Trả lời cử tri về nông nghiệp
Thực hiện Công văn số 34/ĐĐBQH-QP ngày 17.5.2019 của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam về đề nghị trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV; UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan giải quyết, trả lời ý kiến cử tri theo thẩm quyền, trong đó có nhiều vấn đề về nông nghiệp.
Cụ thể, cử tri kiến nghị một số diện tích đất trồng lúa trên địa bàn huyện Tiên Phước có năng suất rất thấp, đã bỏ hoang nhiều năm nay. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, kiểm tra, đánh giá, phân loại và xem xét có cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả, cây lâu năm để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Về việc rà soát, kiểm tra, đánh giá những diện tích đất này thuộc thẩm quyền của địa phương. Vì vậy, đề nghị UBND huyện Tiên Phước chỉ đạo các ban, ngành liên quan của huyện phối hợp với UBND các xã tiến hành rà soát, đánh giá, tổng hợp những diện tích nằm trong trường hợp này trên địa bàn quản lý. Từ đó, lựa chọn những loại cây trồng chuyển đổi cho phù hợp, đảm bảo đầu ra của sản phẩm để hướng dẫn nông dân chuyển đổi nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, UBND huyện Tiên Phước cần nghiên cứu cơ chế hiện hành của tỉnh, trung ương áp dụng hỗ trợ người dân thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Đơn cử: Cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (Quyết định số 331/QĐ-UBND ngày 30.1.2019); Quyết định số 3420/QĐ-UBND ngày 13.11.2018 phê duyệt các ngành hàng, sản phẩm khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và phân cấp phê duyệt hỗ trợ dự án liên kết theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5.7.2018 của Chính phủ về chính sách khuyên khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... Thời gian tới, đề nghị Sở NN&PTNT tiếp tục nghiên cứu và bố trí một số mô hình chuyển đổi trên đất lúa tại huyện Tiên Phước nhằm mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân.
Cử tri đề nghị xem xét phê duyệt Kế hoạch thực hiện huyện nông thôn mới (NTM) đến năm 2020, định hướng đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2022 của huyện Tiên Phước; đồng thời, quan tâm bố trí kinh phí để huyện triển khai thực hiện đảm bảo lộ trình, kế hoạch đề ra.
Theo Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 3.7.2018 của UBND huyện Tiên Phước về xây dựng huyện Tiên Phước đạt chuẩn huyện NTM giai đoạn 2018 - 2022, tổng nguồn lực UBND huyện Tiên Phước đề xuất để đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2022 là 932,5 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương và tỉnh là 632,9 tỷ đồng; ngân sách huyện là 98,06 tỷ đồng; nguồn lồng ghép là 189,7 tỷ đồng; ngân sách xã và huy động khác là 11,9 tỷ đồng. Theo đó, tổng nguồn kinh phí ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh, UBND huyện Tiên Phước đề nghị hỗ trợ là 632,9 tỷ đồng, rất khó có khả năng cân đối nguồn trong giai đoạn hiện nay. Do đó, UBND tỉnh chưa có chủ trương phê duyệt Kế hoạch huyện NTM Tiên Phước mà chỉ đạo các sở, ngành hướng dẫn, hỗ trợ lồng ghép nguồn lực để huyện Tiên Phước phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2022.
Thời gian đến, yêu cầu Văn phòng Điều phối NTM tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh lồng ghép, hỗ trợ thêm nguồn lực để Tiên Phước thực hiện tiêu chí xã NTM và thực hiện dần các tiêu chí huyện NTM. Sau khi trung ương tổng kết Chương trình NTM giai đoạn 2016 - 2020 và ban hành chủ trương, tiêu chí để thực hiện Chương trình NTM giai đoạn sau năm 2020, giao Văn phòng Điều phối NTM tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn huyện Tiên Phước điều chỉnh Kế hoạch huyện Tiên Phước đạt chuẩn NTM theo các tiêu chí huyện NTM ban hành cho giai đoạn 2021 - 2025 để trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch và hỗ trợ kinh phí để địa phương thực hiện.
Tây Bình - Báo Quảng Nam