www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Đám giỗ tháng tư ở làng Tài Đa, Tiên Phước

Độ tháng tư về, những gia đình ở Tiên Phước lại nghi ngút khói hương tưởng nhớ người thân trong các trận càn của giặc Mỹ…Làng Tài Đa (xã Tiên Phong) thanh bình đến lạ. Làng nép mình sau những lũy tre xanh, những mái nhà được bao quanh bởi vườn cây rợp bóng mát. Nhìn khung cảnh yên bình này, ít ai nghĩ rằng nơi đây xưa kia ruộng vườn, rừng núi trụi lá trơ cành vì đạn bom, chất độc hóa học do Mỹ rải xuống. Tìm đến những người cao tuổi trong làng, ký ức về một thời đạn bom dần tái hiện.

Ông Võ Phú Cường, nguyên Bí thư xã Tiên Phong từ tháng 8.1968 đến tháng 7.1969, năm nay đã 80 tuổi nhưng vẫn còn đủ minh mẫn để kể lại chuyện thời chiến. Từng trang sử đấu tranh oai hùng nhưng không tránh khỏi đau thương được lật giở lại, dẫn chúng tôi lần hồi tìm về với thời chiến tranh đã lùi xa…

                     

                                  Thanh bình làng Tài Đa hôm nay

Sau đợt tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 và các chiến dịch quân sự tiếp theo của quân giải phóng, chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ gần như bị phá sản. Mỹ chuyển hướng sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” với biện pháp chủ yếu là ráo riết bình định nông thôn, đánh vỡ cơ sở cách mạng, vô hiệu hóa lực lượng vũ trang giải phóng. Địch liên tục mở nhiều cuộc càn quét quy mô lớn vào vùng giải phóng. Xã Tiên Phong, nơi có một trong 2 chi bộ đầu tiên của huyện Tiên Phước - Chi bộ Tài Đa, phong trào cách mạng diễn ra rất sôi nổi nên luôn là điểm tấn công của địch. Đế quốc Mỹ thường xuyên bắn pháo vào xã từ các điểm quan sát cao như núi Vú, Dương Côn... Chúng dùng tàu rọ, HU1A truy lùng cán bộ du kích và quần chúng, hễ thấy bóng người và trâu bò là xả súng, gây thương vong cho nhiều người. Bộ binh, xe tăng thường xuyên càn quét, đốt nhà, cướp của, bắt dân vào vùng chúng tạm thời kiểm soát. Quyết không để mất đất, trắng dân, Huyện ủy Tiên Phước đã tăng cường công tác chính trị tư tưởng, động viên cán bộ đảng viên và nhân dân kiên quyết bám trụ. Đồng chí Lê Duy Đình là Bí thư Chi bộ xã trong thời gian này đã cải trang để hoạt động giữa các thôn, mặc cho máy bay địch suốt ngày lùng sục. Từ đó, người dân và du kích dần khắc phục tâm lý sợ tàu rọ, từng bước tạo thế hợp pháp để bám đồng sản xuất, du kích sẵn sàng đón đánh máy bay địch…

                       

                                                  Ông Võ Văn Hồng chỉ nơi ngày xưa mẹ ông bị tàu rọ bắn

“Vào thời điểm ác liệt nhất thì đồng chí Lê Duy Đình trong lúc đi kiểm tra công tác không may bị tàu rọ phát hiện liền nổ súng bắn trả. Bọn chúng gọi cả trực thăng chiến đấu đến chi viện, đồng chí trúng đạn và hy sinh. Tiếp tục có đồng chí Võ Tổng về thay làm Bí thư rồi cũng hy sinh. Tôi được Huyện ủy cử về làm Bí thư xã với nhiệm vụ quan trọng là không được để địch chiếm lại Tiên Phong”.(Ông Võ Phú Cường)

Sau một hồi im lặng, ông Cường kể tiếp, đầu năm 1969, địch càn quét ngày càng lớn hơn nhằm tạo thế mạnh tại bàn đàm phán Paris. Mỹ - ngụy liên tục càn quét, đánh bom xuống Tiên Phong, tung bọn Mỹ lết, đưa tàu rọ lùng sục thôn xóm, đốt nhà, bắn giết khắp nơi, ném lựu đạn đánh sập các hầm hào trú ẩn. Đế quốc Mỹ tung cả 4 lực lượng gồm quân chủ lực, địa phương quân, ngụy quân ngụy quyền, có xe tăng, máy bay và pháo binh chi viện mở những đợt càn quét lớn, đẩy chiến tranh lên mức ác liệt nhất. Mỹ luôn sử dụng máy bay B-52, B-57, cối pháo bắn cấp tập vào xã, rải chất độc hóa học, chất độc khai quang làm cho ruộng vườn, rừng núi trụi trơ lá cành. “Vào thời điểm ác liệt nhất thì đồng chí Lê Duy Đình trong lúc đi kiểm tra công tác không may bị tàu rọ phát hiện liền nổ súng bắn trả. Bọn chúng gọi cả trực thăng chiến đấu đến chi viện, đồng chí trúng đạn và hy sinh. Tiếp tục có đồng chí Võ Tổng về thay làm Bí thư rồi cũng hy sinh. Tôi được Huyện ủy cử về làm Bí thư xã với nhiệm vụ quan trọng là không được để địch chiếm lại Tiên Phong” – ông Cường nhớ lại.

Theo thống kê, xã Tiên Phong có 147 gia đình lần lượt làm giỗ cho người thân trong tháng tư và là một trong những nơi có đám giỗ tập thể lớn nhất của tỉnh. Họ đã nằm xuống vì trận càn đẫm máu từ ngày 19 đến ngày 21.4.1969 của Mỹ ngụy.

Tháng 3.1969, máy bay B-52 của Mỹ ném bom rải thảm xuống thôn 2 giết chết 57 người, tàu rọ sát hại 45 người dân ở thôn 4 và thôn 5. Tháng 4.1969, lính Mỹ càn vào xã tàn sát cùng lúc 45 người trong trận càn quy mô lớn diễn ra trong 3 ngày 19, 20, 21. Ông Nguyễn Nhâm ở thôn Tài Đa bị chúng chặt đầu bêu trên cọc tre vót nhọn hòng uy hiếp tinh thần người dân. Ông Võ Văn Hồng, du kích trong Đội du kích xã thời kháng chiến chống Mỹ, nhớ lại: “Sáng ngày 19, mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường, người đi chợ, người ra đồng. Chợt mọi người nghe có tiếng máy bay gầm rú trên bầu trời. Mẹ tôi đang ở trong nhà nghe tiếng máy bay liền chạy ra xem máy bay Mỹ lên tới đâu để cảnh giới cho cán bộ. Bà vừa chạy ra đến đám ruộng trước nhà thì bị lính Mỹ từ trên tàu rọ phát hiện và bắn chết. Vì vậy từ ngày 19 đến ngày 21.4 hằng năm, trong xã có rất nhiều đám giỗ”. Địch tấn công quá ác liệt, có lúc Tiên Phong trắng dân. Nhưng biến đau thương thành hành động, người thân của những gia đình bị bắn giết đã cùng với cán bộ cách mạng, bộ đội, du kích chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ từng tấc đất, góp phần giải phóng quê hương, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975.

Theo Báo Quảng Nam