“Lốc xung kích” giúp dân chống bão
Nếu như bộ đội, dân quân địa phương là lực lượng ứng cứu người dân trong trường hợp thiên tai khẩn cấp thì các đội xung kích là lực lượng tại chỗ sẵn sàng giúp đỡ người dân sơ tán, di chuyển đồ đạc ngay từ trước khi mưa lũ về. Với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ về kiến thức và tài chính của tổ chức Tầm nhìn thế giới (World Vision), các đội xung kích ở xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam đã góp phần làm giảm nhẹ rủi ro trong mỗi mùa mưa bão.
Tiên Cảnh là một trong những xã miền núi thuộc huyện Tiên Phước với dân số hơn 10.000 người, có tới 41,25% hộ nghèo. Trước đây, mỗi khi nghe dự báo sắp có bão đổ về, người dân xã Tiên Cảnh lại như “ngồi trên đống lửa” bởi lẽ vùng trũng này thường xuyên gánh chịu hậu quả nặng nề do bão lũ gây ra. Gần đây nhất, trong những trận lũ lụt năm 2007 và 2009, nhiều gia đình ở Tiên Cảnh đã mất người thân, mất tài sản, mà một trong những nguyên nhân chính là do thiếu kiến thức trong phòng, chống thiên tai.
Trước những khó khăn mà người dân phải đối mặt, năm 2009, tổ chức Tầm nhìn thế giới đã triển khai một dự án phòng ngừa, giảm nhẹ thiên tai (PNGNTT) tại huyện Tiên Phước. Đúng như tên gọi của dự án “Nâng cao sự lồng ghép PNGNTT và thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng, vào chương trình phát triển vùng” (SICCA), dự án tập trung vào đối tượng là những hộ nghèo dễ bị tổn thương đối với những loại hình thiên tai. Một điểm quan trọng khác trong dự án là nâng cao năng lực cho đội xung kích cứu hộ, cứu nạn.
Các thành viên Đội xung kích thôn 7B, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam
Ông Hồ Minh Linh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Tiên Cảnh, kiêm Đội trưởng Đội xung kích xã Tiên Cảnh cho biết: Trước khi thành lập đội xung kích xã, thôn, công tác PNGNTT ở địa phương gặp rất nhiều khó khăn như việc di chuyển những hộ neo đơn, hộ ở vùng dễ bị tổn thương. “Đặc biệt, việc sơ tán người dân ra khỏi những vùng nguy cơ thiên tai, công tác tìm kiếm cứu nạn còn nhiều khó khăn do thiếu và yếu về lực lượng và các trang bị”, ông Linh cho hay. Tuy nhiên, từ ngày có SICCA, người dân đã tự giác rời khỏi khu vực nguy hiểm với sự hỗ trợ của các đội xung kích.
Hiện nay, ở mỗi thôn của xã Tiên Cảnh đều có các đội xung kích, mỗi đội có 10 thành viên được trang bị các kiến thức và kỹ năng cơ bản, tham gia các khóa tập huấn, các đợt đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương, được trang bị các trang thiết bị cần thiết như đèn pin, áo phao, máy phát điện… để thực hiện công tác PNGNTT tại địa phương. Khi bão lũ xảy ra, các đội xung kích sẽ hỗ trợ cho chính quyền địa phương trong công tác tổ chức sơ tán người, di chuyển hàng hóa, tài sản cho người dân tới nơi an toàn, tìm kiếm nạn nhân mất tích trong mưa lũ… Ngoài ra, đội còn tham gia xây dựng đường dân sinh thoát nạn, chủ động lập kế hoạch phòng ngừa thiên tai. Khi có lệnh điều động của chính quyền, các đội xung kích còn tham gia các công tác khác như dập dịch, hỗ trợ địa phương khác.
Tuy nhiên, khác với các đội xung kích mà chúng tôi có dịp gặp gỡ và trao đổi ở tỉnh Quảng Bình hay Quảng Trị, hầu hết đội viên đội xung kích ở xã Tiên Cảnh đều là những người lớn tuổi. Ông Đoàn Hiên, Đội trưởng Đội xung kích thôn 7B cho biết, phần lớn thanh niên trong thôn đều đi làm ăn xa, ở nhà chỉ có người già và trẻ con. “Thế nhưng, đó không phải là lý do chính để chúng tôi tham gia vào đội xung kích”, ông Hiên nói. Theo ông, người già có nhiều kinh nghiệm trong phòng, chống bão lũ hơn lớp trẻ. Hơn nữa, họ cũng được cán bộ dự án SICCA tập huấn cách sơ cứu nạn nhân, cách lập kế hoạch phòng ngừa thiên tai nên việc tham gia cứu hộ, cứu nạn trong mưa lũ không còn là thử thách với họ. Với bà Bùi Thị Lợi, y tá thôn, đồng thời là thành viên Ban chấp hành Chi hội phụ nữ thôn, thành viên Đội xung kích thôn 7B, lại còn có một lý do khác. Bà kể, “cơn đại hồng thủy” năm 1964 ở Tiên Cảnh đã cướp đi 5 người thân trong gia đình bà và đó là lý do để bà quyết định tham gia đội xung kích này.
Trong hai năm qua kể từ khi dự án SICCA được triển khai ở xã Tiên Cảnh năm 2009, các đội xung kích của xã đã đạt được nhiều thành tích nổi bật mà trước hết là nhận thức trong phòng ngừa, giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong từng đội viên đội xung kích cũng như của người dân đã được nâng cao rõ rệt. Người dân xã Tiên Cảnh giờ đây đã quen với việc lập kế hoạch PNGNTT, làm quen với những tình huống, kịch bản đối với từng loại thiên tai và cách ứng phó cần thiết. Vì thế, đợt mưa lũ ở miền Trung năm 2010 ở xã Tiên Cảnh không có thiệt hại về người. “Cơn lốc xung kích đã góp phần to lớn trong việc đẩy lùi hiểm họa bão lũ ở xã Tiên Cảnh và người dân trong xã rất vui nếu được tiếp tục đón nhận các dự án PNGNTT của các tổ chức quốc tế, trong đó có Tầm nhìn thế giới”, ông Linh chia sẻ.
Kim Oanh - Báo QĐND