www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Tiên Phước phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn huyện nông thôn mới

Ngày 24/4/2023, UBND huyện Tiên Phước ban hành Đề án xây dựng huyện Tiên Phước đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2023 - 2025.

 

Một góc nông thôn Tiên Phước hôm nay. Ảnh: HOÀNG HƯNG
Làng quê Tiên Phước. Ảnh: HOÀNG HƯNG 

Mục tiêu đề án nhằm xây dựng huyện đạt chuẩn NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp, đồng bộ; cơ cấu kinh tế và hình thức sản xuất hợp lý, tiên tiến, hiện đại, áp dụng mạnh mẽ tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ vào sản xuất. Gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ, du lịch. Phát huy tiềm năng, thế mạnh kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch nông thôn; xây dựng huyện trở thành huyện trọng điểm phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng.

Thực hiện theo lộ trình tất cả mục tiêu duy trì nâng cao chất lượng xã NTM, xây dựng xã NTM nâng cao, xây dựng thôn NTM kiểu mẫu để đạt mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2025; đồng thời thực hiện dần các tiêu chí huyện NTM nâng cao, huyện NTM kiểu mẫu giai đoạn 2026 - 2030.

Tiên Phước phấn đấu năm 2023 có 100% xã (14/14 xã) đạt chuẩn NTM; 2 xã Tiên Phong, Tiên Cảnh đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Đến năm 2025, thực hiện đạt chuẩn 9/9 tiêu chí của Bộ tiêu chí huyện NTM theo Quyết định số 320 của Thủ tướng Chính phủ và đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2025; ít nhất 50/77 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu; thị trấn Tiên Kỳ nâng chất đạt chuẩn văn minh đô thị và hướng đến đô thị loại IV; tỷ lệ hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM của huyện đạt từ 90% trở lên. Năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng.

Đề án đặt ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Trong đó, tập trung đẩy mạnh thu hút dự án đầu tư vào các Cụm công nghiệp Tài Đa (Tiên Phong), Rừng Cấm (Tiên Hiệp) và Điểm công nghiệp Tiên Cẩm. Giai đoạn 2023 - 2025, phấn đấu thu hút ít nhất 5 dự án thuộc các ngành may mặc, giày da, chế biến gỗ... với tổng vốn đầu tư ước khoảng 100 tỷ đồng. Giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 - 2.000 lao động, hằng năm nộp ngân sách nhà nước khoảng 20 - 30 tỷ đồng.

Hình thành vùng nguyên liệu phù hợp với quy hoạch và đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình vùng đồi núi với các sản phẩm chủ lực: vùng thanh trà, vùng lòn bon, vùng măng cụt, vùng sầu riêng, vùng cam, vùng chuối, vùng cau, vùng trồng rừng gỗ lớn, vùng cây dược liệu, vùng dó bầu, vùng chăn nuôi bò, vùng chăn nuôi heo, vùng chăn nuôi gà... Xây dựng, hoàn thiện các chuỗi liên kết các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc sản, trồng rừng gỗ lớn, mở rộng diện tích vùng trồng măng cụt lên 1.000ha, hoàn thiện chuỗi giá trị gà thảo mộc Tiên Phước.

Theo đề án, tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước dự kiến thực hiện tiêu chí huyện NTM giai đoạn 2023 - 2025 hơn 742 tỷ đồng; trong đó 119,5 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và tỉnh, 89,4 tỷ đồng từ ngân sách huyện, 533 tỷ đồng từ nguồn vốn lồng ghép.

Đánh giá theo Bộ tiêu chí huyện NTM giai đoạn 2021 - 2025, hiện nay Tiên Phước cơ bản cận đạt 3/9 tiêu chí (quy hoạch; điện; an ninh trật tự, hành chính công). Trong 6 tiêu chí còn lại, mức độ đạt bình quân hơn 60%.

Trong 4 chỉ tiêu điều kiện cần để đạt chuẩn huyện NTM, Tiên Phước đã đạt 1 chỉ tiêu (có 100% số thị trấn trên địa bàn đạt chuẩn đô thị văn minh); 3 chỉ tiêu chưa đạt gồm: có 100% số xã trên địa bàn đạt chuẩn NTM, có ít nhất 10% số xã trên địa bàn đạt chuẩn NTM nâng cao, tỷ lệ hài lòng của người dân trên địa bàn đối với kết quả xây dựng NTM của huyện đạt từ 90% trở lên.

 

 Nam Phương - Báo Quảng Nam