Vì sao sông Quế Phương ô nhiễm?
Mới đây, chúng tôi đã có mặt tại đoạn sông Quế Phương và đã đi bộ dọc hai bên bờ sông này chứng kiến nhiều bãi đống đất, xái quặng thải đổ tràn lan ra mặt đất. Có đống chất cao như gò đồi còn bốc mùi hóa chất. Còn dưới con sông Quế Phương thì đục ngầu, vàng chóe, chứng tỏ nguồn nước sông đang bị ô nhiễm nặng nề. Dòng sông như đang gồng mình kêu cứu trước sự “giãy chết” của mình.
Nhiều người dân thôn Trung Sơn, xã Tam Lãnh cho biết: Những đối tượng khai thác vàng ở mỏ vàng Bồng Miêu dùng xe máy chở đá quặng ra gần bờ sông Quế Phương đoạn giáp ranh giữa xã Tam Lãnh và xã Tiên Lập để lấy nước đãi vàng. Để đãi được vàng, các đối tượng sau khi làm hồ chứa quặng và dùng ống nhựa, máy nổ để hút nước từ dưới sông lên hồ chứa xái ngâm với cyanua để tách vàng và sau đó xả nước thải này xuống sông. Cùng với đó, khi trời mưa, nước từ các điểm khai thác vàng ở bãi Kẽm, Đồi Sim,… thuộc mỏ vàng Bồng Miêu cuốn trôi nhiều hóa chất độc hại chảy xuống làm đổi màu con sông Quế Phương.
Anh Nguyễn V.T. - người dân địa phương bức xúc: “Việc tuyển quặng vàng dọc sông Quế Phương, khiến dòng sông bị ô nhiễm nặng, gây ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của các hộ dân sinh sống ở đây. Bà con ở đây phải mua ống dây nước để bắt dẫn nước từ các khe suối trên núi cách xa nhà hàng trăm mét để dùng cho sinh hoạt gia đình mình. Tôi không biết có ai bảo kê hay không mà sự việc diễn ra rất lâu mà không trị nổi. Kiểm tra, đẩy, đuổi rồi đâu lại vào đấy”.
Hiện trường đãi quặng trái phép bên sông.
Vấn đề ô nhiễm sông Quế Phương, cử tri huyện Tiên Phước luôn bức xúc và nhiều lần kiến nghị, nhưng tình hình vẫn chưa được giải quyết triệt để. Mới đây, tại kỳ họp HĐND tỉnh, ông Lê Trí Hiệu - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết: Dòng sông Quế Phương đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nặng do các đối tượng vàng tặc dùng chất độc cyanua để tuyển vàng. Dòng sông này ngày càng bị ô nhiễm, khiến nhân dân địa phương lo lắng về chất lượng nguồn nước sinh hoạt.
Huyện Tiên Phước cũng đã nhiều lần tổ chức truy quét các đối tượng làm vàng trái phép tại xã Tiên Lập. Tuy nhiên, do chưa có sự phối hợp đồng bộ với huyện Phú Ninh nên việc đẩy đuổi các đối tượng làm vàng trái phép trong khu vực giáp ranh không hiệu quả.
Còn theo ông Phạm Văn Đốc - Bí thư Huyện ủy Tiên Phước, bên này Tiên Phước đẩy mạnh truy quét, đẩy đuổi thì nhìn qua phía khu vực Bồng Miêu (xã Tam Lãnh) hoạt động khai thác vàng trái phép lại diễn ra như một đại công trường. Theo ông Đốc, UBND tỉnh cần chủ trì cuộc họp để hai địa phương Tiên Phước và Phú Ninh cùng ngồi lại, có các giải pháp phối hợp hiệu quả trong việc chấn chỉnh tình trạng khai thác vàng trái phép tại vùng giáp ranh. “Chứ để như tình hình hiện nay thì việc sử dụng cyanua tuyển vàng không chỉ gây ô nhiễm môi trường cho riêng địa bàn Tiên Phước mà các địa phương khác cũng sẽ bị ảnh hưởng” - ông Đốc kiến nghị.
Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu UBND các huyện, công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo Công an huyện Phú Ninh, Tiên Phước tăng cường tuyên truyền và truy quét, kiểm tra xử lý số đối tượng khai thác khoáng sản trái phép khu vực Tam Lãnh, Tiên Lập. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Công an tỉnh tổ chức truy quét, đẩy đuổi các đối tượng khai thác vàng trái phép, nhằm ổn định tình hình an ninh, trật tự và bảo vệ tài nguyên khoáng sản, môi trường tại địa phương.
Rõ ràng tình trạng ô nhiễm sông Quế Phương đã đến mức báo động, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng. Chỉ dừng lại ở mức truy quét đẩy đuổi là khó xử lý dứt điểm vấn đề.
Thành Nhân - Đại Chí, Báo Đại Đoàn Kết