Đến đây ngắm cảnh, ăn cái bánh chần gừng, bánh ú sắn; mua cái bánh tổ, đĩa xôi vang; từ trong ký ức của tôi bao hình ảnh thân thương, đầm ấm nơi quê nhà Tiên Phước mến yêu, nơi tôi đã gắn bó hơn nửa đời người lại hiện về.
Bánh ngày Tết ở làng cổ Lộc Yên
Bánh chần gừng
Khoảng 24-25 tháng Chạp, mẹ biểu: "Con ra bờ suối lượm ít sỏi về làm bánh". Vừa nghe vậy là tôi xách cái giỏ mây cùng cái rổ tre đi liền, vì biết mẹ chuẩn bị làm bánh chần (củ) gừng. Đến bờ suối tôi chọn nhiều hòn sỏi to, hình thù khác nhau rồi đem ra nơi dòng nước cạn, chà, rửa thật sạch. Đem sỏi về, tôi để ngoài nắng, phơi cho khô.
Để làm được bánh chần gừng, mẹ tôi chọn loại nếp cái thơm ngon, vo đãi sạch, ngâm khoảng 7 giờ trong nước cho mềm. Nước để ngâm nếp được hòa với nước gừng tươi giã nhỏ, lọc sạch. Đem nếp xay thành bột, đem bột đã xay bòng lại trong lớp vải mịn, dùng tảng đá nặng chần lên trên bòng bột một đêm để ép hết nước ra.
Tiếp đến, bột được nhồi dẻo bằng cách luộc vài vắt bột to bằng nắm tay trong nước sôi cho những cục bột vừa se lại; vớt bột bẻ ra, cho mật hoặc đường vào vừa đủ ngọt; trộn bột đã luộc với số bột nếp sống còn lại đem giã trong cối đá to. Tôi cầm cái chày đẽo bằng gỗ trai giã bột bằng cả hai tay, mẹ gạt bột trồi lên vào giữa lòng cối. khi lưng tôi ướt đẫm mồ hôi cũng là lúc bột đã dẻo quánh lại, rút chày lên thật nặng.
Bánh chần gừng
Mẹ tôi cán đều bột thành từng miếng dày, khi cán rắc ít bột khô cho khỏi dính, rồi cắt thành miếng to hơn ngón tay trỏ đem ra phơi nắng. Khi các miếng bột đã se khô, mẹ đem ủ với gừng tươi xắt lát mỏng một ngày cho miếng bột càng thơm mùi gừng.
Đến khâu nướng bánh cũng thật công phu. Mẹ tôi bắc hai cái nồi trên bếp củi, khéo léo đặt những viên sỏi sao cho có nhiều khe hở, rồi đun nóng. Khi sỏi đã nóng già, mẹ gắp những miếng bột vừa ủ đặt vào khe những hòn sỏi trong nồi, đậy vung lại để hấp khô. Từng miếng bột, gặp sỏi nóng phồng lên theo khe những hòn sỏi giống như những chần gừng hình thù khác nhau. Nhúng chiếc bánh gừng vừa nướng phồng vào nước đường đã thắng sẵn với nước gừng rồi mẹ gắp ra ngay, tôi ngồi bên rắc nổ (nếp rang) bên ngoài, bôi một ít phẩm hồng vào những phần chóp nhọn của những cái bánh như những mụt non trên củ gừng tươi. Thế là được những cái bánh gừng rất đẹp, ăn vừa xốp vừa béo, vừa ngọt vừa cay, thơm.
Nhiều chiếc bánh được làm xong, mẹ tôi lót mo cau khô trong chiếc mủng năm, xếp bánh vào, cất trong bồ đựng lúa nhiều ngày vẫn giòn. Tết đến, dọn lên đĩa bánh gừng để cúng và tiếp khách thì thật là đẹp. Trước khi thưởng thức cái bánh chần gừng, lũ trẻ chúng tôi ngày ấy thường nhìn ngắm một chút rồi mới ăn. Bao năm rồi tôi vẫn nhớ cái bánh có vị quê ngọt ngào nếp, mật; có cái nghĩa, cái tình "gừng cay, muối mặn"; có hơi ấm của lửa, có tình cảm gia đình, làng xóm yêu thương.
Bánh ú sắn, bánh "B.52"