www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Bảo tồn làng cổ và chuyện người 27 năm “đo vẽ”

Chuyện quần thể nhà cổ tại làng Lộc Yên (Tiên Phước) vừa chính thức được chọn khảo sát, tìm kiếm giải pháp bảo tồn trong một đề tài nghiên cứu đã khiến những ai quan tâm đến nhà cổ xứ Quảng vui lây. Sự kiện này nhắc nhớ đến một người suốt 27 năm nay vẫn theo nghiệp “đo vẽ” khắp hàng trăm ngôi nhà cổ Quảng Nam với niềm đam mê riêng, và chính anh giờ có thêm dịp để trở lại xứ sở của những ngõ đá độc đáo như Lộc Yên...  

Khi gia tài là những... bản vẽ

“Gia tài” quý nhất của Nguyễn Thượng Hỷ bây giờ, có lẽ, là những bản vẽ. Bản vẽ hoàn chỉnh có 15 bộ, đó là 15 ngôi nhà cổ đẹp và giá trị tiêu biểu của Quảng Nam được chọn. Thêm vài chục bản vẽ ghi và hàng trăm tài liệu khác về đo tỉ lệ, hướng nhà... Tất nhiên, nguồn tư liệu ấy được lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn di sản-di tích Quảng Nam, nơi anh đang công tác. Đã từng lội qua những vùng đất khác như Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Trị, Huế... để khảo sát, đo vẽ nhưng ròng rã 27 năm nay hết lên ngược lại về xuôi tại Quảng Nam đã cho Nguyễn Thượng Hỷ một vốn liếng khá “giàu có” về kiến trúc cổ. Ký ức về những chuyến đón xe đò, xe chở gỗ, mang ba-lô lội bộ lên các vùng biên giới nghiên cứu về nhà cộng đồng như rông, gươl của đồng bào Xêđăng, Giẻ Triêng, Co, Cơtu... vẫn như mới hôm qua.Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ - người đam mê nghiên cứu, khám phá nét đẹp và giá trị của nhà cổ ấy - bước vào cái “nghiệp đo vẽ” từ năm 1979, khi anh rời trường mỹ thuật Huế. Vào Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) làm công tác bảo tồn, anh theo Kiến trúc sư Kazik (Ba Lan) nghiên cứu di tích Chămpa ở Mỹ Sơn và kiến trúc cổ Hội An hơn 13 năm. Năm 1995, anh sang Nhật Bản tu nghiệp, nhận được sự giúp đỡ từ Khoa kiến trúc Đại học Nihon và nguồn hỗ trợ của Quỹ Nhà quốc tế Osaka. Sau đó lại có thời gian làm việc cùng các chuyên gia của Đại học nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản)...

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ từng tham gia lập hồ sơ di tích và là người đầu tiên đo vẽ, khảo sát tại đình Chiên Đàn - Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia được công nhận năm 2005. Anh và các cộng sự tại Trung tâm Bảo tồn di sản - di tích Quảng Nam cũng lập hồ sơ, đề nghị công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đối với 4 ngôi nhà cổ của các chủ nhân : Nguyễn Huỳnh Anh (Tiên Phước), Nguyễn Xuân An, Trịnh Thị Thống (Núi Thành), Nguyễn Nho Phán (Điện Bàn).

Dọc ngang vùng đồng bằng và trung du suốt ngần ấy năm, Nguyễn Thượng Hỷ nhớ mình đã đặt chân đến ít nhất 200 nhà cổ trong số hơn 400 ngôi nhà cổ ở Quảng Nam. Anh càng “hiểu” và trăn trở với không gian văn hóa đặc biệt ấy, dù anh sinh ra tại Huế trong một gia đình dòng dõi quan lại. Có nghe Nguyễn Thượng Hỷ say sưa nói về những chi tiết thú vị và sự khác nhau của cột, kèo, đòn tay, rui, trính, xuyên... giữa nhà rường, nhà mái lá Quảng Nam với nhà vườn xứ Huế hay Quảng Trị, Quảng Ngãi mới thấy hết niềm đam mê của anh. Có dịp là anh thả sức “luận” về sự đa dạng của kiến trúc nhà cổ Quảng Nam với hai phường thợ Văn Hà, Kim Bồng, về chủ nhân những ngôi nhà “giàu từ đất” ấy... Một kiến trúc sư Nhật Bản làm việc cho Tổ chức JICA từng bảo với đồng nghiệp Quảng Nam rằng “các bạn đang giữ một kho báu của cha ông, nếu không biết cách giữ sẽ rất uổng”. “Vậy mà bây giờ, khi tôi vẫn đang giữ những bản vẽ, ảnh chụp của nhiều ngôi nhà cổ thì chính “kho báu” đó chỉ còn lại một... khoảnh đất trống, hoặc đã chuyển chủ khác, bán cho người ta dựng quán cà phê” - Nguyễn Thượng Hỷ tâm sự.

“Trở về mái nhà xưa”

Tham gia vào nhóm thực hiện đề tài “Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa quần thể nhà cổ tại làng Lộc Yên” do Phó bí thư huyện Tiên Phước - Phạm Văn Đốc làm chủ nhiệm, xem ra Nguyễn Thượng Hỷ như được “trở về mái nhà xưa”. Trong số hàng trăm ngôi nhà cổ xứ Quảng, có nhà anh lui tới 4-5 lần, riêng ở đất Tiên Phước với hồ sơ khảo sát 17 ngôi nhà cổ hoàn thành năm 2001 thì người dân quen thuộc đến độ “nhẵn mặt”. Và anh vẫn giữ kỷ lục ròng rã suốt 11 năm với 15 lần đến đo vẽ, nghiên cứu tại nhà cụ Nguyễn Huỳnh Anh ở Tiên Cảnh - ngôi nhà mà Ngô Đình Diệm từng 2 lần gạ mua và được xếp tiêu chuẩn loại 1 cùng với nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Lên Lộc Yên (thôn 4, Tiên Cảnh - Tiên Phước) từ năm 1994, Nguyễn Thượng Hỷ đâm ra thích thú những “ngõ đá” thanh bình ấy. Trong số gần 10 ngôi nhà cổ ở Lộc Yên, anh đo vẽ ít nhất 4 ngôi nhà và biết rằng ở đất Tiên Phước có nhiều nhà cổ đã hư hại. Nhưng hầu như những chuyến đi ấy đều xuất phát từ niềm đam mê riêng... Giờ thì trở lại để nhận ra nơi ấy thật sự đang lưu giữ giá trị của kiến trúc sinh thái trong một chương trình khảo sát kỹ lưỡng hơn. “Tiên Phước nhiều nhà cổ nhưng cảnh quan đẹp chỉ có ở Tiên Cảnh. Nhà rường Quảng Nam cũng thế, nhiều, song cũng chỉ ở Lộc Yên là đặc sắc bởi đã tạo nên cảnh quan tổng thể nhà vườn rất tuyệt vời, chẳng hạn nhà cụ Huỳnh Anh” - kiến thức sẵn có và niềm yêu thích dành cho di sản văn hóa kiến trúc sống ở Lộc Yên sẽ giúp ích rất nhiều cho Nguyễn Thượng Hỷ và các thành viên thực hiện đề tài.

... Cuộc trò chuyện với họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ về những ngôi nhà rường, nhà mái lá, những ngôi đình 3-4 trăm tuổi... thường không có đoạn kết. Bởi trong anh vẫn còn nguyên đấy sự dằn vặt của người chuyên đi tìm hiểu kiến trúc cổ : “Mình đến đó, ghi chép, chụp ảnh và rồi chỉ có thể lưu giữ tài liệu vào đĩa CD. Bởi công việc của mình là phát hiện giá trị của kiến trúc, không phải là người... giữ tiền”. Mỗi khi hay tin có chủ nhân đủ sức bỏ tiền ra trùng tu như nhà của ông Nguyễn Văn Anh - Điện Bàn, Nguyễn Châu Trí - Núi Thành, anh hớn hở ra mặt. Chuyện “tương lai” của nhà cổ Lộc Yên xem ra cũng giúp Nguyễn Thượng Hỷ quên đi một phần sự thực buồn : phân nửa số nhà cổ ở Quảng Nam mà anh từng biết đến giờ không còn nữa...

Lộc Yên : làng “xã hội hóa du lịch” tiềm năng


Một góc nhà cổ của cụ Nguyễn Huỳnh Anh ở Tiên Cảnh - ngôi nhà có cảnh quan nhà vườn tuyệt vời.

Ngày 14-11, với sự đánh giá cao của Hội đồng khoa học tỉnh về tính khả thi, tính ứng dụng tại buổi thẩm định, đề tài nghiên cứu về “thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa quần thể nhà cổ tại làng Lộc Yên” cũng chính thức khởi động. Chương trình kéo dài trong vòng 12 tháng với các khâu : điều tra, khảo sát; xử lý số liệu; viết chuyên đề; hội thảo...


Theo nhận định ban đầu, Lộc Yên là một di sản kiến trúc được bố trí trong không gian, môi trường xanh, đẹp; có thể xây dựng mô hình làng di sản văn hóa kiểu mẫu, áp dụng mở tour du lịch kiểu “homestay” (du khách đến lưu trú và sinh hoạt tại nhà dân, tham gia và tìm hiểu phong tục, tập quán...). Đây là phương cách vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa kiến trúc của làng, vừa mở hướng phát triển kinh tế của làng “xã hội hóa du lịch”. Việc nghiên cứu phục dựng kiến trúc đã mất (nhà mái lá), tôn tạo vườn, tạo cảnh quan... là yêu cầu quan trọng để tiến tới mở các tour du lịch sinh thái văn hóa tại ngôi làng đặc trưng của vùng trung du Quảng Nam này. (H.X.H)

Hứa Xuyên Huỳnh - Báo Quảng Nam