Trầm hương – những mảng sáng tối
Về Tiên Phước, vùng đất của trầm hương và cũng là nơi trồng cây dó bầu (loại cây có khả năng tạo trầm) lớn nhất xứ Quảng, tôi may mắn được nghe kể chuyện đời cũng là chuyện nghề của những người đã một đời gắn bó với trầm. Trong câu chuyện ấy dẫu chỉ là của một cá nhân nhưng cũng đồng thời là một sự thức tỉnh cho nhiều người rằng không có sự thành công nào không phải trả giá.
Câu chuyện về trầm hương gắn với “truyền thuyết” về những chuyến vượt rừng, những câu chuyện hoang đường về người “đi điệu”, về những số phận đã thay đổi nhờ vào sự may mắn. Thế nhưng, có một thực tại còn khốc liệt hơn, câu chuyện trầm hương của những người nông dân với cây dó bầu.
Việt Nam hiện là nước có sản lượng trầm hương lớn thứ 3 trên thế giới sau Thái Lan và Indonesia. Và trầm hương Quảng Nam là một trong những thương hiệu có uy tín đã được các nước trong khu vực biết đến. Trầm hương có thể được sinh ra từ phần gỗ chứa nhiều nhựa thơm từ thân cây dó bầu. Khi sản phẩm tự nhiên ngày càng cạn kiệt thì tạo trầm từ cây dó bầu đã tạo thành làn sóng ồ ạt.
Khoan tạo trầm cho cây dó bầu tại Tiên Phước. |
Sau nhiều lần hẹn gặp tôi cũng gặp được ông N.T.Hiệp năm nay đã gần 60 tuổi. Ông Hiệp quê gốc ở Đại Lãnh (H. Đại Lộc) nhưng sau nhiều năm bôn ba nay ông sống cùng con cháu tại thị trấn Tiên Kỳ (H. Tiên Phước). “Nói tới trầm thì là cái nghiệp của cả gia đình tôi. Hồi trước cha tôi đã từng làm phu vàng trên núi. Nhưng sau đó ông cụ được rỉ tai về những chuyến đi tìm trầm hương sẽ thay đổi số phận, vậy là ông cùng một số phu vàng khác lên đường. Chẳng biết cha tôi có tìm được trầm hay không nhưng những câu chuyện về sự khó khăn, nguy hiểm trong những chuyến đi điệu của ông thì tôi nhớ mãi. Và cũng có khi vì tâm linh, vì những mối nguy hiểm rình rập những người tìm trầm trở nên rất kín tiếng”, ông Hiệp nhớ lại.
Sau này già yếu cha ông Hiệp lại về quê làm vườn còn ông Hiệp theo chân thanh niên trong làng vào TPHCM làm thợ công trình. Những năm 2000, phong trào trồng cây dó bầu tạo trầm manh nha ở Tiên Phước nên ông Hiệp quyết định đầu tư trồng dó bầu để nối nghiệp cha.
Ông Hiệp bên cây dó đang bắt đầu tạo trầm. |
“Những người tiên phong trồng dó bầu hồi ấy đa phần đều chưa có kinh nghiệm nhưng nghe nhiều người nói loại cây dó bầu này trồng dễ như trồng rừng, đã phát triển mạnh ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương nên tôi mạnh dạn đầu tư 500 gốc”, ông Hiệp cho biết. Những năm đầu tiên đúng là “vật vã”, một phần vì thời tiết khắc nghiệt, phần vì phải chạy tới chạy lui tìm cách tạo trầm cho cây. Những hộ trồng dó bầu khi ấy chỉ biết chung chung về quá trình tạo trầm mà không biết rằng từ dó bầu thành trầm không hề đơn giản, chỉ cần sai một bước cũng khiến “xôi hỏng bỏng không”.
Sau nhiều lần tìm cách khoan, cắt, đóng đinh, cây dó vẫn không tạo được trầm, ông Hiệp đành nhờ đến những thợ tạo trầm bằng hóa chất. “Một lần nữa gia đình tôi điêu đứng khi những người tạo trầm cấy thuốc và hứa hẹn đủ điều nhưng kết quả thế nào thì tùy... may rủi. Họ xong phần việc của họ mà số dó bầu vẫn nguyên như cũ”, ông Hiệp ngậm ngùi. Biết mình đi sai đường ông Hiệp đành bán chỗ cây còn lại với giá bèo bọt.
Vườn ươm dó bầu của ông Hiệp. |
Mất 3 năm trời cho cây dó nhưng đành phải ngậm ngùi trắng tay, số vốn gom góp trong thời gian còn ở Sài Gòn đã hết, giấc mộng trầm kỳ một lần nữa tiêu tan. Sau chục năm bôn ba với cây dó bầu với nhiều thất bại, chán nản nhưng có lẽ đã thành cái nghiệp nên ông Hiệp vẫn cố bám trụ với nghề. Đến nay, khi nghề trồng cây dó tạo trầm đã trở nên phổ biến tại Tiên Phước, công việc của ông Hiệp cũng dần ổn định hơn, ông nay làm chủ một vườn ươm chuyên cung cấp cây con.
Dẫn tôi ra sau vườn chỉ vào khu vườn ươm với những cây dó còn non đang lên xanh mơn mởn, ông Hiệp bảo: “Ai mà nghĩ rằng một trong số những gốc cây dó nhỏ bé chỉ có giá 2 nghìn đồng ni lại có thể cho tiền tỷ khi tạo được trầm? Nhưng với tôi không có sự may mắn nào hơn bằng sự lao động chân chính. Giấc mơ trầm kỳ có lẽ còn quá xa vời”.
Đồng Dao - Báo CA Đà Nẵng