www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Trường tân học Phú Lâm - Một mô hình giáo dục mới của phong trào Duy Tân

 Vào đầu năm 1904, một ngôi trường tân học được ra đời tại một vùng rừng núi của tỉnh Quảng Nam nhằm thực hiện mục tiêu "khai dân trí", đó là trường tân học Phú Lâm. Trường Phú Lâm là trường tân học đầu tiên của phong trào Duy Tân và cũng là một trong những trường lớn của tỉnh Quảng Nam thời bấy giờ (Phú Lâm, Diên Phong, Phước Bình, Quảng Phước, Cẩm Toại) do xã Sáu Lê Cơ thành lập với mục đích mở mang dân trí, hấp thụ văn minh như ông đã trình bày trong đơn gởi Tri phủ Thăng Bình về lý do xin lập trường: "Từ trước đến nay dân làng chúng tôi dốt nát, có mấy người học chữ Nho song chưa thông kinh sử, vả lại sự học ấy không hợp với khai hoá văn minh của chính phủ bảo hộ, vì thế dân muốn học quốc ngữ mưu cầu hấp thụ văn minh lại không có trường mà học... Vậy xin quan lớn cho mở trường học quốc ngữ... Đội ơn lắm lắm...". (1)

 

Trường Phú Lâm ban đầu được xây dựng tại phái Đông của làng Phú Lâm (làng Phú Lâm có 5 phái: Trung, Đông, Tây, Nam, Bắc), huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình (nay là xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) là trường tân học đầu tiên của cả nước (không tính đến Nam Kỳ vì Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp) có lớp nữ sinh riêng và nữ giáo viên.
        
Trường khai giảng vào ngày rằm tháng ba năm Giáp Thìn (30/4/1904), với đội ngũ giáo viên là những người trong phong trào, tình nguyện đến dạy, không nhận lương, chỉ lo cơm và tiền lộ phí cho thầy, còn học sinh nghèo thì được cấp giấy bút. Các khoản kinh phí này do những gia đình khá giả trong làng đóng góp và trích một phần từ tiền bán nông sản của các nông đoàn, các hợp tác xã.

Với sự cách tân táo bạo về nhiều phương diện, trường Phú Lâm có thể xem là một mô hình giáo dục mới của phong trào Duy Tân.

Mục đích, nội dung và phương pháp giáo dục của trường so với đương thời rất tiên tiến, thể hiện qua các mặt sau đây:

1) Phú Lâm là trường tân học đầu tiên của cả nước có lớp nữ sinh riêng và nữ giáo viên.

Khi mới mở, trường chỉ dạy nam sinh, ban ngày dạy thanh thiếu niên, buổi tối dạy cho những người lớn tuổi, ngày chủ nhật có tổ chức các sinh hoạt như: đánh cờ, đọc thơ, nói vè, diễn thuyết để tuyên truyền, vận động duy tân, cải cách xã hội và phổ cập kiến thức.

Trường làm bằng tranh tre do nhân dân trong xã đóng góp. Vì số người đi học tăng nhanh nên chỉ trong một thời gian ngắn Lê Cơ phải tiếp tục vận động nhân dân lập thêm trường dạy nam sinh, còn trường lập ban đầu chuyển qua dạy nữ sinh.

Lần đầu tiên phái nữ được cắp sách đi học, được đào tạo như nam sinh, xoá bỏ kỳ thị giới tính. Đây là điểm nổi bật của trường Phú Lâm vì so với Đông kinh nghĩa thục thành lập năm 1907 tại Hà Nội, sau Phú Lâm ba năm, với một qui mô lớn, lực lượng giáo viên hùng hậu, tài giỏi mà cũng không mở được lớp nữ sinh riêng như trường Phú Lâm, điều này càng chứng tỏ tài năng và tinh thần cách mạng của Lê Cơ trong thời kỳ mà phái nữ còn bị liệt vào loại "phụ nhân nan hoá" chỉ ở trong nhà lo việc bếp núc, nội trợ chứ không có quyền được đi học, đi thi hoặc tham gia những công việc ngoài xã hội.

Làm thay đổi một quan niệm cổ hủ, lạc hậu đã ăn sâu cỗi rễ vào đời sống của nhân dân ta qua bao đời nay quả là không dễ và chắc chắn phải gặp sức chống đối mạnh mẽ của những người thủ cựu. Thế mà Lê Cơ đã vượt qua được lực cản lớn lao đó, đã thành công trong sứ mạng đem lại cho nữ giới quyền học tập, mở mang trí tuệ, bình đẳng với nam giới. Hơn thế nữa, ông còn đào tạo được hai nữ giáo viên: cô Lê Thị Mười (chị bên ngoại của Phan Châu Trinh) và cô Bảy Lẹ, họ cũng là những nữ giáo viên đầu tiên của cả nước.
 
Ngày nay, phụ nữ đã được bình đẳng với nam giới, việc nữ sinh cắp sách đến trường hay người phụ nữ tham gia vào mọi lãnh vực và đạt được những vị trí, thành tích cao trong xã hội như tiến sĩ, giáo sư, thứ trưởng, bộ trưởng, phó chủ tịch nước v.v... cũng không phải là chuyện lạ, không có gì đáng ngạc nhiên, vì người phụ nữ cũng được đào luyện và có tài năng như nam giới còn thời kỳ của Lê Cơ-thời phong kiến trọng nam khinh nữ-mà vận động được nhân dân cho các em nữ đi học và mở được một lớp học riêng cho nữ sinh tại một vùng núi non cách trở thì quả là một kỳ tích.

Đây là một việc làm có ý nghĩa lớn lao trong mục tiêu khai dân trí, cải cách xã hội, đem lại quyền bình đẳng cho nữ giới mà Lê Cơ và trường Phú Lâm là lá cờ đầu trong phong trào duy tân của cả nước. 

                      Nền cũ trường tân học Phú Lâm ngày hôm nay

 2) Trường Phú Lâm dạy chữ quốc ngữ để làm công cụ khai dân trí và truyền bá tư tưởng Duy Tân.

Các nhà lãnh đạo phong trào Duy Tân nhận thấy rằng muốn tiến bộ, muốn chống lại thực dân phải làm cho dân khôn ra, phải "cắt cái ngu, cái dại" đã đưa dân tộc vào vòng nô lệ.

Công cụ để tiến hành sứ mệnh đó không gì tiện dụng hơn chữ quốc ngữ.

Mặc dù lúc bấy giờ chữ quốc ngữ còn nhiều nhược điểm, nhưng so với chữ Nôm thì nó dễ nhớ, dễ học, đơn giản, tiện lợi và có tính khoa học hơn nhiều.
 
Đây là một việc làm đầy khó khăn.

Ở vào cái thời mà chữ Nho tuy đã bước vào con đường suy tàn nhưng vẫn còn được dân chúng tôn sùng, xem là thứ chữ của thánh hiền, cho dù là một miếng giấy bỏ nếu có chữ Nho thì cũng được kính cẩn lượm lên để trên bàn hoặc đem đốt đi chứ không dám dùng vào những việc dơ bẩn, thiếu trang nghiêm, thế thì việc trường Phú Lâm cổ xuý học chữ quốc ngữ làm sao tránh khỏi sự chống đối của những người bảo thủ.

Từ chỗ bài Tây, tả đạo, cái gì của thực dân cũng ghét huống gì chữ viết là đại sự của quốc gia lại do kẻ thù xâm lược tạo ra, vì vậy nhiều người cương quyết không cho con em đi học "thứ chữ của Tây, của cố đạo, thứ chữ phản quốc". Nhưng nhờ sự kiên trì tuyên truyền, vận động của các nhà cách mạng, nhiệt tình giảng dạy của giáo viên, dần dần quần chúng cũng ý thức được chữ quốc ngữ là nguồn lợi của nước nhà, có quan hệ sinh tử đối với vận mệnh đất nước, là "cái hồn" của dân tộc:

"Chữ quốc ngữ là hồn trong nước
Phải đem ra tỉnh trước dân ta"

Càng ngày, số người theo học càng đông tạo nên một phong trào học chữ quốc ngữ rầm rộ mang tính đại chúng.

Chữ quốc ngữ trở thành phương tiện hữu hiệu để mở mang dân trí, phổ biến tư tưởng mới.

Trong sự nghiệp truyền bá chữ quốc ngữ của phong trào Duy Tân những năm đầu thế kỷ XX, Lê Cơ và các giáo viên của trường Phú Lâm có công rất lớn.

3) Phương pháp giáo dục mới mẻ, tiến bộ: Giáo dục thực dụng và có tính cách hướng nghiệp.

Trường Phú Lâm có khoảng trên 150 học sinh (2) vừa nam vừa nữ. Với chủ trương khai dân trí, người đi học không bị hạn chế tuổi tác, không phân biệt giới tính, ai cũng có thể đến trường để học, tuỳ theo trình độ mà xếp lớp.

Chương trình học uyển chuyển, biến hoá theo hoàn cảnh, nhu cầu của địa phương và luôn được bổ sung những môn học mới.

Trường dạy chữ quốc ngữ, chữ Hán, chữ Tây, các môn khoa học tự nhiên (toán, cách trí), khoa học xã hội (sử ký, địa dư), vẽ, thủ công, thể dục.
 
Sách giáo khoa không nhiều, chủ yếu là các sách: Bác vật chí của Phạm Phú Thứ (dạy về các môn khoa học như sấm, chớp, điện lực, xe lửa), Dinh hoàn chí lược của Trung Quốc (viết về địa lý thế giới), Đại Nam nhất thống chí (nói về địa lý, kinh tế, xã hội Việt Nam), Quảng Nam dư địa chí (viết về địa lý tỉnh Quảng Nam), những bài vè, bài ca do các sĩ phu của phong trào sáng tác như: Vè trái đất (địa lý), Bài ca nâng nhẹ (Toán) và những bài ca tuyên truyền, phát động phong trào Duy Tân, kích thích chí tự lập, tự cường của mọi người như bài Khuyến học hay còn gọi là Chiêu hồn nước, hô hào học chữ quốc ngữ:

Chữ quốc ngữ là hồn trong nước
Phải đem ra tỉnh trước dân ta
Sách Âu Mỹ, sách Chi Na
Chữ kia chữ nọ dịch ra tinh tường
... Một người học, muôn người đều biết
Trí đã khôn trăm việc phải hay
Lợi quyền đã nắm trong tay
Có ngày tấn hoá, có ngày văn minh.

Bài ca Khuyến thương, Khuyến nông của Trần Quý Cáp cổ vũ nhân dân lập thương hội, nông hội để phát triển kinh tế, bài Tỉnh quốc hồn ca của Phan Châu Trinh đề cao tinh thần tự lập tự cường, kêu gọi ái quốc, ái quần và cả thơ văn của Phan Bội Châu từ Nhật gởi về để khơi dậy tinh thần yêu nước, căm thù quân xâm lược, sẵn sàng hy sinh cho tổ quốc.

Đặc biệt Huỳnh Thúc Kháng có làm bài ca chúc các cơ sở Duy Tân ở Phú Lâm, học sinh sau mỗi buổi học đứng dậy ca:

... Chúng tôi vui thấy Hội này,
Mở lời kính chúc quí thầy đôi câu:
Một chúc thương cuộc đặng lâu
Lợi quyền giữ lại của mình hầu sanh.
Hai chúc học hành cho giỏi,
Theo người hay tìm tỏi cho nên.
Ba chúc cái lòng cho bền,
Ai ai cũng quyết đứng lên vũ đài.
Bốn chúc đạo khai dân trí,
Dạy con em nghĩa lý cho minh....

Về Toán thì dạy các phép cộng, trừ, nhân, chia, tính đố. Nội dung nhiều bài giảng được viết dưới dạng văn vần để học sinh dễ nhớ và dễ tuyên truyền, phổ cập trong quảng đại quần chúng.

Ngoài các môn văn hoá, học sinh còn được học các môn thủ công, làm những đồ dùng cần thiết trong đời sống hàng ngày, chấm điểm xong được đem về nhà dùng.

Tuy còn ở mức độ thấp, nhưng, đây chính là mục tiêu hướng nghiệp cho học sinh, dạy cho học sinh biết một nghề khi còn ngồi trên ghế nhà trường để chuẩn bị hành trang vào đời. Ở vào thời mà người đi học còn được coi là "bạch diện thư sinh", "trói gà không chặt", không phải lao động tay chân, chỉ lo dùi mài kinh sử, thì việc dạy nghề trong nhà trường thể hiện một quan điểm giáo dục mới mẻ, tiến bộ. Hãy nghe các nhà Duy Tân quan niệm về vấn đề này:

Học là học có nghề có nghiệp
Trước giữ mình sau giúp người ta
Trâu cày ruộng, chó giữ nhà
Người không nghề nghiệp ắt là hư sanh!

(Gióng trống Duy tân)

Hiện nay hướng nghiệp trong các trường Phổ thông vẫn còn là một vấn đề mang tính hình thức và đối phó vì học sinh chỉ lo miệt mài ôn luyện các môn văn hoá để đi thi, học nghề chỉ cốt được cọng điểm vào kết quả thi cử khi cần thiết chứ không nhằm mục đích học để trau dồi cho bản thân một nghề.

Trường Phú Lâm còn dạy các môn quân sự dưới hình thức thể dục như tập bò, leo đồi, đánh trận, học sinh dùng dù thay cho súng để tập các động tác khi thì trườn lên bắn, khi lui về thủ, lúc nghỉ thì chụm cả ba cây dù giống như chống ba khẩu súng, hoặc tập đánh thành bằng cách phóng dây lên cành cây rồi đu người leo qua. Những môn thể dục này không những giúp cho học sinh rèn luyện thân thể tráng kiện để có một trí óc sáng suốt mà còn tập cho học sinh có tinh thần kỷ luật, phản ứng nhanh nhẹn, làm quen với những thao tác quân sự, sẵn sàng chiến đấu khi cần.

Trường Phú Lâm còn tổ chức cho học sinh tham gia các kỳ khảo hạch chung với học sinh các trường tân học ở những vùng lân cận.

Vào những ngày rằm, mồng một hàng tháng, học trò tụ họp lại, trường này dẫn sang trường kia theo một thời khoá biểu luân phiên để học sinh làm bài kiểm tra chung với nhau. Nhờ thế học sinh các trường dễ quen nhau, cùng nhau thi đua học tập, trao đổi kinh nghiệm, đó cũng là cách tổ chức cho học sinh du ngoạn, học địa lý địa phương, hiểu biết dân tình một cách thực tế nhất. Vào những ngày khảo hạch, khu vực có trường tập trung học sinh trở nên đông vui, tạo được sự thông cảm giữa học sinh và nhân dân trong vùng do có sự giao lưu thân mật, đây cũng là dịp để tuyên truyền rộng rãi trong quần chúng những chủ trương của phong trào Duy Tân và cũng chính là một sự cách tân mạnh mẽ trong phương pháp giáo dục: thay lối học từ chương bằng phương pháp giáo dục mới gắn liền với đời sống thực tế.

4) Tổ chức học tập theo thời vụ: "thả học thả canh"

Trường Phú Lâm cũng như các trường tân học trong tỉnh đều áp dụng nguyên tắc "thả học thả canh" vừa làm ruộng vừa học. Học sinh đến trường vào lúc nông nhàn, không bận việc đồng áng, nghỉ học vào những ngày mùa để gieo trồng gặt hái, chứ không nghỉ hè ba tháng như ngày nay. Nguyên tắc này rất thiết thực, phù hợp với đời sống của người nông dân Việt Nam thời bấy giờ.

Đối với nước ta, một nước nông nghiệp lạc hậu, những khi vào thời vụ rất thiếu lao động, gia đình cần có con em giúp đỡ làm lụng, trông coi mùa màng. Nếu lịch học không bố trí hợp lý để tạo điều kiện cho học sinh vừa học tập lại vừa có thể giúp đỡ gia đình sản xuất sẽ dẫn đến tình trạng học sinh hoặc lơ là học tập, hoặc bỏ bê công việc đồng áng, thậm chí có bậc cha mẹ còn buộc con em nghỉ học để sản xuất nữa. Nguyên tắc "thả học thả canh" còn chứng tỏ nhà trường đã gắn chặt vào đời sống nông nghiệp của quần chúng, học đi đôi với hành, học văn hoá kết hợp với lao động sản xuất, vì vậy việc học đó rất thực tiễn, học sinh có thể vận dụng những điều đã học ở nhà trường vào đời sống.

Ngày nay nền giáo dục của ta đang ra sức thực hiện những mục tiêu giáo dục này, nhưng trong thực tế không ít con em chúng ta hầu như chỉ học mà không hành và ngày càng tiến gần đến lối học từ chương khoa cử làm thui chột óc sáng tạo của mình. Để tranh nhau lọt vào các trường công lập, trường năng khiếu, trường đại học v.v... học sinh phải học thuộc lòng tất cả, thuộc các môn lý thuyết đã đành, đến các bài toán, bài làm văn cũng học thuộc vì sợ rằng tự mình giải bài sẽ không hay, không đúng hoàn toàn với đáp án, sẽ không được điểm cao, cho nên không lạ gì khi giáo viên chấm bài kiểm tra hoặc bài thi của học sinh thường gặp nhiều bài đúng cũng giống nhau mà sai cũng giống nhau, nhiều bài văn đúc khuôn nhau không phân biệt được ai chép của ai vì do nhiều học sinh cùng luyện từ một lò, cùng thuộc một bài mẫu. Tình trạng học và thi này nhất thiết phải được chấn chỉnh mới mong tuyển chọn đúng nhân tài cho đất nước.

5) Học để mở mang trí tuệ chứ không phải học để thi.

Điều mới mẻ hơn hết, cách mạng hơn hết ở trường Phú Lâm nói riêng và các trường Duy Tân nói chung chính là chủ trương học để mở mang trí tuệ, học để có kiến thức, học để biết chứ không phải học để thi. Cụ Phan Châu Trinh đã thấy "Cái học khoa cử làm hại nước ta đã lâu, ngày nay đã thành đồ bỏ, mà sĩ phu ta còn chui đầu vào trong như kiến..." (Huỳnh Thúc Kháng-Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử) nên cụ đã làm bài thơ "Chí thành thông thánh" và cụ Trần Quí Cáp làm bài phú "Danh sơn lương ngọc" để đả kích lối học khoa cử khi các cụ đi ngang qua tỉnh Bình Định. Vì vậy Phan Châu Trinh cũng như các nhà lãnh đạo phong trào Duy Tân cương quyết chống lại lối học đó.

Mục đích dạy và học ở các trường Duy Tân là cốt đào tạo những con người có kiến thức, có thực tài, để phục vụ nhân dân chứ không phải học để thi lấy bằng cấp, để vinh thân phì gia. Điều này đã được nói rõ trong bài Gióng trống duy tân:

.... Học hành cho giỏi cho mau tỉnh hồn.
Học là học trí khôn các nước,
Việc quốc dân gánh trước phận mình.
Học là học văn minh,
Nước nhà giàu mạnh thì mình cũng vinh.
Học là học cho minh công lý,
Thấy việc chi hợp lý thì làm.
Giàu sang lợi lộc đừng tham,
Chông gai cay đắng cũng cam một bề....

Do mục đích đào tạo này mà chương trình không bị gò bó, các giáo viên dễ dàng phát huy sáng kiến trong việc dạy và học. Gặp sách nào hay thì đem ra dạy, bài văn, bài thơ nào có ích thì đem ra giảng, thầy trò cùng nhau thảo luận, nhờ thế học sinh thu nhận được nhiều kiến thức, nhiều tư tưởng hay, biết được nhiều văn thơ có giá trị của các nhà cách mạng, không khí dạy và học sôi nổi, huy động được sự đóng góp ý kiến của học sinh làm cho bài giảng thêm phong phú, sinh động.

Với nội dung và phương pháp giáo dục tiên tiến đó, trường Phú Lâm đã nhanh chóng trở thành một mô hình giáo dục mới để các trường tân học trong tỉnh cũng như các nơi khác đến tham quan, khảo sát, phong trào học chữ quốc ngữ lên cao, nhiều trường tân học được mở ra, các sĩ phu Hà Nội cũng cử một đoàn do Dương Bá Trạc dẫn đầu vào Quảng Nam đến tận Phú Lâm nghiên cứu cách tổ chức để về Hà Nội thành lập trường Đông Kinh nghĩa thục.

Hoạt động mạnh mẽ của các trường tân học làm cho thực dân Pháp lo sợ. Charles, công sứ Pháp ở Quảng Nam đã báo cáo:

"Hội kín ở Quảng Nam tiếp tục công cuộc tuyên truyền chống Pháp và tư tưởng quốc gia. Trong hai phủ Thăng Bình và Tam Kỳ họ nắm các trường học và điều hành việc dạy học. Họ trao cho học sinh những tài liệu kích thích tinh thần yêu nước, hận thù quân xâm lược, xem thường cái chết. Mỗi người phải sẵn sàng hi sinh cho Tổ quốc. Thật là những bài học tuyệt vời về chí khí, chỉ tiếc là chúng ta một ngày kia phải trả giá cho sự giáo dục ấy mà thôi.

Tôi có trong tay một số bài được phổ cập trong các trường.Có những tiêu đề rất gợi cảm: "Khóc cho thân phận con em An Nam", "Sự diệt vong của một đất nước", tác giả là Sào Nam tử... Nhiều bài được viết bằng văn nôm để mọi người dễ đọc, dễ hiểu...

Trong các trường, ngoài việc giáo dục tư tưởng cho thế hệ trẻ, chúng còn được rèn luyện thân thể. Trong các làng ở hai phủ Thăng Bình và Tam Kỳ các thanh niên từ 18 đến 30 tuổi tập đi đứng, thao diễn theo kiểu nhà binh với sự huấn luyện của các tên lính cũ được huy động ra dạy". (3)

Các trường Tân học đang trên đà phát triển ào ạt thì đến tháng 3 năm 1908, phong trào kháng sưu khất thuế nổ ra ở Quảng Nam rồi nhanh chóng lan ra các tỉnh miền Trung, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp, bắt bớ giam cầm các lãnh tụ cách mạng, trường Phú Lâm cũng như các trường tân học khác đều bị đập phá tan tành.

Trong Bản điều trần ngày 8/4/1912 bằng Pháp văn, viết tại Paris, Phan Châu Trinh kể lại cảnh tượng trường tân học Phú Lâm lúc ấy như sau: "...Trong làng đã lập một trường học cho nam sinh, một trường học cho nữ sinh và một trường học cho học sinh nghèo, có một thầy giáo dạy tiếng Pháp, một thầy dạy quốc ngữ và một cô giáo dạy quốc ngữ và chữ Hán. Tổng số học sinh trên 150 cháu. Sau khi biết các hành động dã man của đội lính khố xanh, các thầy cô giáo ấy đã bỏ trốn. Các sĩ quan và lính khố xanh đã đến và biến trường học thành chuồng ngựa và chỗ ở cho vợ lính. Vợ lính chiếm dụng đồ đạc bằng gỗ và chẻ bàn ghế cũ ra làm củi. Người anh con cô tôi, lý trưởng Lê Cơ đã nói ở trên, bị kết án 3 năm khổ sai. Cô giáo cũng là chị họ tôi bị giải lên tỉnh lỵ, tay trói, cổ đeo gông; may thay một bà đầm tốt bụng đã can thiệp cho cô được tha". (4) 
         
Trường tân học Phú Lâm hoạt động chỉ được 4 năm (1904-1908), khoảng thời gian tuy không dài, nhưng đã có một ảnh hưởng lớn lao trong quần chúng nhân dân Phú Lâm cũng như các vùng lân cận.

Trường là nơi tuyên truyền, vận động cách mạng, phổ biến những chủ trương, đường lối của phong trào Duy Tân, thực hiện mục tiêu "khai dân trí", mở mang kiến thức cho nhân dân. Mục tiêu và phương pháp giáo dục ở trường Phú Lâm nói riêng và các trường Duy Tân nói chung, tuy chưa hoàn hảo, nhưng có nhiều điểm rất mới mẻ, tiến bộ đặc biệt là chủ trương học để mở mang trí tuệ chứ không phải học để thi rất là cách mạng. Có thể nói đó là nền giáo dục toàn diện nhằm đào tạo một mẫu người toàn vẹn với một bộ óc sáng suốt trong một thân thể tráng kiện, nền giáo dục đó rất thực dụng và có tính cách hướng nghiệp.

Một thế kỷ đã trôi qua, đất nước đã hoàn toàn thay đổi, nhưng ngày nay nhìn lại, nền giáo dục đó vẫn có nhiều ưu điểm để chúng ta suy gẫm, học tập và phát huy.

Châu Yến Loan

Chú thích:

(1)Trần Ngọc Chương, Sơ thảo lịch sử phong trào yêu nước chống Pháp huyện Tiên Phước.
(2), (4) Bản điều trần bằng Pháp văn của Phan Châu Trinh ngày 8/4/1912 tại Paris. Lê Thị Kinh, Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới, Q.4, T.1, tr 276.
(3) Lê Thị Kinh, SĐD, Q.1, T.1, tr.50,51.