www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Cụ Huỳnh qua chuyện kể dân gian

 Là người rất thông minh, hiếu học, được liệt vào hàng “Tứ hổ” của đất địa linh nhân kiệt, cụ Huỳnh Thúc Kháng luôn là niềm tự hào của bao thế hệ người dân Tiên Phước. Chính vì vậy, những câu chuyện kể về tài trí và nhân cách cao đẹp của cụ vẫn mãi được nhân dân lưu truyền từ đời này sang đời khác.

           1. Ngay từ bé, cậu bé Huỳnh Hanh (tên của cụ Huỳnh Thúc Kháng lúc nhỏ) đã nổi tiếng là có trí nhớ đặc biệt. Huỳnh Hanh bắt đầu đi học từ năm 8 tuổi. Tự truyện của cụ nêu rõ “Nhà nghèo, không sách nhưng nhờ có tính hơi thông minh, đọc sách nào thì nhớ quyển ấy”. Năm lên 11 tuổi, theo học với Tế tửu Nguyễn Đình Tựu, Huỳnh Hanh học thuộc rất nhanh các sách “thập ngũ Quốc phong cùng Nhã, Tụng...”.

        Giai thoại về trí nhớ tuyệt vời của cụ được lưu truyền phổ biến nhất là câu chuyện xem rồi nhớ toàn bộ cuốn lịch năm và chép lại. Cụ Dương Sơn năm nay 88 tuổi, ở tại thôn 6 xã Tiên cảnh kể: “Lúc còn nhỏ, tôi thường nghe cha kể chuyện về trí nhớ rất tốt của cụ Huỳnh để động viên con cháu học tập. Chuyện rằng trong khi được cha bảo đi mua lịch về treo trong dịp chuẩn bị đón tết cổ truyền, Huỳnh Hanh đã xuống chợ huyện nhưng không mua lịch mà chỉ giở xem và về nhà ngồi chép lại toàn bộ cuốn lịch một cách chính xác làm cho ông Huỳnh Tấn Hữu (thân sinh cụ Huỳnh) và cả nhà hết sức bất ngờ”.

         Còn cụ Huỳnh Toản, (năm nay 94 tuổi) là cháu gọi cụ Huỳnh bằng ông nội chú, nhớ lại: “Một lần ghé vào một quán ăn, cụ Huỳnh vô tình nhìn thấy tờ lịch treo tường chi chít chữ. Tò mò nhìn qua cụ mới biết đó là nơi ghi tiền nợ của khách. Thấy quán nhỏ nhưng tiền nợ nhiều nên cụ quan tâm xem kỹ. Không ngờ một thời gian sau cụ có dịp ghé lại, chủ quán buồn rầu cho biết gia đình vừa bị hỏa hoạn, toàn bộ sổ (tờ lịch)  ghi nợ cũng bị cháy sạch. Thế là cụ dùng trí nhớ tuyệt vời của mình giúp chủ quán ghi lại toàn bộ danh sách nợ trước sự kinh ngạc lẫn thán phục của mọi người.

          Về tài đối đáp của cụ Huỳnh, nhiều cụ cao niên ở xã Tiên Cảnh vẫn còn nhớ rất rõ giai thoại, rằng: Lúc còn theo học trường làng nhưng cậu bé Huỳnh Hanh đã thể hiện tài đối đáp đáng nể. Khi thầy ra vế đối: “Ngói đỏ lợp nhà nghè, lớp trên đè lớp dưới”. Cậu bé Hanh nhìn ra trước cửa suy nghĩ, thấy chiếc cống trước nhà thầy được xây bằng đá, liền quay lại và cúi đầu đáp: “Đá xanh xây cầu cống, hòn dưới chống hòn trên”. Vế đối chuẩn cả vần lẫn nghĩa được thầy khen, bạn học nể phục.

           2. Là người học cao, hiểu rộng nhưng cụ Huỳnh “Không cần lợi lộc, không cần làm giàu” và có cuộc sống hết sức tiết kiệm, giản dị, gần gũi với mọi người. Cụ Dương Sơn cho biết: “Vào khoảng cuối năm 1946, đầu năm 1947 cụ Huỳnh có ghé về thăm nhà tại làng Thạnh Bình. Tôi là một trong những thanh niên được phân công đoàn tham gia rước cụ với đủ cờ, xí, trống, võng, lọng rất khí thế. Không ngờ khi thấy đoàn rước đón rầm rộ cụ rất không vừa ý và yêu cầu xếp hết cờ, lọng kể cả trống để cụ được trở về đúng nghĩa là người con đi xa về thăm quê chứ không phải là một ông quan về làng. Lúc đó, chúng tôi rất bất ngờ và càng khâm phục tính cách bình dân của cụ”.

          Còn cụ Huỳnh Văn Huy ở thôn 1, xã Tiên Cảnh lúc nhỏ thường được nghe cha và ông nội kể chuyện về cụ Huỳnh cho biết: “Điều tôi tâm đắc và kính nể nhất ở cụ Huỳnh là mặc dầu học hành rất giỏi, đỗ đạt cao nhưng có đời sống thanh liêm, giản dị và hết lòng thương người. Mỗi lần về thăm quê bà con chòm xóm, con cháu đến thăm cụ đều khuyên răn mọi người nên tiết kiệm thời gian, chăm lo làm ăn, nhất là các cháu thiếu nhi phải chăm lo học tập để sau này thành người có ích”.

         Càng gần gũi, đồng cảm với nỗi thống khổ của người dân bao nhiêu cụ Huỳnh càng khinh ghét những kẻ bon chen danh lợi, quan liêu, hách dịch bấy nhiêu. Cụ Huỳnh Toản kể: “Có lần tri huyện Hà Đông hành hạt đến các xã. Khi đến Thạnh Bình, lính lệ thấy cụ Huỳnh ăn mặc như một nông dân trên đường liền gọi lại bảo cáng quan. Cụ vui vẻ nhận lời. Nhưng không ngờ, mới đi được mấy bước cụ  đã quẳng quan xuống đường, nói: “Ăn cái đếch chi mà nặng dữ rứa”. Khi lính lệ xông vào định hỏi tội người nông dân thì cũng là lúc quan huyện lồm cồm bò dậy và sững sờ nhận ra người nông dân cáng mình không ai khác chính là Huỳnh Thúc Kháng!

                                                  Phạm Hoàng - Báo Quảng Nam