Giới thiệu Tiên Phước
Tiên Phước là một huyện trung du phía tây nam của tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Tam Kỳ 25km. Về hành chính, huyện gồm 14 xã và 1 thị trấn. Phía tây giáp huyện Hiệp Đức, phía đông giáp huyện Phú Ninh, phía nam giáp huyện Bắc Trà My, phía bắc giáp huyện Thăng Bình. Diện tích tự nhiên của Tiên Phước là 45.440,64 ha (2019). Thị trấn Tiên Kỳ nằm ở vị trí trung tâm của huyện nằm trên quốc lộ 40B nối trung tâm tỉnh lị Quảng Nam (thành phố Tam Kỳ) với huyện Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My và tỉnh Kon Tum. Đây là tuyến đường kết nối Tiên Phước với vùng kinh tế Tây Nguyên.
Toạ độ địa lý được giới hạn bởi vĩ tuyến 15020’ đến 150 36’ vĩ độ Bắc và kinh tuyến từ 1080 4’ 46” đến 1080 27’ 56” kinh đông.
Cầu sông Tiên
Dân số Tiên Phước 75.001 người (16.258 hộ), phân bố trên địa bàn 14 xã và 1 thị trấn, trong đó có 124 khẩu đồng bào dân tộc thiểu số (KOR) sống ở 02 xã Tiên An , Tiên Lập. Mật độ dân số bình quân trên 153 người/km2, phân bố không đồng đều. Tốc độ tăng dân số 1,5%, thấp hơn mức bình quân của tỉnh. Tổng số lao động toàn huyện 34.030 người, chiếm 45% dân số, cơ cấu lao động tập trung chủ yếu vào sản xuất Nông nghiệp, chiếm 85% số hộ, Tiểu thủ công nghiệp 8,5%, Dịch vụ 4,7% và các ngành quản lý 1,8%.
Sông Tranh ngày xưa
Tiên Phước có 03 con sông chính là sông Tranh, sông Tiên và sông Khan. Ngoài ra còn có một số sông, suối nhỏ như: sông Yên, sông Tam, sông Ta Nao, sông Ta Cao, sông Hương Quế... Sông Tranh dài 23 km chảy qua xã Tiên Lãnh, nguồn nước của sông này được sử dụng xây dựng các công trình thuỷ điện quy mô lớn. Sông Tiên là sông chảy từ vùng núi Tiên Lập đến Tiên Lộc theo hướng Tây và đổ vào sông Khan tại Tiên Hà, sông dài 15km, rộng trung bình 20-25m, lưu lượng nước nhỏ. Sông Khan dài 25km, hợp thủy của sông Trạm và sông Tiên và một số sông suối khác, đoạn sông chính qua các xã Tiên Kỳ, Tiên Châu, Tiên Hà, sông quanh co theo địa hình núi đồi núi có độ dốc lớn, bề rộng lòng sông thay đổi trung bình từ 25-30m, có đoạn rộng 100m.
Sông Tiên có nhiều tên gọi: từ địa phận Tam Kỳ chạy vào đầu Tiên Lộc gọi là sông Bông Miêu. Từ đầu Tiên Lộc đến đầu Tiên Kỳ gọi là sông Tiên. Từ đầu Tiên Kỳ đến cuối Tiên Hà gọi là sông Khan. Từ cuối Tiên Hà chạy qua địa phận Hiệp Đức gọi là sông Chang.
Một góc Tiên Phước bên bờ sông Tiên
Tiên Phước là một huyện trung du nên khí hậu trong vùng tương đối khắc nghiệt, nhiều hạn hán, thiên tai. Phần lớn diện tích trong vùng là đất nông nghiệp nhưng kém màu mỡ và tỷ lệ đất thịt rất thấp. Đây là một vùng kinh tế nghèo của tỉnh Quảng Nam. Do đặc điểm cấu tạo địa hình nên sông Tiên – con sông chảy quanh địa bàn huyện được mệnh danh là “con sông chảy ngược”, không xuôi về biển Đông mà ngược về hướng tây-nam, đổ ra sông Thu Bồn. Khí hậu của Tiên Phước mang đặc trưng của vùng khí hậu nhiệt đới - gió mùa, lại có đặc điểm chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng nên mùa mưa thường đến sớm hơn vùng đồng bằng, các tháng 7, 8, 9 thường có những trận mưa giông, mưa núi. Ngược lại, kết thúc khí hậu ẩm lạnh chậm hơn so với vùng đồng bằng, vào tháng Giêng, tháng 2 năm sau. Nhiệt độ bình quân năm 250c, cao nhất 400c, thấp nhất 180c. Tháng có nhiệt độ cao nhất vào tháng 5, tháng 6. Lượng mưa trung bình năm 2.200 - 2.600 mm, số ngày mưa trong năm 120-140 ngày. Lượng bốc hơi trung bình năm 800-1.000 mm, tháng bốc hơi cao nhất tháng 6 đến tháng 8, tháng bốc hơi ít nhất tháng 12. Độ ẩm bình quân năm 84,4%, độ ẩm thấp nhất 61,6%. Gió mùa thịnh hành về mùa Đông theo hướng Tây Bắc - Bắc. Gió thịnh hành về mùa Hạ theo hướng Tây Nam - Nam. Sương mù thường xuất hiện từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm.
Sáng sớm ở làng quê Tiên Phước
Địa hình huyện Tiên Phước có đặc trưng phức tạp, đa dạng, ruộng đồng phân tán, nhỏ hẹp, có thể chia thành 03 vùng. Vùng núi cao nằm chủ yếu về phía Tây và Tây Nam của huyện thuộc lãnh thổ các xã Tiên Hiệp, Tiên Ngọc, Tiên Lãnh. Độ cao đổ từ Tây Nam sang Đông Bắc thấp dần, độ cao trung bình từ + 200 m đến + 500 m với các đỉnh cao như: Hòn Che (+ 1.000 m), núi Hà Nội (+1.003 m), Da Cao (+ 670 m) thuộc xã Tiên Lãnh, núi Bằng Lim (+ 683 m) thuộc xã Tiên Ngọc. Vùng đồi gò chuyển tiếp giữa địa hình núi cao với địa hình bậc thang, có độ cao trung bình từ + 100 m đến + 180 m, phần lớn là đồi hình bát úp, đỉnh nhọn nhấp nhô lượn sóng. Vùng bậc thang, do cấu tạo phức tạp của địa hình núi cao và đồi gò nên hình thành những vùng đất bậc thang nối tiếp phân tán nhỏ hẹp từ Tây sang Đông Bắc.
Tiên Phước hôm nay
Tổng diện tích tự nhiên của huyện là 45.440,64 ha. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp là 37.548,24 ha, chiếm 82,69%. Còn lại là đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng. Trong đó đất sản xuất nông nghiệp: 7.415,11 ha chiếm 16,31% diện tích tự nhiên. Đất chuyên dùng: 1.386,71 ha chiếm 3,05% tổng diện tích đất tự nhiên. Đất ở: 2.347,53 ha, chiếm 5,16% tổng diện tích đất tự nhiên. Đất chưa sử dụng: 8.317,05 ha, chiếm 18,30% tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó đất bằng chưa sử dụng:1.411,26ha
Đất Tiên Phước có 9 loại, chủ yếu là đất đỏ vàng trên đá sét và biến chất (chiếm 46,25%), đất vàng đỏ trên đá Macma axit (chiếm 28,3%), đất vàng nhạt trên đá cát (11,61%).
Do những đặc thù riêng về địa hình và tính chất đất đai mà vùng Tiên Phước có tỷ lệ đất lâm nghiệp rất lớn, khoảng 29.538 ha chiếm hơn 50% đất tự nhiên, tập trung ở các xã Tiên Lãnh, Tiên Châu, Tiên Ngọc. Diện tích rừng sản xuất là 21.334 ha, rừng phòng hộ là 8.214 ha. Trong những năm gần đây, công tác quản lý và bảo quản rừng khá tốt, nên diện tích rừng của huyện đang từng bước được phục hồi. Độ che phủ được nâng cao đáng kể (năm 2014: 52%).
Những năm gần đây, Tiên Phước đã tìm được cho một hướng phát triển kinh tế mới từ cây keo. Keo được trồng hầu hết trên địa bàn huyện, mỗi năm cho giá trị sản lượng đạt hằng trăm tỷ đồng. Từ năm 2000 đến nay, đã có hàng ngàn hecta đất đồi núi hoang vu được đưa vào sử dụng, chủ yếu là trồng keo. Keo cùng với các loại cây rừng trồng khác không những phủ xanh trên hơn 16.000 ha đất trên địa bàn huyện mà còn đem đến lợi ích kinh tế hiệu quả. Bộ mặt đời sống nhân dân Tiên Phước đang dần được cải thiện và nâng cao.
Những rừng keo đem lại hiệu quả kinh tế ở Tiên Phước
Về nước, toàn huyện có gần 100 sông suối, khe lớn nhỏ. Lưu lượng nước thay đổi theo mùa. Nước mưa vẫn là nguồn cung cấp chủ yếu cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, đặc biệt là đối với các cây trồng lâu năm, rừng có diện tích lớn, địa hình phức tạp. Nguồn nước ngầm cũng thay đổi theo mùa, khá sạch, dễ khai thác và được sử dụng khá nhiều trong sinh hoạt đời thường của người dân. Do địa hình khá dốc nên hệ thống hồ đập được xây dựng khá nhiều. Huyện hiện có 03 kênh mương dẫn nước, 04 trạm bơm điện, 08 hồ chứa nước và 152 công trình đập ngăn đảm bảo tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt dân cư. Toàn huyện có 427 công trình thuỷ lợi các loại với khoảng 35km kênh mương cấp II, III , trong đó mới kiên cố hoá được 20%, còn lại là kênh đất.
Tiên Phước có nguồn khoáng sản tiềm năng khá đa dạng, hơn 500 loại dược liệu thuộc 135 loài thực vật, có nhiều loại cây trồng đặc sản, cây nguyên liệu thích hợp cấu tạo đất miền trung du với giá trị kinh tế cao; tài nguyên nước khá ổn định. Tài nguyên thiên nhiên nơi đây đã tạo nên những cảnh quan như Lò Thung, thác Ồ Ồ, hang Dơi…có giá trị trong khai thác du lịch. Đặc biệt, kết quả khảo sát cũng đã cho thấy Tiên Phước là một vùng được đánh giá là có trữ lượng vàng gốc. Các nhà nghiên cứu đã xác định được 4 điểm quặng vàng gốc tại Tiên Lập và Tiên Lãnh, Tiên An.
Tiên Phước có 3 Cụm công nghiệp là Cụm công nghiệp số 1 Tiên Cảnh, Cụm công nghiệp Tài Đa và Cụm công nghiệp Rừng Cấm. Huyện đang nỗ lực kêu gọi thu hút đầu tư và tạo ưu đãi đầu tư cho các ngành nghề về: công nghiệp nhẹ, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, vật liệu không nung, công nghiệp chế biến các sản phẩm phục vụ cho nông nghiệp. Công nghiệp chế biên nông lâm sản; công nghiệp sản xuất cơ khí và dịch vụ cơ khí; các ngành công nghiệp khác...
Mạng lưới giao thông đường bộ của huyện Tiên Phước có tổng chiều dài gần 350km, bao gồm: 01 tuyến Quốc lộ (QL40B) và 02 tuyến đường tỉnh (ĐT), 15 tuyến đường huyện (ĐH) dài 96,9km, 96 tuyến đường xã (ĐX) dài 184,65km và 13 tuyến đường đô thị trung tâm huyện, dài 9,61km.
Nguồn điện của huyện Tiên Phước hiện này được cung cấp từ một trạm biến áp cao thế 110KV ở Tam Kỳ. Số lượng trạm biến áp 22/04KV do chi nhánh điện Tiên Phước quản lý là 28 trạm, với tổng dung lượng là 4.267 KVA. Tổng chiều dài đường dây trung thế và đường dây hạ 0,4KV là khoảng 290km. Đến nay 100% số xã đã có điện lưới Quốc gia.
Về thông tin liên lạc, các nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone cung cấp đầy đủ và đa dạng các dịch vụ viễn thông, hệ thống thông tin liên lạc tương đối hiện đại. Internet, Wifi, 3G phủ sóng toàn huyện, các khu vực trên địa bàn đều có khả năng tiếp cận với các đơn vị cung cấp dịch vụ.
Tiên Phước nổi tiếng về truyền thống hiếu học, toàn huyện có 48 trường, 486 phòng học bao gồm: 16 trường Mầm non, 106 lớp mẫu giáo với 3.070 trẻ, 15 trường Tiểu học với 228 lớp, 5.261 học sinh, 15 trường THCS với 140 lớp, 4.141 học sinh, 02 trường THPT và 14 trung tâm học tập cộng đồng. Hơn 1.000 cán bộ, giáo viên, 25.000 học sinh, bình quân 03 người dân có 01 người đi học.
Các gia đình tập trung vào đầu tư giáo dục cho con cái, toàn huyện hoàn thành phổ cập Tiểu học, THCS, có 34/48 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Hàng ngàn học sinh Tiên Phước theo học các trường Đại học, cao đẳng và hàng chục người đã đạt các học vị cao: Tiến sĩ, Thạc sĩ. Huyện tổ chức trao giải thưởng khuyến học Huỳnh Thúc Kháng hàng năm vào mùng 6 Tết nguyên đán.
Có 16 cơ sở y tế công lập gồm một bệnh viện huyện và 15 trạm y tế các xã đã được xây dựng với khoảng 170 y, bác sỹ. Có một bệnh viện đa khoa tư nhân với quy mô 100 giường bệnh. Hệ thống y tế đã được phủ kín các xã, thị trấn và các thôn, bản trên toàn địa bàn huyện Tiên Phước.
Tiêu là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao của Tiên Phước, rất phù hợp với loại đất có tỷ lệ màu mỡ thấp. Đặc điểm của cây tiêu: thân dây, được trồng quanh hồ (tự tạo) hoặc cọc (chói) bám vào cây tự nhiên, độ cao từ 3-10 m là có thể cho hạt. Hạt tiêu Tiên Phước có vị cay, nồng nhưng rất thơm và là một loại nông sản được xuất khẩu sang các nước châu Á và châu Âu. Cùng với cây tiêu, Tiên Phước còn có quế, lòn bon, thanh trà, sầu riêng, măng cụt cũng là các loại cây nông sản đặc trưng của vùng.
Đến nay, toàn huyện không còn hộ đói, tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7,0%. Về kinh tế nông nghiệp, vụ Đông Xuân 2018-2019, diện tích gieo sạ trên toàn huyện là 2.390 ha. Hiện Tiên Phước có 41 Hợp tác xã, 140 mô hình gia trại nông nghiệp và hàng trăm mô hình vườn đạt tiêu chí xanh, sạch, đẹp, hiệu quả.
Năm 2020, huyện đã có 05 sản phẩm (Tiêu Tiên Phước, Rượu lòn bon Tiên Phước, Tinh dầu quế Tiên Phước, Tinh dầu sả Tiên Phước, Viên tinh nghệ mật ong FuKia) được công nhận hạng 4 sao thuộc Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Quảng Nam; 02 sản phẩm (tinh dầu quế, tinh dầu sả) được công nhận giải A và 01 sản phẩm (Sản phẩm vòng đeo tay trầm hương) công nhận giải B sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Nam năm 2018; đăng ký 17 sản phẩm thực hiện Chương trình OCOP tỉnh năm 2019.
Trên địa bàn huyện còn có 36 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, trong đó 4 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia (Nhà lưu niệm Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Khu căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam, Làng cổ Lộc Yên, Địa điểm diễn ra cuộc đấu tranh Cây Cốc năm 1954) và hơn 60 ngôi nhà cổ có niên đại hơn 100 năm. Tiên Phước còn có nhiều danh thắng như sông Tiên, bãi đá Lò Thung, thác Vũng Dội, thác Ồ Ồ, Hang Dơi, thác Vực Vin, thác Cẩm Lãnh…Người dân luôn chú trọng kết hợp phát triển đa dạng sản phẩm nông nghiệp; xây dựng các mô hình làng vườn văn hóa, tiêu biểu như làng Lộc Yên (xã Tiên Cảnh), làng Hội An, làng Thanh Bôi, làng Thanh Khê (xã Tiên Châu) có giá trị rất lớn về kinh tế và phát triển du lịch sinh thái.
Danh thắng Thác Ồ Ồ xã Tiên Châu
Đặc biệt đề án “Phát triển Kinh tế vườn - Kinh tế trang trại gắn với phát triển du lịch sinh thái làng quê, xây dựng huyện Tiên Phước mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2016 - 2025” (gọi tắt là Đề án 548) được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt tại Quyết định số 3150/QĐ-UBND vào tháng 8.2017 đã khơi dậy được nguồn nội lực trong dân, tạo cơ sở pháp lý, cơ chế hỗ trợ, huy động, lồng ghép các nguồn lực, phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của huyện, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, cải thiện đời sống nhân dân. Mục tiêu của đề án là bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống, tạo ra mô hình không gian văn hóa đặc trưng của vùng trung du Quảng Nam tại huyện Tiên Phước.
Huyện Tiên Phước đang đi theo xu hướng phát triển thành huyện du lịch sinh thái và mục tiêu trở thành huyện Nông thôn mới vào năm 2022 theo hướng bền vững và trở thành huyện Anh hùng trong thời kỳ đổi mới giai đoạn 2020 – 2025.
Một ngôi nhà cổ hơn 200 năm tuổi ở làng cổ Lộc Yên xã Tiên Cảnh
Với những gì đã đạt được, vào ngày 10 tháng 03 năm 2015, nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng huyện Tiên Phước (10/3/1975 -10/03/2015). Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang đã ký và trao tặng huân chương Lao động hạng nhất cho nhân dân Tiên Phước. Đây là một phần thưởng xứng đáng của nhà nước cho những nỗ lực không ngừng nghĩ của quân và dân Tiên Phước trong sự nghiệp đổi mới quê hương.
Vào tối 15.06.2016, huyện Tiên Phước đã long trọng kỷ niệm 100 năm ngày thành lập huyện Tiên Phước (1916 -2016), đây là cột mốc quan trọng trong sự hình thành và phát triển Tiên Phước. Tại lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang đã tặng cho cán bộ và nhân dân Tiên Phước bức trướng mang dòng chữ “Phát huy truyền thống anh hùng, quyết tâm xây dựng Tiên Phước giàu đẹp, văn minh”. Thừa ủy nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đã trao tặng Cờ thi đua xuất sắc năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho nhân dân huyện Tiên Phước.
Trao tặng Cờ thi đua xuất sắc năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho nhân dân huyện Tiên Phước
Video Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập huyện Tiên Phước (1916 -2016)
Bản đồ Tiên Phước
Tính cách con người Tiên Phước