Xanh lại những vườn tiêu
Năm 2014, dự án “Đầu tư, hỗ trợ phát triển cây tiêu Tiên Phước giai đoạn 2014 - 2018” của huyện Tiên Phước được UBND tỉnh phê duyệt và đồng ý hỗ trợ mỗi năm 1 tỷ đồng để thực hiện. Qua hơn 2 năm triển khai, dự án đã đem lại kết quả khả quan, góp phần làm xanh lại những vườn tiêu Tiên Phước.
Dự án thiết thực
Tiêu là loại cây trồng truyền thống gắn bó với người nông dân Tiên Phước từ bao đời nay. Tuy nhiên, do tác động của giá cả thị trường, có thời điểm diện tích cây tiêu bị thu hẹp đến mức báo động, từ 400ha (năm 1980) giảm xuống còn 10ha (năm 2010). Vì thế, huyện Tiên Phước xác định phục hồi cây tiêu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế và đề ra nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phục hồi, phát triển cây tiêu.
Ông Lê Trí Hiệu - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Dự án “Đầu tư, hỗ trợ phát triển cây tiêu Tiên Phước giai đoạn 2014 - 2018” nhằm tạo bước đột phá vừa cụ thể hóa chủ trương của tỉnh về xây dựng Tiên Phước thành huyện điểm về kinh tế vườn, kinh tế trang trại, vừa phát huy thế mạnh về tiềm năng đất đai, kinh nghiệm làm vườn của người dân. Bởi tiêu Tiên Phước có chất lượng cay thơm, có thể phát triển cây tiêu thành ngành sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân”.
Vườn tiêu của anh Nguyễn Phú Vinh – Một trong những mô hình trên 100 choái của xã Tiên Hà đã được nghiệm thu hổ trợ. |
Theo đó, huyện đề ra 5 nhóm giải pháp về định hướng, phân vùng sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống dịch vụ đầu vào, đẩy mạnh quảng bá, kết nối tạo đầu ra ổn định và liên kết thu hút đầu tư để nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm tiêu Tiên Phước. Huyện phấn đấu đến năm 2018, trồng mới 35.000 choái tiêu tương ứng diện tích khoảng 30ha. Trong đó, hỗ trợ trồng mới 150 mô hình trên 100 choái, 100 mô hình trồng tiêu kết hợp chỉnh trang vườn nhà xanh - sạch - đẹp, mức hỗ trợ tối đa cho mỗi mô hình không quá 10 triệu đồng; xây dựng 10 - 15 mô hình vườn điểm trồng tiêu, quy mô mỗi mô hình 500 - 1000 choái, mức hỗ trợ tối đa không quá 48 triệu đồng. Đối với những vườn tiêu trồng hơn 1.000 choái sẽ được hỗ trợ tối đa là 96 triệu đồng. Huyện cũng đầu tư xây dựng một vườn ươm đạt chuẩn và hỗ trợ 5 điểm nhân giống tạm thời, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây tiêu cho 350 lượt người, hỗ trợ thiết lập 15 bản tin/15 xã, thị trấn để cảnh báo tình hình sâu bệnh, thông báo lịch thời vụ cho nông dân, hỗ trợ cho doanh nghiệp hoặc HTX thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Ông Lê Văn Phụng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Để đạt được mục tiêu của dự án, chúng tôi tham mưu UBND huyện giao nhiệm vụ cho các ngành liên quan phối hợp với các địa phương vận động, hướng dẫn nhân dân xây dựng phương án cụ thể, chi tiết để triển khai thực hiện. Hằng năm, kiểm tra, phúc tra kết quả, giải ngân hỗ trợ kịp thời cho nhân dân”.
Kết quả khả quan
Ông Nguyễn Quốc Trinh ở thôn 5 xã Tiên Mỹ là một trong 36 hộ xây dựng mô hình trồng tiêu trên 100 choái ngay trong năm đầu tiên triển khai thực hiện dự án và đã được huyện nghiệm thu hỗ trợ 10 triệu đồng. Là người có thâm niên với nghề làm vườn, được sự khuyến khích của Nhà nước, ông Trinh đã tận dụng ngay lợi thế có nguồn nước tự chảy đầu tư xây dựng hệ thống tưới nước tiết kiệm, cải tạo khu vườn nhà trồng mới hơn 200 choái tiêu. Cùng với sự hỗ trợ về kinh phí, ông Trinh còn được tham gia tập huấn kỹ thuật trồng tiêu, được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với nhiều hộ trồng tiêu khác để có thêm điều kiện xây dựng thành công mô hình.
Ông Trinh phấn khởi nói: “Mình làm mình hưởng mà còn được Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ thì còn gì bằng. Hơn nữa, những năm gần đây tiêu luôn được giá nên gia đình tôi rất biết ơn và ủng hộ chủ trương này của huyện”. Anh Vũ Chí Công ở thôn 3 xã Tiên Ngọc, sau nhiều năm đi làm ăn xa tại các tỉnh Tây Nguyên, anh quyết định về lại địa phương lập vườn trồng tiêu. Anh đầu tư hơn 200 triệu đồng đúc trụ xi măng trồng xen lẫn với choái tươi để trồng 500 choái tiêu. Được huyện hỗ trợ gần 50 triệu đồng, anh xây dựng hệ thống tưới tiêu hoàn chỉnh phục vụ mô hình. Anh Công chia sẻ: “Được huyện hỗ trợ tiền và khuyến khích trồng tiêu, tôi mạnh dạn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm để trồng tiêu, làm giàu từ mảnh đất quê”.
Đó là hai trong số gần 120 mô hình mới được xây dựng trong hai năm đầu thực hiện dự án (2014 - 2015) đã được huyện nghiệm thu hỗ trợ. Ông Tống Phước Thuần - chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Thuận lợi lớn nhất của dự án là được nhân dân đồng tình ủng hộ và đầu ra của sản phẩm tiêu Tiên Phước những năm gần đây khá ổn định với giá bán dao động 500 - 650 ngàn đồng/kg hạt tiêu khô. Nhờ vậy, việc thực hiện chỉ tiêu về diện tích trồng mới hoàn toàn khả thi. Hiện, huyện tiếp tục triển khai các hạng mục còn lại của dự án như xây dựng vườn ươm đạt chuẩn để cung ứng giống kịp thời cho nhân dân, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở, người làm dịch vụ kỹ thuật và nông dân, xây dựng đường bê tông kết nối giữa các đầu mối giao thông với các mô hình trồng tiêu tập trung quy mô lớn tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp - hiệu quả phục vụ du lịch, hỗ trợ xây dựng website Hồ tiêu Tiên Phước để quảng bá sản phẩm ra thị trường trong nước và quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp trang bị máy móc, thiết bị để thu mua, chế biến, đóng gói, tiêu thụ sản phẩm tiêu Tiên Phước”.
Phạm Hoàng - Báo Quảng Nam