www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Cụ bà 78 tuổi bệnh tật, nuôi con tâm thần, câm điếc

Nhiều năm nay, người dân ở thôn 4, xã Tiên Phong, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam ai nấy đều xót thương cho hoàn cảnh của cụ bà Phan Thị Ngư. Dù năm nay đã 78 tuổi nhưng hằng ngày vẫn phải gồng mình nuôi người con gái tật nguyền và bị tâm thần.

Vốn sinh ra trong một gia đình bần nông nên từ nhỏ bà Ngư phải làm lụng vất vả để mưu sinh và nuôi bố mẹ già. Năm 1957, bà Ngư kết duyên cùng ông Võ Phước Việt, một anh nông dân nghèo cùng làng.

Lập gia thất, cứ ngỡ cuộc sống sẽ đỡ vất vã hơn, thế nhưng cái đói, cái nghèo vẫn cứ đeo bám mãi gia đình nhỏ của cụ. Năm 1959, hai vợ chồng cụ Ngư hạnh phúc đón đứa con gái đầu lòng, đặt tên là Võ Thị Tân. Nhưng ngay sau đó, đôi vợ chồng nghèo như chết ngất đi khi nhận hung tin con mình bị khuyết tật trí tuệ mức độ nặng và chứng câm điếc bẩm sinh.

Không đành lòng trước những căn bệnh hiểm nghèo của con, hai cụ chạy vạy vay mượn, cầm bán tất cả mọi thứ có giá trị trong nhà để đưa con đi khắp nơi chữa trị, đến mức tán gia bại sản mà bệnh tình của bà Tân vẫn không hề thuyên giảm.

Đã nghèo lại còn gặp lắm cái eo, bất hạnh này chưa qua thì tai ương khác đã bất ngờ ập tới khi cụ Việt lâm bệnh hiểm nghèo nhưng vì không có tiền chạy chữa nên đã ra đi bỏ lại một người vợ ốm yếu bị khuyết tật vận động mức độ nặng; một đứa con duy nhất bị tâm thần và câm điếc bẩm sinh.

tâm thần, câm điếc, neo đơn

Người mẹ già yếu và đứa con bệnh tật của mình.

 

Đau khổ, bế tắc và tuyệt vọng, tưởng chừng như cụ Ngư không vượt qua được chuỗi ngày đau khổ đó. Thế nhưng nhìn đứa con nhỏ “ngớ ngẩn” của mình, cụ lại gượng dậy và tiếp tục làm lụng nuôi con suốt gần 60 năm nay.

Đưa bàn tay chai sần quẹt ngang dòng nước mắt, cụ Ngư tâm sự: “Tui vốn bị khuyết tật vận động mức độ nặng, có giấy xác nhận kia kìa. Vì thương con nên tui cố gắng làm lụng để nuôi nó đến chừ nhưng bây giờ tui cũng già yếu lắm rồi, không thể làm được việc gì nữa. Cũng may là bệnh tình của con Tân cũng đỡ hơn xưa nên giờ hắn cũng có thể phụ giúp được tui việc nhà chứ không thì chẳng biết làm răng hết nứ.

Tội nghiệp hắn, người ta ở cái tuổi ni thì có chồng con hạnh phúc còn hắn thì vẫn cứ nửa tỉnh nửa dại như rứa miết đó... Rủi mai mốt tui chết thì biết hắn sống ra răng đây ”.

Được biết hiện nay, toàn bộ chi phí sinh hoạt hàng ngày của hai mẹ con cụ Ngư đều phụ thuộc vào số tiền trợ cấp 180 nghìn/tháng cho người không có khả năng lao động và sự thương tình, đùm bọc của bà con chòm xóm láng giềng.

Vất vả, cực nhọc cả một đời người để nuôi con khôn lớn, lẽ ra ở cái tuổi gần đất xa trời này phải được nghỉ ngơi và được hưởng niềm vui con cháu chăm sóc… Thế nhưng, đối với cụ Ngư thì cái phúc phận ấy dường như quá xa vời bởi cái đói nghèo và bệnh tật cứ mãi vây bám lấy cụ như một định mệnh khắc nghiệt.

Trao đổi với CTV VietNamNet, ông Nguyễn Thành Quang, trưởng thôn 4 cho biết: “Gia đình cụ Ngư là một trong những hoàn cảnh khó khăn nhất của thôn tôi. Căn nhà hai mẹ con cụ đang ở cũng do nhà nước hỗ trợ xây cho. Bà Ngư nay đã già yếu, lại sẵn mang bệnh tật trong người, không lao động được, thế mà vẫn phải chăm lo cho đứa con gái bị tật nguyền bẩm sinh. 

Trong thời gian qua, chính quyền địa phương cũng đã đặc biệt quan tâm, nhưng do điều kiện có hạn nên chỉ giúp đỡ được phần nào cho gia đình. Chúng tôi mong các cá nhân, tổ chức xã hội cùng chung tay giúp đỡ động viên hai mẹ con bà Ngư phần nào vơi bớt khó khăn hiện tại”.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:  bà Phan Thị Ngư (SN 1936) và bà Võ Thị Tân (SN 1959), trú thôn 4, xã Tiên Phong, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.

                                                  Hà Nam - Báo VietNamNet