Tiên Sơn căn cứ tỉnh ủy Quảng Nam
Xã Tiên Sơn cùng với các xã Tiên Cẩm, Tiên Hà (thường gọi là Sơn- Cẩm- Hà) nằm trong một vùng đồi núi, địa hình phức tạp và có vị trí chiến lược của huyện Tiên Phước. Phía đông giáp xã Tam Phước, huyện Phú Ninh; Tây giáp xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức; phía Nam giáp xã Tiên Hà và Tiên Cẩm, huyện Tiên Phước; phía Bắc giáp xã Bình Lãnh và Bình Trị, huyện Thăng Bình.
Chính vị trí đó, trong những năm kháng chiến chống Mỹ (từ năm 1962 - 1975) xã Tiên Sơn, cũng như các địa phương khác của huyện Tiên Phước được Tỉnh ủy, Tỉnh đội và các cơ quan của tỉnh Quảng Nam chọn đứng chân chỉ đạo phong trào cách mạng. Riêng thôn 3, xã Tiên Sơn là nơi cơ quan Tỉnh ủy về đứng chân lâu nhất (2 lần) và cũng từ đây Tỉnh ủy Quảng Nam đã có những quyết định quan trọng trong sự nghiệp giải phóng quê hương.
Cơ quan Tỉnh ủy đứng chân tại xã Tiên Sơn trong những năm kháng chiến chống Mỹ:
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Cơ quan Tỉnh ủy Quảng Nam có 2 lần đứng chân hoạt động tại xã Tiên Sơn.
Lần thứ nhất từ cuối năm 1963 đến cuối năm 1965: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra đời đã thổi bùng lên ngọn lửa “Đồng Khởi” khắp miền Nam. Ở Quảng Nam, phong trào đấu tranh theo phương châm “2 chân, 3 mũi giáp công” được đẩy mạnh.
Tại huyện Tiên Phước, sau khi ta giải phóng Tiên Lãnh, Tiên Ngọc (30/10/1961), làm chủ 2 xã, phát động nhân dân lập chính quyền cách mạng. Để trực tiếp lãnh đạo nhân dân bảo vệ và giữ vững vùng giải phóng, lúc này cơ quan Tỉnh ủy và Tỉnh đội Quảng Nam chuyển về đóng trong nhà dân tại thôn 8, xã Tiên Lãnh.
Ngày 25 tháng 9 năm 1962, ta mở chiến dịch “Vượt sông Tiên”, giải phóng 3 xã Tiên Sơn – Tiên Cẩm – Tiên Hà, bấy giờ địch gọi là Phước Sơn, Phước Cẩm, Phước Hà. Từ thắng lợi này đã tạo bàn đạp tiến xuống vùng đồng bằng các huyện Tam Kỳ, Thăng Bình, Quế Sơn. Cuối năm 1962, Tỉnh uỷ Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức hội nghị tại làng Gia, Nà Cau (Tiên Lãnh). Chấp hành Nghị quyết của Khu uỷ 5, Hội nghị quyết định chia Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai tỉnh: Quảng Nam và Quảng Đà để đáp ứng yêu cầu chỉ đạo chiến tranh trong tình hình mới. Xã Tiên Sơn thuộc địa giới tỉnh Quảng Nam của ta và địa giới tỉnh Quảng Tín của địch. Tiếp đó, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam tiến hành Đại hội lần thứ V.
Sau Đại hội, ta phải đối phó với các cuộc càn quét lớn và dài ngày của địch đánh phá vào cơ quan đầu não của Khu ủy 5 tại Nước là và vùng giải phóng. Chúng liên tiếp mở các chiến dịch “Bình Châu” kéo dài từ tháng 7 đến tháng 12 năm 1963, nhằm đánh vào 10 xã, giáp 3 huyện: Tiên Phước, Thăng Bình, Tam Kỳ nhằm chiếm lại vùng giải phóng của ta. Trước sự đánh phá quyết liệt của địch, tháng 7 năm 1963, cơ quan Tỉnh ủy lại chuyển về đứng chân tại thôn 3, xã Tiên Phong.
Chiến dịch “Bình Châu” của địch bị thất bại, quân dân huyện Tiên Phước được tuyên dương toàn Khu về thành tích chống càn. Vùng giải phóng được giữ vững và mở rộng. Cuối năm 1963, khu vực Sơn – Cẩm – Hà được các cơ quan của Tỉnh ủy, Tỉnh đội và các ngành của tỉnh về đóng tại đây. Riêng cơ quan của Ban Thường vụ và Văn phòng Tỉnh ủy về đứng chân tại xóm Ông Huệ thôn 3, xã Tiên Sơn, sau đó chuyển đến ở tại nhà Bà Hòe, thôn 1, xã Tiên Cẩm, có thời gian chuyển về thôn 1, xã Tiên Hà nhằm đánh lạc hướng sự theo dõi của địch. Nhưng thời gian ở lâu nhất là thôn 3, xã Tiên Sơn.
Đầu năm 1965, Mỹ ồ ạt đổ quân vào Đà Nẵng, đến đầu tháng 5 năm 1965 chúng đổ bộ vào Chu Lai, liên tiếp mở các chiến dịch hành quân càn quét, đánh phá vùng giải phóng của ta, trước tình hình đó cơ quan Tỉnh ủy Quảng Nam và các ban ngành khác phải di chuyển về thôn 6 xã Kỳ Quế (nay thuộc lòng Hồ Phú Ninh) cuối năm 1965; rồi về thôn 6, Kỳ Quế, thôn 4, Kỳ Sơn, Tam Kỳ. Sau xuân Mậu Thân 1968, địch tiến hành đánh phá ác liệt vùng giải phóng của ta, cơ quan Tỉnh ủy lại chuyển về thôn 1, xã Kỳ Sơn; có lúc chuyển lên đứng ở nóc Ông Đề (nay thuộc xã….) ; đến tháng 7 năm 1969, chuyển về thôn 1 xã Phước Tiên (nay thuộc xã Tiên Thọ); tháng 11 năm 1969 chuyển về xã Trà Cót (Bắc Trà My).
Lần thứ hai từ tháng 01 năm 1973 đến tháng 3 năm 1975:
Sau những thất bại liên tiếp về mặt quân sự trên chiến trường miền Nam. Đặc biệt là thất bại cuộc tập kích B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng cuối năm 1972. Ngày 30 tháng 12 năm 1972, Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, chấp nhận ký Hiệp định Pa-ri chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27 tháng 01 năm 1973.
Sau Hiệp định Pa-ri, phong trào cách mạng trong tỉnh có sự chuyển biến mới, nhiệm vụ cách mạng của chúng ta lúc này là tập trung mọi nguồn lực, huy động sức người sức của tiến tới giải phóng hoàn toàn quê hương. Trước nhiệm vụ mới, cơ quan Tỉnh ủy Quảng Nam lại chuyển về đóng chân tại thôn 3, xã Tiên Sơn để chỉ đạo phong trào cách mạng; các cơ quan của tỉnh Quảng Nam cũng chuyến về đóng ở khu vực này như: UBND Cách mạng tỉnh Quảng Nam, Tỉnh đội, An ninh, Tài Mậu, Giáo dục, Dân y, Ban Giao vận, Kho tàng đã chuyển về đóng quân tại đây. Đây là lần thứ hai và là lần đứng chân lâu nhất và có những quyết định quan trọng góp phần giải phóng quê hương tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam.
III. Vai trò chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Nam tại căn cứ Tiên Sơn:
- Phát động quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ và hợp pháp đấu tranh với địch bằng phương châm hai chân, ba mũi giáp công.
Sau khi về đứng chân tại thôn 3, xã Tiên Sơn. Cơ quan Tỉnh ủy Quảng Nam vừa chỉ đạo phong trào cách mạng trong toàn tỉnh, vừa chuẩn bị nội dung Đại hội Đảng bộ Quảng Nam lần thứ VI.
Tháng 12 năm 1964, tại Đồng Linh, xã Bình Phú, huyện Thăng Bình – vùng tiếp giáp với khu vực Sơn- Cẩm- Hà, Đảng bộ Quảng Nam tiến hành lần thứ VI, Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ là “Động viên toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân trong tỉnh nỗ lực liên tục tiến công địch, phá ấp, phá kìm giành lại toàn bộ nông thôn đồng bằng, xây dựng vùng giải phóng thành căn cứ vững mạnh liên hoàn, đẩy mạnh hơn nữa công tác thành phố, nhất là xây dựng phát triển thực lực cách mạng trong nội ô; ra sức xây dựng miền núi vững mạnh về mọi mặt...”.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội, Tỉnh ủy quyết định mở chiến dịch Xuân 1965 lấy tên “Chiến dịch Nguyễn Văn Trỗi” cùng với toàn khu. Sau chiến dịch Xuân 1965, vùng giải phóng của tỉnh Quảng Nam từ Quế Sơn, Thăng Bình, Nam Tam Kỳ, Bắc Tam Kỳ, Tiên Phước liên hoàn với miền núi bao gồm 54 xã và 66 thôn với 300.000 dân nối liền với vùng giải phóng tỉnh Quảng Đà. Địch co cụm ở nội ô thị xã Tam Kỳ, các quận lỵ thị trấn và cứ điểm ở dọc quốc lộ I. Do đó, đường hành lang từ vùng đông lên vùng tây của tỉnh và các huyện thông suốt.
- Chỉ đạo chiến dịch giải phóng Tiên Phước - Phước Lâm góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam năm 1975:
Sau Hiệp định Pa-ri, cơ quan Tỉnh ủy về đóng tại thôn 3, xã Tiên Sơn. Từ đó đến tháng 3 năm 1975, Tiên Sơn trở thành căn cứ địa cách mạng vững chắc của tỉnh Quảng Nam. Các cơ quan Tỉnh ủy, Tỉnh đội, Ban Tài Mậu, An Ninh, Ban Giao tế, Y tế, Giáo dục, Kho tàng đã chuyển về đóng quân tại đây. Tại đây, Tỉnh ủy Quảng Nam đã có những quyết định quan trọng góp phần giải phóng quê hương tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam.
+ Đại hội Đảng bộ Quảng Nam lần thứ IX – Đại hội cuối cùng trong kháng chiến chống Mỹ, đề ra phương hướng nhiệm vụ mới cho giai đoạn bước ngoặt của sự nghiệp giải phóng hoàn toàn quê hương Quảng Nam.
Sau Hiệp định Pa-ri, chúng ta xuất hiện tư tưởng hữu khuynh, một bộ phận cán bộ chiến sĩ và nhân dân có biểu hiện mệt mỏi, địch đánh nơi nào đối phó nơi đó, không chủ động chuẩn bị kế hoạch đánh địch vì sợ vi phạm Hiệp định, một số khác có biểu hiện ảo tưởng hoà bình, buông lỏng tiến công.
Trước tình hình đó, tháng 7 năm 1973, Hội nghị lần thứ 21 Ban chấp Trung ương Đảng khóa III phê phán những biểu hiện “lừng chừng”, “hữu khuynh trong việc đối phó với địch”. Hội nghị khẳng định con đường cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng, xác định phương châm của cách mạng miền Nam là đánh địch phá hoại hiệp định Pa-ri, không những chỉ đánh trả mà còn phải phản công lại, tấn công cả vào căn cứ và sào huyệt của chúng.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, từ ngày 10 - 20 tháng 3 năm 1973, tại thôn 1 xã Tiên Sơn, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam khai mạc. Đại hội đề ra nhiệm vụ của Đảng bộ trong giai đoạn tới là: Ra sức khắc phục khó khăn, đẩy mạnh tấn công địch, đánh bại mọi âm mưu mới của địch; đấu tranh đòi địch thi hành hiệp định, giữ gìn hòa bình; ra sức xây dựng thực lực mọi mặt, đẩy lên một cao trào chính trị mạnh mẽ ở vùng địch, khẩn trương xây dựng căn cứ địa (cả miền núi và đồng bằng) một cách toàn diện thành hậu phương vững chắc. Đại hội cũng đề ra nhiệm vụ xây dựng chính quyền, mặt trận và đoàn thể vững mạnh, tranh thủ thời cơ, đẩy mạnh phản công và tiến công địch. Đại hội đã tổng kết một cách toàn diện các mặt hoạt động của Đảng bộ suốt trong những năm dài kháng chiến chống Mỹ, đề ra phương hướng và nhiệm vụ mới cho giai đoạn có tính chất bước ngoặt của sự nghiệp giải phóng hoàn toàn quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng. Đại hội đã thổi luồng sinh khí mới vào phong trào cách mạng trong tỉnh, làm dấy lên phong trào thi đua giết giặc lập công trong cán bộ, đảng viên trên cả ba mặt trận quân sự, chính trị, binh vận.
Thời gian này Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo phát động quần chúng ở các khu dồn bung mạnh về làng cũ làm ăn, đồng thời lựa chọn nhiều cán bộ cơ sở và một số đồng chí trẻ, khỏe ở các cơ quan, đơn vị đưa về Trường T74 (Trường Đảng của Khu 5) mở tại Trà My, do đồng chí Hồ Nghinh - Ủy viên Ban Thường vụ Khu ủy 5 phụ trách, huấn luyện về phương pháp phát động quần chúng ở vùng địch kiểm soát, kinh nghiệm tiếp quản và hoạt động ở đô thị, chuẩn bị cho chiến dịch xuân 1975.
+ Hội nghị Tỉnh ủy tháng 2 năm 1975 quyết tâm giải phóng Tiên Phước – Phước Lâm, mở màn chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam 4 năm 1975.
Thực hiện Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ IX. Cuối năm 1974 đầu năm 1975, những chiến thắng dồn dập của quân và dân ta trên khắp chiến trường miền Nam, làm cho nguỵ quân, nguỵ quyền suy sụp hẳn, thế và lực của ta mạnh lên gấp nhiều lần, tạo thời cơ chiến lược để Trung ương Đảng quyết định giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975.
Đầu tháng 02 năm 1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn thị xã Buôn Ma Thuột làm mục tiêu chủ yếu cho trận then chốt mở màn chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975. Quân khu 5 đảm nhận mở chiến dịch Tiên Phước - Tam Kỳ nhằm phối hợp với hoạt động tiến công của bộ đội chủ lực Mặt trận Tây Nguyên.
Tại chiến trường Quảng Nam, sau chiến thắng Nông Sơn - Trung Phước và Thượng Đức, phong trào cách mạng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Vùng cách mạng được củng cố và xây dựng vững chắc. Trước tình hình đó, đầu tháng 2 năm 1975, Tỉnh ủy Quảng Nam họp tại thôn 1, xã Tiên Sơn ra nghị quyết: Động viên sự nỗ lực lớn nhất của Đảng bộ, của lực lượng vũ trang, của nhân dân các dân tộc trong tỉnh với quân chủ lực quân khu thực hiện mục tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, phá hủy phương tiện chiến tranh, giải phóng quận lỵ Tiên Phước - Phước Lâm và các xã vùng đông và tây Thăng Bình, bắc Tam Kỳ tạo thế bao vây tỉnh lỵ Quảng Tín. Ta chọn Tiên Phước - Phước Lâm để mở màn chiến dịch vì đây là căn cứ địch cắm sâu vào vùng ta, ta có điều kiện bao vây, chia cắt để tiêu diệt địch triệt để.
Ngày 10 tháng 3 năm 1975, ta tiến công giải phóng Tiên Phước - Phước Lâm. Chiến thắng Tiên Phước - Tam Kỳ thể hiện vai trò sáng tạo của Ban Thường vụ Khu ủy 5 và Bộ Tư lệnh Quân Khu 5 trong việc chấp hành chỉ thị của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, kịp thời nắm vững thời cơ để giành thắng lợi to lớn.
Việc giải phóng Tiên Phước - Phước Lâm tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải phóng các huyện đồng bằng, đặc biệt là tạo bàn đạp để tấn công vào cơ quan đàu não của địch tại tỉnh lị Quảng Tín. Mặt khác, tạo được hành lang bảo vệ chiến khu ở miền núi phía tây của cách mạng khu 5.
Ngày 24 tháng 3 năm 1975, ta giải phóng hoàn toàn Tam Kỳ, cơ quan Tỉnh ủy chuyển về thị xã Tam Kỳ. Có thể nói tại Tiên Sơn, Tỉnh ủy Quảng Nam đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử chỉ đạo quân và dân tiến hành thắng lợi sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn quê hương.
Tiên Sơn – sự lựa chọn đúng đắn để xây dựng căn cứ của cơ quan Tỉnh ủy Quảng Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
Căn cứ địa cách mạng là một vấn đề có tính chiến lược trong cách mạng Việt Nam. Việc xây dựng căn cứ địa cách mạng có ý nghĩa to lớn, tạo chỗ đứng chân cho lực lượng cách mạng, đảm bảo cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đi đến thắng lợi. Ở Quảng Nam, qua hai cuộc kháng chiến, Tỉnh ủy luôn chọn địa bàn miền núi để xây dựng căn cứ địa cách mạng. Đây không chỉ là sự lựa chọn khách quan mà còn là điều kiện nhằm đảm bảo cho sự lãnh đạo của Tỉnh ủy đối với phong trào cách mạng ở địa phương.
Thực tế cho thấy, Tỉnh ủy Quảng Nam chọn Tiên Sơn, Tiên Phước làm nơi đứng chân lãnh đạo phong trào cách mạng ở Quảng Nam là một sự lựa chọn đúng đắn, vì xã Tiên Sơn nằm ở vị tiếp giáp của các huyện Tam Kỳ (nay là thành phố Tam Kỳ), Thăng Bình và Hiệp Đức. Đây là vị trí có thể bao quát vùng đồng bằng ở phía Đông nên có vị trí đặc biệt quan trọng về mặt chiến lược quân sự. Mặt khác, Tiên Sơn có địa hình, địa thế vô cùng thuận lợi, một bên là núi Dương Bồ hiểm trở, lại cách tuyến đường giao thông từ Eo Gió không xa. Từ đây xuống đồng bằng như Tam Kỳ, Thăng Bình rất thuận lợi. Nên khi bị địch càn quyét, đánh phá thì các cơ quan của Tỉnh ủy có thể rút lui an toàn.
Tiên Sơn nói riêng và huyện Tiên Phước nói chung là mảnh đất có truyền thống yêu nước và cách mạng, nơi đây là cứ địa quan trọng của Nghĩa hội, là nơi khởi điểm phong trào Duy Tân mà đỉnh cao là “Điển hình Duy Tân” làng Phú Lâm do chí sĩ Lê Cơ lãnh đạo. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng Tiên Phước lại ghi thêm những trang sử chói lọi. Trong 9 năm chống Pháp cùng với Tiên Cẩm, Tiên Hà, xã Tiên Sơn đã tạo thành chiến khu vững chắc và cũng chính tại đây sau khi lên nắm chính quyền bọn Quốc dân Đảng đã tiến hành thảm sát cán bộ, nhân dân ta vô cùng dã man. Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ nơi đây lại trở thành “mảnh đất thánh” của cách mạng khu 5. Chiến dịch giải phóng Sơn – Cẩm – Hà (25/9/1962) và cuộc chiến đấu chống chiến dịch Bình Châu, Dân Chiến của địch trong những năm 1963 – 1964 đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc bảo vệ căn cứ địa của cách mạng để từ đó tiến công xuống giải phóng đồng bằng các huyện Tam Kỳ, Thăng Bình, Quế Sơn và giải phóng hoàn toàn quê hương xuân năm 1975.
Tỉnh ủy Quảng Nam đứng chân hoạt động chỉ đạo cách mạng ở Tiên Sơn là nhờ sự giúp đỡ, che chở đùm bọc của nhân dân. Và cũng chính từ đó có biết bao tấm gương anh dũng của người dân như ông Nguyễn Xin (ông già Nghiêm), để bảo vệ lá cờ Đảng không rơi vào tay giặc trong xuân Mậu Thân 1968, trước khi trút hơi thở cuối cùng ông đã hô vang “Hồ Chí Minh muôn năm”, “đả đảo Mỹ - ngụy”; không ít người dân bị địch xút tát năm lần, bảy lượt nhưng vẫn tìm đường về với cách mạng như bà Võ Thị Lại, Đặng Thị Mai, Nguyễn Thị Điền, Nguyễn Thị Biên hay chị Nguyễn Thị Hợi (Sâm) đã gửi 4 con nhỏ cho đoàn thể chăm sóc, một mình vào sâu trong lòng địch đến tận Tam Kỳ, Thăng Bình... móc nối cơ sở, nắm bắt tình hình địch để cung cấp cho tổ chức và vận động thanh niên về vùng giải phóng và còn nhiều người dân tiêu biểu khác…
Có thể nói Tiên Sơn là nơi Tỉnh ủy Quảng Nam đứng chân lâu nhất (1963 – 1965, 1973 - 1975) và cũng từ đây Tỉnh ủy Quảng Nam đã có những quyết định quan trọng đi đến giải phóng hoàn toàn quê hương Quảng Nam, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam. Chiến tranh đã lùi xa, cùng với huyện Tiên Phước và tỉnh Quảng Nam, Tiên Sơn đang ngày càng đổi thay và phát triển, nhưng bài học về việc chọn nơi đây làm căn cứ của Tỉnh ủy Quảng Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến vẫn còn mang tính thời sự. Vì vậy, việc tổng kết, đánh giá về vai trò, vị trí chiến lược, việc chọn Tiên Sơn làm căn cứ kháng chiến chống Mỹ của quân và nhân dân Quảng Nam là việc làm có ý nghĩa vô cùng to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ đất nước.