www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Tiên Phước khẩn trương di dời hơn 1.000 hộ dân đến nơi an toàn

Cho đến thời điểm này, huyện Tiên Phước đã tiến hành các biện pháp ứng phó khẩn cấp với bão số 9. Các tổ công tác của UBND huyện Tiên Phước đã đến từng xã, thị trấn và nhà dân để kiểm tra tình hình phòng chống bão lũ.

 

Cây cối được cắt tỉa trước khi bão đổ bộ. Ảnh: D.L
Cây cối được cắt tỉa trước khi bão đổ bộ. Ảnh: D.L

 Tại tất cả các tuyến đường ĐT, ĐH, ĐX đi qua địa bàn các xã, thị trấn đều được người dân chặt tỉa cây cối nhằm hạn chế gãy đổ khi bão đổ bộ. Khuôn viên của các cơ quan, công sở, nhà dân đều tiến hành các biện pháp chằng chống như buộc dây chằng góc mái nhà, đặt bao cát, nước lên mái tôn, cột chặt các cửa sổ...

Người dân khẩn trương đi mua dây thép, vật dụng chống bão để chèn chống nhà cửa. Ảnh: D.L
Người dân khẩn trương đi mua dây thép, vật dụng chống bão để chèn chống nhà cửa. Ảnh: D.L

Hoàn cảnh nhà neo người, chồng bị bệnh khớp, khó khăn trong đi lại, có cháu nhỏ đang bị đau, bà Nguyễn Thị Học (thôn Bình An, thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước) rất lo lắng trước khi bão đổ bộ. Nhà bà Học nằm sát chân đồi đã bị sạt lở từ những trận mưa từ đầu tháng 10.2020 đến nay, nên bà càng thấy sợ. UBND thị trấn Tiên Kỳ đã đưa gia đình bà vào diện phải di dời trước 17 giờ chiều 27.10. Bà Học đồng ý đi tránh bão ngay. 

Bà Học nói: "Tôi đang rất lo lắng, bởi nhà có người đau ốm, có cháu nhỏ. Bởi vậy nên thị trấn nói di dời, tôi đồng ý. Thị trấn hỗ trợ người đưa chồng tôi đi, khuân vác dùm đồ đạc, nên tôi đỡ lo hơn. Đi thì cũng sợ nhà bị hư hỏng do bão hay do sạt lở, nhưng mà tính mạng hơn hết, nên phải đi thôi".

Các mái tôn được chần bao cát, nước. Ảnh: D.L
Các mái tôn được chần bao cát, nước. Ảnh: D.L

Tại xã Tiên Hà, 84 hộ dân có nhà nằm trong diện nguy cơ sạt lở, ngập lụt, nhà tạm bợ, neo đơn đã được xã Tiên Hà phân công các tổ công tác vận động người dân di dời đến những căn nhà kiên cố hơn, đến các địa điểm nhà thôn mà xã đã chuẩn bị sẵn sàng. Tại các điểm cho người dân trú bão, xã Tiên Hà đã chuẩn bị sẵn sàng mì tôm, nước uống, cho người túc trục lo việc ăn ở của người dân. 

Ông Phan Tấn Dũng - Chủ tịch UBND xã Tiên Hà thông tin: "Đến 17 giờ chiều nay 27.10, người dân đã cam kết di dời đến nơi an toàn. Xã đã bố trí các tổ công tác xuống từng nhà dân vận động để họ tránh bão. Mọi phương án chuẩn bị ứng phó với bão đều đã được triển khai như cắt tỉa cây, sẵn sàng xe khi có người bị nạn thì đưa đi cứu thương, đồ ăn thức uống cho người đi di dời. Việc chống bão chỉ được tiến hành trước khi bão đổ bộ, lúc có bão thì người dân được khuyến cáo ở yên trong nhà, không được ra ngoài vì bất cứ lý do gì".

Đến 17 giờ chiều nay, số hộ trong diện phải di dời ở những nơi có nguy cơ sạt lở, ngập lụt và nhà ở tạm bợ, hộ neo đơn, có khả năng bị ảnh hưởng do bão số 9 của toàn huyện là 1.068 hộ. Tất cả các xã, thị trấn đều đang khẩn trương vận động người dân di dời đến nơi an toàn tại các trụ sở UBND, trường học, nhà văn hóa thôn...

Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước Trầm Quế Hương kiểm tra và động viên người dân di dời đến nơi an toàn. Ảnh: D.L
Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước Trầm Quế Hương kiểm tra và động viên người dân di dời đến nơi an toàn. Ảnh: D.L

Ông Trầm Quế Hương - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết: "Huyện đã chỉ đạo đến trước 20 giờ tối nay các xã, thị trấn đều phải hoàn thành việc di dời dân đến nơi an toàn. Huyện đã thành lập 3 tổ công tác đến tất cả 15 xã, thị trấn để kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng chống lụt bão, di dời nhân dân. Ngay sau bão qua đi sẽ là lũ lụt, nên những hộ dân trong vùng ngập lụt cũng phải di dời ngay để tránh bị động, ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng".

Diễm Lệ - Báo Quảng Nam