Vườn cau đời người
Với 2.000 cây cau xanh tốt đứng giăng giăng, vườn cau của ông Phùng Văn Xuân được coi là lớn nhất, đẹp nhất ở xã Tiên Lãnh - địa phương dẫn đầu về cây cau ở huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam). Khu vườn ấy đã gắn liền với đời ông cũng như đã từng gắn bó với đời cha của ông, như là một tiêu mẫu về đời cau đời người ở vùng đất này.
Ông Xuân đang bón phân cho những cây cau thế hệ ba được trồng hồi cuối năm 2017. Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ |
Có được con đường bê tông dẫn vào làng, những xóm nhà nhấp nhô bên lũng núi ở thôn 9 xã Tiên Lãnh bớt heo hút, đồng thời vẫn mang nét đẹp của vùng sơn cước nằm kề dòng sông Tranh cuồng mãnh - thượng nguồn của sông Thu Bồn. Càng đẹp và ấn tượng hơn khi chạm mắt vào cả một rừng cau ngút ngàn bao bọc ngôi nhà ngói lớn nằm bên đường làng: vườn cau ông Xuân.
Có ăn có để nhờ cau
Giữa buổi mai, nắng xuyên vườn, in bóng tán cau lỗ chỗ trên nền cỏ xanh trông thật đẹp. Trong yên ắng của vườn, hương thơm của một ít hoa cau trổ muộn thoảng trong gió nhẹ, ông Xuân đang hì hục với công việc. “Mình đang vô phân cho số cau trồng hồi năm ngoái đây”, người chủ vườn 59 tuổi nói. “Sắp đến mùa mưa nên mình tranh thủ chăm bón cho cây cau. Còn trồng mới thì đến giữa mùa mưa mình mới trồng. Làm cây cau tốn ít công nhưng vì cái vườn mình nó rộng quá nên mình phải loay hoay làm hoài”.
Trồng cau tốn ít công, ông Xuân cho hay làm nên cả một vườn cau lớn trên 1 héc ta này ông vẫn không phải tốn tiền thuê người làm, tất cả do ông tự làm, cùng với vợ con phụ vào một ít. “Vườn cau mình đến nay có 1.500 cây tuổi từ 12-15, còn 500 cây mới 7 tuổi, mới ra trái bói-trái mùa đầu, từ năm nay”, ông Xuân nói. Cây cau không cần chăm sóc nhiều nhưng lại có tuổi thọ khá cao, đến trên 50 năm-như một số cây cau còn lại đến nay ở vườn nhà ông. Những cây được gọi là “cây đầu dòng” của vườn cau nhà ông hiện nay là những cây còn sót lại từ thời cha mẹ ông trồng vào những năm 1950.
Ông Xuân trồng rặt hàng ngàn cây cau ở vườn nhà cũng là dựa theo cách ông cha mình đã làm ngày trước. Từ xa xưa, cuộc sống của cư dân Tiên Lãnh dựa một phần vào vườn tược với cau, chè, quế là chính. “Hồi ông bà, cha mẹ mình đã làm cau xông (bằng lửa than) để bán đi các nơi, nghe nói một phần được xuất khẩu”, ông kể lại. “Bởi vậy nên khi trái cau được xuất khẩu trở lại mình đã trồng cau lại. Nhưng mình trồng nhiều hơn hồi ông cha mình là bởi mình nghĩ thời nay người ta đã mua thì mua nhiều hơn, cái thị trường thời nay nó lớn hơn thời trước nhiều lắm!”.
Cây cau cho lợi nhiều. Càng đáng mừng cho người trồng cau-nhất là những chủ vườn cau lớn như ông Xuân, trái cau non tươi mấy năm nay liên tục được giá. “Năm 2017, mình có 1.500 cây cho trái ở độ tuổi từ 11-14 năm, bán được 150 triệu đồng. Năm 2018 này năng suất cau thua năm ngoái vì thời tiết, mình thu chắc được hơn 100 triệu. Giá cau non tươi hồi đầu mùa năm nay là 25.000 đồng/ký, rồi nhích lên 30.000-31.000 đồng, cuối mùa chắc tăng đến 35.000 đồng”, ông đoán.
Từ lâu, người dân xã Tiên Lãnh đã coi cây cau là cây trồng chính ở đất này. Hiện nay cây cau đem lại thu nhập khấm khá cho người trồng. Ông Xuân cho biết: “Sau bảy năm cho thu hoạch, đến năm ngoái mình đã có trong tay được 700 triệu đồng. Những mùa cau tiếp theo nếu giá cau có hạ xuống thì số cây cau ra trái lại tăng lên, nên khoản thu từ cây cau mỗi năm của nhà mình cũng không tụt xuống là mấy. Nói thiệt, mình làm nhà, nuôi con ăn học, có được một ít gửi tiết kiệm, có của ăn của để cũng là nhờ vườn cau”.
Một cách làm mới
“Năm nay và hai năm tiếp theo mình sẽ trồng thêm 1.500 cây cau nữa”, ông chủ vườn cau lớn nhất Tiên Lãnh nói. “Lập vườn cau ở đất ni không khó, nhưng mà mình phải biết tính trước”.
So với cách trồng cau của ông cha thời trước, đúng là ông Xuân đã có cách làm khác, đã “biết tính trước”. Ngay từ khi tái lập lại vườn cau hồi năm 2003, ông Xuân đã trồng thật thưa để có chỗ trồng thế hệ cau thứ hai, thứ ba ngay dưới tán cây thế hệ đầu. “Ông cha mình ở đây thường trồng cau xen với chè, quế, mít hay trồng riêng những vạt cau nhỏ”, ông giải thích. “Đến nay mình trồng rặt cây cau trong khu vườn lớn thì phải trồng thưa lứa đầu để khi cây cau lớn thì trồng xen lứa thứ hai, thứ ba. Những cây cau lứa đầu khi đã lên cao, đã trổ buồng sẽ không che rợp, không làm ảnh hưởng độ quang hợp của những cây cau lứa sau”.
Chăm bón cây cau cũng là “bài mới” của ông Xuân so với người trồng cau tại địa phương cũng như ở các nơi khác. “Cũng là do nhiều người cho rằng cây cau dễ trồng, có sức sống khỏe, không cần chăm bón. Nhưng mình nghĩ nếu được chăm bón thì chắc chắn cây cau sẽ mau lớn, sẽ xanh tốt, cho trái nhiều”, ông lập luận.
Ông Xuân đã đào hố có chiều sâu, chiều rộng khoảng 0,6 mét, đổ phân chuồng vào hố một thời gian rồi mới trồng cây cau xuống. Cây cau tơ non mỗi năm được ông bón phân một lần trước mùa mưa. Còn cau trưởng thành thì được bón phân NPK cứ hai năm một lần bằng cách khoét 3-4 lỗ nhỏ chung quanh gốc để bỏ phân xuống. “Vườn cau của mình lên đều, xanh tốt, trổ buồng mạnh, cho trái khá, có lẽ cũng nhờ mình chịu khó chăm sóc. Mỗi lần chăm bón cho cây cau mình thấy nó như gần gũi với mình hơn, gắn bó với mình hơn”, ông bày tỏ.
Tiếp tục trồng thêm cau vào vườn giữa lúc cau đang được giá, ông Xuân nói không phải ông không nghĩ đến lúc trái cau non rớt giá. Theo ông, việc trái cau - cũng như một số nông sản khác - rớt giá không phải là thường xuyên, cũng không kéo dài. “Hai năm 2012-2013 giá cau non xuống quá thấp, nhiều chủ vườn bỏ cau chín đỏ trên cây. Nhưng khi cau chín rụng xuống, bà con lại nẻ lấy hột cau già bán, một ký được 10.000 đồng, nhiều mấy cũng có bạn hàng mua. Tính ra với hột cau già cũng đủ để mình sống với vườn cau”, ông Xuân kể.
Cũng do trái cau non rớt giá vào hai năm nói trên, ở Tiên Lãnh đã có đến bốn chủ vườn triệt hạ cả vườn cau trưởng thành để trồng các loại cây khác. Nhưng khi trái cau non được “ăn” lại từ năm 2014 đến nay thì giá vụt lên cao, từ 20.000 đồng rồi 25.000-30.000, có lúc gần đến 40.000 đồng một ký cau non tươi!
Khép lại việc trồng thêm cau ở hai năm tới với khoảng 3.500 cây cau quanh nhà, ông Xuân nói vậy là ông đã thỏa được mong muốn mà ông đã nhen nhúm từ ngày phục hồi lại việc trồng cau trên mảnh vườn của ông cha mình. “Đến chừ mình đã thấy đời mình đã gắn với cái vườn cau như ông bà mình, cha mẹ mình thời trước. Nhưng trái cau chừ bán chạy hơn thời trước trăm lần. Chủ buôn miền Bắc đổ đến đây mở lò sấy cau non để xuất khẩu. Người Tiên Lãnh mình cũng học làm theo được mấy năm rồi. Trái cau non còn thiếu để bán ra. Nhưng gặp lúc bí thì bán hột cau già cũng được!”, ông Xuân nói với vẻ phấn chấn bên vườn cau hàng hàng lớp lớp.
Ông Võ Tấn Thu, Trưởng ban Nông nghiệp xã Tiên Lãnh, nói rằng vườn cau của ông Xuân nổi bật toàn xã do đây là vườn cau có đến hàng ngàn cây được trồng trong chỉ một khu vườn nhà. Ông Xuân cũng là chủ vườn có cách trồng, cách chăm sóc cây cau phù hợp nên vườn cau của ông mới được kết quả thế này. “Nhờ ông Xuân kiên trì, quyết đeo đuổi với việc trồng cau lâu nay nên gia đình ông có được khoản thu nhập đáng kể, nhất là ở thời điểm trái cau non được giá liên tục từ năm năm nay”, ông Thu nhận xét.
Huỳnh Văn Mỹ - Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn