Vượt sông Tiên giải phóng Sơn Cẩm Hà
Lời BBT: Đã 50 năm trôi qua, đất và người Tiên Phước vẫn còn lưu dấu ký ức một thời hào hùng với hai chuyến vượt sông Tranh và vượt sông Tiên mở về đồng bằng của đoàn quân Giải phóng. Sinh thời, Đại tá Quách Tử Hấp, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 kiêm Tỉnh đội trưởng đầu tiên của Tỉnh đội Quảng Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, người chỉ huy lực lượng vũ trang trong chiến dịch Vượt sông Tiên, đã kể cho nhà báo Nguyễn Hữu Đổng những câu chuyện không thể nào quên về sự kiện ấy…
Sau những cuộc điều nghiên chiến trường, Tỉnh đội Quảng Nam với lực lượng trợ chiến của Trung đoàn 1 bắt đầu mở các cuộc tập kích vào các chốt điểm và hệ thống phòng vệ của bọn tề ngụy để mở rộng vùng giải phóng mà trước đó ta đã xây dựng được các bàn đạp. Tháng 10.1961, ta mở chiến dịch đánh vào tây Tiên Phước, giải phóng Lãnh - Ngọc (nay thuộc Tiên Lãnh, Tiên Ngọc, huyện Tiên Phước).
Sau khi giải phóng Lãnh - Ngọc, ta có bàn đạp để tính toán bước đi chiến lược mở về đồng bằng và hướng trọng điểm xác định là vượt sông Tiên qua Sơn - Cẩm - Hà (lúc đó là các xã Phước Sơn, Phước Cẩm, Phước Hà; nay thuộc xã Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Hà của huyện Tiên Phước). Lực lượng vũ trang của huyện, tỉnh, quân khu được củng cố, tăng cường. Ở các xã, hình thành đội du kích và đội công tác, bổ sung lực lượng. Vào ngày 3.2.1962, tại thôn 8 xã Phước Lãnh, Tiểu đoàn 70 thành lập trên cơ sở sáp nhập Đại đội H30, H21, H29.
Vừa xây dựng tiềm lực cơ sở cách mạng, các đội công tác, ta cũng tổ chức các mũi trinh sát thọc sâu xuống vùng thấp của Tiên Phước, có lúc xuống đến Cẩm Khê, Ao Lầy, Kỳ Thịnh của Bắc Tam Kỳ để tìm hiểu, thăm dò tình hình và phản ứng của địch. Đại bộ phận của ta dưỡng quân, huấn luyện và phát triển lực lượng trong thanh niên, du kích… Ta cũng mở các hoạt động phối hợp trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng để phân tán sự chú ý và hút địch ở Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ.
Cuối tháng 8, đầu tháng 9.1962, một kế hoạch cụ thể cho chiến dịch Vượt sông Tiên được vạch ra. Cũng như chiến dịch Vượt sông Tranh, Bí thư Tỉnh ủy Mười Khôi trực tiếp chỉ đạo. Tuy nhiên, quy mô chiến dịch Vượt sông Tiên lớn hơn và hoạt động của ta trên diện rộng nên Khu ủy Khu 5 cử anh Bảy Hữu (tức Nguyễn Xuân Hữu, Ủy viên Thường vụ Khu ủy Khu 5 lúc bấy giờ) xuống tham gia chỉ đạo, có vai trò như Tư lệnh của toàn lực lượng “hai chân ba mũi” giáp công. Về quân sự, Tỉnh đội xác định dùng đại bộ phận tham gia chiến dịch, mũi nhọn là Tiểu đoàn 70. Hướng tây nam, tôi dự kiến cho Tiểu đoàn 90 cắm vào Phương Đông, Dương Yên, khi khởi sự sẽ vượt nhanh qua Phước Tân để tiếp cận Núi Vú. Yêu cầu đặt ra là mũi của anh Hà (còn có tên là Liễm, lúc đó là tiểu đoàn phó) phải có mặt, khóa chặt hướng này. Mũi chủ lực ở giữa và phía bắc vùng Sơn - Cẩm - Hà, tôi yêu cầu dùng lực lượng Tiểu đoàn 70 để vượt sông, nhanh chóng chiếm lĩnh Phước Cẩm, Phước Hà. Anh Tầm, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 70 đã xuống sâu địa bàn nhiều lần, quan sát để chọn kỹ điểm vượt sông.
Có câu chuyện vui là khi cùng với một bộ phận đi kiểm tra công tác chuẩn bị chiến trường, tôi đi bọc qua hướng An Lâm, An Tráng, vừa đến dưới Dốc Lung thì gặp bọn lính bảo an đi càn. Chúng vào bắt heo gà của dân, có hai gánh thịt heo để dưới chân dốc. Chúng tôi nổ mấy phát súng thì chúng bỏ chạy, anh em gánh hai gánh thịt về ăn. Sau mới đặt tên con dốc nhỏ dưới Dốc Lung là Dốc Thịt Heo. Cũng ở khu vực này, tôi tính bố trí một lực lượng khoảng 1 đại đội để làm tuyến sau, làm nhiệm vụ tiếp tế và giữ đầu cầu liên lạc giữa căn cứ phía trên với lực lượng 300 quân đi phía trước vượt sông, tạo sự yên tâm vững chắc.
Quang cảnh hội thảo kỷ niệm 50 năm " Vượt sông Tiên giải phóng Sơn Cẩm Hà" tại Tiên Phước
Kiểm tra công tác chuẩn bị chiến trường xong thì ấn định vào đêm 24 rạng ngày 25.9.1962 sẽ vượt sông và ta cũng xác định lần này giải quyết xong các ổ đề kháng sẽ trụ lại nên có thể đánh cả ban ngày. Đúng kế hoạch, đêm 24.9, bộ đội vượt sông. Trước đó, lực lượng trinh sát của Tiểu đoàn 70 đã tiềm nhập vào điểm xác định trong phương án, chọc theo các khe núi giữa Phước Hà - Phước Cẩm, Phước Cẩm - Phước Sơn. Sau khi vượt sông, trinh sát và các đội công tác đảm nhiệm hướng dẫn các mũi thọc sâu, chiếm các vị trí xung yếu. Hướng vào Phước Cẩm, Phước Sơn, nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa và 3 giờ 30 sáng 25.9 nổ súng vào các trụ sở hội đồng xã của tề ngụy, bọn dân vệ nhanh chóng bỏ chạy. Hướng vào Phước Hà, ta xác định thận trọng hơn vì tay xã trưởng ở đây từng tham gia Quốc dân đảng gây nhiều nợ máu với cách mạng. Dân vệ ở Phước Hà cũng có nhiều người trước tham gia Quốc dân đảng.
Do đó, khi ta nổ súng thì có kháng cự mạnh, phải đến 6 giờ sáng ta dùng cối 60 nện vào trụ sở hội đồng tề ngụy mới cơ bản giải quyết được Phước Hà. Toàn bộ lực lượng địch trên toàn Sơn - Cẩm - Hà so sánh thì bằng tầm một tiểu đoàn thiếu, nên ta không quá quan ngại, trong khi mỗi đại đội của ta đã có trang bị ít nhất hai cây trung liên, địch thì không có súng lớn. Nghe ta dùng lực lượng lớn lại có quần chúng cơ sở ủng hộ nên mạng lưới của địch nhanh chóng tan rã, và ta tràn rất nhanh để chiếm lĩnh các vị trí xung yếu. Chỉ trong hai ngày, ta đã giải quyết cơ bản các mục tiêu chính của chiến dịch, giải phóng hơn 8.000 dân khỏi ách kiềm kẹp của bộ máy chính quyền tay sai Mỹ-ngụy.
Khi bộ đội ta về đây, đồng bào hết sức mừng vui, chào đón. Nhưng cũng có người gạt nước mắt nhớ lại những đau thương khi quân ta “chôn súng xuống” đi tập kết để bọn phản động ngóc đầu dậy tàn sát gần 500 cán bộ, đảng viên quần chúng trung kiên. Vì thế, các đội công tác nhanh chóng phát động xây dựng chính quyền cách mạng và mời bà con đi dự mít tinh. Có nhiều người nô nức đi coi… bộ đội. Vui là có cụ ông cứ thích sờ nắn các chiến sĩ, hỏi sao làm chuyện kỳ vậy thì cụ nói “để coi mấy đứa bay còn chim (sinh thực khí của đàn ông) không, chứ tau nghe bọn giặc tuyên truyền là cán bộ, chiến sĩ tập kết ra Bắc bị thiến óc hết”. Người dân cũng hăng hái úy lạo kháng chiến, tham gia đảm phụ nuôi quân. Bộ đội ta cũng tổ chức một số đơn vị trang phục tươm tất nhằm thực hiện các cuộc thị uy, tuần hành biểu dương lực lượng, răn đe các phần tử xấu.
Giải phóng Sơn - Cẩm - Hà, ta nhanh chóng tổ chức lực lượng các đoàn thể cách mạng, trong đó chú trọng phát triển thanh niên tham gia du kích, bộ đội. Nhờ đó, nhiều người nhanh chóng tiếp cận công tác cách mạng, tôi luyện trưởng thành. Các cán bộ cơ sở cũng phát huy được năng lực để đảm đương trọng trách ngày một quan trọng hơn như anh Thiều, chị Cúc…
2. Như sóng triều dâng
Trong chiến dịch vượt sông Tiên mở hướng về đồng bằng, trên hướng triển khai lực lượng quân sự không có vấn đề gì lớn, ý nghĩa và mặt công tác chính trị, công tác dân vận, phát động quần chúng mới là đáng kể. Công đầu trong lĩnh vực này là anh Bảy Hữu. Anh Hữu có nhiều cách diễn thuyết, phát động quần chúng ấn tượng. Khi vừa giải phóng Sơn - Cẩm - Hà anh đã có mặt và hướng dẫn cho các đội công tác len lỏi khắp ngõ ngách vận động, cổ động phong trào. Tại buổi mít tinh, anh Bảy Hữu cũng nói rất hay khiến nhiều người bật khóc khi nhớ lại những tháng ngày đen tối đã qua, rồi bừng lên khí thế ủng hộ kháng chiến.
Tôi nhớ đại ý lời anh nói với đồng bào Sơn - Cẩm - Hà: Nơi đây, đất Tiên Phước, Sơn - Cẩm - Hà ghi bao tội ác của bọn Quốc dân đảng và bè lũ tay sai Mỹ-ngụy đã tàn sát hàng trăm gia đình cách mạng, quần chúng trung kiên và đồng bào vô tội. Nơi đây ghi dấu nước mắt, máu xương của cha anh chúng ta mà Hầm Heo, Gò Vàng, Đồng Trại... còn u uất. Nhưng cũng chính nơi đây phát khởi các cuộc đấu tranh chống cường quyền bạo ngược của những bậc anh hào, tuấn kiệt. Đây cũng là quê hương của các chí sĩ yêu nước như Phan Châu Trinh, Lê Cơ... Và, cũng chính nơi đây, ngày hôm nay cách mạng trở về đánh tan bộ máy tề ngụy để đồng bào được thoát cũi sổ lồng. Tất cả chúng ta hãy đứng lên! Hãy kiên quyết bảo vệ thành quả này của kháng chiến, quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai.
Lời anh nói vang vọng vào chiều sâu tâm tưởng của đồng bào, chiến sĩ, khiến nhiều người vượt lên tăm tối để đến với ánh sáng cách mạng. Trong đó, ngay cả những người từng tham gia dân vệ cũng ăn năn, hối lỗi, quay về với kháng chiến, xin đi bộ đội, du kích. Hoạt động của các đội công tác cũng rất hiệu quả, nổi bật như mũi của anh Lưu Văn Chính (sau hòa bình là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Tiên Phước). Tuy vậy, kẻ thù nào để ta yên, chúng cài cắm tề điệp cố gắng lôi kéo quần chúng. Phải đến khi bộ đội ta tổ chức các trận đánh chống lực lượng phản ứng thì khí thế, niềm tin mới thật sự xác lập chỗ đứng vững chãi. Trong đó có trận do đồng chí Đỗ Châu Sa (tức Giàu) tổ chức cho bộ đội đánh một đại đội bảo an của địch tiến từ hướng Vinh Huy vào tiếp ứng, bắt và tiêu diệt gọn, xóa sổ đại đội này. (Trong chiến dịch Vượt sông Tiên, anh Đỗ Châu Sa làm Đại đội trưởng Đại đội 2 đánh vào đồn và ấp chiến lược Cẩm Y, tham gia giải phóng Phước Cẩm, sau đó tổ chức chốt đèo Eo Gió và Núi Vú, đèo Bà Đạt…).
Sau giải phóng Sơn - Cẩm - Hà, ngoài việc tổ chức đánh địch phản kích, bộ đội của tỉnh cũng nhanh chóng tổ chức các mũi thọc sâu hỗ trợ đội công tác của Bắc Tam Kỳ, Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên… làm vũ trang tuyên truyền, phát động quần chúng nổi dậy diệt ấp, phá kèm. Chiến thắng Sơn - Cẩm - Hà vì thế đã làm nô nức nhân dân nhiều vùng trong tỉnh, có ý nghĩa cổ vũ rất lớn, đặc biệt tạo dựng niềm tin khi nghe bộ đội của ta đã về đứng chân vùng đồng bằng, có căn cứ sát nách các quận lỵ, tỉnh lỵ. Qua đó, phong trào đồng khởi phá ấp chiến lược được tiếp thêm sức mạnh niềm tin, lan rộng khắp tỉnh. Phía Bình Dương, Xuyên Thanh, Ao Lầy, Kỳ Thịnh, Kỳ Anh,… xuất hiện các căn cứ lõm trong lòng địch. Sau chiến dịch Vượt sông Tiên thì ở đất Đại Lộc, Điện Bàn đã xuất hiện những “con rồng lửa” đêm đêm thiêu cháy hàng rào ấp chiến lược. Nhiều thanh niên ở đồng bằng thoát ly tham gia kháng chiến. Nhiều cơ sở được nhân rộng. Từ đó, nguồn lực cách mạng được bổ sung để những năm sau ta tiếp tục mở về đồng bằng. Riêng trên vùng Sơn - Cẩm - Hà, tôi cùng đại bộ phận chỉ huy Tỉnh đội đứng chân chuẩn bị tổ chức Đại hội Thi đua Quyết thắng trong toàn quân. Đây là Đại hội Quyết thắng của lực lượng vũ trang đầu tiên trong chống Mỹ, được tổ chức ngay sát vùng địch.
Chiến dịch Vượt sông Tiên sau này được đúc kết là một loại hình chiến dịch địa phương, dùng lực lượng địa phương là chính. Thực tế chiến trường ở Quảng Nam cho thấy, không phải chỉ bộ đội chủ lực của khu, của trung ương mới có thể mở chiến dịch mà bộ đội địa phương cũng có thể mở chiến dịch đi kèm phát động đấu tranh chính trị, binh vận, phát động quần chúng nổi dậy làm nên thế và lực mới. Sự đúc kết này, sau khi về phòng Quân huấn của khu và kết thúc chiến tranh tôi tham gia soạn thảo tổng kết thành tài liệu và có lần trình bày cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tướng Trần Văn Trà nghe, các vị đều tỏ ra tâm đắc, thú vị.
3. Lửa thử vàng
Khi ta lập căn cứ địa Sơn - Cẩm - Hà và mở rộng hoạt động về phía đồng bằng, sau những đòn đau choáng váng, địch bắt đầu phản ứng. Đầu năm 1963, chúng càn lấn chiếm nhưng quy mô nhỏ, sau nâng lên cả tiểu đoàn. Có lúc chúng mở trận càn lên đến 10 tiểu đoàn có thủy quân lục chiến tham gia như trận càn “Bình Châu - Dân Chiến”. Trước tình hình đó, vấn đề đặt ra cho lãnh đạo Tỉnh ủy và Tỉnh đội Quảng Nam là tổ chức chống càn, giữ được vùng căn cứ vừa mở, bảo vệ và xây dựng chính quyền cách mạng còn non trẻ cùng các tổ chức đảng, đoàn thể và lực lượng vũ trang. Với tư cách là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh đội trưởng, tôi cũng được tham vấn nhiều ý kiến. Trước tiên là sử dụng lực lượng vũ trang để chống càn. Theo chủ kiến của tôi, dù địch sử dụng lực lượng lớn cũng không ăn thua gì, chúng sẽ không thể dàn quân trên quy mô lớn, không thể cùng lúc triển khai 10 tiểu đoàn càn bừa theo kiểu dàn hàng ngang mà tiến. Ngay khi chúng dùng một tiểu đoàn thì cũng chỉ có thể tổ chức thành các mũi đại đội, trung đội. Như vậy ta có thể dựa vào địa hình, địa vật, đủ sức luồn lách với bộ phận gọn nhẹ, cơ động nhanh, đánh địch theo kiểu phân tán.
Bộ phận chỉ huy sở của Trung đoàn 1 và Tỉnh đội vẫn xác định đứng trụ ở Sơn - Cẩm - Hà. Mặt khác, ta phát súng cho lực lượng du kích mới hình thành, tổ chức các trận tập kích quy mô nhỏ nhưng bất ngờ và dai dẳng đeo bám tiêu diệt địch khi chúng sơ hở. Một bộ phận của Tiểu đoàn 70 tổ chức các mũi thọc xuống vùng sau lưng địch để hỗ trợ bộ đội, du kích địa phương gây rối, làm bọn địch không thể yên tâm đi càn lâu khi hậu cứ không an toàn. Cũng phải nhìn rõ là ta có “địa lợi”. Tiên Lãnh, Tiên Ngọc và vùng Sơn - Cẩm - Hà được giải phóng hoàn toàn tạo thành thế đứng chân xây dựng lực lượng cách mạng. Chính quyền cách mạng cùng lực lượng vũ trang ở các xã được thành lập, củng cố, tăng cường. Từ đó, ta hình thành thế bao vây, tập kích giải phóng các xã Tiên Phong, Tiên Lộc, Tiên Thọ, Tiên Lập, tạo thế vây ép quận lỵ Tiên Phước, bẻ gãy các cuộc càn quét lớn của địch.
Bồi hồi gặp mặt tại chiến trường xưa
Thực thi chiến lược trên, đến tháng 3.1965, ta đã làm chủ 13 trong tổng số 17 xã của huyện. Cũng từ vùng giải phóng, lực lượng vũ trang tỉnh nhanh chóng tiến công xuống các huyện giáp ranh, xuống Quế Sơn, đông Thăng Bình, Tam Kỳ, tạo hành lang nối liền căn cứ với đồng bằng, dồn thế địch co cụm ở các quận lỵ và chi khu Quảng Tín tại Tam Kỳ.
Thất bại trước thế tấn công của ta nhưng kẻ thù đâu dễ bó tay. Chúng đổ quân đóng đồn kiên cố ở Tiên Ngọc. Ta quyết định bứt chốt điểm này để thông hành lang căn cứ. Tuy nhiên, trận đánh đồn Tiên Ngọc không thành lại thương vong nặng do ta bị lộ và hiệp đồng tác chiến giữa đặc công và bộ binh không chặt chẽ. Trận này anh Bảy Hữu - Thường vụ Khu ủy cho rằng đây là thời cơ, nhưng ta chuẩn bị non, không tính phương án vây lấn, đánh công kiên. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 60 - Trần Quốc Dân từng là huấn luyện viên của trường lục quân, không sát chiến trường lại quả quyết đánh “ngon ơ”. Sau này, đến khi ra chống càn ác liệt hơn thì Dân đào ngũ, chiêu hồi. Riêng vụ này trở thành câu chuyện gây rầy rà lớn. Dân vì mê gái, ham chơi bời, sa vào bẫy của gián điệp. Sau trận Tiên Ngọc, anh ta còn dự đại hội đảng, nhưng khi địch càn ác liệt, ta lui quân về cứ, thì một đêm hắn vượt sông lẻn đi đầu hàng địch. Lúc đó, Dân là đại úy nhưng khai với địch là thiếu tá. Y còn ngồi trên máy bay địch ra rả kêu gọi quân ta đầu hàng “về với chính nghĩa quốc gia”. Tinh thần quân ta có nao núng, Tỉnh đội và chỉ huy Trung đoàn 1 phải chia nhau xuống từng đại đội của Tiểu đoàn 60 làm công tác tư tưởng, củng cố, xốc lại đội ngũ.
Ngày 20.11.1962, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách thành hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà. Ở Quảng Đà, anh Đinh Châu (Nguyễn Hữu Đức) làm Tỉnh đội trưởng, Trần Tốc (Khánh) làm Chính trị viên. Ở Quảng Nam, tôi vẫn làm Tỉnh đội trưởng kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1. Đến tháng 11.1963, Trung đoàn 1 tách hẳn ra, không làm nhiệm vụ địa phương, tức không phải làm công việc của Tỉnh đội mà trở về xây dựng khối chủ lực quân khu. Lúc này, tôi ở lại đảm trách nhiệm vụ Tỉnh đội trưởng Quảng Nam. Thời điểm này, nhiều huyện đã hình thành được lực lượng vũ trang quy mô đại đội. Tỉnh đội có Tiểu đoàn 70 làm chủ lực. Khi Ngô Đình Diệm bị đảo chính và sau đó diễn ra nhiều cuộc đảo chính liên tục thì tình hình địch bấn loạn, tôi đề xuất Tỉnh ủy cho Tỉnh đội thực hiện nhiệm vụ mở rộng bàn đạp để hỗ trợ quần chúng nổi dậy. Mặt khác, song hành công tác quân sự cần có sự phối hợp của mũi đấu tranh chính trị, binh vận trên nhiều hướng, nhiều mặt trận.
Tham mưu Tỉnh ủy phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách các hướng chính trên bình diện chiến trường từ Bắc đến Nam, từ Tây sang Đông; từ đồng bằng, miền núi đến thành thị; các Tỉnh ủy viên phụ trách sâu các cụm huyện, xã xây dựng đội ngũ đảng viên trung kiên trụ bám cơ sở để củng cố và phát triển các cơ sở đảng làm nòng cốt phát động đấu tranh chính trị. Bên cạnh đó, các tổ chức đảng tiếp tục vận động thanh niên tham gia đoàn thể cách mạng bí mật, đưa thanh niên lên các căn cứ miền núi huấn luyện, tuyển lựa vào quân giải phóng. Vấn đề làm công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên cũng rất quan trọng, ta cũng tổ chức các đường dây để đón con em của những cán bộ có nhiều công lao qua các thời kỳ hoặc đã anh dũng hy sinh, đưa ra miền Bắc học tập.
4. Sông Tiên vẫn chảy
Qua năm 1965, Quân khu 5 rút tôi về phụ trách quân huấn. Lúc đó, quân Mỹ sắp đổ bộ vào miền Nam trực tiếp tham chiến. Ngày 8.3.1965, thủy quân lục chiến Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng và ngày 7.5.1965 đổ quân vào Chu Lai. Từ đây, đất Quảng, miền Nam bước vào giai đoạn chiến tranh khốc liệt hơn.
Tháng 9.1967, Sư đoàn Bộ binh 23 của Mỹ (hay còn gọi Sư đoàn American) được thành lập, gồm 3 Lữ đoàn Bộ binh 11, 196 và 198. Ngoài ra, Mỹ đưa thêm Sư đoàn Dù 101 vào tham chiến tại Việt Nam từ tháng 11.1967. Một lực lượng của sư đoàn này chiếm Núi Quế (Quế Sơn), còn ở phía nam thì bọn chúng chiếm Núi Vú, khu vực đồi Tranh ba xã (Tiên Thọ - Tiên Lập - Tiên Lộc), núi Bàn Cồng. Chúng xây dựng những cứ điểm có bãi đáp máy bay lên thẳng, có pháo tầm xa, pháo cao xạ để khống chế các hành lang của ta từ Sơn - Cẩm - Hà lên vùng căn cứ địa khu 5 ở Trà My, từ Tiên Lập đi các xã miền núi tây Núi Thành. Quân ngụy cũng thiết lập hệ thống đồn bót dày đặc ở các xã tiếp giáp với vùng giải phóng của ta. Mỹ ngụy liên tiếp mở các cuộc hành quân với quy mô lớn, có máy bay, xe tăng, thiết giáp và pháo tầm xa yểm trợ, càn quét vào vùng giải phóng và khu căn cứ địa Sơn - Cẩm - Hà. Trong giai đoạn này, tại vùng Sơn - Cẩm - Hà, bộ đội huyện phối hợp với bộ đội tỉnh, bộ đội Quân khu 5 đã bám đánh địch quyết liệt, tiêu diệt 450 tên Mỹ, bắn rơi 3 máy bay.
Trong những năm tháng gian nan, ác liệt nhất, quân dân ta còn chịu nhiều tổn thất, hy sinh gian khổ vì các cuộc pháo kích, tập kích của kẻ thù. Tàn bạo hơn, chúng đã dội bom đạn, chất độc hóa học xuống vùng núi rừng nghi ngờ có bộ đội đóng quân. Nhiều rẫy nương cháy khét, sắn thúi cả gốc. Nhiều cánh rừng trơ trắng cây khô. Tuy vậy, sự tàn ác của quân thù đã không khuất phục được tinh thần quật khởi của quân và dân đất Quảng nói chung, Tiên Phước nói riêng. Nơi đây, Tiểu đoàn 72 bộ đội tỉnh được thành lập tại xã Tiên Thọ. Sư đoàn 2 bộ binh quân Giải phóng khu 5 ra đời tại xã Tiên Hà vào ngày 20.10.1965. Nhờ lực lượng chủ lực và địa phương được hình thành, củng cố, tăng cường, ta không thụ động mà liên tiếp tổ chức tập kích những cứ điểm quân sự của Mỹ ngụy ở Tiên Phước như Núi Vú, đồi Tranh ba xã Bàn Cồng…
Với mảnh đất Tiên Phước anh hùng, sau này dù làm phái viên quân sự ở khu, tôi cũng hay đi về, đau đáu theo dõi. Mảnh đất này đã chịu đựng bao cuộc sinh ly, tử biệt mà lòng sắt son cách mạng vẫn kiên trung. Như dòng sông Tỉên, trải qua bao khúc ca bi tráng, vẫn tìm cách chảy về biển cả. Như giai đoạn 1968 - 1973, địch tăng cường đánh phá khốc liệt, chúng thực hiện “3 sạch” (đốt sạch, phá sạch, giết sạch), rồi bắt bớ, đánh đập, tra tấn dã man, cày ủi, xúc dân vào khu dồn... Song, tất cả vẫn không lay chuyển được ý chí cách mạng của nhân dân Tiên Phước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, nhân dân vừa tổ chức chiến đấu, vừa ra sức xây dựng lực lượng vũ trang mạnh về mọi mặt, giữ vững địa bàn hoạt động, đánh bại chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ” của địch.
Do địch đánh phá ác liệt nên lương thực thiếu hụt nghiêm trọng. Với các khẩu hiệu “địch phá một, ta sản xuất mười”, “ba mươi bom nổ, mồng mười sắn lên”, quân dân Tiên Phước quyết tâm lao động để khắc phục thiếu thốn, vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Ta đã liên tục tiến công địch và phối hợp đánh thắng giòn giã với các trận tiêu biểu như ở Núi Ngang, đồi Nổng Phú, đồi Lê Duy Hòa, Dương Hợi, Rừng Miếu, Tài Đa..., làm cho Mỹ ngụy phải kinh hồn bạt vía. Tháng 8.1972, cùng với bộ đội chủ lực của khu 5, lực lượng vũ trang tỉnh và huyện đã tiến công giải phóng quận lỵ Tiên Phước lần thứ nhất, làm chủ được hơn 1 tháng, phá vỡ phòng tuyến từ xa của tỉnh lỵ Quảng Tín, phát triển thế và lực mới, góp phần cùng với toàn miền Nam buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris - 1973. Mùa xuân năm 1975, Tiên Phước được chọn làm nơi cùng với Buôn Ma Thuột nổ phát súng đầu tiên vào lúc 0 giờ ngày 10.3, mở màn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Quảng Nam, giải phóng vùng đồng bằng duyên hải miền Trung.
Đánh giá về sự tích anh hùng của Tiên Phước như thế nào? Có lẽ phải dẫn ra đây số liệu từ lịch sử huyện đã được tổng kết: Trong gần 15 năm đấu tranh vũ trang (1960 - 1975), quân và dân Tiên Phước đã đánh 17.858 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 34.518 tên địch, bắt sống 1.071 tên, diệt gọn 7 đại đội, 25 trung đội, tiêu diệt 2 chi khu quân sự (ở 2 huyện Tiên Phước và Hậu Đức), phá hủy 72 xe tăng và xe quân sự, bắn rơi 42 máy bay các loại… Bên cạnh đó, quân dân Tiên Phước đã sử dụng bom, pháo lép cải tiến thành 3.000 quả mìn đánh địch. Điển hình là trong trận đồi Dương Sẻ, đã gài một quả bom 500kg diệt gọn 62 tên Mỹ. Các xã Tiên Phong, Tiên Thọ, Tiên Lộc, Tiên Lãnh, Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Hà, Tiên Lập, Tiên Ngọc và đơn vị C45 (Huyện đội Tiên Phước) các liệt sĩ Trần Ngọc Sương, Lê Duy Đình và Nguyễn Có được Đảng và Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 226 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 2.009 người con ưu tú hy sinh đã được công nhận liệt sĩ; 16.716 cá nhân, gia đình được tặng thưởng Huân - Huy chương các loại; 307 cá nhân được tặng các danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt máy bay”…
NGUYỄN HỮU ĐỔNG - BÁO QUẢNG NAM
(Ghi theo lời kể của Đại tá Quách Tử Hấp)