Vì sao có Lê Cơ ?
Trước hết, Trường tân học Phú Lâm, mà Lê Cơ là người sáng lập và tổ chức thực hiện, là trường kiểu mới chưa có tiền lệ. Trường lập ngày 30-4-1904, là trường tân học sớm nhất, các trường tân học khác ở Quảng Nam ra đời sau trường này khoảng 1 năm. Đông Kinh Nghĩa Thục, một trường kiểu mới quy mô nhất ở Hà Nội, ra đời sau Phú Lâm 3 năm.
Với tư tưởng duy tân, đặt lên hàng đầu nhiệm vụ khai dân trí, các nhà duy tân đã lên án, đoạn tuyệt với cái học cũ mà các ông cho là “đồ bỏ, làm hại nước nhà từ lâu”. Lê Cơ hẳn cũng dứt khoát quyết liệt như vậy và hơn nữa.
Nhưng phá cái cũ thì dễ, xây cái mới thì khó, rất khó. Lê Cơ hầu như phải làm tất cả từ A đến Z, định rõ tôn chỉ mục đích của trường, vạch ra chương trình, không biên tập thì cũng phải tìm kiếm, biên dịch sách giáo khoa và xác lập phương pháp giảng dạy.
Các công việc này theo quan niệm ngày nay, phải có một Bộ Giáo dục (hay Bộ học) chủ trì với các viện nghiên cứu, ban tu thư và nhiều nhà sư phạm tầm cỡ. Vậy mà ở Phú Lâm chỉ có Lê Cơ với một vài đồng chí, cũng có thể đôi lúc ông có sự trao đổi tư vấn của Phan Châu Trinh và các nhà duy tân.
Danh mục các sách dùng ở Trường Phú Lâm chỉ gồm toàn những sách tham khảo, không có một cuốn nào là sách giáo khoa của Trung Quốc, Nhật Bản bằng chữ Hán. Cái mới nhất với trường tân học là dạy chữ quốc ngữ, một thứ chữ lúc ấy chưa phổ biến và đang chịu nhiều sự kỳ thị.
Về mặt tổ chức, đây là trường dân lập không được ngân sách đài thọ. Lê Cơ phải lo cân đối mọi nguồn để trường có thể sống và hoạt động. Ông phải tìm mời các thầy, cô giáo, những người tình nguyện đến dạy không lương, trước hết là những người đồng tâm, đồng chí duy tân cứu nước. Dù vậy, tiền nuôi cơm và lộ phí cũng không phải nhỏ. Thêm nữa, trường hoàn toàn không thu học phí lại còn cấp giấy bút cho học sinh nghèo.
Lo cho có nhân sự, có kinh phí, hình thành đủ bộ máy vận hành suôn sẻ hẳn là nhiều chuyện đau đầu. Thế mà trong 4 năm, ngôi trường tân học này phát triển không ngừng, trở thành một điểm sáng của phong trào duy tân. Phú Lâm là một trong 3 trường tân học hàng đầu ở Quảng Nam được nhiều người đến tham quan, học hỏi, trong đó có đoàn của Đông Kinh Nghĩa Thục do Dương Bá Trạc dẫn đầu lặn lội đến vùng rừng sâu núi thẳm để trao đổi với ông Lý.
Ông còn có nhiều sáng kiến như mở trường dạy võ với các võ sư nổi tiếng trong vùng, mở các lớp bồi dưỡng kiến thức quân sự, hướng dẫn bởi những người lính đã giải ngũ, rồi còn dạy ngoại ngữ (tiếng Nhật). Ông còn chỉ đạo Trường Phú Lâm tham gia những cuộc khảo hạch (thi kiểm tra chung, kiểm tra chéo liên trường). Cuộc khảo hạch mà Trường Phú Lâm đăng cai có đến 300 người dự.
Nên nhớ rằng tất cả những việc phong phú, mới mẻ có thể nói là có ý nghĩa cách mạng về giáo dục này diễn ra dưới sự đạo diễn của Lê Cơ ở một nơi thâm sơn cùng cốc. Ông chỉ có đọc tân thư chứ chưa hề đi đến khảo sát một Khánh Ứng nghĩa thục nào, và tất cả mọi sự cách tân đều không có tiền lệ.
Trình bày những sáng tạo và cống hiến lớn lao đặc biệt của Lê Cơ, xin nói thật là tôi không có một phát hiện nào về những tư liệu liên quan đến nhân vật huyền thoại này. Chính dựa trên những tư liệu phong phú mà Ngô Văn Minh tập hợp trong cuốn sách Chí sĩ Lê Cơ, tôi đặt ra những câu hỏi với Ngô Văn Minh và với tất cả chúng ta.
Bìa sách Chí sĩ Lê Cơ trong phong trào yêu nước chống Pháp đầu thế kỷ XX của Ngô Văn Minh, do NXB Đà Nẵng vừa phát hành. |
Giáo sư Hoàng Châu Ký có nói với tôi: “Cụ Huỳnh, sau khi ra Hà Nội gặp Hồ Chủ tịch, nhận chức Phó Chủ tịch nước, khi trở lại miền Trung năm 1947, có về quê hương Tiên Phước. Cụ nói vui “Điện Bàn, Duy Xuyên là Moscow de Quảng Nam, còn Tiên Phước là Siberie de Quảng Nam”. Phú Lâm lại còn là vùng sâu, vùng xa của Tiên Phước.
Riêng tôi, lần đầu tôi đến Tiên Sơn là mùa hè năm 1966. Lúc này, chiến tranh cục bộ đã bắt đầu ác liệt. Sơn Cẩm Hà là căn cứ của Tỉnh ủy Quảng Nam. Tôi là phóng viên Báo Cờ Giải phóng Khu 5 phải đến để tìm cách gặp và làm việc với anh Bốn Hương, Bí thư Tỉnh ủy. Nhưng anh ấy vừa bị rắn cắn đang chữa trị và tĩnh dưỡng. Mấy ngày ở đây tôi thấy vùng sơn địa này thật đẹp, với những thửa ruộng bậc thang, những vườn cau, chè, tiêu, mít được hình thành bởi những bờ đá xếp vuông vức, ngay ngắn. Ở đây, tôi lần đầu được ăn một món rất ngon là cổ hũ dừa kho với dầu phụng và bột ngọt. Chẳng là Sơn Cẩm Hà mới bị Mỹ rải chất độc cách đây không lâu. Bà con tiếc đứt ruột vì những cây dừa bị chết héo, họ chặt cây lấy cổ hũ dừa như một sự vớt vát cái đã mất. Lúc ấy tôi nào có biết đây là mảnh đất một thời sôi động với các hoạt động duy tân của người anh hùng thảo dã. Và cả sau này cho đến bây giờ, tôi vẫn có một câu hỏi: Tại sao ở đây, mảnh đất này lại sinh ra một con người như thế.
Trong 3 trường tân học hàng đầu của xứ Quảng thì Diên Phong gần với Đà Nẵng, Hội An hơn cả, gần quốc lộ xuyên Việt và sông Thu Bồn, ở giữa vùng đồng bằng màu mỡ lại vừa cận thị vừa cận giang. Phước Bình thì ở gần kề Nông Sơn, một mỏ than người Hoa đã khai thác từ thời các chúa Nguyễn, sau đó người Pháp lại tiếp tục và cũng ở ngay bờ sông Thu Bồn. Phú Lâm đúng là rừng che núi cách, khỉ ho cò gáy so với hai nơi này.
Về nhân thân, thì Xã sáu Lê Cơ cũng không đỗ cử nhân như Phan Thúc Duyện, không thông thạo Pháp văn và lịch duyệt như Phan Thành Tài, Trần Hoành.
Vậy mà về trí lực, tầm nhìn về sự năng động, sáng tạo chúng ta có thể xếp hạng Lê Cơ “giải nhất chi nhường cho ai”. Ông chẳng những trù hoạch, điều hành đâu ra đấy không chỉ về giáo dục khai trí mà còn cả về trị sinh, sản xuất kinh doanh và hoán cải phong tục. Ông còn cự cãi (đây là cốt tính của người Quảng) và hơn thế đủ lý lẽ khôn ngoan để che chắn cho các hoạt động duy tân ở Phú Lâm.
Phải chăng những hạn chế về địa chính trị, địa kinh tế đã được bù đắp, cân bằng bằng năng lực con người, con người ở đây có những năng lực siêu việt không dễ gì giải thích được.
Và theo dòng chảy đó, tôi lại có những câu hỏi “Xã hội Việt Nam hiện đại có nảy sinh ra những Lê Cơ hôm nay không”, phải chăng là cơ chế dùng người của chúng ta không phát hiện bồi dưỡng được những Lê Cơ đang sống đâu đó nơi thôn cùng xóm vắng. Nhưng rồi tôi lại tự nhủ Lê Cơ đâu có cần ai dùng, có cần ai phát hiện bồi dưỡng, quy hoạch vì không chịu cảnh mất nước làm nô lệ, ông tự mình xông ra, tự mình gánh vác, thi thố.
Và tôi thầm mong đất Quảng mình giờ đây sẽ có nhiều Lê Cơ như vậy. Nói thế có bạn cho là tham lam quá, xin nói lại hãy cho đất Quảng lúc này một Lê Cơ.
Nguyễn Đình An - Báo Đà Nẵng