www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Trồng thanh trà hữu cơ đem lại thu nhập cao

Cải tạo hơn 1ha đất gò đồi, anh Lê Đức Vũ (27 tuổi, xã Tiên Ngọc, Tiên Phước) trồng cây thanh trà bằng phương pháp hữu cơ, bước đầu mô hình đã đem lại thu nhập ổn định.

 

Vườn thanh trà hữu cơ của gia đình anh Vũ đem lại thu nhập ổn định. Ảnh: N.Q
Vườn thanh trà hữu cơ của gia đình anh Vũ đem lại thu nhập ổn định. Ảnh: N.Q

Anh Vũ kể, những năm 2016, anh chạy taxi ở TP.Đà Nẵng, thu nhập tương đối ổn định. Sau 2 năm mưu sinh ở Đà thành, anh trở về quê lập nghiệp và chọn canh tác cây thanh trà. 

“Tôi thấy ở quê, nhiều hộ dân trồng cây thanh trà cho năng suất và chất lượng thấp, đến khi thu hoạch thường bị thương lái ép giá, nên tôi nghĩ cách làm sao có thể đưa loại trái cây này ra thị trường đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, giá cả ổn định và tôi đã thử nghiệm trồng thanh trà bằng phương pháp hữu cơ” – anh Vũ chia sẻ. 

Nói là làm, từ vườn cây thanh trà của gia đình, anh Vũ chiết cành và trồng thành công 200 cây thanh trà trên đất gò đồi. Lúc mới trồng, anh được chính quyền hỗ trợ phân bón, cử người đến hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây thanh trà từ khi mới trồng cho đến khi thu hoạch quả.

Anh Vũ đang chăm sóc vườn thanh trà đang ra quả. Ảnh: N.Q
Anh Vũ đang chăm sóc vườn thanh trà đang ra quả. Ảnh: N.Q

Hơn 5 năm nay, anh Vũ trồng cây thanh trà trên 1ha đất gò đồi của vườn nhà, không dùng phân hóa học, không phun thuốc bảo vệ thực vật mà thay vào đó anh tự ủ phân hữu cơ vi sinh để chăm bón cho vườn cây của mình. 

Anh Vũ cho biết thêm, sản xuất theo mô hình này, người dân mất nhiều công sức hơn do không sử dụng phân bón hay thuốc hóa học. Từ khâu bón phân, trị bệnh cho cây đều theo quy trình nghiêm ngặt. 

Cạnh đó, người trồng phải tự ủ các loại phế phẩm sinh học từ rượu, gừng, tỏi… để trị bệnh cho cây. Nhưng bù lại, quả thành trà sạch, giá cả và đầu ra của trái thanh trà ổn định, được nhiều người ưa chuộng.

Phân trùn quế được dùng để bón cho cây thanh trà. Ảnh:N.Q
Dùng phân trùn quế được để bón cho cây thanh trà. Ảnh: N.Q

Đến nay, anh Vũ vườn thanh trà của anh Vũ đã cho thu hoạch, mỗi năm anh bán ra thị trường gần chục tấn quả, với giá dao động 20 - 25 ngàn đồng/kg, sau khi trừ hết các khoản chi phí đem lại cho anh gần 80 triệu đồng/năm. 

Cũng theo anh Vũ, trồng thanh trà hữu cơ tạo sự khác biệt rất nhiều so với trồng thanh trà truyền thống, quả to đều, chín ngọt, sâu bệnh ít phá hoại…. "Trồng thanh trà hữu cơ có thể bảo vệ sức khỏe người trồng và bảo vệ môi trường, chất lượng cũng như giá trị sản phẩm được nâng lên” – anh Vũ chia sẻ.

Quả thanh trà được bọc bằng túi giấy để sâu bọ không gây hại. Ảnh: N.Q
Quả thanh trà được bọc bằng túi giấy để sâu bọ không gây hại. Ảnh: N.Q

Ở xã Tiên Ngọc, anh Vũ không chỉ là người trồng thanh trà hữu cơ đầu tiên và mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều thanh niên khác ở địa phương cùng phát triển kinh tế. 

Thời gian tới, anh Vũ dự định sẽ mở rộng diện tích trồng thanh trà hữu cơ, và tìm hướng đưa quả thanh trà vào các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, để nhiều người tiêu dụng được biết đến loại trái cây này.

Quả thanh trà trồng bằng phương pháp hữu cơ có mùi vị ngọt thanh, sạch sẽ. Ảnh: N.Q
Quả thanh trà trồng bằng phương pháp hữu cơ cho quả to, đều, có vị ngọt thanh. Ảnh: N.Q

Ông Trần Văn An - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiên Ngọc cho biết, hiện nay ở địa phương có khoảng 300 hộ trồng thanh trà. Thời gian qua, hội đã mở nhiều lớp tập huấn hướng dẫn và khuyến khích người dân trồng cây ăn quả theo phương pháp hữu cơ.  

“Mô hình trồng thanh trà hữu cơ của Vũ cho năng suất cao, đầu ra của sản phẩm ổn định, đây là hướng đi mới cho nhà vườn. Vũ là một trong những thanh niên chịu khó, cần cù và sản xuất kinh tế giỏi ở địa phương” - ông An nói. 

Nguyễn Quỳnh - Báo Quảng Nam