, nhất là khi cụ đọc bài diễn văn đưa ra 3 điểm cốt tử mà Viện và cá nhân Viện trưởng phải đề đạt lên chính phủ bảo hộ giải quyết gồm: một là “học giới bó buộc”, hai là “tài nguyên kiệt quệ”, ba là “hình luật phiền lụy”. Cụ đã chỉ rõ: “Hiện xứ Trung kỳ mấy năm gần đây bị cái phong triều bề ngoài kích thích mà không khí bề trong có hơi lộn xộn. Nhà nước vì cuộc trị an buộc phải thi hành cái hình luật nghiêm ngặt (báo sách bị cấm, bị bắt, dân gian bị xét nhà xét cửa, cho đến diễn thuyết làm trường học cũng bị lụy), những người làm quấy mà bị tội đã đành, mà những kẻ oan hẹp cũng không ít, gia dĩ tội danh không được rõ ràng, chứng cớ không được xác thực (ở Trung kỳ bắt tội đã không tuyên án cho người bị tội biết, lại không được cải lẽ nữa, thật là một điều rất lạ) những bọn sinh sự dân công, hiệp hiềm vu oán, nhân đó mà thi cái thủ đoạn ám muội. Một tờ đầu cáo tra xét đến năm bảy nhà, hai chữ tình nghi hãm hại biết bao nhiêu kẻ, tự Nhà nước tin theo những lời thêu dệt, cho là phản kháng, cho là phiến loạn, không trị không được, mà biết đâu ở trong lành là chuyện ít mà xít cho nhiều, sự nhỏ mà gây ra lớn làm cho dân ngu cùng bọn thiếu niên sa vào lưới, tội mà không biết và cũng không tránh được. Thảm hại biết là chừng nào!”.

Và về khoản “tài nguyên kiệt quệ”, cụ cũng chỉ rõ: “Nước có nguồn thì múc mới khỏi cạn, cây có gốc thì trái mới được thường, tài nguyên trong một xứ sinh sản có ít mà tiêu phí thì nhiều, thì tự nhiên ngày càng thấy khốn đốn. Xứ Trung kỳ đất hẹp dân nghèo, khai thông chậm trễ, công nghệ thì không có gì là nội hóa, thương mại thì quyền ở ngoại thương như tơ, đường, chè, quế… người khách chở đi xứ nọ xứ kia, cái giá cao thấp tự người khách định, người Nam vì không đi đâu được, nên người khách ép uổng thế nào cũng phải chịu. Phần nhiều nhân dân Trung kỳ chết sống chỉ nhờ nghề nông, lại bị cái nạn thủy hạn không năm nào không có, ruộng đất, vật sản chỉ có ngần ấy mà ngạch thuế mỗi năm một gia, tuy tự Nhà nước vì việc kinh phí to tát, bất đắc dĩ phải lấy của dân, song Nhà nước đã lấy sự gia thuế làm cái phương pháp lý tài, quan lại nhân đó mà lập công, hào cường nhân đó mà chiếm chỉ, mỗi năm đến kỳ thuế, trong dân gian chạy sấp chạy ngửa trống mõ giục dòn, gông cùm hò hét, tình cảnh rất là rắc rối.

Đó là chưa kể cái tệ “phí thu tạm sách” của bọn hoạt lại gian hào, mồ hôi nước mắt, cào trong dân gian đã đến đáy, trên chưa lên đến cửa Nhà nước, mà rớt đường rớt sá đã lọt vào túi tham đâu đâu, rút cục lại dân chỉ quy oán cho Nhà nước. Tát ao bắt cá được cá vẫn dễ mà ngày sau thành ra ao khô, đốn cây hái trái được trái vẫn nhiều mà mùa sau thành ra cái vườn bỏ. Nhà nước một nói rằng nhân từ, hai nói rằng khoan địa, mà về đường tài chánh, không trừ cách gì cho ra ngoài sự “gia thuế” được, thì cái nạn nghèo khốn của người An Nam, cũng không phải là cái lợi lâu dài của nước Pháp”. Cụ Huỳnh phát biểu như thế, hóa chẳng khác gì bảo thực dân Pháp bòn rút một cách cạn kiệt tài nguyên, của cải, nhân vật lực của xứ Nam để về làm giàu cho chính quốc là gì.

PHẦN 2:  QUYẾT LÒNG CHỐNG LẠI KHÂM SỨ TRUNG KỲ

Với chủ trương Viện Dân biểu là nơi tiếp thu ý kiến và nguyện vọng của người dân, cụ Huỳnh đã tiếp nhận hàng nghìn trường hợp oan khiên, hàng chục nghìn những điều chướng tai, gai mắt của đám hào lý, quan lại địa phương các tỉnh và đưa lên bàn nghị sự của Viện, để rồi làm biên bản gửi Tòa Khâm sứ đề nghị giải quyết.

Hành động đó của cụ đã đi quá ý đồ ban đầu của thực dân Pháp chỉ xem Viện Dân biểu là một cái bình phong cho mình, với những ông “nghị gật”. Tuy nhiên chúng đã lầm, bởi Huỳnh Thúc Kháng không phải là ông Viện trưởng của đám “nghị gật”. Bằng chứng là ông đã phản đối kịch liệt Tòa Khâm sứ tự ý sửa chữa biên bản các cuộc họp của Viện. Để trả miếng, nhân việc các ông nghị đề nghị chính quyền Pháp cấp tiền lộ phí, tên Khâm sứ Trung kỳ lúc đó là D’ Elloy đã viết thư mạt sát toàn Viện.

Với tư cách là Viện trưởng, cụ Huỳnh đã viết thư và đồng ký tên cùng 40 nghị viên khác, gửi Khâm sứ Trung kỳ và Toàn quyền Đông Dương. Trong thư có đoạn: “Đã là cơ quan chính trị thì khoản lộ phí nhật cấp dân biểu có quyền được hưởng. Kìa những con mọt trong kho nhà nước, con đĩa hút máu nhân dân sao không nói, mà lại đi trách dân biểu đòi tiền lộ phí”. Cuối cùng viên Toàn quyền Đông Dương Pasquier phải trực tiếp viết thư xin lỗi. Và dĩ nhiên, không lấy làm lạ khi báo cáo mật thám Trung kỳ lúc đó đã liệt “ông Viện trưởng của cái Viện ấy phát biểu thay một cách công khai cho những người cộng sản”.

Với tư cách Viện trưởng, cụ Huỳnh còn đề nghị “có một Hiến pháp hẳn hoi và mở rộng quyền hạn cho nhân dân được tham dự chính trị”. Cụ viết: “Hiện tình về đường chính trị: Dân chúng tôi không được quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do giáo dục, tự do du lịch và xuất ngoại... Dân bản xứ chịu một thứ hình luật riêng. Sổ chi - thu trong nước, dân không được quyền quản đốc đến. Biết bao nhiêu trường học của dân ngày trước nay đều bị hủy hoại, mà trường mới của chính phủ lập thì chẳng được là bao!”. Quan điểm đó của cụ, mãi đến năm 1937, đã được các nghị sĩ thường trực Viện Dân biểu Trung kỳ cho đăng ngày 9.11 trên tờ Trung Bắc Tân văn ở Hà Nội khá đầy đủ.

Sự cứng cỏi, dám đương đầu với bạo quyền của Viện trưởng Huỳnh Thúc Kháng làm cho mâu thuẫn giữa cụ và Khâm sứ Trung kỳ mỗi ngày thêm sâu sắc. Trước tình thế đó, cụ đã đọc một bài diễn văn rất sắc bén nêu lên thảm trạng của nhân dân Trung kỳ giữa toàn Viện và tuyên bố từ chức. Trước khi từ chức, cụ đã cho đăng nguyên văn trên báo Tiếng Dân bài đáp từ của Khâm sứ Trung kỳ là Jabouille, với thủ thuật “đưa tin không bình luận” theo đúng phong cách báo chí Huỳnh Thúc Kháng, để vạch mặt chính sách mị dân, giả hiệu của hắn và cái hư danh Viện Dân biểu Trung kỳ mà cụ đang làm Viện trưởng, bài đáp từ có đoạn: “Bởi thế nên cũng không lạ chi cái thái độ của Viện này cũng tiêm nhiễm cái ảnh hưởng ấy (tức đòi tự do, đòi thực sự dân chủ, đòi quyền lợi chính trị) nên dân càng đòi với chính phủ Nam triều hay chính phủ bảo hộ.

Viện này ra mặt phản kháng, khi nào cũng công kích, khi nào cũng hoài nghi cái ý tưởng hay của bảo hộ, cho đến nỗi quên hẳn cái phạm vi chức vị theo thể lệ đã đặt ra cái Viện này… Các ông đừng tưởng rằng Viện Nhân dân đại biểu ở đây y như Hạ viện bên Tây do phổ thông đầu phiếu bầu ra, tưởng rằng không những được quyền giám sát Chính phủ mà còn được dự cả quyền thống trị và quyền hành chính với nhà nước bảo hộ nữa, còn với Nam triều, theo ý các ông thì không cần thiết nữa. Nghĩ như vậy thiệt trái hẳn với sự thật, với cái ý tưởng sáng lập ra Viện này, mà cũng nên nói hẳn cho rõ là sai hẳn đến cái tình thế hiện thời nữa”.

Tin cụ Huỳnh từ chức Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ làm rúng động dư luận. Nghĩ rằng sẽ tác động mạnh đến dư luận và sẽ gây ra những phản ứng mạnh từ dân chúng nên thực dân Pháp ra lệnh cho bọn mật thám, nhất là tại Huế và Quảng Nam quê hương của cụ theo dõi sát tình hình. Báo cáo chính trị tại Quảng Nam vào thời gian này cho thấy: “Sự yên tĩnh của dân chúng Quảng Nam không bị ảnh hưởng bởi những sự việc xảy ra ở Huế hồi tháng 11 năm 1928, dịp Viện dân biểu họp trong lúc ấy có 2 trong 3 dân biểu, kể cả ông Huỳnh Thúc Kháng - Chủ tịch Viện buộc phải từ chức. Những tiếng vang của sự kiện nói trên, tuồng như đã làm ồn ào ở Huế được tiếp tục ở đây với một tinh thần lãnh đạm và hoàn toàn vô tư.

Thật là quá ngạc nhiên mà nhận thấy rằng, việc từ chức nói trên mà triển vọng đã đến phủ Toàn quyền trong kỳ họp Hội đồng nhà nước vừa qua, làm cho các cử tri bầu 2 ứng cử viên từ chức ấy ít quan tâm đến. Có nên thấy trong tình hình nói trên một vấn đề đơn giản là: ánh hào quang do tư cách cựu phạm chính trị ở Côn Đảo của ông Huỳnh Thúc Kháng đã lu mờ đi thuộc những nhận thức của thời cuộc, hoặc nói một cách đơn giản hơn là tư cách của họ không quá rực rỡ như chúng ta thường nghĩ đến.

Tôi đã có nhiều dịp tiếp chuyện với các ông Huỳnh Thúc Kháng và Lương Quý Di, mỗi lần đi ngang qua Faifo họ đều đến Tòa sứ một cách lịch sự và tôi đã nhận thấy qua những cuộc tiếp xúc với 2 ứng cử viên của phe đối lập, ấn tượng của sự mất tin tưởng của họ vì, hình như họ không tìm được ở cử tri những sự cổ vũ để kích thích nghị lực của mình. Thật ra, Hội đồng dân cử đã trừ khử những phần tử đã bị án tù nhiều là điều tốt nhưng mà có nên tiếc rằng những kẻ cựu phạm không còn ảnh hưởng chính trị nữa”.

PHẦN 3: THÀNH LẬP BÁO TIẾNG DÂN

Nói đến cụ Huỳnh Thúc Kháng mà không đề cập đến báo Tiếng Dân, nhất là sự kiểm soát và kiểm duyệt của mật thám Pháp đối với báo này là một thiếu sót lớn. Báo Tiếng Dân được phép xuất bản theo nghị định ký ngày 12.2.1927 của Toàn quyền Đông Dương Pasquiet. Tờ báo có khổ 58 x 42cm, phát hành mỗi tuần 2 kỳ. 

Trong thời kỳ vận động dân chủ 1936 - 1939, báo ra 3 kỳ một tuần. Mặc dù chỉ có 4 trang nhưng do khổ báo lớn nên dung lượng bài vở khá phong phú. Đây là tờ báo đầu tiên ở miền Trung và là tờ nhật báo duy nhất xuất hiện trước năm 1930. Tuy ra đời có trễ hơn nếu so với báo chí ở hai miền Nam, Bắc nhưng báo Tiếng Dân đã đóng một vai trò chính trị quan trọng trong đời sống của nhân dân Trung kỳ. Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã giải thích từ “Tiếng Dân” trên tờ La Tribune Indochinoise số ra ngày 24.12.1926 như sau: “Đó là sự vui mừng, sự buồn tủi và sự chờ đợi ấp ủ trong lòng hàng triệu đồng bào. Dân là đầu mối của nước.

Tiếng Dân đi sát với những vấn đề trong nước. Nếu chánh phủ biết rõ những nguyện vọng sâu xa của dân thì cần gì đối xử bất công với Tiếng Dân như đã từng đối xử với vài tờ báo đã ra mắt gần đây và đã bị đóng cửa. Tờ báo này thật xứng đáng để mang tên là Tiếng Dân,  vì trong thực tế, phải nhờ đến báo chí thì tiếng dân mới bộc lộ ra được”. Quan điểm chính yếu của cụ Huỳnh khi làm báo là: “Tôi là nhà cách mạng công khai, tôi đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc Việt Nam một cách công khai. Vì đất nước Việt Nam có biên cương và lãnh thổ công khai trên bản đồ thế giới. Cho nên, tôi cũng công khai nói lên tiếng nói của người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do và tự chủ. Do đó, tôi thách đố mọi trừng phạt và hiểm nguy đến với cá nhân tôi”.  

Từ quan điểm đó cùng với những bài báo được đưa hằng ngày lên báo Tiếng Dân, đã trở thành cái gai trong mắt thực dân Pháp và dĩ nhiên là tâm điểm của mật thám Trung kỳ, bởi chúng đã liệt cụ và báo Tiếng Dân vào đối tượng cần đặc biệt theo dõi. Chính vì thế, ngày nay, có dịp đọc các báo cáo mật thám tại Quảng Nam, Huế và của mật thám Trung Kỳ, đều thấy người Pháp theo dõi cá nhân cụ Huỳnh và báo Tiếng Dân sát sao. Từ lúc cụ tiếp chuyện Toàn quyền Đông Dương, đến khi về thăm quê tại Tiên Phước, diễn thuyết ở Tam Kỳ, ghé Hội An, hay dự các hội nghị báo chí… đều được đề cập trong các báo cáo của mật thám Trung kỳ. Ví như sự kiện “Các nhà báo cách mạng ở Trung kỳ cùng họp nhau ở Huế, ngày 15 tháng 1, ở trụ sở ban biên tập báo Nhành Lúa để chuẩn bị thành lập một Nghiệp đoàn báo chí.

Nhưng không thành, vì các chủ nhiệm báo Tiếng Dân, Sông Hương (Huế) và Tràng An không đồng ý” cũng được đề cập. Việc đi lại nhiều tại Quảng Nam của cụ Huỳnh lúc bấy giờ còn đáng quan ngại với thực dân Pháp hơn khi  “...còn có điều đáng lo ngại là phong trào cộng sản có thể phát triển ở Quảng Nam vì tỉnh này có những điều kiện chính trị, xã hội và kinh tế giống như tỉnh Quảng Ngãi lân cận, nơi đã xảy ra những sự biến nghiêm trọng mà chúng tôi sẽ nói đến sau đây. Cả hai tỉnh ấy, năm 1908, là nơi đã diễn ra cuộc nổi dậy hòa bình, thường gọi là “cuộc nổi dậy của những người cắt tóc ngắn”. Cuộc nổi dậy này không phải là không có những điểm giống như những cuộc biểu tình hiện nay của Nông hội đỏ, tức là cũng được huy động nhanh chóng, cũng có một sự tuân thủ thụ động của đông đảo quần chúng đối với những người chỉ huy nằm phân tán ở trong bóng tối. Cả hai tỉnh đều có nhiều thế hệ những sĩ phu có nhiều tham vọng và cơ bản vẫn là những người quốc gia chủ nghĩa có thể so sánh với Phan Chu Trinh rất nổi tiếng trong những năm gần đây. Chủ nghĩa quốc gia ở đây cũng như ở Vinh và Hà Tĩnh đáng lẽ ra đã có thể mở đường cho công tác tuyên truyền bôn sê vích”.

Với cách đưa tin “rất Huỳnh Thúc Kháng”, cụ Huỳnh đã bất chấp sự kiểm duyệt của mật thám Pháp và “bất tuân thượng lệnh” của chúng. Bởi với cụ, cái quyền của người làm báo, nhất là chủ nhiệm báo là “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mình muốn nói, thì ít ra cũng giữ cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”. Có lần, cụ Huỳnh quyết không chịu đăng nguyên văn một bản tin do Tòa Khâm sứ Trung kỳ nhờ đăng hộ.

Khâm sứ Jabuoille gọi dây nói sang dọa sẽ đóng cửa tờ báo, cụ Huỳnh dõng dạc: “Tôi nghĩ việc cho đăng hay không cho đăng một bài gì lên mặt báo là quyền của chủ nhiệm báo; cũng như cho xuất bản hoặc đóng cửa một tòa soạn báo là quyền hành của chính phủ. Nay quan lớn cất cái quyền ấy của tôi thì chẳng khác gì quan lớn đã đóng cửa tờ báo Tiếng Dân vậy. Mà tôi không trông gì hơn, vì dưới quyền ngôn luận quá chật hẹp, tôi thấy nhiệm vụ của tôi đối với nhân dân quá nặng nề!”. Vì thế, trong các báo cáo của mật thám Pháp tại Trung kỳ có nêu rõ “những báo chống đối ở Trung kỳ có tờ Tiếng Dân là báo đối lập hoạt động ngấm ngầm và những tờ Ý Dân, Tuần Lễ và tờ  Dân xuất bản không đều kỳ”.

PHẦN 4: MẬT THÁM PHÁP BÁO GÌ VỀ TIẾNG DÂN ?

Tháng 3.1937, để cổ vũ phong trào dân sinh, dân chủ do Đảng cộng sản lãnh đạo cũng như chuẩn bị dư luận cho việc đón Gô-đa, tại Huế, nhiều tờ báo trong cả nước đã mở một “Hội nghị báo chí bằng tiếng An Nam”. 

Hội nghị báo chí trên đã xác định rõ mục tiêu cần phải đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa vấn đề dân sinh, dân chủ cho nhân dân khắp 3 kỳ. Một chiến dịch cao điểm tuyên truyền của báo chí đã được khởi xướng. Để “điểm mặt” những tờ báo có tư tưởng cộng sản và chống đối trong thời gian này, báo cáo mật thám Pháp ghi: “Việc tuyên truyền cách mạng bằng các báo tiếng An Nam trong tháng này đã lên tới độ rộng và mức độ hung hăng đáng ngại. Ở Trung kỳ, các báo Sao Mai, Tiếng Dân và Tràng An vẫn tiếp tục chiến dịch của mình chống chế độ nhà lao và chính quyền địa phương. Họ đã đăng nhiều bài có khuynh hướng Mác-xít rõ rệt. Việc rút giấy phép xuất bản báo Nhành Lúa công bố bằng nghị định của ông Toàn quyền ngày 10 tháng 3 cũng không làm thay đổi thái độ của báo chí… Ngoài ra, các báo đó còn đăng nhiều bài phỏng vấn những nhà cách mạng đã được thả như Phan Bội Châu, Nguyễn Quyền, những người sáng lập ra Đông Kinh nghĩa thục (nhóm đã gây ra các sự kiện năm 1908), những người An Nam được ân xá mới từ I-ni-ni trở về.

Một vài bài thơ và bài báo của Phan Bội Châu được đăng lại trong các báo của ba xứ An Nam trong Liên bang Đông Dương. Kỷ niệm ngày chết của Phan Chu Trinh (24 tháng 3) là một cớ để đăng những bài báo ngắn xuất phát từ chủ nghĩa dân tộc và cái chết của Phạm Tuấn Tài dùng làm cớ tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản”. Từ công tác theo dõi, kiểm duyệt báo chí hằng ngày, nhất là báo Tiếng Dân - tờ báo có số phát hành và ảnh hưởng sâu rộng nhất khắp các tỉnh Trung kỳ, mật thám Pháp đã khẳng định, xu hướng cộng sản của tờ báo này: “Ở Trung kỳ, không có tờ báo nào của Đảng Cộng sản Đông Dương xuất bản, công tác tuyên truyền của Đảng được tờ Tiếng Dân ở Huế, dù có ý đồ hay không, ủng hộ”.

Để “đón Gô-đa, đưa dân nguyện” dưới sự vận động của Đảng Cộng sản, báo chí khắp trong Nam, ngoài Bắc dồn dập đưa tin yêu cầu thực hiện sự bình đẳng giữa công chức người Pháp và người bản xứ cùng nhiều chính sách, yêu cầu cải tổ khác. “Trong số những nguyện vọng đăng trên các báo, đáng chú ý là yêu cầu bỏ thuế thân đăng trên báo Tân Việt Nam ngày 18 tháng 12 và những đơn khiếu nại và nguyện vọng có khuynh hướng đối lập của nông dân và thương gia đăng trên tờ Tiếng Dân.

Về phương diện chính trị, Viện (Viện Dân biểu) đòi phải mở rộng quyền hạn của mình nhằm biến đổi dần việc thành lập một cơ quan lập pháp; đòi chính phủ phải hỏi ý kiến Viện về tất cả những vấn đề có liên quan đến kinh tế, xã hội, chính trị; đòi giao cho Viện quyền lập ngân sách của Trung kỳ, thực hiện dần quyền phổ thông trong đầu phiếu; đòi tuyên bố ngay về giá trị những nghị viên do chính phủ chỉ định; đòi ban bố cho mọi người Việt Nam các quyền tự do hội họp, lập hội, tự do báo chí và đòi ân xá hoàn toàn cho tù chính trị; đòi bãi bỏ sự quản chế; bãi bỏ độc quyền, đòi giảm thuế… (…). Các báo Việt Báo, Tân Việt Nam, Ngày Nay và Tiếng Dân cũng ủng hộ cuộc tuyên truyền vận động ấy”.

PHẦN CUỐI: NGHỆ THUẬT LÀM BÁO CỦA CỤ HUỲNH

Làm báo trong bối cảnh tự do báo chí bị bóp nghẹt, đối với cụ Huỳnh là cả một nghệ thuật. Cụ đưa tin, viết bài rất trung thực. Tin nào sai sót về nghiệp vụ báo chí thì sẵn sàng cho chỉnh sửa và đính chính, tin nào đã được cụ điều tra kỹ lưỡng, xác đáng thì dù nhà cầm quyền có bắt ép không được đăng cụ vẫn nhất quyết cho đăng.

Chúng tôi tìm thấy một số dữ liệu từ các báo cáo mật thám lúc bấy giờ như sau: “Theo Cv số 219-s ngày 7.3.1935, tôi có lưu ý ngài về một cột báo Tiếng Dân số 770 ngày 25.2.1935 trong mục “Quảng Nam” nhan đề “Sự lo lắng của dân chúng về việc nộp thuế năm 1935”. Bài này đã được chữa lại nhờ có sự đồng ý của ngài, trong số 775 của báo ấy, đã có một ảnh hưởng tốt. Ảnh hưởng của các báo không to lớn lắm trong quảng đại dân chúng An Nam nhưng rất có hiệu lực đối với giới khá giả, họ là những độc giả chính. Chúng ta được lợi để ngăn cản tâm lý đe dọa lan tràn mỗi năm khi nộp thuế. Sự lo lắng tập thể ấy không do tình hình kinh tế hiện nay đề ra, mà hình như do nhiều chiến dịch báo chí xảy ra những năm 1934 - 1935 sau những vụ giảm thuế ở Bắc kỳ mà các nước khác ở Đông Dương được hưởng như vậy. Danh sách những báo chính được đọc trong tỉnh: Tiếng Dân 94 độc giả, Tràng An 28, Ngọ Báo 22, Gafette de Huế, Loa 20, Quê hương An Nam 13, Tân Văn 16, Thanh Nghệ tỉnh 11, Phong Hóa 12, Trung Bắc, Tân Văn 10, Tân An Nam 9, Sài Gòn 8, Le Canard déchaîné 7, Dân báo Hoa kiều 3, Tiểu thuyết thứ 7 là 7, A Hoa kiều 5”. 

Hoặc “Kiểm soát báo chí: Sau một bức thư của viên Giám đốc ở Bồng Miêu báo cáo về một bài đăng trong báo Tiếng Dân số 999, ngày 17 tháng 12 năm 1936 về việc hoàn toàn không có giảm tiền lương công nhân mỏ ấy. Sở Mật thám Huế đã yêu cầu ông Huỳnh Thúc Kháng cải chính tin không đúng ấy (tham khảo công văn của tôi, số 1176-s ngày 23.12.1936)”. Ai đã đọc báo Tiếng Dân đều thấy phong cách báo chí đặc sắc, lắm khi độc địa khi chửi chính quyền thuộc địa mà bọn cầm quyền cũng như mật thám không thể làm được gì. Đơn cử như trên báo Tiếng Dân số 739, ra ngày 31.10.1934, Huỳnh Thúc Kháng đã châm chọc việc nhà nước bán gậy cho các lão nhiêu tại Tiên Phước như sau: “Quảng Nam - việc bán thẻ bài chưa ngớt, thì nay thấy ở huyện Tiên Phước đã có giấy tỉnh đưa về, nói nhà nước sẽ định bán cho mỗi người lão nhiêu một cây gậy giá độ 0$20. Kẻ già đi không vững, họ phải sắm gậy, tưởng không phiền gì đến nhà nước.

Nay nhà nước định bán gậy cho họ, mấy ông già nghèo không làm gì ra ăn, không lẽ chống gậy đi suông, tất họ sẽ phải sắm cái bị nữa!”. Hay báo Tiếng Dân mô tả quang cảnh bế mạc Viện Dân biểu Trung kỳ vào ngày 27.10.1934 như sau: “Các quan lại Tây đi dự thính đếm kỹ được mười người và hơn mươi người quan ta. Người ngoài đến dự tính có 4 người. Quan Thượng Bộ Lại Thái Văn Toản đọc bài diễn văn tuyên bố bế mạc Hội đồng, ông Phạm Như Phiên tạm phái Bộ Lại đọc bản dịch ra Pháp văn.

Vì không có diễn văn của ông Viện trưởng nên đọc xong bài dịch Pháp văn thì xong bữa bế mạc các quan đứng dậy ra về… trong khi bàn ăn đã bày soạn sẵn”. Vì những lẽ đó, trong suốt quá trình theo dõi, kiểm duyệt báo Tiếng Dân, mật thám Pháp không ngừng liệt báo này vào diện “những người cộng sản”. Báo cáo dưới đây một lần nữa khẳng định điều đó: “Các tờ báo Sao Mai, Sông Hương, Tràng An, và Tiếng Dân thỉnh thoảng cũng công kích chính phủ và đôi lúc cũng đăng những bài ngụ ý ca ngợi chế độ cộng sản. Từ ngày nghị định ngày 17 tháng 12 cấm báo Việt Nam xuất bản, thái độ báo chí tiếng Việt ở Nam kỳ có khá hơn”.

Vì vậy, đến năm 1943, thực dân Pháp buộc Tiếng Dân phải đình bản, sự kiện này cũng ghi dấu sự đụng độ của cụ Huỳnh với mật thám Pháp, mà thực chất là sự đụng độ giữa cụ và tên mật thám Sogny - lúc đó là Chánh mật thám Trung kỳ, kiêm Trưởng ty kiểm duyệt. Sogny là một tên mật thám khét tiếng tại Quảng Nam, kẻ đã tắm máu rất nhiều sĩ phu và nhân dân Quảng Nam, nhất là vụ kháng thuế năm 1908 cũng như khởi nghĩa Thái Phiên - Trần Cao Vân năm 1916. Cụ Huỳnh không lạ gì hắn và tỏ ý khinh miệt hắn ra mặt. Lần đó, Sogny kiểm duyệt bài phê bình Truyện Kiều và gạch bỏ những đoạn y cho rằng “không có lợi cho nền cai trị của nước Pháp”, sau đó y viết thư gửi cho cụ Huỳnh buộc phải đăng nguyên văn phần còn lại theo ý của mình. Cụ Huỳnh đã khẳng khái từ chối, không cho đăng. Và vì cớ đó, báo Tiếng Dân ra số cuối cùng vào ngày 28.4.1943 rồi đình bản, để lại sự luyến tiếc sâu xa với bạn đọc cả nước.

Lưu Anh Rô