www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Cây quế Tiên Phước trong ca dao

 Xuân ấm áp Giêng – Hai còn lãng đãng trong những vườn quế muộn của trung du, lại muốn rủ rê gạ gẫm người nông dân Tiên Phước ra vườn, lên đồi, cầm dao sừng trâu, trầm tư lột quế vụ kỳ tiên, theo truyền thống, như hâm nóng lại mùa thu hoạch.

       Trong vườn nghiêng nghiêng tán lá quế thơm nồng, hồi ức về những câu hát giao duyên của một thời xa khuất, còn đọng lại trong hồn quê chất phác hôm nay:

 Đêm khuya trăng tỏ gió thanh

            Tự nhiên cây quế gãy nhành không hay

            Không hay vì nỗi không hay

             Bài thơ hương quế về tay ai cầm
 
Cây quế ở Tiên Phước đã đi vào ca dao trữ tình như thế đấy. Lời ca thể hiện trực tính, không cần phải ẩn dụ. Sự đánh mất bài thơ hương quế về tay ai cầm là một câu hỏi thẳng thừng, tương tự như nguyên nhân không biết vì saocây quế gãy nhành. Đấy cũng là cái bản sắc chân quê của con người Tiên Phước. Và nếu như muốn bộc lộ ý tứ ngập ngừng, muốn ở nán lại bên nhau thêm một chút nữa, thì họ cũng lại mượn cái bóng quế ngả nhành để làm lý do xác thực :

            Đêm khuya trăng tỏ gió thanh

            Để xem bóng quế ngả nhành về đâu

Gỉa sử như đối cảnh với trăng tỏ gió thanh ấy, mà nói rằng trăng đẹp quá, sáng quá, bàng bạc và mông lung quá. Hãy ở lại mà ngắm trăng. Ôi thơ mộng biết bao! Như vậy thì chẳng có gì là bản sắc Tiên Phước cả. Tự khoác cho mình chiếc áo văn chương thùng thình của thời đại mà thôi.

      Tầng số cây quế trong ca dao, dân ca ở Tiên Phước xuất hiện không nhiều. Nhưng chính từ cái không nhiều ấy, mà nó đã xác lập được tính hiện thực, điểm trang sắc màu văn hóa bản địa vùng - miền, tính trữ tình dân gian hài hòa và tương xứng với dáng dấp mộc mạc trung du.

      Sự bộc trực dễ thương. Tính thẳng thừng, nhưng không làm người giận. Bởi đã thương thì thương cho chắc. Có trục trặc, thì trục trặc cho luôn. Tỏ thật lòng đố ai, sự thách thức trực tính, một khi mà quế với mai đã đỗ lộn, và buổi tiền duyên trắc trở, thì cho dù đến kiếp sau đi nữa, vẫn chẳng nguyền kết đôi:

                  Đố ai bóng quế đỗ lộn nhằm nhành mai

            Buổi tiền duyên không gặp, cảnh tuyền đài cũng xin thôi.

      Ở đây, câu hát còn thể hiện tính cấu trúc văn chương vượt trên cả quy thức của thể thơ truyền thống lục bát. Thông qua hình ảnh riêng của cá thể, sự vận dụng thực tế ấy, đã làm toát lên hình thức ngẫu hứng lô gic, mang tính tích hợp dân gian bác học. 

      Cánh cửa hoàng kim của cây quế chừng như khép lại. Một vài vườn quế đã đổi thay tên, để điền vào chỗ trống ấy những cây trái thích nghi với nền kinh tế mở, nhưng sao cứ mỗi mùa Giêng Hai hoa nở, hay tháng bảy tháng tám Thu sang, đâu đây vẫn âm vọng lời hò khoan duyên dáng về cây quế ngày nào.  

                                                                    Võ Khoa Châu