Trở về vì tình yêu và nỗi nhớ quê nhà
Ước mơ cháy bỏng đóng góp công sức làm giàu cho quê hương đất Quảng chẳng biết có trong tâm trí ông tự bao giờ. Chỉ biết, chính tình cảm đó đã tiếp sức cho ông vững bước trên con đường lập nghiệp với một ý chí, và nghị lực phi thường cùng một hoài bão lớn…
Cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Châu, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank gieo vào lòng tôi nhiều suy tư trong một chiều nắng ấm của mùa xuân trên quê hương Đà Nẵng.
Phía bên kia sông Hàn, trong ngôi biệt thự lộng gió nhìn ra biển, câu chuyện của ông Châu đã đưa tôi ngược dòng quá khứ trở về quê hương ông, về thời thơ ấu, về những thăng trầm trong cuộc sống và quá trình phấn đấu của ông... cuốn hút tôi như một cuốn phim quay chậm thật ấn tượng và giàu nhân bản về một con người.
Trở về cố hương
Xuất thân là dân kỹ sư cơ khí chế tạo mang thương hiệu Đồng Tâm, đã hơn 55 năm vào đời, gần 40 năm học tập và lao động, từng tham gia hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, là cổ đông sáng lập và làm việc liên tục tại Sacombank từ ngày mới ra đời cho đến nay, Nguyễn Châu đã trải qua không ít những thăng trầm, biến cố và bao kỷ niệm khó quên để thu về những giá trị cho mình chiêm nghiệm sau những chuyến đi dài, gặp gỡ bao con người... Rồi như thể là định mệnh, cuộc đời ông lại quay về với quê hương nhưng không phải để an dưỡng mà tiếp tục làm việc với mong muốn có thể giúp đỡ các doanh nghiệp trẻ tại địa phương phát triển. “Trở về Đà Nẵng - là tôi muốn nói đến tình cảm của những người con xa quê, không chỉ một vài lần về thăm như mọi lần về, mà về để gắn bó đời mình trong công việc và cuộc sống, về để thừa hưởng sinh khí từ quê hương và đền đáp nghĩa quê hương” – ông thổ lộ.
Khi được hỏi điều gì làm ông ấn tượng khi trở về quê hương đất Quảng sau hơn nửa thế kỷ xa cách? Ông Châu bảo, TP.Đà Nẵng không chỉ là quê hương mà một nơi đáng sống về nhiều mặt. Bạn có thể tập thể dục trên biển với không khí trong lành mát mẻ vào mỗi buổi sáng; đưa gia đình đến nhiều khu du lịch sinh thái thư giãn sau những giờ làm việc mệt nhọc; nhâm nhi những món đặc sản từ những vùng quê xứ Quảng trong bầu không khí an bình; có thể thức qua đêm ngắm cầu quay hay thưởng lãm những sắc màu của những cây cầu Thuận Phước, Hòa Xuân, Nguyễn Tri Phương… nối những khu đô thị hiện đại đã và đang hình thành. Thật dễ chịu, với từng góc phố và những hàng xóm thanh bình và thân thiện hiện hữu.
Nay đã ngoài thất thập cổ lai hi, nhưng ở ông vẫn còn toát lên sự trẻ trung, lạc quan trong cuộc sống, trong công việc. Thế nhưng, nếu trò chuyện với ông lâu hơn về những kinh nghiệm trên thương trường, người nghe sẽ bị thuyết phục bởi những lý lẽ giản dị nhưng rất thông minh của ông, bởi những nhận định sắc sảo, có tầm chiến lược về định hướng thị trường và đầu tư, về những thủ thuật trong kinh doanh để đạt hiệu quả cao nhất... cũng bởi cái "tài" của một doanh nhân, cái "tâm" của một nhà tổ chức, cái "tình" của "một người con xứ Quảng" với ý nghĩa đầy đủ nhất của từ này, mặc dù ông chưa bao giờ tự nói về mình như thế.
Mới đây, trong một lần tiếp xúc với ông Châu cũng như nhiều bậc cao niên trong cộng đồng bà con xứ Quảng tại TP.HCM, ông rất phấn khởi khi thấy đông đảo bà con có dịp tề tựu, sôi nổi những câu chuyện về quê hương, cùng nhau bàn thảo những kế sách nơi quê nhà. Ông thổ lộ: “Lẽ ra nên có những cuộc gặp gỡ như thế sớm hơn, mặc dù nó không bao giờ là muộn để bắt đầu làm những việc tốt đẹp”.
Yêu thương luôn quay về…
Từ một cậu học trò nhỏ sống xa gia đình với ý nguyện ra sức học tập để góp phần xây dựng quê hương, đất nước, rồi ly hương vào Sài Gòn để vừa làm vừa học cho đến khi trở thành nhà giáo, nhà quản trị xuất sắc, một nhà quản lý, lãnh đạo tài năng của Sacombank… nhưng trong ông vẫn còn nguyên vẹn một tình cảm sâu nặng với quê hương, luôn khao khát một ngày sẽ được về lại quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng, sống và làm việc như ông nói: “Giúp được gì cho quê hương thì tôi sẵn lòng”.
Suốt nhiều năm qua, những suy nghĩ đó đã được ông hiện thực hóa sinh động bằng việc ủng hộ xây dựng trường THCS Lê Đình Chinh ở xã Tiên Lộc (Tiên Phước); trang bị gần 40 máy vi tính cho các trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, THPT Phan Chu Trinh thuộc thị trấn Tiên Kỳ, trường THCS Lê Đình Chinh thuộc xã Tiên Lộc; cấp học bổng cho sinh viên nghèo hiếu học hằng năm; đóng góp 20 triệu đồng hằng năm và ông cam kết sẽ đóng góp đến cuối đời cho Quỹ khuyến học và Quỹ khen thưởng Huỳnh Thúc Kháng… Ngoài ra, ông còn thường xuyên đóng góp ủng hộ cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bị thiên tai, bão lũ… Đối với Nguyễn Châu, những việc ông làm không vì thành tích để được khen thưởng mà bằng cái tâm. Ông quan niệm, còn sống thì phải làm việc có ích cho đời, cho xã hội, còn sức thì còn làm, giúp đỡ được cho ai thì nên cố gắng giúp.
Ngày xưa, đất Quảng có một cậu học trò lớn lên bằng giấc mơ trở thành nhà khoa học. Ngày nay, một nhà khoa học thành đạt vẫn hướng về quê nhà để nâng đỡ những người nghèo khó, và góp phần đưa quê hương giàu mạnh. Mỗi lần trở về là mỗi lần ông thắp lên những niềm hy vọng. Khi thì ông mang về quê những suất học bổng, có lần ông lại mang về tặng quê hương những máy móc, thiết bị vi tính và các phần mềm công nghệ thông tin.
Xã hội vẫn còn những mảnh đời cơ cực và bất hạnh bởi muôn ngàn lý do khác nhau… Việc làm từ thiện của ông trong nhiều năm nay đã được UBND tỉnh Quảng Nam, UBND huyện Tiên Phước tặng nhiều giấy khen, bằng khen, và đặc biệt ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Huy chương vì sự nghiệp giáo dục… Với ông, mong ước lớn nhất là tiếp tục góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành giáo dục Quảng Nam xứng tầm với tiềm năng vốn có, để không làm hổ thẹn là con cháu ở quê hương Ngũ Phụng Tề Phi.
Chia tay “Chú Châu”, trong lòng chúng tôi cảm phục về một tấm lòng một doanh nhân đã có tuổi đang ngày đêm trăn trở, suy nghĩ để góp phần chăm chút cho sự nghiệp “trồng người” đầy khó nhọc. Chúng tôi đều biết rằng, sức khỏe “Chú Châu” ngày càng giảm sút nhưng có lẽ, ý chí và sự tận tâm cho công tác “khuyến học khuyến tài xây dựng xã hội học tập” của ông như một ngọn lửa cháy mãi.
Và, cuộc sống này thật đẹp khi có những tấm lòng như thế!
Giờ đây, ước nguyện lớn nhất của ông là mong muốn có điều kiện để tham gia nhiều vào công tác khuyến học; và có thời gian để viết hồi ký, chủ yếu là để đúc kết kinh nghiệm, xem đó như là tài sản để lại cho con cháu và truyền lại cho thế hệ kế thừa. |
Khắc Kiều - Đặc san Người Quảng Xa Quê