Cụ Huỳnh kinh lý Quảng Nam
Gần cuối năm 1946, cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp đang đến gần. Với uy tín và đức độ của mình, cụ Huỳnh Thúc Kháng trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Hội trưởng Hội Liên Việt được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử kinh lý miền Trung truyền đạt chủ trương kháng chiến của Chính phủ với đồng bào.
Hành trình kinh lý của cụ Huỳnh kéo dài hơn 5 tháng, từ Hà Nội cho đến tỉnh Quảng Ngãi - nơi cụ lâm bệnh và từ trần. Cùng đi có ông Tôn Quang Phiệt - Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội và một số cán bộ, bảo vệ.
Khoảng cuối tháng 11.1946, cụ Huỳnh về đến quê hương Quảng Nam, nghỉ tại nhà khách của Tỉnh ủy và Ủy ban hành chính (UBHC) tỉnh. Sau khi làm việc với UBHC TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, mặc dù sức khỏe không được tốt, nhưng người cựu chiến sĩ của phong trào Duy tân 40 năm về trước vẫn đi khắp nơi trong tỉnh, thăm hỏi đồng bào.
Cụ thăm và nói chuyện với đồng bào giáo dân và các linh mục nhà thờ Trà Kiệu, kêu gọi đoàn kết giáo lương; thăm hỏi nhân dân các huyện Đại Lộc, Quế Sơn. Cụ cũng đến thăm và động viên các nhân sĩ Lương Quý Di, Lương Trọng Hối, Nguyễn Đình Hiến...; thăm nơi ở của cụ Phan Châu Trinh. Ở Quế Sơn, sau vài ngày tạm dừng chân ở nhà ông Lê Nhiếp - thư ký riêng của cụ Huỳnh, ông Tôn Quang Phiệt từ biệt về Hà Nội. Cụ Huỳnh tiễn chân ra tận cổng và nhờ chuyển lời thăm Hồ Chủ tịch. Cụ nói giọng run run: “Tôi chắc chắn không gặp lại Hồ Chủ tịch. Ông về Hà Nội báo cáo công việc chúng mình đã làm và nói riêng giúp tôi. Tôi gửi lời chào cảm mến Hồ Chủ tịch và xin chúc Cụ sống lâu để lãnh đạo cuộc chiến tranh cho đến ngày thắng lợi như đã lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công”.
Ở Quảng Nam lúc bấy giờ có tình trạng một số thân hào chưa giác ngộ, thường gây khó khăn cho địa phương, họ chỉ trích cán bộ, ngăn cản con cháu tham gia các đoàn thể và chính quyền. Phần đông trong họ là học trò hoặc tự coi như học trò cụ Huỳnh Thúc Kháng. Biết được, cụ cho mời tất cả tập trung về để nói chuyện. Sau khi giải thích đường lối đối nội và đối ngoại của Chính phủ, của Mặt trận Việt Minh trước kia và của Hội Liên Việt ngày nay, cụ khuyên mọi người đoàn kết ủng hộ chính quyền, ủng hộ Mặt trận và nói: “Hôm nay với danh nghĩa một người thầy, một người bạn cũ có nhiều kinh nghiệm ở đời, tôi nói chuyện với các chú và có mấy lời khuyên. Nếu chú nào có những hành động phá rối thì đừng có trách tôi sẽ lấy danh nghĩa đại diện Chính phủ Trung ương mà thẳng tay trừng trị”.
Một lần khác có người hỏi về Hồ Chủ tịch, cụ Huỳnh nói: “Ông Hồ không phải như nhiều người khác mượn hai tiếng “cách mạng” để rồi làm giàu hoặc làm quan to. Ông Hồ không đồng xu dính túi. Nói bằng cấp thì ông Hồ không là tiến sĩ, phó bảng gì cả. Nhưng nói tri thức và sự nghiệp cách mạng thì sự hiểu biết của ông Hồ rất xa rất rộng, chẳng những việc trong nước mà cả việc thế giới”.
Có người chưa hiểu được ý nghĩa của việc Chính phủ ta đã ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6.3.1946, hỏi cụ có đồng ý ký hiệp định đó không? Cụ trả lời: “Hiệp định ký với nước ngoài phải được Hội đồng Chính phủ chuẩn y. Trong Hội đồng ấy có tôi. Anh em quan tâm đến việc nước như thế, tôi rất khâm phục. Nhưng có một điều nên biết là dầu ký, dầu không, quân Pháp cũng đổ bộ lên đất nước ta theo quyết định của Đồng minh chiến thắng. Đánh Pháp tức là khai chiến với Đồng minh, hiện giờ chúng ta có đủ sức làm việc ấy chưa? Anh em yên trí. Hội đồng Chính phủ không bán nước. Nói cho hết lẽ thì dông dài lắm, tôi xin tuyên bố vắn tắt với anh em là đó chẳng qua là một nước cờ của Hồ Chủ tịch với cả Pháp lẫn Tưởng Giới Thạch. Tôi chắc chắn và anh em cứ đinh ninh rồi đây thế nào mình cũng thắng thế...”.
Về quê hương Tiên Phước, cụ Huỳnh sống ở nhà tại làng Thạnh Bình. Một buổi sáng, cụ đến thăm cơ quan Mặt trận Việt Minh huyện. Thực chất đây là cơ quan Huyện ủy. Cán bộ lãnh đạo huyện Tiên Phước bấy giờ phần lớn là người ở các huyện khác được điều động đến công tác. Hỏi thăm tên, quê quán từng người xong, cụ vui vẻ trò chuyện, trao đổi về một số hình thức hoạt động của các giới thanh niên, phụ nữ, lão thành, thiếu nhi ở các tỉnh phía Bắc rất tốt, sinh động nên học tập kinh nghiệm. Cụ bảo, nhân dân Tiên Phước thuần phác, có lòng yêu nước, khi được giáo dục, phát động sẽ tiến nhanh; làm cách mạng không nên có tính địa phương chủ nghĩa. Cụ tâm tình: “Các anh, các chị còn trẻ, đội ngũ cách mạng trẻ bây giờ rất tốt, rất giỏi, khả năng dồi dào. Anh Võ Nguyên Giáp khi ở Huế, có quan hệ với báo Tiếng Dân của tôi. Lúc đó, anh là “bạch diện thư sinh”, nhưng bây giờ là một cán bộ rất giỏi, rất giỏi, có trí thức của một người lãnh đạo cách mạng. Tôi làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nhưng chỉ bàn đường lối chung, công tác lớn, còn mọi việc đều do anh Hoàng Hữu Nam (tức Phan Bôi, một người Quảng Nam, bấy giờ là Thứ trưởng Bộ Nội vụ - NV) đảm trách giải quyết. Thanh niên bây giờ giỏi lắm. Trên có Cụ Hồ, dưới có một đội ngũ cách mạng tài năng, nhất định sẽ đưa dân tộc ta đến toàn thắng…”.
Cũng tại Quảng Nam, cụ nghe tin ngày 19.12.1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, ngày 1.1.1947, với danh nghĩa Hội trưởng Hội Liên Việt, cụ Huỳnh viết bức thư dài bằng chữ Hán (thể phú) nhan đề: “Kính cáo đồng bào phụ lão kháng chiến thư”, trong đó nhấn mạnh: “Hãy tin tưởng vào Cụ Hồ Chí Minh, bậc yêu nước đại chí sĩ, kết chặt chẽ một khối quyết sống mái với kẻ thù”.
Cuối tháng 3.1947, cụ Huỳnh nhận được điện của đồng chí Phạm Văn Đồng, đại diện của Chính phủ tại miền Nam Trung Bộ mời vào Quảng Ngãi. Đường giao thông do thực hiện tiêu thổ kháng chiến nên bị phá nhiều nơi, cụ không thể đi bằng ô tô nên nhiều đoạn phải đi bộ, có đoạn đi võng. Sức khỏe cụ yếu dần. Vào đến nơi, vừa ổn định được chỗ ăn ở thì cụ lâm bệnh và từ trần vào ngày 21.4.1947, được an táng trên đỉnh núi Thiên Ấn.
Như vậy trong chuyến kinh lý miền Trung, cụ Huỳnh đã ở lại Quảng Nam khoảng 4 tháng. Uy tín, đức độ và những lời khuyên của cụ trong lần về thăm quê cuối cùng này đã có tác dụng cổ vũ đồng bào Quảng Nam tin tưởng ở tương lai tươi sáng của dân tộc, tích cực tham gia chuẩn bị kháng chiến chống quân Pháp xâm lược.
Phan Xuân Quang - Báo Quảng Nam