Xây dựng nông thôn mới ở Tiên Phước: Thách thức không nhỏ
Huyện Tiên Phước đặt mục tiêu đến năm 2022 sẽ về đích huyện nông thôn mới (NTM). Để đạt được mục tiêu đó, huyện cần phải vượt qua những thách thức không nhỏ ở chặng đường phía trước...
Đạt chuẩn và giữ chuẩn
Giai đoạn 2011 - 2015, Tiên Phước có 3 xã được công nhận là xã đạt chuẩn NTM, đó là Tiên Phong, Tiên Cảnh và Tiên Sơn. Đánh giá các tiêu chí đạt chuẩn NTM vào thời điểm đó, so với bây giờ, nhiều chuẩn đang có xu hướng bị tụt giảm. Điều cốt yếu trong xây dựng NTM là đem lại cuộc sống mới cho người dân vùng nông thôn và nó phụ thuộc khá lớn vào việc phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Theo xác định của huyện là làm kinh tế vườn rừng, trang trại. Người dân phát triển theo kiểu gia trại, đã có nhiều mô hình ra đời, nhưng chưa thể kết nối được với thị trường, nên thường xuyên gặp cảnh bấp bênh “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”, không có đầu ra, phụ thuộc hoàn toàn vào sự lên - xuống của giá cả của thị trường. Vì vậy, xây dựng và phát triển mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới là hướng đi đúng đắn. Trong giai đoạn bắt đầu xây dựng NTM, huyện đã xây dựng được 14 HTX và 15 tổ hợp tác, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp như chăn nuôi, dịch vụ thú y trọn gói... Tuy nhiên, các HTX, tổ hợp tác còn gặp nhiều khó khăn, phát sinh nhiều tồn tại, yếu kém.
Xây dựng nông thôn mới ở Tiên Phước trong giai đoạn mới sẽ gắn với kinh tế vườn rừng, trang trại và du lịch sinh thái. Ảnh: L.D |
Thời gian qua, một số HTX đã chuyển đổi hoạt động nhưng chỉ là trên hình thức, không có sự chuyển biến rõ nét, phương án sản xuất kinh doanh sau chuyển đổi không khả thi. HTX nông nghiệp ít gắn kết với thị trường, khó khăn về đầu ra. Theo ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, các HTX, tổ hợp tác trong giai đoạn mới cần đi vào hoạt động thực chất, chuyển đổi mô hình sản xuất hiệu quả, kết nối được giữa xã viên với thị trường. Huyện đã xác định đối với xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM cần phải tiếp tục xây dựng như khi mới phát động phong trào để vươn lên.
Ông Minh cũng cho rằng, các xã cần rà soát các tiêu chí, xem lại quy hoạch, các tiêu chí cứng để tiếp tục đề nghị cấp trên đầu tư. Các thiết chế văn hóa đã được đầu tư, cần phải đi vào hoạt động cụ thể như thế nào để nâng cao đời sống văn hóa cho người dân. Huyện sẽ xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu ở từng xã, từ đó nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn huyện. Đặc biệt là người dân cũng cần xác định vai trò của mình, góp sức cùng địa phương thì mới giữ được chuẩn và nâng chuẩn NTM ở những xã đã được công nhận.
Thời cơ và thuận lợi
Theo lộ trình, đến năm 2022, Tiên Phước về đích NTM. UBND tỉnh đã thống nhất đến năm 2020, Tiên Phước có thêm 7 xã xây dựng và đạt chuẩn NTM, trong đó 2 xã Tiên Thọ và Tiên Châu về đích vào năm 2019. Đây được xem là cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với huyện. Một cơ hội tốt mở ra cho Tiên Phước đó chính là đề án kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng đã được UBND tỉnh phê duyệt, với nguồn vốn đầu tư thêm hằng năm là 10 tỷ đồng.
Lồng ghép với nguồn vốn xây dựng NTM cả giai đoạn hơn 1 nghìn tỷ đồng, Tiên Phước có thể kích thích được sự phát triển của nền kinh tế vườn, rừng, trang trại. Để thực hiện việc xây dựng NTM, huyện bắt đầu “làm lại” quy trình xây dựng NTM từ đầu. Đó là mở hội nghị quán triệt về xây dựng NTM gắn với tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đề án kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng đến từng bí thư chi bộ, trưởng thôn, khối phố. Huyện hy vọng với hệ thống chính trị ở thôn, khối phố sẽ là cánh tay nối dài hữu hiệu nhất để tuyên truyền chính sách đến nhân dân. Dân biết và hiểu thì sẽ hưởng ứng, thực hiện tốt hơn. Bởi đó là nội lực mạnh mẽ để xây dựng NTM ở các địa phương.
Để thực hiện đề án kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng gắn với xây dựng NTM, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện chuyển đổi 300ha ruộng cạn cho năng suất thấp sang trồng những loại rau quả có hiệu quả kinh tế hơn. Đây là bước đi đầu tiên giúp người dân mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất, mang lại thu nhập cao trên mảnh ruộng của họ. Tiếp theo, những mô hình dân cư kiểu mẫu dựa trên nền tảng đã có trong dân như nhà cổ, ngõ đá, hàng rào chè tàu, sân vườn xanh - sạch - đẹp... sẽ được xây dựng. Và chính người dân là chủ thể trong công cuộc xây dựng khu dân cư kiểu mẫu ở mỗi địa phương.
Ông Minh cho biết: “Muốn lòng dân đồng thuận, nội bộ hệ thống chính trị phải đoàn kết, nhiệt tình công tác. Chúng tôi sẽ tiến hành cải tổ bộ máy ở địa phương để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Bởi hiện nay đội ngũ cán bộ xã còn yếu, làm việc gì chưa có tính quyết liệt trong suy nghĩ và hành động, nên đó là cản trở lớn. Đồng thời đối với ban chỉ đạo xây dựng NTM ở mỗi xã cũng sẽ được thay đổi về cả chức trách, nhiệm vụ. Chỉ khi hệ thống chính trị vững mạnh, lòng dân đồng thuận thì mới thực hiện thành công con đường xây dựng NTM trên địa bàn huyện Tiên Phước”.
Lê Diễm - Báo Quảng Nam