Nguyễn Ngọc Hùng cây vẫn nở hoa
Bỗng một ngày, mọi người ngỡ ngàng nhận ra anh Hùng khuyết tật ấy không những biết làm thơ mà còn làm thơ rất hay. Đã thế, tình yêu cuộc sống vẫn luôn cháy bỏng như chính đêm thơ mà nhóm bạn bè văn nghệ sĩ tổ chức dành tặng riêng cho anh ở Tiên Thọ, Tiên Phước...
Nguyễn Ngọc Hùng sinh năm 1971, bất hạnh đổ bóng lên số phận khi chiến tranh tàn phá đôi chân. Không đầu hàng số phận, quyết tâm và mơ ước được đến trường cứ cháy bỏng trong anh. “Năm lớp 10, mình vẫn còn đạp xe đến trường. Khi nào đạp không nổi thì một tay lái xe, một tay bấu vào vai bạn đang đạp xe bên cạnh để xe có lực chạy” - anh nhớ lại. Đến mùa mưa, Hùng ở trọ lại thị trấn để đi học. Lúc bấy giờ, chiếc cầu sông Tiên chưa xây, phải đi Cầu Chìm. “Người khỏe mạnh còn ớn cảm giác lội nước ở chiếc cầu chìm ấy huống gì đôi chân yếu ớt của mình. Thế là ba mẹ không cam lòng nhìn cảnh ấy, kiên quyết bắt nghỉ học cho bằng được. Lúc đó tôi luôn tự nhủ lòng: Ông trời cho mày học đến lớp 11 là may mắn rồi”. Hùng đành ngậm ngùi chia tay thời áo trắng với đầy tiếc nuối: “Mỗi buổi tan trường áo trắng bay/ Cho tôi ngắm mãi phút giây này/ Bao nhiêu ánh mắt nhìn trong trẻo/ Rung động lòng tôi nỗi đắm say”. “Phải chi em có chồng xa/Nhớ thương rồi cũng dần qua tháng ngày/Thênh thang trời rộng đất dài/Cớ sao cứ chọn xóm này làm dâu/Cũng đành xin mãi nguyện cầu/Gần nhau để được gọi nhau láng giềng”. Cứ ngỡ “Cô láng giềng” ấy là nỗi thầm thương trộm nhớ của những chàng trai mang trái tim tình si đối với người trong mộng. Đâu biết chăng đó cũng là nỗi lòng của anh chàng tật nguyền Nguyễn Ngọc Hùng. Và rồi, lửa “Tình yêu cuộc sống” bùng cháy qua những câu thơ của Nguyễn Ngọc Hùng đã được tổ chức trung tuần tháng 4 tại quê nhà.
Nguyễn Ngọc Hùng và các thi sĩ khuyết tật tại đêm thơ “Tình yêu cuộc sống” tại Tiên Thọ, Tiên Phước
Nhà nghèo, ba mẹ mất, trong nỗi đau tận cùng ấy những tưởng anh sẽ không thể trụ vững. Vậy mà Nguyễn Ngọc Hùng vẫn vượt qua bằng cách tìm vui bên môn cờ tướng, cờ vua và suối nguồn thơ ca. Quyết tâm ấy đã được đền đáp khi anh hai lần đoạt chức vô địch của tỉnh môn cờ tướng, hai lần đoạt huy chương bạc môn cờ vua, còn thơ thì anh… giấu nhẹm. Với anh, thơ ca là người bạn để sẻ chia, đồng cảm trong cuộc sống và chính người bạn ấy mới có thể đi đến cạn cùng những xúc cảm “chỉ mình mình hay”. Nguyễn Ngọc Hùng đã biết cách vượt lên chính mình, tếu táo với chính mình, chỉ để được tồn tại và đơn giản là được khám phá bản thân: “Khe khẽ em ơi! Nhè nhẹ lời/ Kẻo làm xao động ánh xuân tươi” hay “Anh cứ ngỡ tình thu từ dạo ấy/ Đã theo trăng lịm chết giữa mùa trăng/ Lời nguyệt bạch trên đầu như ngọn gió/ Ngắm vầng trăng anh thầm trách chị Hằng”...
Sẽ chẳng ai biết anh Hùng đánh cờ tướng, cờ vua giỏi lại “làm thơ hay” nếu một ngày vô tình những người bạn cờ bắt gặp trang thơ ăm ắp tình của anh. Cứ rỉ rả truyền tai nhau như thế cho đến khi nhóm văn nghệ sĩ khuyết tật biết được, kết nối lại và tổ chức cho Hùng đêm thơ “Tình yêu cuộc sống”. Ông Vũ Huyên (giáo viên đã nghỉ hưu ở Tiên Thọ, cũng là bạn đánh cờ với Hùng) nhận xét: “Không ngờ Hùng biết làm thơ và công nhận thơ Hùng có chiều sâu. Đêm thơ đáng ra phải được tổ chức rộng hơn để giới thiệu một khát vọng sống mãnh liệt, tàn nhưng không phế”. Mới đây, những bài thơ của Hùng thông qua sự giới thiệu của bạn bè cũng đã được lựa chọn và đưa vào in trong tập thơ “Cây vẫn nở hoa” (gồm 47 tác giả là người khuyết tật từ khắp mọi miền đất nước, trong số đó có người là nhà giáo, hội viên Hội nhà văn Việt Nam, hội viên Hội VHNT các tỉnh) do Diễn đàn Người khuyết tật Việt Nam tổ chức.
Chiêu Thục Anh - Báo Quảng Nam
KHÁT VỌNG VƯỢT QUA SỐ PHẬN CỦA ANH NGUYỄN NGỌC HÙNG