Xóm nghèo mơ… ánh điện về
Nằm cách trung tâm huyện Tiên Phước hơn 10 km, nhưng từ bao đời nay, 39 hộ dân ở cụm Thanh Khê B, (thuộc thôn Thanh Khê), xã Tiên Châu vẫn sống trong cảnh không điện, đường sá đi lại còn gặp nhiều khó khăn, họ mong ước một ngày không xa sẽ có ánh điện để bà con nhân dân sinh hoạt được thuận lợi hơn.
Từ trung tâm xã Tiên Châu, chúng tôi vượt gần 6 km đường đồi núi mới đến được cụm (Thanh Khê B). Con đường độc đạo chạy bám theo sườn đồi như một con trăng khổng lồ chạy ngoằn ngoèo dài hun hút. Chiều rộng của tuyến đường chỉ đủ cho một chiếc xe máy đi lọt. Dẫn đường cho chúng tôi là anh Trần Thế Minh, trưởng thôn Thanh Khê. Anh cho biết: “Giờ có được con đường để chạy xe máy vào cụm (Thanh Khê B) như vậy là tốt lắm rồi. Trước đây, tuyến đường này chỉ là đường đất, nhưng cách đây hơn một năm bà con ở cụm (Thanh Khê B) cùng nhau góp tiền, chung công sức đổ bê tông ở lõm chính giữa của con đường để đi lại trong mùa mưa lũ.”
Người dân cụm (Thanh Khê B) sửa chữa lại máy phát điện
Do địa hình thôn Thanh Khê khá phức tạp và có diện tích tương đối rộng nên thôn Thanh Khê được chia ra làm hai cụm (Thanh Khê A và Thanh Khê B). Cụm (Thanh Khê B) có 39 hộ dân với 172 nhân khẩu, đời sống của bà con ở đây chủ yếu bằng nghề nông và làm nương rẫy. Trong đó, có đến 18 gia đình thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Hiện tại, cụm (Thanh Khê B) có gần 40 học sinh đang theo học tại các trường trên địa bàn huyện. Việc học tập của các em cũng tương đối vất vả. Cụm (Thanh Khê B) chỉ có một lớp học ghép dành cho học sinh lớp 1 và lớp 2 học chung, còn lại tất cả các bậc học phải ra trường chính của thôn và xã Tiên Châu. Theo anh Trần Thế Minh thì thôn Thanh Khê đã có nhà sinh hoạt cộng đồng, lớp học mẫu giáo, nhưng do đường sá đi lại khó khăn nên các em học sinh cũng như bà con nhân dân cụm (Thanh Khê B) sử dụng phòng học cũ kỹ nay đã bị xuống cấp ngay tại xóm mình để con em học tập và tham gia sinh hoạt, hội họp.
Mặc dù cách trung tâm xã khoảng 6 km nhưng do nằm tách biệt nên cụm (Thanh Khê B) đến nay vẫn chưa có điện. Bà Nguyễn Thị Sương, hơn 70 tuổi nói với giọng buồn rầu: “Tôi sống đến giờ đã hơn 70 mươi năm trời rồi, có điện hay không cũng không sao, sống lâu trong cảnh không điện quen rồi, nhưng chỉ thương con cháu vì không có điện nên sinh hoạt, lao động sản xuất vất vả.” Không chấp nhận cảnh “khát” điện, một vài hộ dân trong cụm (Thanh Khê B) đã rủ nhau làm thủy điện mini và mua máy phát điện về đặt theo những nguồn nước suối từ khe núi để phát điện, nhưng xem ra biện pháp này cũng không mang lại hiệu quả, bởi dòng nước suối từ khe núi vào mùa hạn rất ít nên máy không thể phát điện được, còn vào mùa mưa lũ nước rất lớn nên máy phát điện bị dòng nước cuốn trôi. Ông Hồ Quang Bửu- nguời dân (cụm Thanh Khê B) cho biết: “Thấy khắp nơi đều có điện chiếu sáng nên một vài hộ dân ở đây cũng mua máy về làm thủy điện mini để phát điện nhưng không sử dụng được do dòng nước suối ở các khe núi quá ít không đủ phát điện. Ngoài ra, do dòng nước bấp bênh, lượng điện phát ra không ổn điện lúc mạnh, lúc yếu nên dẫn đến máy phát điện và các thiết bị sử dụng điện rất nhanh bị hư hại”.
Hằng đêm những đứa trẻ cụm (Thanh Khê B) vẫn miệt mài học tập dưới ánh đèn
Để tìm hiểu nỗi vất vả của bà con khi không có điện, chúng tôi tìm đến gia đình chị Hồ Thị Xuân. Gia đình chị có 5 người con, trong đó 2 đứa con nhỏ đang theo học tại trường tiểu học và THCS trên địa bàn xã Tiên Châu. Chồng mất sớm, một mình chị tần tảo nuôi các con ăn học. Cứ mỗi ngày sau khi công việc đồng án xong, chị tranh thủ về sớm để nấu bữa cơm tối cho các con. Do không có điện nên việc nấu ăn, sinh hoạt cũng khá vất vả, chị phải gánh nước từ dưới giếng ở cuối con ngõ về để nấu ăn và sinh hoạt trong gia đình. Chiều về, những đứa con chị cùng với bọn trẻ gần nhà đến giếng nước lớn đầu xóm để tắm rửa và giặt giũ áo quần. Sau đó, bọn nhỏ về giúp chị dọn cơm nước cùng nhau ăn tối và học bài dưới ánh đèn dầu. Chị Hồ Thị Xuân- cụm (Thanh Khê B) tâm sự: “Mong ước thiết yếu của người dân chúng tôi là sớm có điện để sinh hoạt và tiếp cận được thông tin xã hội, tăng gia sản xuất. Vì không có điện nên không thể nghe đài, xem ti vi, không biết ở Trung ương và địa phương đang diễn ra những gì? Đặc biệt, những tháng mưa bão vì không có thông tin nên không biết tình hình thiệt hại do mưa bão diễn ra biến thế nào? Gia đình nào có con cái đi học cũng lo lắng mỗi khi trời tối, mưa gió mà chưa thấy con đi học về.”
Người dân sửa chữa lại bình ắc quy để có nguồn điện nghe đài phát thanh
Anh Trần Thế Minh, trưởng thôn Thanh Khê cho biết thêm: “Trước đây đời sống của bà con khá vất vả, trẻ em đang độ tuổi đến trường thường nghỉ học giữa chừng theo gia đình làm nương rẫy, nhưng gần đây nhờ những chính sách ưu đãi của nhà nước, sự quan tâm lãnh đạo địa phương nên đời sống bà con cũng khá lên, nhiều hộ đã xây được nhà, sắm được xe, song một điều đáng buồn là ánh điện chưa về đến với bà con nhân dân”.
Chia tay anh trưởng thôn Thanh Khê, chia tay bà con nhân dân cụm (Thanh Khê B) trong tiếng nô đùa hồn nhiên của lũ trẻ khi ánh hoàng hôn đã đổ dần về trên xóm nhỏ, chúng tôi thầm nghĩ sẽ hạnh phúc biết bao nếu dưới mỗi ngôi nhà nơi đây đều được thắp sáng lung linh ánh điện khi đêm về. Và có lẽ đó cũng chính là niềm mong ước của người dân nơi đây nhưng hơn mấy chục năm đã trôi qua vẫn chưa trở thành hiện thực…
Nguyễn Hưng