www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Tìm về câu hát ngõ nguồn

Nằm về phía tây nam Quảng Nam, Tiên Phước là vùng đất bán sơn địa, có tính chất đặc thù của tiểu vùng địa lý riêng biệt, với những đồi núi thoai thoải điệp trùng, những mảnh ruộng bậc thang con con trải hai bên sườn đồi. Vùng đất này đã thấm đẫm bao mồ hôi, nước mắt và xương máu, nhưng đồng thời vẫn thắm đượm biết bao nghĩa tình nơi chân chất thôn quê:

Sông Tiên nước chảy ngược dòng,

Ai ơi tới đó cho lòng vấn vương.

Qua hàng chục thế kỷ tồn tại, từ thuở gian khó của buổi đầu mở cõi khai hoang dựng làng lập ấp, Tiên Phước đã định hình được sắc thái riêng của một vùng đất với những tên làng nổi tiếng trong Xứ Quảng như Tài Đa, Thạnh Bình, Hội An, Tiên Hội, Thanh Hà, Phú Lâm, Cẩm Y…cho đến những tên sông đã đi vào huyền thoại như sông Trạm, sông Yên, sông Cà Đong… nằm ven các làng mạc trù phú với những đồi chè, vườn cau, tiêu, quế quanh năm bốn mùa hoa trái:

Mình em trăm vạn nổi lo,

Cây tiêu mới lớn, ai dò hạt sau.

… Em thương anh trầu hết lá hương,

Cau hết nữa vườn, cha mẹ chẳng hay.

Trong dòng chảy của lịch sử, vùng đất Tiên Phước là nơi tụ hội và lập nghiệp của biết bao thế hệ cư dân người Việt từ Thanh - Nghệ ở phương Bắc vào đây, cộng với rất nhiều nhóm cư dân ở các làng xã thuộc Quảng Nam, để hình thành cộng đồng cư dân. Tiên Phước là vùng đất trung du, như “chiếc đòn gánh” giữa đồng bằng và miền sơn cước, nơi dừng chân, là chiếc cầu nối giao lưu và tiếp biến văn hóa, đây cũng là nơi buôn bán tấp nập, trao đổi hàng hóa thổ sản giữa miền xuôi và miền ngược. Bởi vậy, Tiên Phước chính là cửa ngõ án ngữ phía tây nam của Xứ Quảng mà từ rất xa xưa trong sách sử và các thương nhân thường hay gọi là “Xứ ngõ nguồn” là vậy:

Rủ nhau đi tắm sông Tiên,

Ăn cơm sông Trạm, kết nguyền Trà My.

Quá trình hội tụ, khai phá và phát triển trong mấy trăm năm đã tạo nên con người nơi đây đủ bản lĩnh để tồn tại và không ngừng vun đắp phát triển. Bản sắc văn hóa Tiên Phước có sự trầm tích, lắng đọng sâu xa những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông xưa, làm nên sức mạnh diệu kỳ và trường tồn trong tinh thần dân tộc mà cốt lõi tinh túy nhất vẫn là văn hóa dân gian, ghi dấu nơi có cuộc sống thanh bình và hiền hòa của vùng đất trung du:

Gặp nhau ở bến sông Tiên,

Cá đừng quên lội, chim chuyền quên bay.

Tiên Phước cũng là vùng đất vốn có truyền thống hiếu học, nơi sinh thành và nuôi dưỡng nhiều nhân tài của Xứ Quảng. Đây là quê hương của những nhà khoa bảng danh tiếng bậc nhất: Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng, một trong “Tứ hổ” Quảng Nam; Phó bảng Phan Châu Trinh, một trong“Tứ kiệt” Quảng Nam; Giải nguyên Phó bảng Lê Vĩnh Khanh, Phó bảng Thị giảng học sĩ - Tế tửu Quốc tử giám Nguyễn Đình Tựu…các danh nhân chí sĩ đều xuất thân từ gia đình nghề nông, trồng chè, làm nương rẫy như Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã lấy hiệu “Mính Viên: Vườn chè” để nói về nguồn gốc gia đình của cụ. Tiên Phước tuy còn nghèo khó, nhưng nơi đây từ xưa vốn nổi tiếng là một trong những vùng đất học của Quảng Nam. Với hoàn cảnh lịch sử và yếu tố địa văn hóa như vậy nên người Tiên Phước rất coi trọng và luôn đề cao việc học:

Chẳng tham bồ lúa anh đầy,

Tham ba hàng chữ làm thầy thế gian.

Hay:

Non cao biển cả,

Con chim trả trả đi tìm mồi,

Khi mô vật đổi sao dời,

Đất Tiên Phước mới hết người tài hoa.

Tuy là đất học, nhưng sĩ phu Tiên Phước không thuộc loại người “cầu vinh, cầu danh, cầu lợi” mà luôn trọng “thực học”, quyết chí dấn thân để cống hiến “khai trí, trị sinh” cho quê hương, cho dân tộc như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng. Và có những nhân tài tuy không đỗ đạt cao, nhưng tên tuổi đã ghi vào sử sách với tư tưởng và hành động yêu nước canh tân hoặc khí khái không chịu sự áp bức của cường quyền như Lê Vĩnh Huy, Lê Cơ, Trần Huỳnh… Cho nên trong văn học dân gian của Xứ Quảng, chỉ ở Tiên Phước mới có câu ca nói lên sự dấn thân hy sinh của các chí sĩ chốn quan trường, mà ở quê nhà, những người mẹ, người vợ vẫn tần tảo một lòng sắt son chung thủy:

Chàng ra đi biển Thánh rừng Nho,

Thiếp ở nhà khôn liệu khéo lo trăm bề.

Thường ngày dắt mẹ lên non cao,

Hái trái cây nuôi mẹ, trả công lao cho trọn bề.

Tai nghe chàng đã chiếm bảng trường thi,

Được trung mất hiếu, có khi vua đày.

Thiếp ở nhà không biết không hay,

Đêm đêm nhớ mẹ, ngày ngày nhớ anh.

Đồng hành và thăng trầm cùng với Xứ Quảng, Tiên Phước tự hào là đã chắt chiu chứa đựng trong lòng văn hóa dân tộc ấy cả đạo lý, cả tình yêu cuộc sống, niềm tin hy vọng vào những tồn tại vĩnh hằng của những giá trị nhân văn không bao giờ có thể mất mà biết bao các thế hệ tiền nhân đã xây dựng, đắp bồi để hôm nay chúng ta đang nối tiếp kế thừa và gánh vác trách nhiệm phát huy giá trị văn hóa ấy hơn nữa.

Tiên An có đất Eo Bò,

Có cầu sông Trạm, gió lò Hang Dơi.

Ai ơi hãy đến đây chơi,

Đất nghèo quê mẹ đầy vơi nghĩa tình.

Hay:

Đường về Tiên Phước quanh quanh,

Có con cò trắng đậu cành thương thương.

Sông Tiên nước chảy đôi đường,

Ai về nhắn bậu người thương vẫn chờ.

Là một bộ phận không thể tách rời của nền văn hóa dân gian, văn học dân gian vùng quê nghèo Sông Tiên cũng lưu giữ trong nội tại những yếu tố truyền thống vững bền và đồng thời cũng đã tạo dựng một sắc thái văn hóa riêng có của cộng đồng cư dân giàu tình yêu quê hương đất nước, rất trung dũng kiên cường nhưng cũng thấm đượm biết bao nghĩa tình, rất có nghị lực nhưng cũng đầy hoài bảo. Khát vọng vươn lên trong cuộc sống đã tạo nên con người Tiên Phước có tâm hồn và lối sống rất “tĩnh tại”:

Tiên Cẩm là đất anh hùng,

Ba mươi bom nổ, mùng mười sắn lên.

Hay:

Tiên Sơn là đất anh hùng,

Lòng dân sau trước kiên trung vững vàng.

Vì thế, văn học dân gian Tiên Phước rất xứng đáng chiếm vị trí quan trọng trong tổng thể bức tranh đa sắc màu của văn học dân gian Xứ Quảng, đã xác lập và định vị một phong cách/motif riêng, một hình thái đặc thù trong ngôn ngữ nghệ thuật biểu cảm và nhất là trong tư tưởng nhân ái, nhân hòa, hướng thiện, bao dung, yêu cuộc sống và con người, luôn học hỏi tìm tòi để hướng tới một tương lai, một chân trời mới trên nền tảng tính nhân sinh của văn hóa dân tộc:

Tay bưng dĩa muối, chén gừng,

Mưa phai nắng nhạt xin đừng bỏ nhau.

Văn học dân gian vùng Tiên Phước đã song hành tồn tại cùng với lịch sử hàng trăm năm, và là dòng chảy không ngừng, lúc thác ghềnh dữ dội nhưng cũng có lúc hiền hòa êm đềm như lời ru của mẹ, câu hát xưa của bà:

Thân em như hạt cau khô,

Kẻ thân chuộng mỏng, người sơ chuộng dày.      

Bớ người ơn trượng đến đây,

Nắng ba năm không lợt, sao mưa một ngày vội phai?

Từ thế hệ này qua thế hệ khác, văn học dân gian vùng Tiên Phước đã luôn luôn vận hành, vận động, giao lưu, đan xen và tiếp biến để chắt lọc những tinh túy của hồn cốt dân tộc, tạo nên một sự phát triển liên hoàn mà vẫn rất độc đáo. Đó chính những nét đẹp giá trị của văn học dân gian Tiên Phước. Như một cánh hoa sim, hoa mua, trưởng thành trên đất rừng khô cằn, kín đáo tỏa hương sắc mà vẫn khiêm nhường ẩn mình trong rừng cao đại ngàn. Hiếm thấy vùng đất nào ở Xứ Quảng, tính cách đậm nét qua phương ngữ bản địa nhưng khi thể hiện ở văn học dân gian Tiên Phước lại tạo ra cung bật nghe như giai điệu:

Tau về ngõ ni có bụi chà ran,

Mi về ngõ nứ(1) có hang ông hùm.

… Tau về ngõ ni có bụi chà là,

Mi về ngõ nứ có ông già(2) ních mi.

Hay:

          Một ngày nố(3) nghĩa dâu gia,

Ơn đền nghĩa trả, thiếp đi ra lại(4) chồng.

Nhớ khi miếng thuốc nỏ(5) nồng,

Miếng trầu cay đắng, phải không, ân cần.

Văn học dân gian Tiên Phước chính là tấm gương trong sáng để chúng ta soi thấy lòng mình trong tâm hồn và tư tưởng nhân văn của ông cha, đã và đang còn rất nhiều điều kỳ diệu tiềm ẩn, thu hút để khám phá về nghĩa tình sâu nặng của vùng đất với hương thơm dịu dàng mà không bao giờ phai nhạt cái đẹp chân chất của những hoa cau kín đáo:

Ai về nhắn với người thương,

Buồng cau chín đỏ, trầu hương đã vàng.

Lòng anh cứ thẳng một đàng,

Dẫu mòn bia đá, đò ngang vẫn chờ.                                     

                            Nhà báo Nguyễn Phước Tôn Thất Hướng 

Chú thích: Phương ngữ Tiên Phước

(1) Nứ (Biến thể của từ Nớ): Phía bên kia

(2) Ông già: tên gọi kiêng cử của hổ, cọp

(3) Nố: Chúng nó

(4) Lại: Lấy