www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Vườn cây thuốc nam ở Phú Lâm

 Vẫn là những cây dược liệu mọc hoang ở núi rừng, khi được người dân ở làng Phú Lâm, xã Tiên Sơn (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) đem trồng vào vườn nhà thì chúng mang lại giá trị kinh tế cao. 

Tiên Sơn là xã tận cùng phía tây bắc của huyện miền núi Tiên Phước, là một thung lũng được che chắn bởi bốn bề rừng núi, thông với bên ngoài bằng tỉnh lộ 614. Mới tảng sáng, trong lúc chờ cơm mai, ông Lê Văn Phúc đã ra chăm vườn thuốc nam trước sân nhà.

“Làm cây thuốc nam trong vườn phải chịu khó chăm nó như chăm cây kiểng. Được cái là nó ở gần nhà, mình tranh thủ làm lúc sớm mai, chiều tối, không tốn nhiều thời gian như với các loại cây khác” - ông Phúc nói khi nhổ cỏ cho những gốc thiên môn mới được ông chiết trồng.

 

 

Cây thuốc dưới tán cây

Chưa phải là mùa thu hoạch, khu vườn nhà ông Phúc vẫn thoang thoảng mùi thơm đặc trưng của các loại dược liệu. Ông giải thích đó chính là mùi thơm tỏa ra từ những vạt cây hoắc hương, một loại cây thuốc tỏa mùi thơm ngay cả khi còn ở trong luống.

Nhìn từ xa, những vạt hoắc hương, mạch môn, thiên môn… như những tấm thảm xanh dưới tán những cây ăn quả như mít, cam, bưởi, lòn bon. “Trồng cây thuốc nam dưới tán các loại cây ăn quả có cái lợi là đỡ tốn đất, chúng lại hưởng được bóng che của cây lớn vì là loại cây ưa bóng râm, đỡ phải tưới nước vào mùa nắng” - ông Phúc cho biết.

 

 

Theo kinh nghiệm của người dân Phú Lâm, mùa mưa là mùa trồng cây thuốc nam. Mưa lâm râm, ông Lê Phước - nhóm trưởng nhóm trồng cây dược liệu Phú Lâm - cùng vợ tất bật dọn đất để trồng thêm hoắc hương ở vườn nhà.

“Hoắc hương chịu mưa, vạt này vợ chồng tui trồng chưa đầy hai tháng mà tốt vậy đó. Đã cắt lấy giống trồng ra một lần rồi, nay lại được cắt lấy giống tiếp” - ông Phước nói bên luống thảo dược thoảng mùi thơm nhè nhẹ.

Không dừng lại với việc trồng hoắc hương (loại thảo dược có giá trị kinh tế cao nhất) dưới tán cây ở vườn nhà, người Phú Lâm đã thử và thành công ngay khi trồng xen chúng ở những rẫy keo vườn rừng.

“Diện tích vườn nhà có hạn, muốn có diện tích lớn phải đem hoắc hương trồng xen ở rẫy keo thôi. Năm 2011, chỉ một năm sau khi nhóm trồng cây dược liệu Phú Lâm được thành lập, tui và vài anh em đã mang hoắc hương trồng vào rẫy keo mới trồng” - ông Phước kể.

Suy tính của những con người gắn đời với đất với rừng quả là đúng: cây hoắc hương hưởng bóng che của cây keo được 2-3 năm mà đã cho thu hoạch khá.

“Nhiều hộ trong số 16 thành viên của nhóm đã thu được 40-50 triệu đồng từ hoắc hương, kể cả tiền bán cây giống. Mà hoắc hương giống cũng lấy từ những vạt trồng dưới tán keo chứ không cần trồng riêng để tưới bón” - ông Phước hồ hởi. 

Chuyên canh trên đất trống

Để tìm một hướng mới cho việc trồng hoắc hương, khi không thể trồng xen dưới bóng cây keo được nữa (vì cây keo từ 3-4 tuổi đã lấn át, khống chế hoàn toàn cây hoắc hương), một số người đã nghĩ đến việc trồng hoắc hương thành đám ở đất trống.

Nghĩ là làm, ngay vụ trồng năm thứ ba năm 2012, vài người đã mạnh dạn bắt loài thảo dược xưa nay quen sống trong bóng râm phải phơi mình dưới mưa nắng, thậm chí trồng ở chân ruộng lúa.

“Tui nghĩ mà phục chị Thái Thị Hòa với vợ chồng anh Thái Hồng Hội. Xưa nay có ai bày cho kỹ thuật trồng hoắc hương ít nhiều chi đâu mà bỗng dưng dám đem chúng trồng xuống dưới chân ruộng ướt nhão hồi tháng 11-2012. Họ mày mò tìm ra cách chăm sóc nên mấy sào hoắc hương của họ có kết quả vượt bậc, năm 2013 này họ thu được bộn tiền đó” - ông Phước nói.

Bên thửa hoắc hương mượt xanh giữa đồng ruộng hẹp sắp được sạ lúa, sáng sớm vợ chồng anh Hội đã kẻ cuốc người nhổ cỏ. Đất còn ướt dẽo vì mưa dầm, anh Hội phải khó nhọc cuốc đất ra từng lát nhỏ để vun vào gốc hoắc hương.

“Năm nay tui trồng được 2 sào (1 sào Trung bộ bằng nửa sào tây, tức 500m2) ở rẫy keo mới. Còn ở rẫy keo hai năm tuổi có khoảng 2 sào nữa, nhưng ở rẫy keo hai năm thì năng suất thấp hơn. Còn trồng ở ruộng vẫn giữ diện tích cũ là 1 sào rưỡi. Làm hoắc hương ở ruộng phải chăm sóc cực, nhưng thấy đám hoắc hương xanh mướt, cao đến gần một mét sướng mắt lắm.

Hoắc hương ở ruộng chỉ đến cuối tháng 2 âm lịch là xong mùa vì trời bắt đầu nắng gắt. Không tính các loại cây dược liệu khác, năm 2013 chỉ riêng hoắc hương tui thu được trên 25 triệu đồng, còn Hòa, em gái tui, cũng ở mức đó” - anh Hội phấn chấn nói.

Với cây thiên môn, mạch môn, ông Lê Văn Phúc cũng nhắm trồng chúng vào đất trống. Ông đã thí điểm từ gieo hạt và cả tách gốc cây thiên môn để nhân trồng, rồi cắm chói để chúng leo thay vì trồng nơi gốc cây lưu niên.

“Trồng thiên môn, mạch môn ở đất trống có ưu điểm là mình chăm bón được cho chúng, nhờ vậy năng suất cao hơn lại dễ thu hoạch. Tuy giá cả của hai loại cây này thấp hơn so với hoắc hương, nhưng chúng dễ làm, lại bán tươi được nên tiện cho mình. Với lại đã trồng thuốc nam thì phải cố trồng cho được nhiều loại có ở địa phương mình” - ông Phúc nói.

Cây hoắc hương đang được nhân trồng mạnh không chỉ với các thành viên của nhóm trồng cây dược liệu Phú Lâm mà còn lan ra ngoài nhóm.

 

 

Theo trưởng nhóm Phước, đến nay 60% số hộ (trong tổng số 172 hộ) của Phú Lâm đều có trồng hoắc hương. Tuy trồng không nhiều nhưng cây hoắc hương cũng cho những hộ không chuyên này có thu nhập phụ. Mỗi ký hoắc hương khô giá hiện nay khoảng 30.000-35.000 đồng, thỉnh thoảng họ dồn lại cũng được dăm bảy ký bán, có được một khoản phụ thu đáng nói ở vùng sơn cước này, nhất là với người già cả.

Với những người trong nhóm, nguồn thu từ cây thuốc nam từ ba năm nay là rất đáng kể.

“Tui vẫn cho việc trồng cây thuốc nam của người trong nhóm là việc làm phụ vì nó không tốn nhiều công, nhiều đất, công làm lại là công thừa công dư. Nhưng nó cho thu nhập cao, nhiều hộ thu đến 25-30 triệu đồng mỗi năm. Đây là khoản thu không nhỏ với người nông dân, góp phần vào việc xóa nghèo để khá lên, giàu có lên.

Tui còn nhớ ngày lập nên nhóm trồng cây dược liệu này hồi năm 2010, trong nhóm chỉ có ba hộ khá, còn lại 13 hộ nghèo và cận nghèo. Vậy mà nay tất cả đều là hộ khá. Tính ra có phần đóng góp đáng kể từ nguồn thu của cây thuốc nam” - ông Phước nhìn nhận.

Cũng như nhiều thành viên trong nhóm, ông Phước kỳ vọng sắp tới người trồng cây thuốc nam ở Phú Lâm sẽ tìm ra được những loại cây dược liệu có hiệu quả kinh tế cao để trồng thêm nhằm giúp người dân ở đây cùng khá lên, giàu lên. 

“Từ các loại cây dược liệu có từ lâu đời ở địa phương, nông dân đã nghĩ đến việc trồng cây dược liệu để tạo thu nhập. Và họ đã hợp lại thành nhóm trồng cây dược liệu Phú Lâm. Từ năm 2010 đến nay, họ đã đẩy mạnh việc nhân trồng, rút ra được kỹ thuật cũng như kinh nghiệm để làm ăn có kết quả.

Với hỗ trợ ban đầu chỉ 22 triệu đồng, nay 16 thành viên trong nhóm ai cũng làm ăn khá lên, mở rộng quy mô trồng cây dược liệu tại địa phương, giúp nhiều người ở ngoài nhóm làm theo. Đây là một thành quả đáng phát huy” - bà Bùi Thị Liễu, chủ tịch Hội Nông dân xã Tiên Sơn, nhận xét.

                                                                                     Huỳnh Văn MỹBáo Tuổi Trẻ