Vườn cây trái xanh mướt rộng hơn 1ha ôm trọn lấy căn nhà nhỏ của ông Phạm Văn Tuyết (thôn Hội An, xã Tiên Châu, Tiên Phước). Phía sau và bên hông nhà là 80 gốc bòn bon đã trên 30 năm, 20 gốc măng cụt khoảng 15 năm và khoảng 30 gốc thanh trà. Từng loại cây được trồng ngay hàng thẳng lối.
Theo ông Tuyết, gia đình ông kiên trì với việc xây dựng vườn cây xanh, sạch, đẹp mấy chục năm qua theo định hướng của huyện, vừa tiện chăm sóc, thu hoạch, cũng vừa tạo không gian thông thoáng cho vườn.
Được UBND huyện Tiên Phước hỗ trợ 15 triệu đồng theo Đề án 548, từ năm 2019 đến nay, ông Tuyết chỉnh trang vườn tượt, đầu tư công của trồng hàng trăm gốc chuối, măng cụt, sầu riêng, cau, tiêu… theo hướng xen canh, mật độ vừa phải. Nhờ đất đai màu mỡ, cộng với kinh nghiệm trồng cây ăn quả của ông và tuân thủ hướng dẫn kỹ thuật của huyện mà vườn cây của ông phát triển nhanh.
Thôn Tiên Tráng, xã Tiên Hà nay được xem là “thủ phủ” cam giấy của Tiên Phước với 15ha được trồng chuyên canh. Đây là thành quả sau nhiều năm đầu tư nguồn lực, quy hoạch đất đai, chuyển đổi cây trồng của địa phương theo Đề án 548 của UBND huyện Tiên Phước. 70 hộ ở Tiên Tráng được hỗ trợ trồng cam giấy giờ đã có thu nhập ổn định từ loại cây đặc sản này.
Ông Nguyễn Văn Ngân (thôn Tiên Tráng, xã Tiên Hà) cho biết, trong hơn 200 gốc cam mà gia đình đầu tư trồng từ 2017 đến nay đã có 50 gốc cho quả, năng suất đạt khoảng 3,5 tấn. Với giá thành 15 nghìn/kg, gia đình ông có nguồn thu nhập khá, an tâm với cuộc sống tuổi già mà không phải phụ thuộc con cái. “Đây là loại cây bản địa, ít sâu bệnh, không tốn nhiều công chăm sóc, chống chịu gió bão tốt và cho năng suất cao giúp mô hình ngày càng được người dân xã Tiên Hà nhân rộng” – ông Ngân nói.
Ngoài ra, Đề án 548 cũng làm thương hiệu cho tiêu Tiên Phước vững vàng trở thành đặc sản có giá trị cao trên thị trường. Hiện toàn huyện có 160ha tiêu cho doanh thu hằng năm hơn 40 tỷ đồng. Tiêu Tiên Phước đang được định hướng canh tác hữu cơ, có mặt trong chuỗi các sản phẩm OCOP của đại phương.
Nhắc đến Làng cổ Lộc Yên (xã Tiên Cảnh, Tiên Phước) du khách sẽ nhớ đến căn nhà cổ hơn 100 năm tuổi của gia đình ông Nguyễn Đình Hoan. Căn nhà cổ với kiến trúc, hoa văn độc đáo nằm lọt thỏm giữa khu vườn cây trái xum xuê chín mọng. Từng lối đi dẫn vào nhà những bậc đá reo xanh cổ kính xếp chồng lên nhau… Ông Hoan cho rằng, trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia ngoài yếu tố lịch sử, di tích này trở nên có giá trị hơn là nhờ việc chỉnh trang vườn tạp, xây dựng mô hình kinh tế vườn, kết hợp với phát triển du lịch theo Đề án 548.
Không sở hữu “gia sản” văn hóa – lịch sử bề thế như ông Hoan, nhưng ông Trần Phước Chiến (thôn Lộc Yên, xã Tiên Cảnh) cũng biết cách phát huy lợi thế từ vườn nhà để làm du lịch. Ông Chiến tập trung chăm sóc bòn bon, sầu riêng, dựng bờ đá theo từng lối đi vào nhà, vào vườn, chỉnh trang vườn tạp tạo không gian sinh thái.
Nhận hỗ trợ 30 triệu đồng từ Đề án 548, ông Chiến đào thêm ao nuôi cá để tạo điểm trải nghiệm cho du khách. Ông Chiến bộc bạch: “Làm du lịch từ vườn nhà là câu chuyện “lạ nhưng vui” của người dân xứ này. Khách đi phượt lên đây thưởng thức trái cây ngon, các món ăn đặc sản Tiên Phước hay tự câu cá… rứa mà lại thích thú. Cuộc sống của dân làm vườn chúng tôi trở nên thú vị sau gần 4 năm tham gia Đề án 548”.
Qua gần 4 năm thực hiện Đề án 548, trên địa bàn huyện Tiên Phước có 724 hộ chỉnh trang vườn nhà, trong đó có 522 vườn hộ cơ bản đạt tiêu chí vườn xanh - sạch - đẹp hiệu quả (đạt tỷ lệ 72%). Nhận thức của người dân trong việc xây dựng làm cổng ngõ, di dời chuồng gia súc, xây dựng hầm bioga… ngày càng được nâng cao. Riêng các hộ trong vùng lõi du lịch như Lộc Yên (Tiên Cảnh), Hố Quờn (Tiên Kỳ), Thác Ồ Ồ (Tiên Châu) cũng tham gia bảo vệ cây lưu niên đặc trưng, xây dựng ao cá, hồ cảnh quan…
Qua từng năm, lượng du khách đến tham quan, học tập mô hình kinh tế vườn, mô hình nhà vườn sinh thái trên địa bàn huyện ngày càng tăng. Điều này đang mở ra hướng đi mới phát triển kinh tế vườn bền vững gắn với du lịch sinh thái làng quê.
Qua 4 năm diện tích vườn của toàn huyện Tiên Phước tăng 436ha, có 1.168 hộ tham gia trồng cây ăn quả, giá trị sản xuất kinh tế vườn tăng từ 60 triệu/ha năm 2015 lên 120 triệu/ha năm 2020, thu nhập từ kinh tế vườn đạt 50 triệu/hộ.
Theo đánh giá của Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước Trầm Quế Hương, người dân Tiên Phước đang thay đổi cách làm nông nghiệp truyền thống, từng bước làm giàu từ chính mảnh vườn của mình. Người dân đang là chủ thể thật sự của Đề án 548, đó là mục tiêu quan trọng mà đề án hướng tới.
Đề án được người dân tin tưởng, ủng hộ nên công tác huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế từng vùng, từng địa phương để phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái… được thuận lợi, theo đúng định hướng và lộ trình mà UBND huyện Tiên Phước đặt ra.
“Hiện tại, chúng tôi đang tổ chức quy hoạch đất đai, phát triển sản xuất, hướng dẫn người dân trồng các loại cây theo từng vùng theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa tập trung. Trong đó, phát triển chuỗi liên kết sản xuất với HTX, doanh nghiệp ổn định đầu ra, giúp người dân yên tâm sản xuất là nhiệm vụ quan trọng được các cấp, ngành địa phương vào cuộc triển khai. 28 sản phẩm đã được công nhân nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên, 6 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp tỉnh đang từng bước nâng tầm kinh tế vườn, giải quyết tốt đầu ra nông sản cho người dân ở một số địa phương” – ông Hương cho biết.
Cũng theo ông Trầm Quế Hương, thách thức từ biến đổi khí hậu đang đặt ra những bài toán mà huyện Tiên Phước cần tìm hướng đi để duy trì thành quả đã đạt được và phát triển kinh tế vườn trong tình hình mới.
Tính sơ bộ trong đợt mưa bão cuối năm 2020, có hơn 2.450 ha diện tích cây ăn quả bị thiệt hại trên 30%, tổng thiệt hại hơn 620 tỷ đồng. Tiếp đó, trong đợt hạn hán năm 2021 này, hơn 80% diện tích cây ăn quả không chủ động nước tưới khiến nhiều diện tích cây ăn quả bị khô cháy, không đảm bảo năng suất. Điều này khiến nhiều hộ làm vườn trên địa bàn mất nguồn thu, không đủ kinh phí phục hồi sản xuất.
Tính đến năm 2020, tỷ trọng giá trị sản xuất kinh tế vườn của Tiên Phước đạt hơn 390 tỷ đồng, chiếm 35,7% giá trị sản xuất nông lâm nghiệp toàn huyện. Đây là những quả ngọt đầu tiên từ việc đầu tư đúng hướng và sự đồng thuận cao của người dân trong việc thực hiện các chủ trương, đề án phát triển kinh tế vườn của Tiên Phước. Và hướng đi này không chỉ giúp Tiên Phước hoàn thành các nhiệm vụ chiến lượt đề ra, mà còn mở ra cơ hội để người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững trong tương lai.
Hồ Quân - Nguyễn Quỳnh - Đông Yên - Trương Văn An, Báo Quảng Nam